1. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho cha sở nhà thờ Gaza khi Israel tuyên bố phong tỏa
Theo hãng thông tấn của Hội đồng Giám mục Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại với một linh mục Công Giáo đang phục vụ tại Gaza.
Đức Thánh Cha đã gọi điện cho Cha Gabriel Romanelli, cha sở của Nhà thờ Thánh Gia, là nhà thờ Công Giáo duy nhất ở Thành phố Gaza và Dải Gaza, vào ngày 9 tháng 10, AgenSir đưa tin.
Cha Romanelli nói với hãng thông tấn Ý rằng Đức Phanxicô đã chia sẻ “sự gần gũi và những lời cầu nguyện của ngài cho toàn thể cộng đồng Giáo hội ở Gaza cũng như tất cả giáo dân và cư dân” và ban phép lành cho họ.
Vị linh mục, hiện đang bị mắc kẹt ở Bethlehem sau khi đến thăm thị trấn sau chuyến đi đến Rôma vào cuối tháng 9, cho biết ngài cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì lời kêu gọi hòa bình sau trong khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng 10 vừa qua.
Quân đội Israel hôm 9 tháng 10 tuyên bố sẽ phong tỏa toàn bộ Dải Gaza sau khi Hamas, nhóm Hồi giáo kiểm soát Dải Gaza, tiến hành một cuộc tấn công vào Israel vào cuối tuần qua.
Cha Romanelli, một linh mục người Á Căn Đình thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, vào ngày 9 tháng 10 rằng tình hình “tiếp tục rất tồi tệ” và ngài “chưa bao giờ thấy những điều như thế này. “
Vị linh mục cho biết giáo xứ Gaza đang che chở cho hơn 80 người theo Kitô giáo và người Hồi giáo trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel.
Các chiến binh Hamas đã giết chết hàng trăm người và bắt giữ hàng chục con tin kể từ khi phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel cuối tuần qua.
Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết gần 300 người được cho là đã thiệt mạng tại một lễ hội âm nhạc ngoài trời bị lực lượng Hamas nhắm tới khi bắt đầu cuộc tấn công.
Ngay sau cuộc xâm lược hôm thứ Bảy, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel đang “có chiến tranh”. Đất nước này ngay sau đó đã chính thức tuyên chiến với Hamas, với các quan chức quân sự hứa hẹn một cuộc tấn công lớn nhằm vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát để đáp trả cuộc xâm lược.
Source:Catholic News Agency
2. Bề trên dòng Phanxicô ở Thánh Địa nhận định về vụ tấn công của Hamas
Các đền thờ và những thánh vẫn mở cửa để bảo đảm những người hành hương vẫn còn ở Thánh Địa “có những trải nghiệm tâm linh của họ theo cách tốt nhất có thể”, nhưng cũng có những lời mời gọi hãy thận trọng, điều độ và cầu nguyện. Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Bề trên Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Thánh địa, Cha Francesco Patton, phát biểu: “Những gì đã xảy ra không phải là phản ứng đối với cuộc đi dạo của một nhân vật nào đó trên Núi Đền mà là một điều gì đó có tính tổ chức cao”
“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ có ai nghĩ rằng sẽ có một cuộc tấn công được lên kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi nghĩ điều gì đó có thể xảy ra sau những hành động khiêu khích và bạo lực mà chúng tôi đã chứng kiến trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra không phải là một phản ứng đối với cuộc dạo chơi trên Núi Đền mà là một việc gì đó có tính tổ chức cao”. Cha Francesco Patton đưa ra lập trường trên với thông tấn xã SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý.
Tình hình rất nghiêm trọng, tình trạng chiến tranh đã được ban bố. Ở những nơi chúng tôi ở, chúng tôi biết rằng hiện tại chúng tôi đang an toàn, nhưng chúng tôi phải thận trọng và chú ý đến bất kỳ diễn biến nào có thể xảy ra của tình hình. Nguy cơ mở rộng xung đột, cũng như mở rộng sang các vùng lãnh thổ của người Palestine ở Bờ Tây, là có thật và chúng tôi cần hết sức thận trọng và kiên nhẫn”, ngài giải thích. Kể từ ngày xảy ra vụ tấn công, ngày 7 tháng 10, Bộ phận Giám sát của nhà Dòng đã đưa ra những chỉ dẫn chính xác cho các anh em của mình hành động thận trọng, trong thời điểm nhạy cảm. Vì vậy, “hãy ở trong tu viện” hoặc di chuyển “chỉ khi cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc”. Bộ phận giám sát chỉ ra rằng các điều khoản hạn chế do Chính quyền Israel thiết lập, trong tình trạng chiến tranh, “có hiệu lực trên lãnh thổ của nhà Dòng, do đó ở Jaffa, Ramleh và Giêrusalem (bao gồm cả Beit Hanina và Ein Karem). Các lễ chào mừng trong giáo phận dành cho Đức Thượng phụ Latinh và tân Hồng Y, Pierbattista Pizzaballa, dự kiến diễn ra trong những ngày này đã bị hoãn lại ‘cho đến một ngày sau đó’.
