John L. Allen Jr., trên Crux ngày 19 tháng 5 năm 2024, nhận định rằng cũng giống như Israel tiếp tục triển khai “quyền lực cứng” quân sự của mình trên Dải Gaza, bất chấp áp lực quốc tế đòi lùi bước, nước này cũng không có dấu hiệu ngừng chiến dịch “quyền lực mềm” nào của mình. Ngược lại, Israel đang theo đuổi một cuộc khẩu chiến không ngừng nghỉ chống lại bất cứ bên nào mà họ cho là phạm sai lầm tương đương về mặt đạo đức giữa khủng bố và tự vệ, hoặc buôn bán những chiêu trò bài Do Thái.

Mọi người vẫy cờ Palestine khi Giáo hoàng Phanxicô chuẩn bị làm phép lành ngày Giáng sinh Urbi et Orbi trên ban công của Nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican, Thứ Hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023: Gregorio Borgia/AP.


Một mặt trận “quyền lực mềm” như vậy là với Vatican, khi các quan chức Israel, cùng với một nhóm các nhà lãnh đạo Do Thái từ khắp nơi trên thế giới, đang khẳng định rằng các nhân vật Công Giáo có ảnh hưởng đang thể hiện “sự mù quáng về đạo đức và/hoặc thiếu liêm chính” theo ngôn từ của một cuộc biểu tình gần đây.

Ba cuộc khẩu chiến chỉ trong mười ngày qua đã phản ảnh động lực của sự bế tắc quyền lực mềm này.

Đầu tiên là một tiểu luận ngày 8 tháng 5 được đăng bởi L'Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, và trên trang Vatican News, được viết bởi Linh mục Dòng Tên David Neuhaus, người hiện đang là giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Kinh thánh ở Giêrusalem và là thành viên của Ủy ban Công lý và Hòa bình cho các Bản quyền Công Giáo của Thánh địa.

Sinh ra ở Nam Phi trong một gia đình người Đức gốc Do Thái, Neuhaus chuyển đến Israel năm 15 tuổi và chuyển sang đạo Công Giáo ở tuổi 26. Ông là người gắn bó lâu năm trong các mối quan hệ Do Thái-Công Giáo, và từng là cha sở giáo xứ cho những người Công Giáo nói tiếng Do Thái ở Israel từ năm 2009 đến năm 2017.

Trong bài viết phức tạp dài 2,500 chữ ngày 8 tháng 5 của mình, lập luận trọng tâm của Neuhaus là chủ nghĩa bài Do Thái đã trở thành căn bệnh ung thư không chỉ đối với người Do Thái mà còn, theo một nghĩa nào đó, đối với người Palestine, ở chỗ chính di sản Holocaust đã tạo ra động lực hướng tới thành lập một nhà nước Do Thái ở Trung Đông và tạo tiền đề cho điều mà người Ả Rập gọi là Nakbah, hay “thảm họa”, đề cập đến việc buộc người Palestine phải di dời trong cuộc chiến năm 1948.

Dọc theo con đường đó, Neuhaus lập luận rằng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, nghĩa là động lực thành lập một nhà nước Do Thái, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân châu Âu thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đồng thời nhấn mạnh rằng việc chỉ trích Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái không nhất thiết tương đương với chủ nghĩa bài Do Thái. Ông cũng lập luận rằng những người phản đối chủ nghĩa bài Do Thái và những người ủng hộ quyền của người Palestine nên là đồng minh trong việc tìm kiếm một xã hội ở Trung Đông “dựa trên công lý, hòa bình, tự do và bình đẳng”.

Sau tiểu luận ngày 8 tháng 5 đó, Đại sứ Israel tại Tòa thánh Raphael Schutz đã tiếp cận L’Osservatore Romano với yêu cầu gửi phản hồi để công bố. Tờ báo ban đầu đồng ý, nhưng sau đó đã hủy bỏ lời đề nghị – sẽ nói thêm về điều đó sau – vì vậy Schutz đã cung cấp nội dung trả lời của mình cho tờ báo Ý Il Messaggero, và sau đó là cho Crux.

Những phản bác chính của Schutz bao gồm những điều sau đây.

Ông nhấn mạnh, chủ nghĩa phục quốc Do Thái không liên quan gì đến chủ nghĩa thực dân: “Chủ nghĩa thực dân là khi một đế chế chiếm đóng một lãnh thổ xa xôi để khai thác tài nguyên của nó. Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nói về một thiểu số bị đàn áp cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải có một nơi nào đó dưới ánh mặt trời để họ có thể tự do, độc lập và được bảo vệ khỏi bị đàn áp.”

Ông lập luận rằng Nakbah không phải là hậu quả của Holocaust, mà là “sự thiển cận và các chính sách hiếu chiến” của người Ả Rập, bao gồm cả việc bác bỏ kế hoạch phân chia năm 1947 của Liên hợp quốc và khởi động cuộc chiến năm 1948. Nói rộng hơn, ông tuyên bố rằng Neuhaus chỉ coi người Palestine như nạn nhân, miễn cho họ mọi trách nhiệm về hoàn cảnh của chính họ.

