1. Hải quân Ukraine tuyên bố phá hủy tàu quét mìn Kovrovets của Nga trong đêm thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật 19 Tháng Năm
Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine’s Navy says it destroyed Russian sea minesweeper Kovrovets overnight”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 19 Tháng Năm, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết lực lượng Hải Quân Ukraine đã “tiêu diệt” thành công tàu quét mìn Kovrovets của Nga trong đêm Thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật 19 Tháng Năm. Ông thẳng thừng bác bỏ tuyên bố trước đó của Mạc Tư Khoa cho rằng đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Ukraine vào Crimea bị tạm chiếm.
Trước đó vào sáng Chúa Nhật 19 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố đã bắn hạ 9 hỏa tiễn tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp và thuyền không người lái trên Crimea. Ông ta tuyên bố như trên bất chấp những tiếng nổ long trời trên bán đảo Crimea và các hoạt động tiếp cứu đang hối hả diễn ra để trục vớt 68 thuyền viên của tàu Kovrovets đang trôi dạt trên biển.
Trung Tá Dmytro Pletenchuk bác bỏ tuyên bố của Tướng Nga và khẳng định tàu quét mìn Kovrovets đang chìm xuống đáy biển và Nga đang hối hả cấp cứu các binh sĩ trên con tàu xấu số.
Quan chức ủy quyền của Nga ở Sevastopol, Mikhail Razvozhayev, cho biết vào khoảng nửa đêm rằng lực lượng phòng không đang hoạt động trong thành phố. Như thường lệ, ông ta cho biết không có thiệt hại nào đối với cơ sở hạ tầng dân sự được ghi nhận.
Tàu quét thủy lôi Kovrovets với thủy thủ đoàn gồm 68 người, thuộc lớp Akvamarin Dự án 266, được NATO gọi là lớp Yurka. Lớp tàu có nguồn gốc từ Liên Xô này dò mìn sâu tới 150 m và được trang bị 2 khẩu pháo hải quân AK-230M 30 ly được lắp đặt radar Lynx có độ phân giải cao.
Theo trang web của Hạm đội Hắc Hải, 40 tàu thuộc lớp này đã được đóng từ năm 1963 đến năm 1971.
Sau các cuộc tấn công thành công của Ukriane từ xa, quân đội Nga đã rút gần như tất cả các tàu lớn khỏi các cảng ở Crimea bị tạm chiếm sau các cuộc tấn công thành công của Ukraine vào Hạm đội Hắc Hải, Trung Tá Dmytro Pletenchuk cho biết hồi tháng 3.
Nga bắt đầu tái triển khai Hạm đội Hắc Hải tới Novorossiysk vào năm ngoái sau một loạt cuộc tấn công tàn khốc của Ukraine, trong đó có vụ tấn công hỏa tiễn vào trụ sở của nước này ở Sevastopol vào ngày 22 Tháng Chín.
Giờ đây, “những tài sản có giá trị nhất đều đã bị rút đi”, theo Pletenchuk.
Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine mới đây đưa tin, tính đến đầu tháng 2/2024, 33% tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải đã bị vô hiệu hóa, bao gồm 24 tàu và một tàu ngầm.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh chiến dịch đang diễn ra của Ukraine nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga, lần lượt gây thiệt hại trầm trọng cho các tàu chiến. Gần đây nhất, vào tháng 4, Hải quân Ukraine cho biết họ đã tấn công Kommuna, một tàu trục vớt được hạ thủy năm 1915 và là tàu xưa nhất vẫn còn phục vụ trong Hải quân Nga.
Nga đã thực hiện một số bước để giải quyết mối đe dọa đang tiếp diễn, bao gồm cả việc thay thế tư lệnh Hải quân Nga vào tháng 3 vừa qua.
2. Tòa Bạch Ốc không vui trước lời mời Nga tham dự D-Day của Macron
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “White House not thrilled by Macron’s D-Day invite to Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Tòa Bạch Ốc không hài lòng về quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời đại diện chính phủ Nga tham dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày đổ bộ D-Day vào tháng tới, hai quan chức chính quyền nói với POLITICO.
Một quan chức cho biết: “Chúng tôi sẽ phải chấp nhận ý kiến của chính phủ Pháp, cơ quan tổ chức lễ tưởng niệm ở Normandy”. “Nhưng có lẽ điều này sẽ nhắc nhở người Nga rằng họ đã từng chiến đấu với Đức Quốc xã thực sự chứ không phải thứ Quốc xã tưởng tượng ở Ukraine”.
