39. MỘT CON BỒ CÂU PHÂN LÀM BA (1)

Đại tướng nam Đường là Vương Kiến Phong không thông văn tự lễ nghĩa, bắt Tỷ Sử sao lục trong “Đông trực sớ” có một câu giải thích về chim “bồ câu”, lúc Tỷ sử sao chép thì không chuyên tâm nên đem chữ “bồ câu” phân ra, viết thành ba chữ “nhân人, nhật日, điểu鳥”.

Vương Kiến Phong vừa nhìn thì cho rằng đó là “nhân, nhật, điểu”, và cũng không suy xét tỉ mỉ, bèn ra lệnh cho thuộc hạ:

- “Sau này mỗi lần gặp ngày “nhân nhật人日” (1) có mở tiệc, thì trước tiên phải đem lên món “điểu”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 39:

Đi ăn tiệc cưới mà thấy miếng thịt thái thật mỏng thì nói là gia chủ keo kiệt, huống hồ con chim bồ câu nhỏ xíu mà cũng phân làm ba, thì có nước mà bị cười cho rát mặt, nhưng con bồ câu mà phân ra làm ba thì là chuyện chữ nghĩa của người Trung Hoa ngày xưa, không ăn nhằm gì đến chuyện ăn uống của mọi người.

Nghe nói có người làm quan đến chức ông này bà nọ nhưng không biết một chữ, cho nên bị những thành phần mánh mung dùng chữ nghĩa để lường gạt; có người chữ nghĩa đầy mình nhưng coi thường chữ “đạo” nên trở thành kẻ hại nước hại dân...

Người Ki-tô hữu được gọi là giỏi chữ nghĩa khi họ biết thực hành những gì mà lời Đức Chúa Giê-su đã nói đã dạy trong Phúc Âm, bởi vì nếu chỉ thuộc lòng thôi mà không thực hành Lời Chúa thì sẽ trở thành cái phèng la nói đạo lý rất hay, biện minh cho hành vi sai lỗi của mình rất giỏi, nhưng không làm cho họ trở thành “chói sáng” trước mặt người đời cũng như trước mặt Thiên Chúa.

“Bồ câu” phân làm ba là chữ viết của người Trung Hoa khi họ làm biếng viết, nhưng đọc Phúc Âm mà phân ra làm hai ngôn hành bất nhất là của người Ki-tô hữu đạo đức giả để phỉnh gạt người khác mà thôi...

(1) Chữ 鴿 là bồ câu, viết rời ra 3 chữ, đó là chữ人 nhân、chữ日nhật、chữ鳥điểu (chim)。

(2) Ngày 7 tháng Giêng âm lịch, người Trung Quốc xưa gọi là ngày “nhân nhật人日”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info