CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM B : MC 13, 33-37

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người mỗi việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức !”



CHỚ GÌ NGƯỜI TA ĐỪNG THẤY BẠN SAY NGỦ !

Vào thế kỷ thứ tư Công nguyên, có một con người thánh thiện, một đan sĩ gốc Hy lạp, gọi đơn giản là Alexandre (350-430), chiêu mộ được 300 tu sĩ. Đặt tên cho họ là “Những người không ngủ” (moines acémètes, non-sleepers monks), ông chia họ thành sáu nhóm. Mỗi nhóm lần lượt “canh thức” đợi chờ Đức Kitô trở lại. Suốt hai mươi bốn giờ, họ chẳng chợp mắt, chỉ ca hát và cầu nguyện, sẵn sàng chào đón cuộc Quang lâm của Đức Giê-su, Lang quân và Thẩm phán của ngày cuối cùng. Họ muốn thực hành mệnh lệnh Người truyền trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay: “Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra Ông Chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”, cũng như làm vọng lại lời thánh Au-gút-ti-nô đã dạy: “Đức Giê-su giấu không chúng ta biết ngày cuối cùng là nhằm một mục đích : để chúng ta luôn kiếm tìm Người mọi ngày trong đời ta”.

Bốn câu làm thành dụ ngôn này được lấy từ kết luận bài Diễn từ về Cánh chung của Đức Giê-su (Mc 13,1-37). Sau khi đã mô tả những tai ương sẽ phải đi trước ngày tàn của Giê-ru-sa-lem và sau khi đã nhắc tới cuộc Quang lâm của Con Người trong Giáo Hội lẫn trong lịch sử, Diễn từ Cánh chung kết thúc với hai giáo huấn. Giáo huấn đầu loan báo sự cận kề của các biến cố nói trên qua hình ảnh minh họa là dụ ngôn cây vả đâm chồi (cc. 28-29); giáo huấn sau nêu bật sự bất trắc của các biến cố này qua hình ảnh minh họa là dụ ngôn người giữ cửa (cc. 34-37).

1. Biết chờ đợi

Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su nhấn mạnh nhiều đến nhu cầu tỉnh thức : “Chớ gì người ta đừng thấy anh em say ngủ !” Nhưng chính xác thì Người yêu cầu ta điều gì? Sống cảnh giác? Làm những người giữ cửa chẳng bao giờ có quyền ngủ? Thật vậy, người giữ cửa của dụ ngôn này phải sẵn sàng khi “chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Vào thời Đức Giê-su, kể ra bốn canh như thế này là một cách nói : “Suốt đêm”. Phải chăng Người rình lấy đêm của chúng ta? Phải chăng ban ngày, chúng ta có thể sống yên ổn, nhưng khi đêm xuống -và cho tới tảng sáng- phải lo chờ đợi? Chờ đợi gì? Cái chết của chúng ta? Ngày tàn của thế giới? Cuộc trở lại vĩ đại của Người?

Phải chờ đợi tất cả những cái đó, theo nghĩa của giai đoạn phụng vụ chúng ta đang đi vào : Mùa Vọng, mùa biểu dương những lần Đức Giê-su đến trong đời chúng ta và trong thế giới, từ cuộc Giáng lâm đầu tiên ngày Noel tới cuộc Quang lâm cuối cùng, khi Người đến trong vinh hiển Ngày Thế mạt. Mùa Vọng là một kinh cầu về thời gian : Người đã đến, Người đang đến, Người sẽ lại đến.

Người đang đến lúc này đây, nơi tôi ở, trong việc tôi làm, nếu lòng tôi sẵn sàng trước các cách Người đến. Kitô hữu nào biết rình chờ một cuộc viếng thăm cá nhân của Chúa nhưng cũng rất lưu tâm tới các thời điềm, tới việc thế giới đang tiến về ngày vĩ đại, đó là một con người cảnh giác.

Dẫu đang đêm? Đúng ! Hãy trở lại ý tưởng ban đêm. Trong Thánh Kinh, đêm tượng trưng cho thế giới này, tương phản với thế giới tương lai vốn sẽ là một thế giới ánh sáng. Nói ta phải thức tỉnh ban đêm, điều ấy có nghĩa tất cả cuộc đời ta dưới thế này đang diễn ra trong một đêm tối nào đó. Nhưng ngày Giáng sinh chúng ta chẳng nghe bản văn hay này của I-sai-a sao : “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (9,1)? Đúng ! Đức Giê-su là ánh sáng của chúng ta, Người đã đến làm cho chúng ta sống trong ánh sáng thật sự. “Ai theo tôi, Người từng khẳng định như vậy, sẽ không phải đi trong bóng tối” (Ga 8,12). Đây là một trong những câu hay nhất, mạnh nhất của Tin Mừng. Đức Giê-su giật chúng ta khỏi bóng tối. Nhưng với điều kiện chúng ta theo Người ! Chính vì thế chớ có thiếp ngủ, say ngủ.

