ĐƯỜNG KHIÊM NHƯỜNG

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng luôn vang lên lời Kinh Thánh mời gọi mở đường sửa lối để Chúa đến. Đường lối nào? Đường hàng không hay đường cao tốc? Phúc Âm chỉ cho đường khiêm nhường thú tội và khiêm nhường trước Chúa.

1. Khiêm nhường thú tội. Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi người ta “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” Mọi người đã kéo đến thú tội với ông. Thực tế trong đời không ai tránh được tội, ít nhiều đều có tội, thế nhưng người ta thường giấu tội, chối tội, chạy tội, đổ tội, chứ ít khi nhận tội. Người kiêu ngạo không nhận mình có tội. Phải thật lòng khiêm nhường thì mới sẵn lòng nhận mình có tội, thú tội.

2. Khiêm nhường trước Chúa. Theo ngôn ngữ thời nay thì Thánh Gioan là người của công chúng, có nhiều “fan” hâm mộ, vậy mà Ngài lại rao giảng Chúa là Đấng quyền thế sắp đến, ông không đáng cúi xuống cởi dép cho Người. Lời rao giảng và lối sống của Gioan là gương cho mọi người noi theo, đó là sống khiêm nhường đặt Chúa lên trên bản thân mình, để Chúa làm chủ đời mình. Khiêm nhường sẽ giúp con người sẵn lòng từ bỏ ý riêng để vâng lời làm theo ý Chúa.

Cần có đường để người ta đến gặp gỡ nhau. Nhưng nhiều lúc có đường rồi mà vẫn không đến gặp được nhau vì đường bị kẹt, bị tắc, bị nghẽn. Thế nên luôn cần để ý mở lối để không bị ách tắc giao thông. Con đường tâm linh cũng thế, Chúa muốn đến với con người, nhưng nhiều khi đường cũng bị kẹt, bị tắc vì lòng người bề bộn ngổn ngang trăm thứ sự đời, vì lòng người khép kín đóng lại. Thế nên cần sám hối sửa lối yêu thương, mở đường khiêm nhường. Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Khiêm nhường là nền đường, là con đường để Chúa đến với con người và con người đến với nhau. Amen.