Nhân dịp các Giám Mục Đức tới Rome để viếng Mộ Hai Thánh Phêrô và Phaolô (Ad limina), hai vị Hồng Y Ladaria, Bộ trưởng Bộ Tín lý, và Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục, đã thẳng thừng nói với các vị phải tạm hoãn các đề xuất đã được thông qua và công bố, vì chúng không phản ảnh tín lý, luân lý, huấn quyền của Giáo Hội, mà chỉ phản ảnh áp lực từ bên ngoài, nhất là của giới truyền thông cả đạo lẫn đời. Các ngài không e dè sử dụng các phạm trù ly giáo, mưu toan thay đổi Giáo Hội, áp đặt nghị trình riêng và sai lầm của mình lên Giáo Hội hoàn vũ, cao ngạo bác bỏ cả tinh thần đồng nghị do Đức Giáo Hoàng đề xuất, làm ngơ các đóng góp tích cực của Giáo Hội hoàn vũ, tự cô lập mình và xem ra bất cần. Đức Hồng Y Ladaria thậm chí còn đề cập đến chuyện mê tiền chính phủ của hàng Giám Mục Đức. Và ngài mong Đức Giáo Hoàng sẽ can thiệp "dứt khoát", vì "Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng do người Đức tạo ra".

Chúng tôi cho đăng tải hai bài nói chuyện của các ngài với các Giám Mục Đức, để bạn đọc thấy quyết tâm của Tòa Thánh trong việc ngăn chặn cuộc ly giáo có thể diễn ra bất cứ lúc nào, chỉ tiếc là các ngài vẫn còn sử dụng các thuật ngữ ngoại giao “dường như”, “xem ra” chứ không hẳn ra lệnh khiến Con đường Đồng nghị Đức vẫn tiếp tục nghĩ rằng họ chưa bị Vatican ra lệnh cấm (xem https://vietcatholic.net/News/Html/281504.htm).

Cả hai bài đều được kath.net [Đức] đăng tải và được Catholic World Report dịch sang tiếng Anh và công bố ngày 9 tháng 2, 2023. Các chỗ in đậm là do người dịch.



1.Một quan điểm Hoa Kỳ về tình hình của Giáo hội ở Đức, bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ladaria

Lý do chính khiến người ta nghi ngờ đường hướng của Giáo hội ở Đức là những nỗ lực tương tự để theo đuổi hệ tư tưởng thời đại đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay.

Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đánh giá tình hình của giáo hội ở Đức như thế nào?

Câu trả lời cho câu hỏi này rõ ràng phụ thuộc vào người được anh em hỏi, nhưng công bằng mà nói đối với nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân dấn thân đang chú ý ở Hoa Kỳ, họ nghi ngờ sâu sắc về những gì Giáo Hội Công Giáo Đức đang làm liên quan tới tính đồng nghị. Đôi khi điều này gần như tuyệt vọng, vì rõ ràng là các giám mục Đức không quan tâm đến việc lắng nghe Giáo hội hoàn vũ, để lại rất ít hy vọng người Đức sẽ tự sửa sai. Ấn tượng là họ có một nghị trình muốn thay đổi Giáo hội, và họ muốn áp đặt tầm nhìn của mình lên Giáo hội hoàn vũ.

Các giám mục Đức đã nhận được những lời quở trách từ các Hồng Y bộ trưởng của các bộ quan trọng của Vatican (các Hồng Y Ouellet và Ladaria và Parolin), một bức thư ngỏ của 103 Hồng Y và Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, một cuộc trao đổi rất công khai với một Tổng Giám mục từ Hoa Kỳ, cùng với vô số những lời kêu gọi khác phải thận trọng, kể cả từ các giám mục Ba Lan và Scandinavia, chưa kể đến sự dè dặt sâu xa do chính Đức Giáo Hoàng bày tỏ.