Một các căn bản nhất, Schutz cáo buộc Neuhaus thực tế đã áp dụng một câu chuyện của người Palestine về cuộc xung đột ở Trung Đông - coi người Do Thái như một sự hiện diện của nước ngoài, thay vì là một dân tộc bản địa có yêu sách chính đáng đối với vùng đất mà họ chiếm giữ: “Từ đầu cuộc xung đột cho đến ngày nay,” Schutz viết, “người Palestine chưa bao giờ công nhận một cách chân chính sự kiện này là cuộc xung đột là giữa hai phong trào dân tộc tìm kiếm quyền tự quyết trên cùng một lãnh thổ.”

Cuối cùng, Schutz đổ lỗi cho Neuhaus vì đã không đề cập đến các cuộc tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10, nói rằng sự thiếu sót đó phản bội “một kiểu mù quáng đặc biệt về đạo đức và/hoặc thiếu liêm chính” và gián tiếp góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái bằng cách đặt câu hỏi về quyền hiện hữu của một nhà nước Do Thái.

Trong khi cuộc xung đột đó vẫn đang âm ỉ, Vatican đã tổ chức “Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại” vào ngày 10 tháng 5, quy tụ khoảng 30 người từng đoạt giải Nobel Hòa bình dưới sự bảo trợ của tổ chức Fratelli Tutti lấy cảm hứng từ thông điệp năm 2020 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Một trong những diễn giả là Tawakkol Karman, một nhà báo người Yemen đã đoạt giải năm 2011 nhờ đưa tin về Mùa xuân Ả Rập. Cô đã sử dụng diễn đàn Vatican để giải quyết vấn đề xung đột ở Gaza, cáo buộc Israel “thảm sát thanh lọc sắc tộc và diệt chủng”. Karman cũng đăng bản tóm tắt những gì cô nói tại biến cố ở Vatican, cả trước và sau, trên các trương mục mạng xã hội của mình.

Ngay sau đó, đại sứ quán Israel đã đưa ra tuyên bố bày tỏ “sốc và phẫn nộ”, gọi nhận xét của Karman là “một bài phát biểu tuyên truyền đầy dối trá”. Trong số các điểm khác, tuyên bố cho biết việc cáo buộc Israel thanh lọc sắc tộc khi hàng ngày nước này cho phép một lượng lớn viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza là “theo kiểu Orwellian”.

Gợi ý rõ ràng là ai đó ở Vatican lẽ ra phải ngăn cản các diễn giả khai thác sự kiện này để ghi điểm chính trị, hoặc ít nhất sau đó nên tránh xa. Thực thế, không có sự làm rõ nào như vậy được đưa ra.

Mặc dù không ai nói thẳng điều đó, nhưng có vẻ hợp lý khi nghi ngờ rằng tranh cãi do vụ Karman gây ra có thể đã đóng một vai trò nào đó trong quyết định của L'Osservatore Romano không công bố phản hồi của Schutz đối với tiểu luận Neuhaus ngày 8 tháng 5.

Tình tiết đó vừa mới được trình bầy thì một bài báo khác của Neuhaus được công bố bởi một hãng tin liên kết với Vatican, trong trường hợp này là tạp chí Civiltà Cattolica do Dòng Tên biên tập, được Phủ Quôc vụ khanh xem xét trước khi xuất bản.

Một lần nữa, đây là một bài phân tích dài và phức tạp, dài tới hơn 4,000 từ bằng tiếng Ý. Trong đó, Neuhaus cố gắng nắm bắt cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Công Giáo trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza, liệt kê những bất đồng khác nhau đã nảy sinh.

Neuhaus nói rằng, nói chung, ngày nay đang hiện hữu một “cuộc khủng hoảng” trong mối quan hệ giữa người Do Thái và Ki-tô giáo. Ông xác định tâm điểm của cuộc khủng hoảng này là do người Do Thái khăng khăng đòi chủ quyền tôn giáo và tâm linh đối với vùng đất Israel, dựa trên Kinh thánh. Neuhaus nói rằng trong khi người Công Giáo phải lắng nghe một cách chăm chú và tôn trọng những yêu sách đó, Giáo hội cũng không thể quên rằng có một dân tộc khác hiện diện trên cùng lãnh thổ và có những yêu cầu công lý chính đáng của riêng họ.

Neuhaus trích dẫn một thông điệp Giáng sinh năm 1975 của Thánh Phaolô VI: “Ngay cả khi chúng ta biết rõ về những thảm kịch cách đây không lâu đã buộc người Do Thái phải tìm kiếm một đồn trú an toàn và được bảo vệ trong một quốc gia có chủ quyền và độc lập của riêng họ - và bởi vì chúng tôi nhận thức đúng đắn về điều này - chúng tôi muốn mời con cái của dân tộc này thừa nhận các quyền và nguyện vọng chính đáng của một dân tộc khác cũng đã phải chịu đựng trong một thời gian dài, đó là người dân Palestine.”

