Sáng thứ Sáu, ngày 03 tháng Hai, sau khi dâng thánh lễ riêng tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Kinshasa, lúc 8g 30 sáng, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở của Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Dân chủ Congo để gặp gỡ các Giám Mục nước này, trước khi ra phi trường quốc tế của thủ đô Kinshasa để bay đi Nam Sudan.
Giáo Hội Công Giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo là một trong những Giáo Hội lâu đời nhất ở khu vực cận Sahara, có từ năm 1491. Vào năm đó, Vua Kongo Nzinga-a-Nkuwu và gia đình của ông đã được cải đạo và rửa tội bởi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha. Ông được kế vị ngai vàng vào năm 1506 bởi con trai của mình, Nzinga Mbemba, người đã cố gắng chuyển Congo thành một quốc gia Công Giáo. Năm 1596, Giáo phận Sāo Salvador được thành lập. Tuy nhiên, Kitô giáo chỉ có thể bén rễ trong xã hội Congo ba thế kỷ sau đó.
Trong bài phát biểu của mình với các Giám Mục nước này, Đức Thánh Cha xin lỗi vì đã khiến các Giám mục phải chuẩn bị hai lần cho chuyến thăm của ngài, vì ngài dự kiến ban đầu sẽ đến thăm vào tháng 7 năm 2022.
Ngài cũng nói với các Giám Mục về sứ mệnh của họ là xây dựng đức tin của người dân Congo và bảo vệ “vẻ đẹp của Tạo hóa” trong khu rừng rộng lớn xanh tươi của Cộng Hòa Dân Chủ Congo.
Ngài nói thêm, Giáo hội địa phương cũng đau khổ với giáo dân của mình trong những thử thách của họ, cũng như vui mừng với niềm vui của họ.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha qua phần trình bày của Túy Vân
Tôi rất vui được gặp anh em và tôi gửi đến anh em lòng biết ơn chân thành vì sự chào đón nồng nhiệt của anh em. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Utembi Tapa vì những lời chúc tốt đẹp nhân danh anh em. Tôi biết ơn về cách mà anh em đã can đảm loan báo niềm an ủi của Chúa, đi giữa dân tộc của anh em và chia sẻ những gian khổ và hy vọng của họ.
Tôi rất vui khi được trải qua những ngày này tại đất nước của anh em, nơi có khu rừng rộng lớn, tượng trưng cho “trái tim xanh” của châu Phi, là lá phổi cho toàn thế giới. Tầm quan trọng của di sản thiên nhiên này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi bảo vệ vẻ đẹp của sáng thế và bảo vệ nó khỏi những vết thương gây ra bởi lòng tham và sự ích kỷ. Khoảng không bao la xanh tươi này là khu rừng của anh em cũng là một hình ảnh nói lên đời sống Kitô hữu của chúng ta. Là một Giáo hội, chúng ta cần hít thở bầu không khí trong lành của Tin Mừng, để xua tan bầu không khí nhơ nhớp của thế gian, để bảo vệ trái tim trẻ trung của đức tin. Đó là cách tôi hình dung về Giáo hội Châu Phi và đó là cách tôi nhìn Giáo hội Congo này: một Giáo hội trẻ trung, năng động và vui tươi, được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành truyền giáo, bởi tin mừng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Chúa Giêsu là Chúa. Giáo Hội của anh em là một Giáo hội hiện diện trong lịch sử sống động của dân tộc này, bắt nguồn sâu xa trong cuộc sống hàng ngày của họ và đi đầu trong hoạt động bác ái. Đó là một cộng đồng có khả năng thu hút những người khác, tràn đầy lòng nhiệt tình dễ lây lan và do đó, giống như những khu rừng của anh em, có rất nhiều “oxy”. Cảm ơn anh em, vì anh em là lá phổi giúp Giáo hội hoàn vũ thở!