Ấy thế nhưng, người Đức vẫn tiếp tục như thể không có điều gì trong số này xảy ra và hành động như thể họ được ban cho một sứ mệnh đặc biệt để cứu Giáo hội. Điều này cho thấy một mức độ cao ngạo nói lên một sự bác bỏ tinh thần đồng nghị như đã được Đức Thánh Cha cổ vũ. Về phương diện này, người Đức đã bác bỏ viễn kiến của Đức Thánh Cha về một Giáo hội khiêm tốn, biết lắng nghe và mãi là Công Giáo.

Người ta cũng nói rằng không ai trong số hơn 270 giám mục từ Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với các giám mục Đức. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ ở Bắc Âu, hàng giám mục trên toàn thế giới cũng không đưa ra lời khuyến khích nào. Sự im lặng này rất có ý nghĩa. Giáo Hội Đức phần lớn đã tự cô lập và dường như không quan tâm.

Một trong những mối quan tâm sâu xa nhất mà tôi đã nghe được từ những tiếng nói quan trọng ở đây tại Hoa Kỳ là người Đức sẽ làm suy yếu một sáng kiến có tiềm tàng quan trọng của Đức Thánh Cha. Trong khi có những lo ngại nghiêm trọng về việc nhấn mạnh vào quy trình và các tài liệu ban đầu do Con đường Đồng nghị đưa ra, phong trào hướng tới một Giáo hội đồng nghị hơn có những khả thể đang bị bắt cóc bởi một nhóm giám mục được thúc đẩy bởi ý thức hệ từ Đức. Nếu họ tiếp tục thống trị cuộc đàm luận, điều tốt đẹp vốn tiềm tàng nằm trong tầm tay với sẽ bị mất đi vì lợi ích vị kỷ của Giáo Hội Đức. Bất cứ cơ hội nào để Giáo hội mở rộng quan điểm của mình một cách hữu hiệu và thực sự Công Giáo sẽ bị mất đi bởi những tiếng ồn ào xung quanh những nỗ lực của các giám mục Đức nhằm thay đổi căn bản các giáo huấn chính của Giáo hội.

Ấn tượng ở đây là Giáo hội Đức được thúc đẩy bởi ý muốn thu hút nhiều người hơn trở lại với Giáo Hội thông qua việc thoả hiệp với hệ tư tưởng thời đại. Người Đức đề xuất rằng càng thế thế tục hóa càng là con đường dẫn đến tăng trưởng. Tuy nhiên, đây là trải nghiệm hoàn toàn ngược lại với trải nghiệm của Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Các nhà thờ và cộng đồng địa phương đang phát triển ở đây là những cộng đồng luôn trung thành với mọi giáo huấn của Giáo hội. Điều này dường như cũng xảy ra ở các châu lục khác, đặc biệt là châu Phi. Thật xấu hổ khi các giám mục Đức không muốn học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác.

Việc tự do hóa Giáo hội Hoa Kỳ trong những năm 1970 và 1980 đã dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt ra khỏi các hàng ghế nhà thờ, nhưng xu hướng này đã được đảo ngược ở những nơi có đức tin trong đó, tinh thần tin mừng, bắt nguồn từ mối quan hệ bản thân với Chúa Giêsu, và sự viên mãn của Giáo huấn Giáo Hội, được cử hành. Chính trong các giáo xứ biết giảng dạy đức tin một cách yêu thương và không cần xin lỗi, đầy những gia đình trẻ, chứ không phải những người đã sa vào tinh thần và giá trị của thời đại.

Đây là lý do chính dẫn đến sự nghi ngờ về đường hướng của Giáo hội ở Đức. Những nỗ lực tương tự đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay. Tự do hóa đức tin không đưa mọi người trở lại hàng ghế nhà thờ. Điều hữu hiệu là một nhân chứng phản hệ tư tưởng thời đại - một người trung thành với niềm tin vào tất cả vẻ đẹp của nó, luôn cổ xưa và luôn mới mẻ. Mầu nhiệm của đức tin viên mãn mới là điều hấp dẫn. Gần đây, tôi đã viết một thí dụ về điều này mà có lẽ có thể mang tính hướng dẫn cho các giám mục Đức.