Trước lễ kỷ niệm D-Day, Pháp đã mời đại diện Điện Cẩm Linh của Vladimir Putin tới tham dự, tạo khả năng một quan chức Nga sẽ đi qua trước mặt Tổng thống Joe Biden, người cũng sẽ có mặt tại sự kiện. Hiện chưa rõ quan chức nào của Điện Cẩm Linh sẽ đi. Quyết định này đã gây ra sự phẫn nộ trong một số nhà lãnh đạo Âu Châu, những người lưu ý rằng Nga đã tham gia cuộc chiến vô cớ chống lại Ukraine hơn hai năm. Sự kiện D-Day nhằm đánh dấu sự hy sinh tập thể của quân đồng minh trong Thế chiến thứ hai để bảo vệ nền dân chủ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Âu Châu bày tỏ lo ngại rằng lời mời tới Điện Cẩm Linh sẽ làm suy yếu tính chất biểu tượng của một sự kiện tập trung vào dân chủ cũng như tạo ra những rắc rối liên quan đến các nghi thức và cam kết ngoại giao.
Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Biden, các thành viên cao cấp của đội an ninh quốc gia và thậm chí cả bản thân tổng thống từ lâu đã coi Macron là người tin rằng ông có ảnh hưởng đối với Putin. Và Tòa Bạch Ốc phần lớn đã chấp nhận những nỗ lực của ông nhằm duy trì mối quan hệ ngoại giao với Mạc Tư Khoa ngay cả khi Nga phớt lờ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và tiếp tục tấn công Ukraine.
Quan chức chính quyền đầu tiên, người nói về vấn đề này với điều kiện giấu tên, cho biết quyết định của Macron mời đại diện Nga tới Normandy phần lớn đã được xem xét qua lăng kính đó.
Ít nhất một đảng viên Đảng Cộng hòa nổi tiếng ở Hill cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
“Một trong những câu chuyện tuyên truyền hèn hạ nhất của Điện Cẩm Linh là hạ thấp tầm quan trọng của D-Day và những hy sinh trên bãi biển Normandy của binh lính Mỹ, Anh, Pháp và các đồng minh khác,” Chủ tịch Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul của Đảng Cộng Hòa đơn vị Texas nói với POLITICO. “Thật đáng thất vọng khi Pháp mời Nga đến dự lễ kỷ niệm một sự kiện mà chính người Nga công khai tin là vô nghĩa. Chưa kể, lời mời này diễn ra khi Nga công khai đe dọa một cuộc chiến tranh thế giới khác”.
3. Thủ tướng Slovakia Fico trải qua ca phẫu thuật thứ 2, vẫn trong tình trạng nguy kịch sau vụ ám sát
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã trải qua ca phẫu thuật thứ hai và đang trong tình trạng ổn định nhưng rất nghiêm trọng sau một vụ ám sát.
Fico bị bắn vào ngày 15 tháng 5 tại thị trấn Handlova. Một người đàn ông 71 tuổi được xác định là Juraj C. đã bị bắt tại hiện trường.
Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok mô tả đây là một vụ ám sát “có động cơ chính trị”.
Cơ quan chức năng ngày 17 Tháng Năm cho biết Fico đã trải qua 2 ca phẫu thuật và tình trạng đã ổn định nhưng rất nghiêm trọng. Cơ quan truyền thông Dennik N đưa tin rằng không có bác sĩ nào đích thân điều trị cho Fico dám lên tiếng công khai. Chi tiết đó cho thấy mạng sống của Thủ tướng Robert Fico có lẽ còn rất mong manh.
Nhiều người Slovakia đang cầu nguyện cho ông Fico tai qua nạn khỏi. Nếu Thủ tướng Robert Fico qua đời thì sao? Thưa: Nội chiến. Đó là câu trả lời ít ai nghi ngờ. Thủ tướng Robert Fico là người sáng lập đảng Smer theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và thân Nga.
Khó khăn gây ra bởi những người theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Slovakia, và có lẽ ở khắp nơi trên thế giới là giả định sai lầm rằng họ là những người duy nhất yêu nước, và con đường họ đang theo đuổi là con đường duy nhất đúng đắn đưa đất nước tiến lên. Tất cả những ai không đồng ý với họ đều là bọn phản động, phản quốc không xứng đáng tồn tại trong xã hội.