Mở đầu đoạn văn bằng hạn từ “buồn” là điều không tốt, nhưng tôi vẫn phải làm! Buồn thay, tôi biết rằng cộng đồng Kitô giáo của vùng đất này cũng có một bộ mặt khác. Thật vậy, khuôn mặt trẻ trung, sáng ngời và cao quý của anh em cũng lộ rõ sự đau đớn và mệt mỏi, đôi khi sợ hãi và nản lòng. Đó là khuôn mặt của một Giáo hội đau khổ vì dân tộc của mình, một trái tim trong đó cuộc sống của dân tộc, với những niềm vui và thử thách, đập một cách lo lắng. Một Giáo Hội là dấu chỉ hữu hình của Chúa Kitô, Đấng thậm chí ngày nay vẫn còn bị bác bỏ, lên án và sỉ nhục nơi nhiều người bị đóng đinh trên thế giới của chúng ta; một Giáo hội khóc bằng nước mắt của họ, và giống như Chúa Giêsu, cũng muốn lau khô những giọt nước mắt đó. Một Giáo hội quan tâm đến việc ôm lấy những vết thương vật chất và tinh thần của con người và làm cho nước hằng sống và chữa lành từ cạnh sườn Chúa Kitô chảy tràn trên họ.
Anh em thân mến, cùng với anh em, tôi thấy Chúa Giêsu đau khổ trong lịch sử của dân tộc này, một dân tộc bị đóng đinh và áp bức, bị tàn phá bởi bạo lực tàn nhẫn, bị hủy hoại bởi những đau khổ vô tội, buộc phải sống với dòng nước nhơ nhuốc của tham nhũng và bất công làm ô nhiễm xã hội, và để chịu cảnh nghèo đói ở rất nhiều con cái của nó. Tuy nhiên, đồng thời, tôi thấy một dân tộc không mất hy vọng, nhưng nhiệt thành đón nhận đức tin và hướng về các mục tử của mình. Tôi thấy một dân tộc có thể quay về với Chúa và phó thác trong tay Người, để nền hòa bình mà họ mong mỏi, mặc dù bị bóp nghẹt bởi sự bóc lột, ích kỷ đảng phái, nọc độc của xung đột và thao túng sự thật, cuối cùng cũng có thể đến như một hồng phúc từ trên cao.
Điều này nêu ra câu hỏi: làm thế nào chúng ta thi hành thừa tác vụ của mình trong hoàn cảnh này? Khi tôi nghĩ về anh em, những người chăn chiên của Dân thánh Thiên Chúa, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của Giêrêmia. Giêrêmia là một ngôn sứ được kêu gọi thi hành sứ mệnh của chính mình vào một thời điểm đầy kịch tính trong lịch sử Israel, giữa những bất công, những tập tục ghê tởm và đau khổ. Ông đã dành cả cuộc đời để tuyên bố rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân tộc của Người và theo đuổi các kế hoạch hòa bình ngay cả trong những tình huống dường như mất mát và không thể cứu vãn được. Tuy nhiên, trước hết, chính Giêrêmia đích thân cảm nghiệm được lời công bố đức tin đầy an ủi này; ông là người đầu tiên cảm nghiệm được sự gần gũi Thiên Chúa. Chỉ bằng cách này, ông mới có thể mang đến cho người khác một lời tiên tri dũng cảm về hy vọng. Thừa tác vụ giám mục của anh em cũng được thực hiện giữa hai thực tại mà giờ đây tôi muốn nói đến: sự gần gũi Thiên Chúa và lời tiên tri cho dân chúng.