Những người khác ở Hoa Kỳ đặt câu hỏi về mối tương quan tài chánh giữa Giáo Hội Công Giáo Đức và chính phủ. Việc sắp xếp thuế tín ngưỡng không quen thuộc với kinh nghiệm của người Mỹ, và đương nhiên là có sự nghi ngờ lớn về sự can dự của chính phủ vào các vấn đề của Giáo Hội ở đây tại Hoa Kỳ. Ít nhất, Dường như cũng có mùi thỏa hiệp thực tế của Giáo Hội Đức để duy trì dòng tiền thuế khá lớn. Cho dù có đúng như thế hay không, đây là một ấn tượng đang hiện hữu và khiến cho các động cơ của người Đức bị nghi ngờ.

Người ta cũng nhận thấy rằng các giám mục Đức thường sử dụng kinh nghiệm của họ về lạm dụng tình dục của giáo sĩ như một lý do cho một cuộc aggiornamento [cập nhật] có tính xa rời các giáo huấn chính của Giáo hội. Một lần nữa, tại Hoa Kỳ này, câu trả lời không phải là thỏa hiệp các giá trị của chủ trương tự do hóa tình dục mà là tuân thủ các giáo huấn của Giáo hội một cách đầy đủ hơn. Sử dụng sự thất bại trong vai trò lãnh đạo của các giám mục Đức để hùng hổ thúc đẩy Giáo hội hoàn vũ tuân theo phán quyết của họ về luật luân lý là điều quả thực kỳ lạ. Đó hẳn là một mức độ cao ngạo chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thất bại về lãnh đạo.

Một số người lập luận rằng Giáo Hội Đức phản ảnh chặt chẽ hơn suy nghĩ của Đức Thánh Cha liên quan tới tính đồng nghị. Đây cũng là một tuyên bố kỳ lạ, gần như buồn cười, vì chính các giám mục Đức đã bị Vatican quở trách. Chính người Đức đã nhất tâm theo đuổi chủ nghĩa bất chính thống thông qua Con đường Đồng nghị của họ. Trên thực tế, cuộc thăm dò do các giám mục Đức ủy quyền đã tiết lộ rằng những nỗ lực của họ không phản ảnh ngay cả những nỗ lực gần gũi nhất với Giáo hội Đức trên khắp thế giới. Có một chủ nghĩa đế quốc thần học và giáo hội học phát xuất từ nước Đức đang đe dọa Giáo hội hoàn cầu.

Nỗi sợ hãi liên quan đến các nỗ lực của Đức là điều có thật, nhưng vẫn có hy vọng rằng Tòa thánh sẽ can thiệp. Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng do người Đức tạo ra, và tại Hoa Kỳ, người ta kỳ vọng rằng trong thời gian tới, ngài sẽ hành động dứt khoát để ngăn chặn sự hỗn loạn mà các giám mục Đức đã tạo ra. Nó sẽ phải trả giá bằng sự nhầm lẫn đã gieo rắc, nhưng có một kỳ vọng rằng người Đức sẽ được sửa chữa.

Làm thế nào họ thực hiện sự sửa đổi đó lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.

2. Trở lại với tinh thần của Tông đồ Công vụ, bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ouellet

Trong Thư gửi dân Chúa Hành Hương tại Đức [ngày 29 tháng 6 năm 2019], Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiệp thông với vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI, đã ghi nhận tình trạng suy thoái của đời sống Kitô hữu tại nước này và mời gọi tất cả mọi người hãy phó thác cho Chúa Kitô như một chìa khóa để đổi mới; Đức Thánh Cha đã viết rằng đó là “một tình trạng suy thoái nhiều mặt, không dễ hoặc nhanh chóng giải quyết, đòi hỏi một cách tiếp cận nghiêm túc và đầy đủ thông tin, trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, thúc giục chúng ta nên giống như người hành khất trong Tông đồ Công vụ, biết lắng nghe lời của Thánh Tông Đồ: 'Vàng bạc thì tôi không có, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu Kitô, thành Nadarét, anh hãy bước đi!' (Cv 3:6). Tôi bắt đầu lại với đoạn trích này từ bức thư nói trên để đưa ra một số xem xét ngắn gọn về giáo hội học liên quan đến cuộc điều tra đồng nghị của anh em, theo tinh thần của Tông đồ Công vụ. Tôi làm điều này với tư cách là một người anh em trong hàng giám mục, nhưng cũng vì nhu cầu của giáo dân.