Chủ tịch đảng của họ mà qua đời, nhiều người sẽ gặp rắc rối to. Nội chiến rất khó tránh.
Còn nếu ông ta qua khỏi thì sao. Thưa, sẽ có đàn áp trên quy mô lớn. Vì thế, đối với những người theo chủ nghĩa tự do, hướng về Liên Hiệp Âu Châu, vụ ám sát Robert Fico là một thảm kịch.
Vấn đề hiện nay là thảm kịch ấy sẽ bi đát đến đâu mà thôi.
4. Putin nói Nga không muốn chiếm Kharkiv khi quân đội Nga đang tiến lên
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin says Russia doesn’t want to capture Kharkiv as troops advance”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Hôm Thứ Bẩy, 18 Tháng Năm, Vladimir Putin cho biết Nga không có kế hoạch chiếm thành phố Kharkiv ở phía đông bắc Ukraine, là khu vực mà các lực lượng xâm lược của ông ta đang tấn công mạnh trong những ngày gần đây.
Tổng thống Nga chỉ trích Ukraine vì đã tấn công vào các khu vực biên giới Nga và nói rằng, mặc dù ông không có kế hoạch chiếm Kharkiv nhưng ông muốn biến khu vực này thành vùng đệm.
Theo một đoạn video đăng trên trang web của Điện Cẩm Linh, Putin nói: “Khi nói đến những gì đang xảy ra xung quanh Kharkiv, đó cũng là lỗi của họ”. “Bởi vì họ đã pháo kích và đáng buồn là tiếp tục nhắm vào các khu dân cư ở khu vực biên giới, bao gồm cả Belgorod. Và tôi đã nói công khai rằng nếu điều này tiếp tục, chúng ta sẽ buộc phải tạo ra một vùng an toàn, một vùng vệ sinh. Đó là những gì chúng ta đang làm.”
Ông ta nói thêm: “Đối với Kharkiv, hiện nay chúng tôi không có kế hoạch để chiếm được thành phố này”.
Lời nói của nhà lãnh đạo Nga sẽ không mang lại chút niềm tin nào nơi người Ukraine. Từ rất lâu trước khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine bắt đầu vào năm 2022, Putin đã nói một đằng về Ukraine trong khi thường làm một đằng khác hung hăng hơn.
Khu vực Kharkiv là nơi xảy ra cuộc tấn công của Nga ngay sau khi cuộc chiến tổng lực của Điện Cẩm Linh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, nhưng các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi quân Nga trong một cuộc phản công chớp nhoáng vào mùa thu cùng năm.
Theo các quan chức Nga, nhận xét của Putin, được đưa ra sau chuyến đi tới Trung Quốc, diễn ra sau khi Ukraine tấn công lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea bị tạm chiếm bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn hôm thứ Sáu, đốt cháy một nhà máy lọc dầu và giết chết hai người.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 51 máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Crimea, 44 chiếc trên vùng Krasnodar và 6 chiếc trên vùng Belgorod.
Nhưng tại vùng Tuapse, Kranodar, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã khiến một nhà máy lọc dầu bốc cháy, mặc dù các quan chức cho biết ngọn lửa đã nhanh chóng được dập tắt sau khoảng 5 giờ chống cự quyết liệt với ngọn lửa, theo Moscow Times.
Tại vùng Belgorod, thống đốc địa phương Vyacheslav Gladkov cho biết trên Telegram rằng một máy bay không người lái cảm tử đã giết chết một bà mẹ và một đứa trẻ là hành khách trên một chiếc xe hơi.
5. Đồng minh của Putin thề hai thành phố thủ đô của NATO 'cũng sẽ là của chúng ta'
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Vows Two NATO Capital Cities 'Will Also Be Ours'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Vladimir Solovyov, một nhà tuyên truyền người Nga và là đồng minh của Putin, tuyên bố rằng hai thành phố thủ đô ở các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, “rồi cũng sẽ là của chúng ta”.
Đã hơn hai năm kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Trong nhiều tháng, Ukraine đã phải vật lộn chống lại cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa với kho vũ khí bị thu hẹp khi viện trợ của Mỹ bị đình trệ tại Quốc hội. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ký gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ Mỹ Kim, trong đó bao gồm khoảng 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi được các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt.