2. Chớ say ngủ

Thiếp ngủ là trải qua một sự mất dần ý thức, mất dần tiếp xúc với môi trường chung quanh. Say ngủ, chúng ta chẳng còn nghe tiếng nói và tiếng động, chẳng còn nhìn thấy màu sắc và hình dáng. Ngay các giác quan khác của chúng ta (thính giác, xúc giác, vị giác) đều gần như vô cảm với mọi kích thích bên ngoài. Cuộc sống tinh thần cũng gặp một hiện tượng tương tự. Nếu không cẩn thận, tinh thần chúng ta có thể thiếp ngủ. Việc này xảy đến từ từ. Đang khi chúng ta tỉnh táo, xã hội đề nghị với ta nhiều thuốc an thần : các tin tức che đậy hay bóp méo những vấn đề đích thực, các quảng cáo tạo ra những giấc mơ hạnh phúc tạm giả, các chất kích thích đủ loại làm tê liệt phán đoán của mình, những tiện nghi nhất thời khiến ta đánh mất cảm thức về Thiên Chúa. Chúng ta từ từ chìm ngập trong chuyện sống cuộc sống tự nhiên, trở nên quen dần với những giá trị của thế gian đến độ ngừng nghe tiếng nói của Đức Kitô trong tâm hồn, ngừng nhìn thấy những bất tương hợp giữa thế gian và Lời Chúa, thành vô cảm trước các nhu cầu của tha nhân, mất tiếp xúc với thực tại Nước Trời.

Chúng ta ngủ về mặt tinh thần khi mất dần các phản ứng Ki-tô hữu. Ta thấy rõ phải dấn thân ở đây, phải tránh bị lôi kéo ở đó, thế nhưng ta vẫn buông mình, chiều theo những quan niệm hời hợt, những tiếng đồn vu vơ, những môi trường trần tục, những thỏa hiệp nhục nhã. Ta tự nhủ : “Này thiên hạ cầu nguyện càng ngày càng ít, kể ra mình cũng vậy”, “Này người ta ve vãn quyền lực, bon chen phấn đấu, kể ra mình cũng muốn thế cho được việc mình”. Nhưng ta không phản ứng. Ta nghĩ : “Mình nên tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt giáo xứ”, “Mình nay trở thành ích kỷ, hay càu nhàu... ”, “Mình đang làm mất sự độc lập của Giáo Hội...”, “Mình đang thản nhiên trước việc chà đạp nhân quyền…” Nhưng ta chẳng thật sự muốn đổi thay. Dần dần ánh sáng Tin Mừng yếu đi rồi tắt hẳn, ta sống “giống mọi người”, trong đêm tối, như thể Đức Kitô đã chẳng hề đến.

Sống dưới nỗi sợ thường xuyên về một cuộc chiến tranh nguyên tử và việc tiêu diệt hành tinh sau đó, hay nhỏ hơn là những tranh chấp quân sự khắp nơi và việc môi trường sinh sống bị đe dọa, thế hệ và xã hội chúng ta mong hưởng thụ cuộc sống thỏa thích ở đây và bây giờ. Người ta dễ mất khuynh hướng nhìn về tương lai. Do đó, nếu chẳng biết trông đợi cách hăm hở những điều kỳ diệu Chúa Cha đang sửa soạn cho con cái Người, chúng ta sẽ phải thất vọng cay đắng hay tiếc nuối bực dọc khi chẳng được hưởng các vui thú trần đời, khi các khoái lạc nhân loài thoát khỏi tay chúng ta. Và như thế là mê ngủ.

3. Phải tỉnh thức

Vậy phải làm sao để luôn tỉnh thức về mặt tinh thần? Bằng cách dùng ít nhiều các phương tiện như đã dùng để tỉnh thức về mặt thể xác. Thường khi muốn chống lại cơn buồn ngủ thì ta làm gì? Có thể uống cà phê đậm, điện thoại cho bạn hữu, đọc một cuốn sách hay, cuốc bộ mươi phút hoặc một giờ, tóm lại là cố gắng trở nên hoạt động hơn, và trên hết là tránh trở nên quá thoải mái. Tương tự vậy, sự thức tỉnh tinh thần không thể tương hợp với một cuộc sống đầy tiện nghi, nhàn nhã, vui thú, liên hoan tiệc tùng. Quá nhiều thỏa mãn thể xác sẽ làm tinh thần trì tuệ, khiến nó mất sinh lực riêng của nó. Mặt khác, cái nâng cao cuộc sống tinh thần là cầu nguyện, đọc và suy gẫm Lời Chúa, tham dự phụng vụ, chia sẻ niềm tin với anh em Ki-tô hữu, nỗ lực giúp đỡ người khác, tích cực cộng tác vào việc xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ, thường xuyên cố gắng nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong các biến cố hằng ngày, nhận ra Đức Kitô không ngừng đến.

Thật thế, Người đang đến thường xuyên với chúng ta ! Tiếng gọi yêu thương, giúp đỡ, đấu tranh cho công lý, bênh vực cho sự thật, đó chính là Người. Lời mời bồi dưỡng đức tin để sống và chuyển đức tin tốt hơn, đó chính là Người. Sức mạnh để chịu đựng cơn bệnh, chỉ mình Người mới có thể ban cho ta, và chỉ mình Người mới có thể biến tuổi già của chúng ta thành một “cuộc sống thăng tiến”. Mọi kiểu đến của Người đều là những kiểu cống hiến sự sống cả. Chúng ta không chờ một biến cố cho bằng chờ chính Người, chờ Người chiếm lĩnh và lấp đầy lịch sử nhân loại. Sự kết thúc lịch sử không phải là một giây phút nào đó mà là chính Người : “Ta là An-pha và Omê-ga, là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” (Kh 22,13). Thành thử chờ Chúa không phải là dự kiến một cuộc gặp gỡ đáng sợ. Đó như là đợi một người bạn ta hằng mong mỏi đến. Đó là một thái độ vui mừng hy vọng, trong một bầu khí chớm mang màu sắc lễ hội rồi. Ai nhận ra điều này mới có thể la lớn với các Ki-tô hữu thế hệ đầu tiên: “Ma-ra-na tha - Lạy Chúa, xin ngự đến” (1Cr 16,22). “Điều Đức Kitô đã nói với các môn đệ, Người cũng sẵn sàng nhắc lại cho riêng từng người trong chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).