Nguyễn Trung Tây
Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo/Sứ Vụ
Hội Nhập Văn Hóa: Một Chặng Đường


Sau Chicago, tôi rời nước Mỹ, bay sang Úc Châu sinh hoạt sứ vụ ông giáo với người Úc và Thổ dân đúng mười năm. Úc Châu, mùa đông về, thiên hạ cũng rộn ràng khăn quấn cổ, áo len, áo măng tô bởi cái lạnh trên dưới 1, 2 độ âm. Sa mạc Úc Châu, trời rét, Thổ dân và tôi đốt lửa ngồi sát bên nhau yên lặng ngắm nhìn giải Ngân Hà sáng lấp lánh tựa triệu triệu viên kim cương chớp sáng trên vùng trời đêm đen sa mạc. Trời lạnh, đúng ra, lạnh buốt, nhưng bởi ngồi bên nhau, Thổ dân và tôi, không ai còn cảm thấy lạnh nữa; độ ấm tình người và của lửa than hồng sưởi ấm đậm đà tâm hồn của riêng từng cá nhân cư dân sa mạc.

Sau sa mạc Úc Châu, tôi sứ vụ bên trời Philippines. Tagaytay tháng 10, người Phi dựng cao hang đá khắp nơi. Tagaytay nóng hầm hập, độ ẩm tà tà bay ngập phủ kín bầu không khí, thiên hạ thảnh thơi rong chơi ngoài đường, quần đùi, áo thun, chân đi dép. Tagaytay tháng 10, nhân gian rổn rảng rộn ràng tiếng Tagalog, ăn cơm với cá, đón xe jeepney đi khắp phố phường. Tagaytay, cư dân vừa hát nho nhỏ bài thánh ca Giáng Sinh, “I am dreaming for a white Christmas," vừa móc khăn tay trong túi quần lau mồ hôi lăn tăn trên khuôn mặt!

Sau Tagaytay, tôi thiên di sứ vụ tới vùng trời cao nguyên văn hóa ăn khoai lang, đi chân đất, vác dao dài trên vai đi ra Vườn trồng khoai lang. Thánh lễ PNG rộn ràng với lời kinh của giáo dân cao niên thiếu nhi, thanh niên thiếu nữ. Tôi rộn ràng với sứ vụ ông giáo vùng trời trăng đất khách. Tôi hướng dẫn các Thầy bước vào vùng trời ngôi Vườn thánh thiêng, nơi đó Thiên Chúa đã hiện diện từ những ngày đầu tiên. Tôi được chính tín hữu và các Thầy truyền cảm hứng cho sứ vụ khoai lang. Tôi biết mình khó mà cằn cỗi bởi nguồn trợ lực đến từ Trời và từ người.

Tôi nhớ buổi tối ngày hôm đó, một buổi tối Việt Nam, tôi bước chân xuống thuyền gỗ đậu tại cầu Rạch Sỏi của tỉnh Kiên Giang. Thuyền gỗ nhổ neo, mang người thanh niên rời xa quê mẹ, người thanh niên thất vọng vào mình và mất niềm tin vào xã hội. Từ đó, tôi lang thang sống vật vờ tại Mã Lai, sống tràn đầy và sung mãn trên đất Mỹ, sống phục vụ tại Úc Châu, sống hội nhập vào nền văn hóa chuyền tiền Philippines, và giờ này là văn hóa khoai lang Papua New Guinea. Tôi thấy mình đã đi một chặng đường thật dài. Đời sứ vụ của tu sĩ bình bát vẫn lăn tới những chuyển động tròn đều.