LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B : MC 1,7-11
Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
CON LÀ CON YẾU DẤU CỦA CHA
Trong một ngôi nhà thờ đầy người ở miền quê Trung Quốc, các lễ nghi phụng vụ đang bắt đầu thì một anh lính có vũ trang đi vào. Cộng đoàn hoảng hốt (Ở Trung Quốc, chỉ những nhà thờ thuộc Giáo hội Yêu nước mới được mở). Thấy thế, anh làm cho mọi người yên tâm bằng cách làm dấu Thánh giá, một dấu hiệu chứng tỏ anh tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng hình ảnh đặc trưng nhất về mầu nhiệm đó. Như trong bài Tin Mừng lễ Hiển linh tuần trước, nó cũng được viết sau biến cố Phục sinh. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm này, tác giả Tin Mừng ngược dòng thời gian trở về biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa, để giúp ta khám phá nơi sự kiện ấy việc hoàn tất những lời đã hứa cho Ít-ra-en xưa và việc mạc khải một mầu nhiệm mới liên can tới bản thân Người. Được các thánh sử kể lại ngay trước khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ, trình thuật cho thấy từ nay phải hiểu toàn bộ cuộc đời công khai của Người dưới ánh sáng đó (nó chiếu rọi trước hào quang Phục sinh). Và rồi, trong lần hiển hiện đầu tiên của Thánh Thần này, trong cuộc xuất đầu lộ diện của Con Thiên Chúa giữa loài người này, ta chứng kiến thời buổi cánh chung đã khởi đầu, triều đại Thiên Chúa đã khai mở.
1. Hoàn tất những lời hứa xưa
Trước hết, cuộc “ra mắt” nhân vật Giê-su được thuật lại bằng một công thức vay mượn từ Cựu Ước, lấy ở đầu sách Xuất hành (2,11), chỗ nói về cuộc ra mắt của Mô-sê : “Hồi đó, ông Mô-sê đã lớn, ông ra ngoài thăm anh em đồng bào”. Ngay từ đầu, Đức Giê-su được giới thiệu như là Mô-sê mới (y như trong Mát-thêu)
Cuộc thần hiện của Thiên Chúa xảy ra khi Đức Giê-su “vừa lên khỏi nước”. Nhận xét này có ý trình bày Người như Mô-sê mới một lần nữa. Quả thế, ta tìm thấy nơi ngôn sứ I-sai-a một lời cầu tha thiết xin Thiên Chúa tái diễn lại những hành động cứu thoát như thời Xuất hành. Mác-cô được gợi hứng từ một đoạn sách trong đó có câu : “Đâu rồi, Đấng đã đưa vị mục tử đàn chiên của Người (=Mô-sê) lên từ biển?” (Is 63,11). Phép rửa Đức Giê-su chịu là một cuộc vượt qua mới khỏi Biển Đỏ. Người sẽ là Mô-sê mới, đưa dân mình vượt qua nước trong một cuộc Xuất hành mới, để tiến tới một Giao ước mới, hướng về một Đất hứa mới.
“Đức Giê-su liền thấy các tầng trời xé ra (mở tung ra)…”. Theo truyền thống Do-thái, từ thời các ngôn sứ cuối cùng, các tầng trời nơi Thiên Chúa ngự đã khép lại. Ngôn sứ chẳng còn nữa, nên mối liên lạc giữa Thiên Chúa với loài người cũng đã bị cắt đứt. Bởi thế đến hôm nay, khi Người đáp lại tiếng van nài của vị ngôn sứ trong cảnh lưu đày khốn khổ : “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19), thì đúng là một thời mới đã mở màn, mối liên lạc đã được tái lập giữa TC với phàm nhân. Kiểu nói “xé ra” sau này chỉ trở lại dưới ngòi bút Mác-cô vào giây phút Đức Giê-su tắt thở trên thập giá : “Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (15,38). Điều đã được khai mở hôm nay trên dòng sông Gio-đan rồi đây sẽ được hoàn tất mỹ mãn trên gò Sọ : Đức Giê-su sẽ mở ra một lối đi cho hết mọi người được tự do đến với Thiên Chúa. Chiều Thứ sáu đẫm máu ấy, với việc tấm màn Đền thờ ngăn cách toàn dân với Nơi thánh bị xé toang, ai ai cũng có thể thong dong đến với Người, miễn là tâm thành ý thiện.
Và “… thấy Thần khí ngự xuống trên mình”. Trước khi Đức Giê-su đến, Thần Khí đã như bị dập tắt : Người chẳng còn ngự xuống để khơi dậy thêm những ngôn sứ mới nữa. Ở đây, việc Thần Khí ngự xuống trên Đức Giê-su chỉ định Người làm vị Ngôn sứ của thời cánh chung.
Cuối cùng, tiếng phán từ trời vọng lại và hoàn tất ý nghĩa một số câu nói trong Cựu Ước. Trước hết, nó vọng lại một câu nói trong Thánh vịnh 2 : “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (c.7) mà truyền thống Do-thái vẫn đọc lên như lời sấm về Đấng Mê-si-a. Ngay từ những trang đầu của Tin Mừng, Đức Giê-su đã được tuyên phong là Vua Cứu Thế thuộc dòng dõi Đa-vít. Tiếng phán cũng vọng lại câu nói được nhắc lui nhắc tới 3 lần trong Sáng thế 22, lúc Áp-ra-ham, vì vâng lệnh Thiên Chúa, toan ra tay sát tế I-xa-ác, “đứa con yêu dấu” của ông. Đức Giê-su được xem như một I-xa-ác mới, khác chăng là Người đã chẳng thoát khỏi tử thần. Sau cùng là vọng lại nhiều từ trong Is 42,1 : “Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến…”. Như tôi trung này, Đức Giê-su, Đấng Thiên Chúa hằng một niềm dấu ái và Thần Khí ngự xuống dư đầy, nay được sai đi thi hành sứ mạng là “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,6-7). Và cũng cùng thân phận với Tôi trung được ngôn sứ tiên báo, Đức Giê-su sẽ phải thực hiện sứ mạng ấy qua con đường tự hạ, đau khổ.
