1. Băng đảng võ trang ở Haiti đòi ba triệu Mỹ kim tiền chuộc mạng

Báo chí tại Haiti, số ra ngày 22 tháng Giêng vừa qua, cho biết những kẻ bắt cóc tám người, trong đó có sáu nữ tu Dòng thánh Anna ở Haiti, đòi Giáo hội phải trả ba triệu Mỹ kim tiền chuộc mạng các nữ tu mà họ bắt cóc hôm 19 tháng Giêng vừa qua.

Tin trên đây do báo chí loan tại nhưng chưa được xác nhận chính thức. Chi tiết về những người bị bắt cóc, đặc biệt là quốc tịch của họ, cũng chưa được phổ biến.

Tổng giáo phận thủ đô Port-au-Prince và Hội đồng tu sĩ Haiti tuyên bố dành ngày thứ Tư 24 tháng Giêng làm ngày cầu nguyện, suy niệm và chầu Mình Thánh Chúa trong tất cả các giáo xứ và cộng đoàn tu trì. Tất cả các tín hữu Haiti được mời gọi tổ chức một chuỗi kinh nguyện liên tục để các nữ tu được trả tự do cùng với người tài xế xe buýt và một hành khách khác.

Đức Cha Max Leroys Mesidor, Tổng giám mục Giáo phận Port-au-Prince và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti và cha Morachel Bonhomme, Chủ tịch Hội đồng tu sĩ nước này, ra thông cáo chung hôm 22 tháng Giêng vừa qua, và nói rằng: “Họ hãy chấm dứt sự chà đạp phẩm giá bất khả xâm phạm của các con cái Thiên Chúa!”

Hai vị lãnh đạo mạnh mẽ lên án vụ bắt cóc tám người vừa nói, đồng thời bày tỏ liên đới với tất cả những người khác bị bắt cóc, và khẳng định rằng: “Đã đến lúc đưa ra những biện pháp cần thiết để bài trừ tận gốc rễ tệ nạn bắt cóc và bạo lực của các nhóm võ trang xô đẩy đất nước vào một tình trạng ngày càng hỗn độn”. Hai vị cũng kêu gọi những kẻ bắt cóc hãy trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả những người bị cóc và chấm dứt những hành động hèn hạ và gian ác làm nhơ bẩn phần đất thánh thiêng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”.

Mặt khác, Đức Cha Pierre-André Dumas, Giám mục Giáo phận Anse-à-Veau và Miragoâne, cũng là chủ chăn của các nữ tu, đã tình nguyện làm con tin thay cho những người bị bắt cóc và nói: “Các anh hãy bắt tôi thay vào chỗ của họ. Tôi sẵn sàng”.

Đức Cha cho biết một linh mục trong giáo phận của ngài đang làm việc trong khu xóm tồi tàn và một nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng sẵn sàng làm con tin thay”.

2. Lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo

Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2024 là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi... và người lân cận như chính mình” (Lc 10:27), và văn bản Kinh thánh là Lc 10:25-37.

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.

Tài liệu năm nay được biên soạn với sự hỗ trợ của người Công Giáo và Tin lành từ Burkina Faso.

Dưới đây là lịch sử vắn tắt của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo:

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 năm 2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào là Hiệp Nhất Kitô Giáo.

70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín hữu của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”

3. ĐỒNG HÀNH VỚI UKRAINE

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “STANDING WITH UKRAINE”, nghĩa là “ĐỒNG HÀNH VỚI UKRAINE”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, Carl Trueman, gần đây đã nhận xét rằng “Phương Tây không còn là tập đoàn của những nền văn hóa nghiêm túc nữa”. Điều mà tôi vô cùng muốn bổ sung thêm là “Phương Tây không còn là tập đoàn của những nền văn hóa nghiêm túc và các chính sách nghiêm túc nữa”. Cả hai đều có mối liên hệ với nhau, sự suy tàn về văn hóa của phương Tây là một yếu tố không hề nhỏ khiến chúng ta rơi vào chủ nghĩa ấu trĩ về chính trị. Việc khám phá kết nối đó có thể được để lại sau. Ở đây, hãy để tôi khẳng định một cách đơn giản rằng sự thiếu suy nghĩ chính trị hiện đang được thể hiện ở phương Tây đang đe dọa làm sáng tỏ chiến thắng của tự do trong Chiến tranh Lạnh: chiến thắng của những nền dân chủ được thừa nhận là không hoàn hảo trước những chế độ chuyên chế đa dạng không thể chối cãi.

Ai có hiểu biết về lịch sử lại có thể phủ nhận rằng chính sách thiếu quyết đoán hiện nay của các cường quốc phương Tây đối với Ukraine gợi nhớ một cách đáng lo ngại về những sai lầm mà các nền dân chủ đã mắc phải vào giữa những năm 1930? Sự lưỡng lự của phương Tây trong việc cung cấp cho những người Ukraina sẵn sàng và can đảm nguồn lực để đánh bại một nước Nga đang có ý định tiêu diệt đất nước Ukraine chắc chắn gợi lại sự thiếu cẩn trọng đã khiến Anh và Pháp chấp nhận việc tái vũ trang Rhineland vào năm 1936, với Anschluss của Áo năm 1938, và sự chia cắt của Tiệp Khắc vào năm 1938–39. (Và xin đừng nói với tôi về “sự tương tự cũ kỹ, rách nát với những năm 1930”; chúng chỉ rách nát và cũ kỹ nếu chúng sai, mà thực ra không phải vậy.)

