Ý THỨC NỖI KHỐN CÙNG
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.
“Chúa Giêsu lấy khỏi chúng ta ‘bản tính bệnh hoạn’ của nhân loại và chúng ta nhận lại từ Ngài ‘bản tính chữa lành’ của Thiên Chúa. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Hoà giải, Bí tích chữa lành mỗi người khỏi chứng phong cùi tội lỗi!” - Phanxicô.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyện một người cùi đầy đau đớn ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của mình. Anh đến gần Chúa Giêsu và nói, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.
Cả chúng ta, nhiều lần chúng ta nhìn thấy Chúa rất gần nhưng lại cảm thấy đầu óc, trái tim và đôi tay mình quá xa so với kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Vì thế, bạn và tôi hãy cầu xin cho mình ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của bản thân để có thể háo hức, có thể thốt lên một lời cầu tương tự, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.
Tuy nhiên, một xã hội thiếu ý thức về tội lỗi có thể xin Chúa tha thứ không? Nó có thể yêu cầu một hình thức thanh luyện nào không? Thưa, tất cả chúng ta đều biết có rất nhiều người đau khổ, tâm hồn bị tổn thương, nhưng bi kịch của họ là không phải lúc nào họ cũng ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của mình. Vậy mà, bất chấp mọi sự, Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, Ngài chờ đợi một lời cầu: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn!”. Để được vậy, chúng ta phải hợp tác với Ngài. Thánh Augustinô nhắc nhở, “Chúa tạo ra bạn, không cần bạn; nhưng Ngài sẽ không cứu được bạn nếu không có bạn!”. Vì thế, bạn và tôi phải có khả năng cầu xin ân sủng Chúa trợ giúp và ước muốn thay đổi với sức mạnh của Ngài.
Nhưng ai đó có thể hỏi, tại sao việc nhận ra tội lỗi, ăn năn tội và muốn thay đổi lại quan trọng đến thế? Đơn giản là vì, nếu không ‘ý thức nỗi khốn cùng’, nhận ra tội, ăn năn vì chúng, chúng ta sẽ khó cảm thấy ước muốn hoặc nhu cầu tìm kiếm Chúa để xin ơn chữa lành. Vì vậy, khi đến với Bí tích Hoà Giải, chúng ta cần loại bỏ quá khứ, những vết nhơ đang lây nhiễm thân xác và linh hồn mình. Đừng nghi ngờ! Cầu xin sự tha thứ là thời điểm quan trọng của việc khai tâm Kitô giáo, vì đó là thời điểm mà những chiếc vảy rơi khỏi mắt, bệnh cùi được sạch để bắt đầu một khởi đầu mới. Vì một khi đã ‘ý thức nỗi khốn cùng’, nhận ra hoàn cảnh của mình thì không ai không muốn biến đổi. Người ta thường nói, “Không ai mù cho bằng những người không nhìn thấy!”.
Anh Chị em,
Và Chúa Giêsu nói, “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”. Ngài muốn người phong cùi, muốn bạn và tôi được chữa lành, sạch sẽ, toàn vẹn. Qua bàn tay của vị Linh mục, Ngài chữa lành và mời gọi chúng ta hãy thanh sạch để không còn ở trong tội lỗi nữa. Tội lỗi khoá cửa cuộc đời chúng ta, nhưng với ân sủng thứ tha, chúng ta không cần phải tiếp tục ở trong đó nữa. Khi chữa lành chúng ta, Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh - ân sủng - để duy trì sức khoẻ của linh hồn hầu mỗi người có thể tự do bước đi với Ngài. Có người cùi nào trước đây mong muốn được trở lại với bệnh phong của mình? Vì vậy, hãy cầu nguyện liên lỉ, lãnh nhận Bí tích và nỗ lực để làm những gì chúng ta biết là đẹp lòng Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con khi con ngồi, khi con đứng. Giúp con sống trong ánh sáng, đáp lại ân sủng Chúa và trải nghiệm niềm vui chữa lành đến từ tình bạn với Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.