Trong tư cách những người kế vị các tông đồ ở Đức, anh em đã nghiêm túc nhìn nhận thảm kịch lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra, và theo cách đặc trưng của người Đức, đã phát động một chiến dịch nghiên cứu với các nguồn khoa học [xã hội], đức tin và tham vấn đồng nghị, để đạt được một cuộc duyệt lại triệt để giả thiết sẽ chấm dứt sự thất bại về mặt luân lý và định chế này. Các cuộc tranh luận sôi nổi đã được tiến hành và những cải cách được đề xuất bắt nguồn từ chúng chắc chắn đáng được khen ngợi vì sự lưu tâm, cam kết, tính sáng tạo, sự chân thành và sự táo bạo được biểu lộ qua Con đường Đồng nghị của anh em, trong đó giáo dân đóng vai trò bình đẳng nếu không muốn nói là chiếm ưu thế. Sau khi nghiên cứu cẩn thận các kết luận của anh em, người đọc đương nhiên đánh giá cao nỗ lực to lớn của việc tự phê bình có tính định chế, cũng như thời gian dành cho những suy tư này, và sự đầu tư công sức chung của các nhà thần học, giám mục và mục tử, đàn ông và đàn bà, để đi đến những điểm đồng thuận nhất định, mặc dù rất vất vả và có nhiều căng thẳng. Bây giờ tùy thuộc chúng tôi trả lời các đề xuất của anh em, vốn chứa đựng nhiều yếu tố thần học, tổ chức và thực dụng có thể chia sẻ được, nhưng lại nêu ra nhiều khó khăn nghiêm trọng theo quan điểm nhân học, mục vụ và giáo hội học.

Một số nhà phê bình có thẩm quyền đối với định hướng hiện tại của Con đường Đồng nghị ở Đức nói một cách công khai về một cuộc ly giáo tiềm ẩn mà đề xuất trong các bản văn của anh em, dưới hình thức hiện tại, có nguy cơ tán thành. Tôi biết rất rõ rằng anh em không có ý định phá vỡ sự hiệp thông phổ quát của Giáo hội, cũng không cổ vũ một hình thức cắt xén đời sống Kitô hữu cho phù hợp với “tinh thần thời đại” hơn là với Tin Mừng; thực vậy, có thể nói, những nhượng bộ xuất hiện trong các đề xuất của anh em đã bị áp lực rất mạnh mẽ của nền văn hóa và các phương tiện truyền thông moi móc [extorted]; tôi hiểu rằng ý định của anh em chính là để tránh ly giáo bằng cách làm cho các thừa tác viên của Tin Mừng trở nên đáng tin cậy hơn, đông đảo hơn và có phẩm chất tốt hơn, và bằng cách phát triển các cộng đồng Kitô hữu bao gồm và tôn trọng mọi thái độ hơn, những thái độ này phải được đánh giá một cách nhất quán với phẩm giá con người và quan niệm Kitô giáo về con người. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nghị trình của một nhóm nhỏ các nhà thần học từ vài thập niên qua đột nhiên trở thành đề xuất của đa số hàng giám mục Đức: bãi bỏ luật độc thân bắt buộc, phong chức cho các viri probati [những người đàn ông đã kết hôn đủ tư cách], khả năng phụ nữ gia nhập thừa tác vụ thụ phong, đánh giá lại tính luân lý của đồng tính luyến ái, những hạn chế về cơ cấu và chức năng đối với thẩm quyền phẩm trật, những xem xét về tính dục do lý thuyết phái tính truyền cảm hứng, đề xuất về những thay đổi quan trọng đối với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, v.v.

"Chuyện gì đã xảy ra?" “Chúng ta đã tiến đến điều gì?” nhiều tín hữu Công Giáo và các nhà quan sát tự hỏi một cách khó tin. Khó mà tránh được ấn tượng này là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, mặc dù cực kỳ nghiêm trọng, đã bị khai thác để thúc đẩy những ý tưởng khác không liên quan trực tiếp đến nó.