Điều đầu tiên tôi muốn nói là, hãy để cho mình được xúc động và an ủi bởi sự gần gũi của Thiên Chúa. Người ở gần chúng ta. Điều đầu tiên Chúa nói với Giêrêmia là: “Trước khi tạo nên con trong lòng mẹ, Ta đã biết con” (Grm 1:5). Đây là lời tỏ tình mà Thiên Chúa đã viết vào trái tim của mỗi người chúng ta, một lời tỏ tình không ai có thể xóa nhòa và, giữa những giông tố của cuộc đời, là nguồn an ủi. Điều quan trọng đối với chúng ta, những người đã được kêu gọi trở thành mục tử của dân Chúa, phải trông cậy vào sự gần gũi này của Chúa, “để hình thành con người của mình trong lời cầu nguyện”, và dành nhiều thời gian trước nhan Người. Chỉ bằng cách này, những người được ủy thác cho chúng ta mới đến gần Vị Mục Tử Nhân Lành hơn và chỉ bằng cách này, chính chúng ta mới trở thành mục tử, vì không có Người, chúng ta chẳng làm được gì (x. Ga 15:5). Nếu không, chúng ta sẽ là những doanh nhân, những “ông chủ”, nhưng không đi theo tiếng gọi của Chúa. Không có Người, chúng ta không thể làm gì được. Chớ gì chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình tự túc, càng không nên nhìn trong chức giám mục một cơ hội để thăng tiến trong xã hội và thi hành quyền lực của nó. Đó là tinh thần xấu xí của “chủ nghĩa nghề nghiệp”. Trên hết, mong sao chúng ta đừng bao giờ mở cửa cho tinh thần thế gian, vì điều này khiến chúng ta diễn giải chức vụ theo các tiêu chuẩn có lợi cho mình. Nó khiến chúng ta trở nên lạnh lùng và xa cách trong việc quản lý những gì được giao phó. Nó khiến chúng ta sử dụng vai trò của mình để phục vụ chính mình thay vì phục vụ người khác, và bỏ qua một mối quan hệ quan trọng, đó là việc cầu nguyện khiêm tốn và hàng ngày. Chúng ta hãy nhớ rằng tính thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, điều tồi tệ nhất. Tôi luôn xúc động ở phần cuối cuốn sách của Đức Hồng Y De Lubac về Giáo Hội, ba hay bốn trang cuối, nơi ngài viết như thế này: tinh thần thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thậm chí còn tồi tệ hơn cả thời các Giáo Hoàng trần tục và có vợ lẽ. Đó là điều tồi tệ nhất. Và tính trần tục luôn rình rập. Vì vậy, chúng ta hãy cẩn thận!
Anh em Giám mục thân mến, chúng ta hãy trân trọng sự gần gũi của chúng ta với Chúa, để trở nên những chứng nhân đáng tin cậy và hùng hồn cho Người và tình yêu của Người giữa dân tộc chúng ta. Chính nhờ chúng ta mà Người muốn xức dầu an ủi và hy vọng cho họ! Anh em là tiếng nói mà Thiên Chúa muốn nói với dân tộc Congo: “Các ngươi là một dân thánh đối với Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Đnl 7:6). Loan báo Tin Mừng, làm sống động đời sống mục vụ và thực thi vai trò lãnh đạo không thể trở thành những ý tưởng ít liên quan đến thực tại cuộc sống hàng ngày. Thay vào đó, chúng phải chạm đến những vết thương và truyền đạt sự gần gũi của Thiên Chúa, để mọi người có thể nhận ra phẩm giá của họ là những người con yêu dấu của Người và học cách ngẩng cao đầu bước đi, không bao giờ hạ thấp mình trước sự sỉ nhục và áp bức. Nhờ anh em, dân tộc này có ân sủng được nghe, bây giờ nói với họ, chính những lời mà Chúa đã nói với Giêrêmia: “Các ngươi là một dân tộc có phúc: trước khi tạo thành các ngươi trong lòng mẹ, Ta đã nghĩ đến các ngươi, biết các ngươi và yêu mến các ngươi”. Khi chúng ta trân trọng sự gần gũi với Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy bị thu hút bởi người dân của chúng ta và sẽ luôn cảm thấy thương xót những người được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Thái độ cảm thương không phải là một cảm xúc; nó là đau khổ với họ. Được Chúa khuyến khích và củng cố, chúng ta hãy trở thành những máng chuyển an ủi và hòa giải cho người khác, chữa lành vết thương của những người đau khổ, xoa dịu nỗi đau của những người khóc lóc, nâng đỡ người nghèo và giải thoát mọi người khỏi các hình thức nô lệ và áp bức đa dạng. Tóm lại, sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa khiến chúng ta trở thành những ngôn sứ cho dân chúng, những người gieo lời cứu độ của Người trong lịch sử đầy thương tích của đất nước họ.