Trớ trêu thay, trong khi Neuhaus có thể chỉ có ý định chụp quang tuyến X những nhân tố đã xảy ra trong mối quan hệ Do Thái-Công Giáo kể từ ngày 7 tháng 10, thì thực ra, ông ấy dường như đã tạo ra một nhân tố khác.

Khảo sát phản ứng của Israel và người Do Thái đối với tiểu luận, một điểm thường xuyên xuất hiện là Neuhaus đề cập đến nỗi đau khổ của người dân ở Gaza và của người Israel do các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, đặc biệt là các con tin, nhưng ông không đề cập đến các nguồn khác gây ra nỗi đau lòng của Israel, bao gồm cả những người Israel đã thiệt mạng hoặc phải di dời do các cuộc tấn công của Hezbollah ở phía bắc đất nước kể từ tháng 10.

Ở bình diện ngôn ngữ đơn thuần, điều làm khó chịu một số nhà quan sát là khi Neuhaus dẫn lời Giám đốc Biên tập Vatican Andrea Tornielli khi mô tả Lực lượng Phòng vệ Israel là “quân đội của Tel Aviv”, một cách gián tiếp để nhắc nhở thế giới rằng Vatican không chấp nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel - và, trong bất cứ trường hợp nào, là một sự thiếu chính xác rõ ràng, vì thành phố Tel Aviv không có quân đội riêng.

Một cách căn bản hơn, đối với một số nhà lãnh đạo Israel và Do Thái, có vẻ như Neuhaus đang mời người Do Thái chấp nhận một cuộc đối thoại phần lớn theo các điều khoản của Vatican, tức là đặt ra câu hỏi thần học về mối quan hệ của Israel với Thánh địa, nghĩa là việc Israel tự nhận mình là một nhà nước Do Thái. và giành quyền ưu tiên giải quyết chính trị cho vấn đề Palestine.

Đó không phải là cơ sở mà ít nhất một số nhà lãnh đạo Israel và Do Thái có vẻ sẵn sàng chấp nhận.

“Chắc chắn, cuộc đối thoại sẽ tiếp tục,” Schutz nói với Crux về tiểu luận mới nhất của Neuhaus. “Điều quan trọng là chúng ta phải nói sự thật với nhau. Nếu cuộc đối thoại dựa trên việc nhắm mắt làm ngơ trước những điểm khó chịu thì đó là vấn đề.”

Schutz đã chỉ ra một tài liệu năm 2000 có tựa đề Dabru Emet (“Nói sự thật”), được hơn 200 giáo sĩ Do Thái và trí thức Do Thái ký tên, về mối quan hệ giữa Do Thái giáo và Ki-tô giáo, làm khuôn mẫu cho cuộc đối thoại. Ông cũng nói rằng trong tương lai, cần phải nhấn mạnh tính trung tâm của Israel trong cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Ki-tô giáo, bởi vì, như ông nói, “việc phủ nhận sự hiện hữu của Israel, ngược lại, là một hình thức bài Do Thái”.

Đúng là Neuhaus không phải là quan chức của Vatican, và có thể lập luận rằng quan điểm của ông không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô hoặc bộ máy ngoại giao của Vatican - có thể, nghĩa là, mặc dù thẳng thắn mà nói thì hơi khó thuyết phục, xét vì việc Vatican đã dành cho bài phân tích của Neuhaus một sự nổi bật rộng dài.

Dù sao đi nữa, Neuhaus vẫn là một nhân vật được kính trọng và có ảnh hưởng trong quan hệ Do Thái/Công Giáo, và quan điểm của ông không phải là phong cách bản thân mà phản ảnh các xác tín chung, với nhiều sắc thái khác nhau, của nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp.

Những xung đột quyền lực mềm mà ông đưa ra dường như chưa được giải quyết, nhưng ít nhất chúng cũng giúp vẽ nên một bức tranh về những thách thức trong việc tái thiết các mối quan hệ Công Giáo/Do Thái trong tương lai.

Trong khi đó, “quyền lực mềm” của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc đẩy hòa bình vẫn tiếp tục không suy giảm. Hôm qua tại thành phố Verona của Ý, ngài đã chủ trì một biến cố “đấu trường hòa bình”, trong đó có hai chàng trai trẻ đã trở thành bạn thân, một người Israel và một người Palestine, cả hai đều đã mất người thân trong trận chiến ở Gaza, ôm nhau trên sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội.

“Hãy nhìn vào cái ôm của hai người này, hãy cầu nguyện trong chính bạn và đưa ra quyết định nội tâm để làm điều gì đó nhằm chấm dứt những cuộc chiến này”, Đức Thánh Cha kêu gọi đám đông và nói thêm rằng “hòa bình sẽ không bao giờ là kết quả của sự ngờ vực, của những bức tường, của vũ khí nhắm vào nhau. Chúng ta đừng gieo mầm chết chóc, hủy diệt và sợ hãi mà hãy gieo niềm hy vọng.”