CN 2TN : EUREKA, TÌM RA RỒI

Sau khi từ bỏ thầy mình là Gioan Tẩy Giả, để đi theo người mà Gioan nói là Chiên Thiên Chúa, rồi lại ở với vị thầy mới là Chiên Thiên Chúa đó, thì hôm sau, Anrê đi tìm anh mình là Phêrô, và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là Đấng Kitô). “Chúng tôi đã gặp.” “Gặp”, một cách diễn rất không đạt. Hôm qua ra đường, tôi gặp cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư, gặp ông đi qua bà đi lại. Hoặc cao hơn một bậc, hôm qua đi phố tình cờ gặp lại người quen. Những kiểu gặp đó không phải là “gặp” trong câu “chúng tôi đã gặp Đấng Kitô của Anrê.” Vậy chữ “gặp” trong câu nói của Anrê nghĩa là gì

Chúng ta sẽ tìm theo nghĩa Kinh Thánh, tức là nghĩa của câu thoại trên; và một nghĩa nữa : nghĩa tình yêu, nghĩa của bối cảnh trên.

1- Nghĩa của Kinh Thánh

Lẽ ra nên dịch : tìm thấy rồi, tìm được rồi !

Quả thật người Do Thái thời ấy ao ước sự xuất hiện của Đức Kitô mà Kinh Thánh đã loan báo. Đấng đó sẽ đến giải thoát, giải thoát cả sự đô hộ của Roma nữa. Ai tìm ra được Đức Kitô quả là diễm phúc. Cho nên khi tìm được rồi reo lên như Archimède xưa : Eureka (mà quả thật Phúc Âm viết bằng tiếng Hilạp, cũng dùng chữ như Archimède xưa kêu lên : Eureka, tôi đã tìm ra rồi).

Số là Archimède sống từ khoảng năm 287 đến 212 tCN. Ông là cố vấn khoa học cho Herio II, người thống trị thành phố Syracuse trên đảo Sicily, phía nam Italy (Sicily khi đó là một phần của thế giới Hi Lạp). Câu chuyện kể rằng Herio đã yêu cầu Archimède kiểm tra xem chiếc mũ miện mà ông vừa cho chế tạo dâng thần thánh được làm bằng vàng nguyên chất hay hỗn hợp của vàng và bạc. Người ta cho rằng Archimède đã tìm ra câu trả lời trong khi đang ngồi trong bồn tắm. Ông đã nhảy ra khỏi bồn tắm và trần như nhộng chạy khắp các đường phố la toáng lên “Eureka! Eureka!” Đó là tiếng Hi Lạp có nghĩa là “Tôi đã tìm ra rồi.”(*)

Anrê theo thầy Gioan Tẩy giả, cũng là để đi tìm cho bằng được Đấng Kitô, cho nên khi tìm được cũng kêu lên Eureka : Đấng Kitô, chúng tôi đã tìm ra được rồi.

-Newton (tk 18) nằm dưới gốc tây táo, tình cờ một quả táo rơi trúng đầu, ông tìm ra được định luật hấp dẫn vạn vât và sức hút của trái đất, khi nó quay. Chắc chắn ông phải suy nghĩ nhiều trước đó, để khi thấy trái táo rơi, -tại sao không rơi ra không gian, mà rơi xuống đất,- lúc đó chắc chắn Newton cũng kêu lên Eureka. Ngày nay bên Âu Châu và ngay tại Việt Nam ta, cũng có những câu lạc bộ Eureka, nhằm tìm tòi phát minh ra những điều mới lạ, một kiểu như Eureka : tôi đã tìm ra rồi. Anrê cũng thốt lên như vậy với anh mình : Kitô, tôi đã tìm ra rồi !

-Trên VTV1, có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly,” do nhà báo Thu Uyên, nay đã đến số trên trăm, mỗi tháng 1 số, diễn lại phút “gặp” lại người lạc mất. Đúng là “tôi đã tìm thấy rồi” chứ không phải tình cờ gặp đâu. Người nhà tìm, nhà đài tìm, để rồi cuối cùng kêu Eureka, chúng tôi đã gặp : chúng tôi đã tìm được rồi, mừng quá. Anrê cũng nói câu tương tự với Phêrô : Đấng Kitô đó, chúng tôi đã tìm ra rồi, tìm được rồi, mừng quá, “như chưa hề có cuộc chia ly.”

Đó là nghĩa Kinh thánh, nghĩa của câu thoại, bởi vậy dịch là “gặp”, chúng tôi đã gặp, hơi yếu : ít ra phải là “chúng tôi đã tìm thấy rồi, đã bắt gặp được rồi.”

2. Nghĩa tình yêu

Nhưng câu nói của Anrê còn thêm một nghĩa, nghĩa của khung cảnh Anrê gặp Đức Kitô, mà ta có thể gọi là nghĩa “tình yêu.”