Sự mù quáng về địa chính trị ngày nay đối với Ukraine – sự cố ý phá hủy năng lực của phương Tây nhằm ngăn chặn các cường quốc độc tài hung hãn – là sự thất bại về nhận thức sâu sắc về đạo đức và thần kinh đạo đức cũng như một thất bại về mặt chính trị. Và những thất bại đó đang gây ra những ảnh hưởng toàn cầu và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong năm tới, thậm chí còn gây ra nhiều đau khổ và chết chóc hơn.

Các nhà lãnh đạo chính trị Pháp, Đức, Mỹ nghĩ gì khi vặn vẹo và than thở vì “mệt mỏi” trước cuộc chiến ở Ukraine? Tôi khá chắc chắn rằng người Ukraine cũng mệt mỏi: mệt mỏi vì con cái họ bị bắt cóc và đưa sang Nga để tẩy não; mệt mỏi với việc chôn cất người chết sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các mục tiêu dân sự; mệt mỏi vì bị từ chối cung cấp vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục. Làm sao một tổng thống Pháp thoải mái, một thủ tướng Đức thoải mái, các nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ thoải mái lại có thể đề cập đến “sự mệt mỏi về Ukraine” khi đồng minh của chúng ta đang bị chảy máu trắng bệch mà vẫn tiếp tục chiến đấu?

May mắn thay, những người khác có tinh thần đạo đức mạnh mẽ hơn đã đạt được điều đó.

Họ bao gồm một liên minh gồm các nhà lãnh đạo Kitô giáo Ukraine, những người vào ngày 11 Tháng Giêng đã đưa ra một tuyên bố chung lên án “ý thức hệ hung hăng của 'thế giới Nga'“, vốn đứng đằng sau cuộc chiến diệt chủng của Nga trong và ngoài Ukraine. Ý thức hệ này, được thúc đẩy và ủng hộ bởi sự lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga, đã “trong nhiều năm tuyên bố rằng người Ukraine, với tư cách là một dân tộc, 'không hề tồn tại.'“ Tuyên bố tiếp tục: “Kích động hận thù và tiến hành chiến tranh dựa trên ý thức hệ của 'thế giới Nga' vi phạm các nguyên tắc Kitô giáo và mâu thuẫn với các chuẩn mực tâm linh mà Giáo hội phải tuân theo.” Những sự phản bội này đối với Chúa Kitô làm suy yếu “sự đáng tin cậy của chứng tá Kitô giáo,” và không chỉ ở Đông Âu.

Amen.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Ukraine tiếp tục cảm ơn những người đã đoàn kết với Ukraine đang đau khổ, bao gồm cả “các tổ chức nhân đạo cung cấp hỗ trợ cho những người gặp khó khăn ở Ukraine và những người tị nạn Ukraine”. Tên của các tổ chức đó tạo thành một danh sách danh dự về mặt đạo đức. Đứng đầu trong danh sách những người công chính đó sẽ là Hiệp sĩ Columbus.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hội Hiệp sĩ đã huy động được 22,3 triệu USD từ hơn 67.500 nhà tài trợ. Những khoản quyên góp đó đã giúp các Hiệp sĩ phục vụ 1,6 triệu người Ukraine bằng cách phân phối, ở Ukraine và những người tị nạn Ukraine ở Ba Lan, 7,7 triệu pound thực phẩm và thiết bị y tế, do Đoàn xe bác ái của các Hiệp sĩ Columbus cung cấp (trong một số trường hợp có rủi ro đáng kể); 250.000 gói chăm sóc cá nhân; hơn 4.000 chiếc áo khoác sưởi ấm trẻ em Ukraina; và hàng trăm xe lăn, máy phát điện và các thiết bị kỹ thuật cần thiết khác.

Trong nhiều tháng, Quốc hội Hoa Kỳ đã chơi đùa với viện trợ quân sự dành cho Ukraine, bắt nước này làm con tin cho một cuộc cãi vã thiếu suy nghĩ khác giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về điều mà mọi công dân Mỹ tỉnh táo đều hiểu là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chính sách nhập cư. Đây là hành vi không xứng đáng của một quốc gia vĩ đại. Đã đến lúc người dân phải kêu gọi những người đại diện cho chúng ta tại Hạ viện Hoa Kỳ và Thượng viện Hoa Kỳ ngừng ngay những trò đùa trẻ con của họ, ngừng hạ thấp nền chính trị của chúng ta bằng những lời châm chọc trên mạng xã hội, nhưng hãy hành xử theo cách phù hợp với những người lớn đã tuyên thệ lập pháp một cách có trách nhiệm—và ủng hộ những người dân dũng cảm, những người chống lại những khó khăn khủng khiếp và đối mặt với những đau khổ to lớn, đang bảo vệ chiến thắng của chúng ta trong Chiến tranh Lạnh cũng như đất nước của họ.

Những ai không làm như vậy sẽ phải đối mặt với sự phán xét khắc nghiệt của lịch sử.


Source:First Things