CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Với Chúa Nhật II Phục Sinh, Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta chủ đề: “Hành trình đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.”

Khi được rửa tội, chúng ta đón nhận ơn đức tin. Nhờ đức tin chúng ta được gọi là Kitô hữu, người Công Giáo. Nghĩa là những người có niềm tin vào Chúa Kitô. Vậy tin là gì?

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng:

“Là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định.” (ĐGH Biển Đức XVI, Thông điệp Deus caritas est, 25/12/2005, số 1).

Theo định nghĩa này, chúng ta có thể giải thích rằng đức tin không phải là một cảm tình nào đó chóng qua, cũng không chỉ đơn thuần tuân giữ một số lề luật của Giáo Hội, như đọc một số kinh, đi lễ ngày Chúa Nhật v.v… để chu toàn bổn phận. Đức tin cũng không phải gắn bó với một ý thức hệ, một hệ thống tư tưởng. Nhưng tin chính là gặp gỡ, gắn bó và bước theo một con người cụ thể, con người đó chính là Đức Giêsu Nadarét. Người là trung tâm điểm của đời sống chúng ta và tin vào Người có nghĩa là xây dựng đời sống chúng ta dựa trên nền tảng là Đức Kitô, Đấng đã làm người, chịu chết và phục sinh để cứu độ chúng ta.

1. Đức tin là một cách thế sống

Hiểu như thế, đức tin là một cách thế sống, một chọn lựa để xây dựng cuộc đời mình có ý nghĩa và hạnh phúc theo Đức Giêsu Kitô.

Ở bài đọc I, sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta chứng tá về niềm tin của các tín hữu sơ khai thể hiện bằng đời sống cụ thể:
“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chúng” (Cv 4,32).

Như thế, các Kitô hữu thời đó sống hoàn toàn hiệp nhất và chia sẻ với nhau, tất cả nên một về tinh thần cũng như vật chất, đến nỗi không còn gì là của riêng nữa, nhưng mọi sự là của chung. Đây quả là thiên đàng tại thế, là một xã hội lý tưởng mà chính ông tổ của chủ nghĩa Cộng Sản, Kark Mark mơ ước để xây dựng một xã hội như thế. Trong đó, mọi sự là của chung. Mỗi người làm việc theo khả năng và hưởng theo nhu cầu mình.

Nơi cộng đoàn sơ khai, đức tin vào Chúa Kitô đã trở thành đời sống. Nhờ tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, các tín hữu sống hiệp thông với nhau, yêu thương nhau, đối xử với nhau như anh em một nhà. Đời sống của các tín hữu được biến đổi tận gốc rễ nhờ niềm tin. Hay nói đúng hơn, đức tin đã đi vào đời sống và sinh hoạt hằng ngày, nên nó đã chi phối mọi ý nghĩ, tình cảm và hành vi của họ theo tinh thần Tin Mừng.

Ở điểm này, chúng ta được mời gọi suy ngắm và học hỏi mẫu gương đời sống đức tin của các tín hữu sơ khai để đức tin của chúng ta được lớn lên, mạnh mẽ và mang tính cá vị.

2. Những đêm tối của đức tin

Vì đức tin chính là đời sống, là một hành trình. Trong hành trình đó, chúng ta phải đối diện với những thử thách và thách đố của đức tin. Hay nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan Thánh Giá, có những lúc chúng ta phải trải qua “những đêm tối đức tin.”

Nếu đức tin chúng ta chưa đi vào đời sống, chưa được nội tâm hóa và trở nên đời sống, đức tin đó chỉ dừng lại ở việc giữ đạo theo hình thức bên ngoài, còn rất hời hợt, vụ hình thức, chạy theo phong trào. Khi gặp giông tố thử thách, ngôi nhà đức tin của chúng ta sụp đổ và sụp đổ tan tành, vì nó thiếu nền tảng vững vàng, thiếu xác tín cá nhân và chiều sâu. Chỉ khi nào đức tin trở thành một xác tín cá vị và là nền tảng của đời sống, khi đó chúng ta mới có thể đứng vững trước mọi thử thách và giống tố cuộc đời.