“Chúa Giêsu lấy khỏi chúng ta ‘bản tính bệnh hoạn’ của nhân loại và chúng ta nhận lại từ Ngài ‘bản tính chữa lành’ của Thiên Chúa. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Hoà giải, Bí tích chữa lành mỗi người khỏi chứng phong cùi tội lỗi!” - Phanxicô.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyện một người cùi đầy đau đớn ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của mình. Anh đến gần Chúa Giêsu và nói, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.
Cả chúng ta, nhiều lần chúng ta nhìn thấy Chúa rất gần nhưng lại cảm thấy đầu óc, trái tim và đôi tay mình quá xa so với kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Vì thế, bạn và tôi hãy cầu xin cho mình ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của bản thân để có thể háo hức, có thể thốt lên một lời cầu tương tự, “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.
Tuy nhiên, một xã hội thiếu ý thức về tội lỗi có thể xin Chúa tha thứ không? Nó có thể yêu cầu một hình thức thanh luyện nào không? Thưa, tất cả chúng ta đều biết có rất nhiều người đau khổ, tâm hồn bị tổn thương, nhưng bi kịch của họ là không phải lúc nào họ cũng ‘ý thức nỗi khốn cùng’ của mình. Vậy mà, bất chấp mọi sự, Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, Ngài chờ đợi một lời cầu: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn!”. Để được vậy, chúng ta phải hợp tác với Ngài. Thánh Augustinô nhắc nhở, “Chúa tạo ra bạn, không cần bạn; nhưng Ngài sẽ không cứu được bạn nếu không có bạn!”. Vì thế, bạn và tôi phải có khả năng cầu xin ân sủng Chúa trợ giúp và ước muốn thay đổi với sức mạnh của Ngài.
Nhưng ai đó có thể hỏi, tại sao việc nhận ra tội lỗi, ăn năn tội và muốn thay đổi lại quan trọng đến thế? Đơn giản là vì, nếu không ‘ý thức nỗi khốn cùng’, nhận ra tội, ăn năn vì chúng, chúng ta sẽ khó cảm thấy ước muốn hoặc nhu cầu tìm kiếm Chúa để xin ơn chữa lành. Vì vậy, khi đến với Bí tích Hoà Giải, chúng ta cần loại bỏ quá khứ, những vết nhơ đang lây nhiễm thân xác và linh hồn mình. Đừng nghi ngờ! Cầu xin sự tha thứ là thời điểm quan trọng của việc khai tâm Kitô giáo, vì đó là thời điểm mà những chiếc vảy rơi khỏi mắt, bệnh cùi được sạch để bắt đầu một khởi đầu mới. Vì một khi đã ‘ý thức nỗi khốn cùng’, nhận ra hoàn cảnh của mình thì không ai không muốn biến đổi. Người ta thường nói, “Không ai mù cho bằng những người không nhìn thấy!”.
Anh Chị em,
Và Chúa Giêsu nói, “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”. Ngài muốn người phong cùi, muốn bạn và tôi được chữa lành, sạch sẽ, toàn vẹn. Qua bàn tay của vị Linh mục, Ngài chữa lành và mời gọi chúng ta hãy thanh sạch để không còn ở trong tội lỗi nữa. Tội lỗi khoá cửa cuộc đời chúng ta, nhưng với ân sủng thứ tha, chúng ta không cần phải tiếp tục ở trong đó nữa. Khi chữa lành chúng ta, Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh - ân sủng - để duy trì sức khoẻ của linh hồn hầu mỗi người có thể tự do bước đi với Ngài. Có người cùi nào trước đây mong muốn được trở lại với bệnh phong của mình? Vì vậy, hãy cầu nguyện liên lỉ, lãnh nhận Bí tích và nỗ lực để làm những gì chúng ta biết là đẹp lòng Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con khi con ngồi, khi con đứng. Giúp con sống trong ánh sáng, đáp lại ân sủng Chúa và trải nghiệm niềm vui chữa lành đến từ tình bạn với Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)