Để xem xét điểm thứ hai, lời tiên tri cho dân chúng, một lần nữa chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm của Giêrêmia. Sau khi nhận được lời yêu thương và an ủi của Thiên Chúa, ngài được mời gọi trở thành “ngôn sứ cho muôn dân” (x. Grm 1:5), được sai đi đem ánh sáng vào bóng tối, làm chứng nhân trong một môi trường bạo lực và băng hoại. Giêrêmia, người đã nghiền ngẫm lời Chúa, lời đã trở thành niềm vui và niềm hân hoan của tâm hồn ông (x. Grm 15:16), cho chúng ta biết rằng chính lời ấy đã khơi dậy trong ông một sự bồn chồn không thể kiềm chế và khiến ông vươn tới những người khác để họ cũng sẽ cảm động trước sự hiện diện của Chúa. Ông viết: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Grm 20:9). Chúng ta không thể giữ lời Chúa cho riêng mình, chúng ta không thể hạn chế sức mạnh của lời Chúa: đó là ngọn lửa đốt cháy sự thờ ơ của chúng ta và khơi dậy trong chúng ta ước muốn soi sáng những người ngồi trong bóng tối. Lời Chúa là ngọn lửa đốt cháy bên trong và thúc đẩy chúng ta tiến bước! Vì vậy, đây là những gì chúng ta là trong tư cách giám mục: những người được đốt cháy bởi lời Chúa, được sai đi với lòng nhiệt thành tông đồ hướng tới dân Chúa!
Tuy nhiên – chúng ta có thể tự hỏi – lời công bố mang tính tiên tri này, niềm đam mê cháy bỏng này, đòi hỏi điều gì? Chúa phán với tiên tri Giêrêmia: “Này, Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Hãy xem, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Grm 1:9-10). Đó là những động từ mạnh mẽ: nhổ lên và hủy bỏ, rồi xây dựng và trồng trọt. Chúng liên quan đến việc hợp tác trong một chương mới của lịch sử mà Thiên Chúa muốn thực hiện giữa một thế giới đầy đồi trụy và bất công. Anh em được mời gọi để tiếp tục làm cho tiếng nói tiên tri của anh em được lắng nghe, để lương tâm có thể cảm thấy bị thách thức và mỗi người có thể đóng một vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng một tương lai khác. Do đó, chúng ta được kêu gọi nhổ bỏ những cây độc của hận thù và ích kỷ, tức giận, oán giận và bạo lực; để phá bỏ các bàn thờ được dựng lên cho tiền bạc và tham nhũng; để xây dựng một sự chung sống dựa trên công lý, sự thật và hòa bình; và cuối cùng là gieo mầm tái sinh, để Congo ngày mai thực sự là điều Chúa hằng mơ ước: một miền đất may mắn và hạnh phúc, không còn bị bóc lột, áp bức và đẫm máu.