Thánh Tôma Tông Đồ, được Tin Mừng hôm nay đề cập tới, là một bằng chứng về việc khủng hoảng đức tin vào Chúa. Tôma là một môn đệ trong nhóm Mười Hai của Chúa Giêsu, ông cũng được gọi là Điđimô. Nhiều lúc ông còn được gán cho một tên gọi khác là Tôma đa nghi. Tôma có cá tính riêng, rất thực tiễn, thành thật và chất phác.

Cũng như các Tông Đồ, sau ba năm theo Chúa với những giấc mộng lớn, Tôma chứng kiến Thầy Giêsu bị treo trên cây thập giá và chết một cách nhục nhã đau đớn. Ông đã thất vọng, bỏ cuộc và bị khủng hoảng niềm tin. Chỉ có con đường duy nhất là “về vườn” kiếm kế sinh nhai. Trong bối cảnh như thế, việc Chúa sống lại là chuyện “động trời,” không thể tưởng tượng được, cũng không thể tin được. Điều đó ông không dám nghĩ tới.

3. Được củng cố nhờ Đấng Phục Sinh

Nhưng cuộc đời luôn có những điều bất ngờ hơn những gì con người chờ đợi. Đức Giêsu thành Nadarét, Đấng mà quý vị đã treo trên thập giá và được mai táng trong mồ, sau ba ngày, Thiên Chúa làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đúng như Lời Kinh Thánh (x. Cv 4,8-12).

Để củng cố niềm tin cho các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần, trong đó, Người đã hiện ra với các phụ nữ và nhiều Tông Đồ khác khi họ tụ họp nhau. Trong lần đó Tôma không có mặt. Họ kể lại với Tôma rằng:
“Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,25a).

Nhưng Tôma vẫn không tin, ông nói:
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,24b).

Tám ngày sau, các Tồng Đồ họp nhau lại cùng với Tôma. Lần này, Chúa hiện ra với các ông và nói với Tôma:
“‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin’. Ông Tôma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con’. Đức Giêsu bảo: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!’” (Ga 20,27-28).

Như thế, hành trình đức tin của Tôma trải qua những giai đoạn sau: tin vào Chúa, đi theo Chúa, khủng hoảng đức tin – cuối cùng được củng cố và tuyên xưng đức tin.

Đây cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta: chúng ta đã tin vào Chúa khi chúng ta được rửa tội; chúng ta theo Chúa khi chúng ta chọn lựa ơn gọi và xây dựng đời mình theo Chúa Kitô; nhưng có nhiều lúc, chúng ta gặp những thử thách, khó khăn, cám dỗ… đó là những đêm tối của đức tin, những lúc đó chúng ta khủng hoảng niềm tin, muốn đầu hàng và bỏ cuộc. Nhưng chúng ta được mời gọi noi gương thánh Tôma, hãy trở về với cộng đoàn Giáo Hội nơi mình đang sống, để qua đó chúng ta gặp lại Chúa, tìm lại đức tin, tìm lại nghị lực để được củng cố niềm tin qua việc cử hành các bí tích, nhất là tham dự thánh lễ.

Bài học mà chúng ta tìm thấy nơi Lời Chúa hôm nay: Cộng đoàn Giáo Hội là trường học của đức tin. Cộng đoàn chính là trường dạy của đức tin và cũng là nơi củng cố đức tin. Nên chúng ta đừng bao giờ sống đạo một mình, nhưng luôn thuộc về một cộng đoàn, gắn bó và phục vụ trong cộng đoàn đó. Giáo xứ là nhà của chúng ta, nơi đó, chúng ta hãy xây dựng thành một gia đình Giáo Hội tâm đầu ý hợp, hiệp nhất, yêu thương và nâng đỡ nhau, nhất là nâng đỡ những ai gặp khó khăn, thử thách để giáo xứ hay cộng đoàn chúng ta nên giống với cộng đoàn các tín hữu sơ khai ngày xưa. Amen!