LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Hs 11,1b.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37
THÁNH TÂM CHÚA, NGUỒN MẠCH ƠN CỨU ĐỘ

Trong thánh lễ trọng mừng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội muốn chúng ta hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu để tôn kính, suy ngắm và trở nên giống Người. Nhân dịp này, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng “trái tim” được Kinh Thánh dùng để diễn tả tột đỉnh tình yêu và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại.

1. Từ Trái Tim Thiên Chúa

Thật vậy, trong ngôn ngữ Kinh Thánh, khi dùng từ “trái tim“ là muốn nói đến trung tâm của con người, nơi đó phát xuất mọi tình cảm và ý định con người. Trong Cựu Ước, thành ngữ “trái tim Thiên Chúa” được dùng 26 lần để diễn tả về tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã yêu thương loài người và đã dựng nên con người có nam có nữ để chia sẻ hạnh phúc và vinh quang với Người. Tuy nhiên, con người đã không nhận ra được tình yêu thương đó, nên đã bất tuân và sa ngã khi nghe lời ma quỷ cám dỗ. Thiên Chúa đau buồn vì tội lỗi loài người, nên nhiều lần Thiên Chúa đã phạt con người bằng hình phạt khác nhau. Nhưng vì thương xót, Thiên Chúa không muốn bỏ rơi loài người, Người tiếp tục quan phòng che chở.

Nhiều đoạn trong Cựu Ước nói về trái tim Thiên Chúa với những mô tả rất rõ ràng. Tiên Tri Hôsê nói về tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ítraen ngay từ bình minh lịch sử họ:
“Khi Ítraen còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11,1).

Tuy nhiên, Ítraen đã đáp trả với tình yêu vô biên của Thiên Chúa bằng sự dửng dưng và hoàn toàn vô ơn. Thiên Chúa buộc phải nói rằng:
“Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi; chúng dâng hy lễ cho các Baan, đốt hương kính ngẫu tượng” (Hs 11,2).

Thế nhưng, Thiên Chúa không nỡ bỏ rơi họ cho sức mạnh của quân thù, Người than thở:
“Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8).

Xuyên suốt lịch sử Cựu Ước, trái tim Thiên Chúa luôn cháy lên lòng thương xót vô hạn đó!

2. Đến Thánh Tâm Chúa Giêsu

Trong Tân Ước, tình yêu mầu nhiệm này được mạc khải cho chúng ta như là một tình yêu bao la đối với nhân loại qua Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nếu trong Cựu Ước, trái tim chỉ là biểu tượng diễn tả tình yêu Thiên Chúa, thì nơi Chúa Giêsu, trái tim đó trở thành thực tại, cụ thể. Người mang trong mình trái tim của Thiên Chúa bằng thịt, một trái tim luôn chạnh lòng trắc ẩn, thương xót và yêu thương mọi người. Vì thế, trái tim Chúa Giêsu được gọi là “Thánh Tâm”. Bởi lẽ, nơi đó có sự thánh thiện, có tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ tột đỉnh qua cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Để cứu độ loài người chúng ta, Con Một Thiên Chúa phải trả một cái giá rất đắt: “Người yêu thương những kẻ còn ở thế gian, Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Người chấp nhận chịu chết trên thập giá. Thánh Gioan Tông Đồ, một chứng nhân mắt thấy tai nghe, kể lại rằng:
“Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. …để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:… ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu’” (Ga 19,33-37).

Chúng ta hãy cùng nhau dừng lại để chiêm ngắm trái tim bị đâm thủng của Đấng Chịu Đóng Đinh. Đây là giờ phút Thiên Chúa cứu độ. Đây là lúc Người thiết lập Giáo Hội. Đây là cuộc tạo dựng mới. Chúng ta nhớ lại ở trang đầu sách Sáng Thế, khi thiết lập gia đình nhân loại tiên khởi, Thiên Chúa đã cho Ađam ngủ và rút ra một xương sườn để dựng nên Evà. Điều này có ý nghĩa biểu tượng rất thú vị: Evà được tạo dựng từ xương sườn Ađam để trở nên người bạn đời của ông và sẽ là “mẹ của chúng sinh” (St 2,18-22). Trong cuộc tạo dựng mới này, Evà trở thành hình ảnh tiên trưng của Giáo Hội. Trên thập giá, Giáo Hội là “Evà mới” được thiết lập từ cạnh sườn Chúa Giêsu đang ngủ, là “Ađam mới.” Bởi lẽ, theo chú giải của giáo phụ Tertulianô, ở đây “máu tượng trưng cho bí tích Thánh Thể, còn nước tượng trưng cho bí tích Rửa Tội. Đó là hai bí tích sự sống làm nên Giáo Hội.” Như thế, điều mà chúng ta hát trong thánh lễ:
“Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra. Alleluia! Và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả được cứu rỗi và reo lên: Alleluia! Alleluia!”
là điều được thực hiện nơi cạnh sườn Chúa Giêsu. Từ Thánh Tâm Người tuôn đổ nguồn ơn cứu độ cho thế giới.

Trong ý nghĩa đó, hơn lúc nào hết, một lần nữa, chúng ta lắng nghe trích đoạn từ thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Êphêsô:
“Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,4-6).

Như thế, “ở trong Chúa Giêsu” có nghĩa là đã được ở trong Thiên Đàng. Trung tâm điểm của Kitô Giáo được diễn tả nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong Đức Kitô, sự mới mẻ của Tin Mừng được hoàn toàn mạc khải và ban tặng cho chúng ta: Tình yêu Thiên Chúa cứu độ chúng ta và làm cho chúng ta được sống trong sự vĩnh cửu Thiên Chúa. Như thánh Tông Đồ Gioan viết:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

3. Và trái tim mỗi người

Như thế, khi mừng trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội muốn chúng ta tôn thờ tình yêu, ý định cứu độ cũng như lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho loài người. Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Kitô là tôn thờ Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng, đã bị lưỡi đòng đâm thủng cạnh nương long, ở trên thập giá, từ đó, nước và máu chảy ra mang lại nguồn sự sống mới dồi dào cho nhân loại.

Đồng thời, Giáo Hội mời gọi chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, mà còn phải trở nên giống Thánh Tâm Người. Nghĩa là theo theo gương mẫu Thánh Tâm, xin Chúa giúp uốn nắn “lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa.” Chúng ta được mời gọi uốn nắn trái tim mình trở thành một trái tim biết yêu thương, nhân hậu, dịu hiền, khiêm nhường, hy sinh và tha thứ như Thánh Tâm Chúa Giêsu để chúng ta có những tâm tình và hành xử xứng hợp đối với Chúa và anh chị em mình.

Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa! Xin đừng để con khép kín tấm lòng mình bao giờ! Xin cho con trái tim quảng đại như Chúa, vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường, để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/