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không (Kiều câu 181)

Hai câu thơ mô tả Kiều gặp Kim Trọng. Gặp mà làm chi, dứt đi không được.

Khi Anrê đã gặp được Đấng Kitô rồi, thì cũng dứt đi không được, lúc gặp là giờ thứ mười, 4 giờ chiều, rồi ở lại hôm ấy với Đức Kitô. Nhớ rất rõ là mấy giờ. Làm sao quên được !

Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy

ngàn năm hồ dễ mấy ai quên

Thế Lữ đã thốt lên như vậy.

Khi chàng gặp nàng lần dầu, không thể quên được.

Khi Anrê gặp Chúa, ta nên nhớ là còn Gioan nữa, Gioan cũng là người đầu tiên gặp Chúa, nên hơn 50 năm sau, khi viết sách Tin Mừng, Gioan còn nhớ rất rõ : 4 giờ chiều. Phút gặp gỡ đầu tiên ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.

Có một bài hát của Lm Tiến Lộc, cũng hát được trong nhà thờ, nhưng thường là hát sinh hoạt : “Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình, Gặp gỡ đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh.”

Cha Lelotte trong cuốn “Những người trở lại trong thế kỷ 20” ghi lại hơn ba mươi khuôn mặt từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân. Cha trình bày kinh nghiệm gặp gỡ Chúa một cách độc đáo, riêng biệt của từng người. Và từ ngày ấy cuộc đời của họ đã biến đổi một cách sâu sắc. Họ trở lại, đi theo Chúa, có người đi tu (như cha Bửu Dưỡng trước đây). Có người tiếp tục đời thường nhưng say mê Chúa mà họ đã eureka, đã tìm ra được rồi.

Trong một lớp giáo lý tân tòng, một thiếu nữ trẻ đang học đạo để lập gia đình, đã chia sẻ tâm tình và sự lựa chọn của cô như sau :

Trong cuộc đời cô, cô chưa bao giờ nghe biết hay được học hỏi điều gì về tôn giáo cả. Gia đình cô rất ghét đạo Công Giáo. Nhưng chàng và nàng lại yêu thương nhau tha thiết. Khi chàng ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ với điều kiện cả hai phải có cùng một niềm tin tôn giáo, nàng chấp nhận ngay. Cô nói: “Tôi muốn có cái mà anh ấy có”. Cô chia sẻ rằng cô nhận thấy, đối với chàng đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc đời và chi phối toàn bộ cuộc đời chàng. Trong đức tin chàng có sự bình an và hạnh phúc. Đó là điều cô cũng đang đi tìm kiếm thì tại sao cô lại không chấp nhận được. Trong khi đó chàng không có nhiều tiền bạc, nhưng rất hài lòng về cuộc sống của mình, và chu toàn những bổn phận hằng ngày. Cuộc sống phản ảnh đức tin mà chàng và cô muốn là một phần của niềm tin đó.

Chúng ta có được như chàng trai này : sống đức tin vì đã tìm gặp được Chúa rồi để sau đó làm cho nàng cũng eureka tìm gặp được Chúa như chàng không? Đúng là “gặp gỡ Đức Kitô, (phải) biến đổi cuộc đời mình,” và cả cuộc đời người khác nữa. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

___________

(*) Số là Archimède sống từ khoảng năm 287 đến 212 tCN. Ông là cố vấn khoa học cho Herio II, người thống trị thành phố Syracuse trên đảo Sicily, phía nam Italy (Sicily khi đó là một phần của thế giới Hi Lạp). Câu chuyện kể rằng Herio đã yêu cầu Archimède kiểm tra xem chiếc mũ miện mà ông vừa cho chế tạo dâng thần thánh được làm bằng vàng nguyên chất hay hỗn hợp của vàng và bạc. Người ta cho rằng Archimède đã tìm ra câu trả lời trong khi đang ngồi trong bồn tắm. Ông đã nhảy ra khỏi bồn tắm và trần như nhộng chạy khắp các đường phố la toáng lên “Eureka! Eureka!” Đó là tiếng Hi Lạp có nghĩa là “Tôi đã tìm ra rồi”.

Vàng thì nặng hơn bạc, cho nên một ký vàng thì khối lượng nhỏ hơn cũng một ký vàng pha bạc, vậy nếu 1kg vàng pha bạc, thì nước tràn ra nhiều hơn là vàng ròng.

-Archimdes thả những vật bằng vàng nguyên chất và bạc nguyên chất vào nước để đo sự thế chỗ. Sau đó, ông thả cái mũ miện vào. Nước tràn ra nhiều hơn. Thì ra nó chiếm chỗ của nước nhiều hơn vật bằng vàng nguyên chất. Archimède kết luận rằng cái mũ miện của nhà vua không được làm bằng vàng nguyên chất.