Đánh giá tổng thể các đề xuất, người ta có cảm giác đang đối đầu với không chỉ một cách giải thích rộng rãi hơn về kỷ luật hoặc luân lý Công Giáo, mà còn là một sự thay đổi căn bản gây ra những lo ngại nghiêm trọng, như Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vừa nói. Đối với chúng tôi, dường như chúng tôi đang đối diện với một kế hoạch “thay đổi Giáo hội” chứ không chỉ là những đổi mới mục vụ trong lĩnh vực luân lý hay tín điều. Thật không may, tôi phải nói rằng đề xuất hoàn cầu, vốn đã được công bố rộng rãi ở Đức và ở những nơi khác này đang làm tổn thương sự hiệp thông giáo hội, bởi vì nó gieo rắc nghi ngờ và hoang mang nơi dân Chúa. Mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được những chứng từ tự nguyện ta thán về vụ tai tiếng gây ra cho những người nhỏ bé bởi đề xuất bất ngờ nhằm phá vỡ Truyền thống Công Giáo này.

Không có gì ngạc nhiên khi những kết quả này đang gây chia rẽ không những Hội đồng Giám mục địa phương và Giáo hội ở Đức, mà cả hàng giám mục trên toàn thế giới, vốn đã không khỏi phản ứng với sự kinh ngạc và lo lắng. Thực tế này khiến chúng ta phải suy nghĩ về nhiệm vụ chính của các giám mục, đó là giảng dạy theo Huấn Quyền của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng (xem Lumen gentium 25). Mọi giám mục, từ khi được tấn phong và được nhận vào đoàn những người kế vị các tông đồ, cum et sub Petro [với và dưới quyền Phêrô], đều có tư cách đại diện cho Giáo hội hoàn vũ trong phần đặc biệt của Giáo hội được ủy thác cho ngài và bảo đảm sự hiệp thông của phần ngài với Giáo hội hoàn cầu. Các tiêu chuẩn cho sự hiệp thông này được liệt kê trong Lumen gentium, Christus Dominus, và trong Bộ Giáo luật.

Việc Bức thư do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn thảo vào tháng 6 năm 2019 với mục đích định hướng đã được đón nhận như một điểm quy chiếu thiêng liêng, nhưng không thực sự là một hướng dẫn cho phương pháp đồng nghị, đã có những hệ quả quan trọng. Sau sự đi trệch ban đầu ra khỏi thẩm quyền giáo huấn của Đức Giáo Hoàng ở bình diện phương pháp này, tiến trình của thủ tục đồng nghị đã đưa ra ánh sáng sự căng thẳng ngày càng gia tăng với Huấn quyền chính thức ở bình diện bản chất, dẫn đến những đề xuất rõ ràng mâu thuẫn với giáo huấn được tất cả các vị Giáo hoàng lặp lại từ Công đồng chung Vatican thứ hai trở đi. Đáng ngạc nhiên về khía cạnh này là thái độ đối với quyết định dứt khoát của Thánh Gioan Phaolô II về việc Giáo Hội Công Giáo không thể tiến hành phong chức linh mục cho phụ nữ. Thái độ này cho thấy có vấn đề về đức tin đối với Huấn quyền và một chủ nghĩa duy lý xâm nhập nào đó không tuân theo các quyết định của nó trừ khi chúng có vẻ thuyết phục về mặt bản thân hoặc được dư luận chấp nhận rộng rãi. Thí dụ mang tính biểu tượng này, khi được cộng vào những thay đổi luân lý và kỷ luật mong muốn khác, sẽ làm suy yếu trách nhiệm của các giám mục đối với thừa tác vụ chính của họ và phủ bóng đen lên toàn bộ nỗ lực nói trên của hội đồng, vốn dường như bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhóm áp lực, và do đó bị nhiều người đánh giá như là một sáng kiến mạo hiểm chắc chắn sẽ gây thất vọng và thất bại vì nó đã “đi chệch đường rầy”.