Đồng thời, chúng ta hãy cẩn thận: chúng ta không nói về hoạt động chính trị. Lời tiên tri của Kitô giáo trở thành hiện thân trong rất nhiều hoạt động chính trị và xã hội, tuy nhiên điều đó nói chung không phải là trách vụ của các Giám mục và mục tử là rao giảng Lời Chúa, đánh thức lương tâm, tố cáo sự dữ và khích lệ những tâm hồn tan nát và thiếu hy vọng. “Hãy an ủi, an ủi dân của Ta”: chủ đề này xuất hiện lặp đi lặp lại là một lời mời từ Chúa: Hãy an ủi người dân. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”. Đó là một lời loan báo không chỉ bằng lời nói mà còn qua sự gần gũi và chứng tá bản thân. Trước hết là sự gần gũi với các linh mục, vì các linh mục là những người gần gũi nhất với Giám mục, quan tâm đến những người làm công tác mục vụ và khuyến khích cộng tác với nhau trong tinh thần đồng nghị. Và làm chứng, vì các mục tử của Giáo hội trước hết phải đáng tin cậy, nhất là trong công việc cổ vũ sự hiệp thông, trong đời sống luân lý và trong việc quản lý của cải. Về vấn đề này, điều cần thiết là tạo ra sự hòa hợp, không đứng trên bệ cao hoặc tỏ ra gay gắt, nhưng bằng cách nêu gương tốt trong việc hỗ trợ và tha thứ cho nhau, và cùng nhau làm việc như những mô hình của tình huynh đệ, hòa bình và sự đơn giản của Tin Mừng. Mong rằng đừng bao giờ xảy ra trường hợp, trong khi những người khác đang phải chịu đói, người ta có thể nói về anh em: “họ không quan tâm; kẻ thì ra đồng, kẻ thì lo việc riêng” (x. Mt 22:5). Không, làm ơn, chúng ta hãy bỏ công việc kinh doanh ra khỏi vườn nho của Chúa! Một người chăn chiên không thể là một doanh nhân, họ không thể như thế! Chúng ta hãy là những mục tử và tôi tớ của dân Thiên Chúa, không phải là người quản lý sự việc, không phải là doanh nhân mà là mục tử! Việc cai trị của Giám mục phải là của một mục tử; đi trước đoàn chiên, đi giữa đoàn chiên và đi sau đoàn chiên. Đi trước đoàn chiên để chỉ đường; ở giữa đoàn chiên để có mùi chiên và không để mất nó; đi sau đoàn chiên để giúp đỡ những con đi chậm hơn, và cũng để yên đoàn chiên một lúc để xem có thể tìm đồng cỏ tốt ở đâu cho chúng. Người chăn cừu phải di chuyển theo ba hướng này.
Anh em Giám mục thân mến, tôi đã chia sẻ với anh em những gì tôi cảm thấy trong lòng. Hãy nuôi dưỡng sự gần gũi của chính anh em với Chúa để anh em có thể trở thành những dấu chỉ tiên tri về lòng cảm thương của Người đối với dân tộc của anh em. Tôi kêu gọi anh em đừng sao nhãng việc đối thoại với Thiên Chúa hoặc để ngọn lửa tiên tri bị dập tắt bởi một mối quan hệ mơ hồ với các quyền lực hiện có, hoặc bởi một cuộc sống tự mãn và thường lệ. Trong những hoàn cảnh bất công và đau khổ, Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta mạo hiểm khi lên tiếng đáp lại những gì Chúa yêu cầu chúng ta. Một trong những người anh em của anh em đã làm như vậy, Tôi Tớ Chúa là Đức Tổng Giám Mục Christophe Munzihirwa, một mục tử can đảm và có tiếng nói tiên tri, người đã bảo vệ dân của mình bằng cách hy sinh mạng sống của mình. Một ngày trước khi qua đời, ngài đã loan đi một thông điệp trên đài phát thanh tới mọi người rằng: “Những ngày này chúng ta còn có thể làm gì? Chúng ta hãy vững vàng trong đức tin. Chúng ta tin tưởng rằng Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta và một tia hy vọng nhỏ nhoi nào đó sẽ lóe lên cho chúng ta ở đâu đó. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta cam kết tôn trọng sự sống của những người thân cận, bất kể họ thuộc sắc tộc nào”. Ngày hôm sau ngài bị giết ở quảng trường thành phố, nhưng những hạt giống ngài gieo trên mảnh đất này, cùng với nhiều người khác, sẽ đơm hoa kết trái. Thật tốt để tưởng nhớ với lòng biết ơn các vị mục tử vĩ đại đã ghi dấu ấn trong lịch sử của đất nước và Giáo hội của anh em, những người đã rao giảng Tin Mừng cho anh em và đi trước anh em trong đức tin. Anh em thân mến, họ là những gốc rễ vững chắc củng cố anh em trong lòng nhiệt thành truyền giáo. Ở đây tôi nghĩ tới lợi ích đích thân tôi nhận được từ việc biết Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya.