2. Mạc khải một mầu nhiệm mới
Thế nhưng, ngoài việc thể hiện các tiền ảnh đó, Đức Giê-su còn mạc khải một điều rất mới liên quan đến bản thân mình. Về mầu nhiệm của Người, các nhà chuyên môn nói đến Ki-tô học hướng lên (đi từ Đức Giê-su con người lên Đức Giê-su Con Thiên Chúa) và Ki-tô học hướng xuống (đi từ Ngôi Lời TC xuống Đức Giê-su người Ga-li-lê). Lời gợi nhớ việc đi xuống gây chóng mặt nhất là lời của thánh Gio-an : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Còn sự đi lên lạ lùng nhất được mô tả trong bài Tin Mừng chúng ta đang suy niệm : từ Đức Giê-su Na-da-rét lên Con yêu dấu của Chúa Cha.
Người con của ông Giu-se này đã ra đi từ một ngôi làng khiêm tốn xứ Ga-li-lê để đến nhận phép rửa thống hối trao ban bên bờ sông Gio-đan bởi Gio-an Tẩy giả. Đức Giê-su kín đáo đứng cuối hàng và dìm mình xuống nước trước mặt Gio-an như bất cứ ai. Nhưng ngay khi bước lên bờ, Người liền bùng vỡ cảm thức mình là ai, và một tiếng nói tự trời vang xuống : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Như Mác-cô nói, khi thiên hạ vừa nghe lời khẳng định như thế, “các tầng trời mở tung ra (xé ra)”, Thiên Chúa tự mạc khải. Sở dĩ Đức Giê-su là Con, chính vì Thiên Chúa có một người Con ! Nhưng phải hiểu điều này thế nào? Thiên Chúa là một hay ba? Anh em Chính thống trả lời : Thiên Chúa là Thiên Chúa, Người đã mạc khải sao thì y như vậy.
Đức Giê-su là kẻ mạc khải. Mạc khải về Chúa Cha bằng cách mải miết nói đến các liên hệ độc nhất của mình với Đấng mà Người gọi là Abba (Lạy Cha? Ba ơi? Cha yêu dấu?) Đừng lọc lựa vô ích, chúng ta chẳng có từ để diễn tả mầu nhiệm này. Nhưng khi sống đủ với Chúa Con, chúng ta sẽ được cho biết một điều gì đó về cái thực tại vượt trên ngôn từ như vậy. Rồi dẫu Đức Giê-su đã dùng lời để mạc khải về Thần Khí ít hơn, Tin Mừng vẫn không ngớt cho ta hay Người tràn đầy Thần Khí, theo sự hướng dẫn của Thần Khí, ban cho ta chính Sức Mạnh ấy để hiểu Người và sống nhờ Người.
Đức Giê-su, kẻ xuất thân từ làng Na-da-rét ấy, là Con Thiên Chúa, đó không chỉ là một định nghĩa hay một danh xưng, mà còn là một liên hệ tình yêu, một mối dây “gia đình”. Tiếng Chúa Cha đã vang lên trìu mến đúng là một khẳng định của tình yêu : Đức Giê-su vừa là kẻ xuất thân từ Na-da-rét, vừa đồng thời là Đấng sống mật thiết với Cha trên trời. Đây mới thực là “mầu nhiệm” của Người, mà ta chẳng bao giờ tát cho cạn, suy cho thấu. Mầu nhiệm của một con người hoàn toàn sống cho tình yêu, tràn đầy Thần Khí tình yêu. Cuộc đời Đức Giê-su ngay tự ban đầu đã được xác định qua tương quan với Chúa Cha và với Thần Khí. Đó chính là nét thâm sâu của bản thân Người. “Con Chí Ái của Cha” chính là danh thiếp của Người vậy.
Chính từ những mạc khải đó đã nảy sinh từ “Ba Ngôi” nơi các Ki-tô hữu. Giáo Hội và các nhà thần học đã xây dựng cả một ngôn ngữ để ta có thể nói chút ít về mầu nhiệm một Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi. Nhưng mầu nhiệm này, vừa mời gọi ta đến gần Thiên Chúa, vừa làm cho việc đó thành rất khó khăn. Vì những khó khăn ấy, nhiều Ki-tô hữu trong thực tế sống bên lề mạc khải Ba Ngôi. Tuy nhiên, nói mạc khải là nói quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có từ chối quà tặng này chăng? Đức tin Ki-tô giáo không phải là việc trí tuệ ta đi lên một Thiên Chúa của các ý tưởng, song trước hết là việc đón tiếp điều Thiên Chúa đã muốn nói với ta về Người, điều Người đã có thể nói với các từ của chúng ta, và đặc biệt qua sự hiện diện của Con Người. Từ đó, vâng, từ đó đức tin chúng ta mới là công việc của trí tuệ, một công việc được làm trong cầu nguyện, khiêm tốn và biết ơn. Lạy Chúa, xin chúc tụng Chúa đã cho các thánh sử nói với chúng con rằng Đức Giê-su là Con yêu dấu của Ngài.