Tạ ơn Chúa, những bản văn đã hoàn tất này— đã được biểu quyết, mặc dù chúng vẫn còn để ngỏ cho những sửa đổi thêm trong phiên họp cuối cùng dự kiến vào tháng Ba—cũng chứa đựng những tiến bộ đáng kể trong việc xem xét lại các vấn đề mục vụ và giáo hội học, chẳng hạn: một ý thức sâu sắc về công lý và về nghĩa vụ luân lý phải đền bù cho các nạn nhân bị lạm dụng, thăng tiến chức tư tế phổ quát của tất cả những người đã được rửa tội, thái độ biết nhìn nhận các đặc sủng. Xét về hoàn cảnh và những căng thẳng nghiêm trọng đi kèm với các phiên họp vào thời điểm bỏ phiếu, đặc biệt lưu ý đến cuộc tham vấn hiện tại cho Thượng Hội đồng phổ quát về tính đồng nghị, đối với chúng tôi, dường như cần phải tạm hoãn các đề xuất đã được trình bày, cùng với một duyệt xét quan trọng sẽ được thực hiện vào một ngày sau đó, dựa trên kết quả của Thượng hội đồng Rôma. Một cách đầy quan phòng, chúng ta có cơ hội kết hợp hai kỳ vọng này bằng cách áp dụng một sự thay đổi về phương pháp có thể giúp cải thiện các thể tài của Con đường Đồng nghị Đức, cùng với việc lắng nghe sâu sắc hơn cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và của Thượng hội đồng Giám mục hoàn cầu. Rõ ràng phương pháp của Thượng Hội đồng hoàn vũ khác với phương pháp được sử dụng ở Đức: chắc chắn phương pháp này ít có tính nghị viện hơn, chú ý nhiều hơn đến sự tham gia hoàn cầu và đạt được sự đồng thuận được hình thành trên cơ sở lắng nghe thiêng liêng sâu sắc đối với dân Chúa.

Lý do căn bản cho lệnh tạm hoãn này là việc quan tâm đến sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn dựa trên sự hiệp nhất của các giám mục trong sự hiệp thông và vâng phục Phêrô. Việc ủng hộ đề xuất gây tranh cãi này của một hàng giám mục đang gặp khó khăn sẽ càng gieo thêm nghi ngờ và hoang mang trong dân Chúa. Lưu ý đến bối cảnh đại kết và tình hình địa chính trị của một thế giới đang bị chiến tranh tàn phá, có thể thấy trước rằng sự lan rộng hơn nữa của đề xuất này sẽ không giải quyết được những vấn đề mà nó được giả thiết sẽ khắc phục: sự ra đi ồ ạt của các tín hữu khỏi Giáo hội, sự ra đi của những người trẻ tuổi, điều gọi là “nguyên nhân hệ thống” của lạm dụng, cuộc khủng hoảng niềm tin nơi các tín hữu.

Giới hạn chính của đề xuất này có lẽ là một cách tiếp cận hộ giáo nào đó dựa trên các thay đổi văn hóa thay vì dựa trên một công bố Tin Mừng đổi mới. Anh em sở hữu vàng và bạc, kiến thức và uy tín được thừa nhận rộng rãi, và anh em quản lý tất cả những thứ đó một cách hào phóng, nhưng đừng quên làm chứng một cách mạnh mẽ và đơn giản cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô mà người dân của anh em đang van vỉ.

Với gương sáng và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta có thể trở lại với tinh thần của Sách Tông đồ Công vụ trên hết là hiến tặng Chúa Giêsu Kitô cho những người cần được chăm sóc và hoán cải, và không cao ngạo cho rằng các giải pháp văn hóa hoặc định chế là điều tối thiết để làm cho hình ảnh của Chúa Giêsu trở thành đáng tin cậy, mặc dù nó được đề xuất bởi các thừa tác viên, vốn là những người không hoàn hảo nhưng tin tưởng vào ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà bây giờ cần phải lặp lại và áp dụng cho việc xem xét lại các kết quả của Con đường Đồng nghị.