Cuộc tấn công của Hamas cũng làm dấy lên các cuộc biểu tình ủng hộ ở nhiều thành phố ở Bờ Tây, nơi nhà Dòng có một số giáo xứ và đền thờ. “Tại thời điểm này, chúng tôi đang cố gắng giữ cho các giáo xứ của mình tránh khỏi những cuộc tranh cãi chính trị, như chúng tôi luôn làm trong những trường hợp này. Có những cuộc biểu tình ủng hộ Hamas, như có thể thấy trên các kênh truyền hình và trên mạng xã hội, nhưng dấu hiệu là đừng để mình bị lôi kéo vì đó không phải là mục đích chúng ta ở đây. Lời mời luôn luôn là sự điều độ và cầu nguyện. Khi có những tình huống xung đột, người Kitô hữu luôn là bên yếu thế hơn. Thực tế, sau mỗi cuộc chiến tranh thường xảy ra một số lượng lớn các Kitô hữu di cư ra nước ngoài”.
Suy nghĩ của Cha Patton cũng hướng đến những người hành hương vẫn còn ở Thánh Địa:
“Để cho phép họ có những trải nghiệm tâm linh theo cách tốt nhất có thể, chúng tôi đã quyết định mở cửa các thánh đường để họ có thể đến thăm và cầu nguyện bên trong.”
“Chúng tôi không biết hiện tại có bao nhiêu nhóm, một số ở Bethlehem, những nhóm khác ở Galilee, Nazareth. Họ sẽ quay trở lại Ý càng sớm càng tốt.” Triển vọng ngày nay không phải là màu hồng”
“Tôi lo sợ với cuộc tấn công này, chúng tôi sẽ phải quay lại sống một mình với các tín hữu địa phương trong một thời gian.”
“ Về phần mình, tôi cũng nói rằng việc tổ chức các cuộc hành hương là không khôn ngoan. Khi nào an toàn để thực hiện lại thì chúng tôi sẽ thông báo và mời các nhóm hành hương quay trở lại. Chúng ta đang ở trong tháng 10, Tháng Mân Côi: Tôi xin mọi người cầu nguyện cho Trái đất bị tàn phá này.”
3. Đức Hồng Y Thượng phụ Pizzaballa nói về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Thánh địa
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Thánh địa cho biết cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ tại Gaza bình an, nhưng nhiều người sống trong lo âu.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Quốc gia” (Quotidiano Nazionale) ở Ý, Đức Hồng Y cho biết các tín hữu Công Giáo ở Gaza “tất cả đều bình an. Phần lớn tập trung trong khu vực nhà thờ để được an ninh và hiệp nhất, nâng đỡ nhau. Nhưng họ cũng ở trong tình trạng khó khăn. Gaza ở trong tình trạng bị dội bom, và bom đạn không phân biệt ai”.
Tại dải Gaza, trong số khoảng hai triệu dân, có khoảng hơn 1.000 tín hữu Kitô, đa số là tín hữu Chính thống, và chỉ có khoảng 100 tín hữu Công Giáo, họp thành giáo xứ Thánh Gia.
Ký giả cũng hỏi Đức Hồng Y về vụ Đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh đã ra thông cáo phê bình tuyên ngôn của các vị Thượng phụ và Thủ lãnh các Giáo hội Kitô tại Thánh địa, công bố hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, tức là trong ngày lực lượng Hamas tấn công vào Israel, trong đó các vị lên án “mọi hình thức tấn công các thường dân bất kỳ từ phía nào: đại sứ quán nói rằng đọc thông cáo này, người ta không hiểu nổi điều gì đã xảy ra, ai là kẻ gây hấn và ai là nạn nhân. Thật là điều không thể tin được một văn kiện như vậy lại được những người có tín ngưỡng ký tên vào”.
Đức Hồng Y Pizzaballa trả lời rằng: “Sứ điệp của các thượng phụ được công bố khi mọi người chưa hoàn toàn biết rõ những gì đang xảy ra. Chúng tôi hiểu tâm trạng của người Israel đứng trước kinh hoàng và những hành động man rợ mà đến bây giờ người ta mới biết rõ. Có lẽ các thượng phụ đã phản ứng quá vội vã, nhưng đây không phải là lúc tranh luận bút chiến. Tình trạng rất nghiêm trọng, chúng ta phải làm việc để cảm thông với nhau”.
Đức Hồng Y nhận thực rằng có lẽ người Israel phẫn nộ vì thông cáo không nêu đích danh lực lượng Hamas. Ngài nói: “Đó là vấn đề. Nhưng Đại sứ quán là những tổ chức chính trị. Hiển nhiên, chúng tôi không thể dùng ngôn ngữ của họ. Chúng tôi sẽ tìm cách hiểu những lý do của họ, nhưng không phải họ là những người xác định điều mà chúng tôi nói”.
Về tình hình các Đền thánh ở Thánh địa, Đức Hồng Y Pizzaballa nói: “Thánh địa là nơi hành hương và có rất nhiều cuộc hành hương. Vụ tấn công xảy ra giống như một núi lửa phun: không ai có thể lường trước. Có hàng ngàn tín hữu hành hương. Một số bị kẹt vì các phi trường bị đóng cửa. Có những người khác chưa muốn kết thúc cuộc hành hương. Vì thế, các nơi thánh vẫn mở cửa. Nhưng đây cũng là vì một vấn đề nguyên tắc: đó là những nơi cầu nguyện, và là điều mà người ta cần hơn cả trong những lúc như hiện nay”.