Anh em thân mến, đừng sợ trở thành những tiên tri của niềm hy vọng cho dân, là những tiếng nói đồng thanh an ủi của Chúa, là chứng nhân và là sứ giả vui mừng của Tin Mừng, là tông đồ của công lý, là người Samaria của tình liên đới. Anh em hãy là chứng nhân của lòng thương xót và hòa giải giữa bạo lực không chỉ do khai thác tài nguyên và xung đột sắc tộc, bộ lạc, mà còn do quyền lực đen tối của ma quỷ, kẻ thù của Thiên Chúa và nhân loại. Đồng thời, đừng bao giờ nản lòng: Chúa chịu đóng đinh đã sống lại, Chúa Giêsu đã chiến thắng và đã chiến thắng thế gian (x. Ga 16:33). Bây giờ Người muốn tỏa sáng trong anh em, trong công việc quý giá của anh em, trong việc gieo bình an hữu hiệu của anh em! Anh em thân mến, tôi muốn cảm ơn anh em vì thừa tác vụ, lòng nhiệt thành mục vụ và chứng tá của anh em.
Và bây giờ, khi kết thúc cuộc hành trình của mình, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới anh em và tất cả những người đã làm việc để chuẩn bị cho nó. Anh em đã đủ kiên nhẫn để chờ đợi một năm trời, anh em thật tốt! Cảm ơn vì điều này! Anh em đã phải làm việc chăm chỉ gấp đôi vì chuyến thăm đầu tiên đã bị hủy bỏ, nhưng tôi biết rằng anh em sẽ tha thứ cho Đức Giáo Hoàng! Cảm ơn anh em vì mọi thứ! Tháng Sáu tới, anh em sẽ cử hành Đại hội Thánh Thể Toàn quốc tại Lubumbashi. Chúa Giêsu thực sự hiện diện và hoạt động trong bí tích Thánh Thể; trong đó Người hòa giải và chữa lành, an ủi và hợp nhất, soi sáng và biến đổi; trong đó, Người truyền cảm hứng và duy trì thừa tác vụ của anh em và làm cho nó có hiệu quả. Xin sự hiện diện của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết, biến đổi đất nước vĩ đại này và luôn là niềm vui và niềm hy vọng của anh em! Tôi ban phước lành cho anh em với tất cả trái tim của tôi.
Tôi xin nói thêm một điều nữa: tôi đã nói “hãy thương xót”. Thương xót. Luôn luôn tha thứ. Khi một tín hữu đến xưng tội, họ đến để xin ơn tha thứ, để tìm kiếm sự âu yếm của Chúa Cha. Và chúng ta, chỉ ngón tay buộc tội, nói: “Bao nhiêu lần? Và con đã làm điều đó như thế nào?...”. Không, không phải điều này. Tha thứ. Luôn luôn. “Nhưng con không biết…, vì giáo luật cho con biết…”. Chúng ta phải tuân thủ quy tắc, bởi vì nó quan trọng, nhưng trái tim của người chăn còn vượt xa hơn thế nữa! Mạo hiểm. Hãy mạo hiểm đứng về phía tha thứ. Luôn luôn. Luôn luôn tha thứ trong Bí Tích Hòa Giải. Bằng cách này, anh em sẽ gieo sự tha thứ cho toàn xã hội.
Tôi ban phước lành cho anh em với tất cả trái tim của tôi. Và xin anh em tiếp tục cầu nguyện cho tôi, vì công việc này hơi khó! Nhưng tôi phó thác bản thân mình cho những lời cầu nguyện của anh em. Cảm ơn anh em.