Tại cuộc họp báo chung hôm thứ Tư với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ở Kyiv, Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã được hỏi liệu chính quyền Tổng thống Biden có đang xem xét nới lỏng lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Nga hay không.
“Chúng tôi không khuyến khích hay kích hoạt các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng cuối cùng Ukraine phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này, một cuộc chiến mà họ tiến hành để bảo vệ tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.” Blinken nói. “Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những trang thiết bị mà nước này cần để thành công và giành chiến thắng.”
Solovyov gần đây đã lập luận trên chương trình truyền hình Nga của mình rằng thủ đô Kyiv của Ukraine là lãnh thổ của Nga và Warsaw của Ba Lan và Helsinki của Phần Lan cũng vậy.
“Ngoài ra, quan trọng nhất là Blinken trao ra vũ khí, nhưng anh ta nói: 'Nó không được phép đánh vào lãnh thổ Nga.' Thế thì ông ta đánh vào lãnh thổ nào, đồ ngốc? Tất cả là lãnh thổ Nga,” Solovyov nói trong một đoạn clip được dịch sang tiếng Anh được chia sẻ trên X, vào hôm Thứ Bẩy, bởi Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.
“Hơn nữa, còn ngôn ngữ bẩn thỉu mà anh ta đang sử dụng ở Kiev /k-ép/ là lãnh thổ thuộc Nga của chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ tính cho anh ta một khoản tiền thuê để hát đủ thứ vớ vẩn ở thành phố Nga của chúng ta.”
Sau đó, anh ta hướng sự chú ý của mình đến một trong những khách mời trong chương trình của mình, Vasyl Vakarov, và nói với anh ta, “Đừng lắc đầu.”
“Đó là một điều gì đó mới mẻ...'Tại thành phố Kiev ở Nga của chúng ta’”, Vakarov, một nhà bình luận chính trị, trả lời, ra vẻ không tin rằng Kyiv là thành phố của Nga.
Solovyov hằn học trả lời: “Thế thì Kiev là của ai? Kiev là mẹ của các thành phố ở Nga. Đưa bà già về quê hương. Người Ukronazis đã đến đây...Tôi nghĩ rằng trong năm phút nữa, Warsaw và Helsinki cũng sẽ là của chúng ta, của người Nga. Và về mặt lịch sử, tất cả đều đúng.”
Đình Trinh xin mở ngoặc để nói thêm: Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.
Ukraine, Mỹ và nhiều chuyên gia trong khu vực đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng đất nước bị chiến tranh tàn phá này – có tổng thống Volodymyr Zelenskiy, là người Do Thái – đã bị Đức Quốc xã làm tha hóa.
Ba Lan đã là thành viên của NATO trong 25 năm và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này vào tháng 4 năm 2023. Nếu Nga nhắm vào một trong hai quốc gia, Nga sẽ đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh với tất cả 32 quốc gia thành viên NATO như một phần của Điều 5 của hiệp ước.
Trong khi các tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh và cả phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev thường xuyên tấn công các quốc gia NATO trong vùng;, vào tháng 12 năm 2023, Putin cho biết Mạc Tư Khoa “không quan tâm” đến việc chiến đấu với NATO.
6. Wall Street Journal cho biết vào năm 2022 Nga đã thử vũ khí có khả năng hạt nhân nhằm chống vệ tinh trên không gian
Tờ Wall Street Journal ngày 16 Tháng Năm dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, vào năm 2022 Nga đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên không gian và các vũ khí ấy có khả năng hạt nhân.
Các quan chức cho biết, Nga đã phóng một vệ tinh lên vũ trụ vào tháng 2 năm 2022 để thử nghiệm các thành phần của vũ khí chống vệ tinh tiềm năng có thể mang thiết bị hạt nhân. Tuy nhiên, vệ tinh được phóng không mang theo vũ khí hạt nhân, Wall Street Journal đưa tin.
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hồi tháng 2 đã cảnh báo về mối đe dọa an ninh “nghiêm trọng” nhưng chưa xác định từ Nga. Các báo cáo sau đó cho biết mối đe dọa liên quan đến mong muốn của Nga “đưa vũ khí hạt nhân vào không gian”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cho biết Mạc Tư Khoa quả thực đang phát triển vũ khí không gian chống vệ tinh nhưng không gây nguy hiểm cho người dân trên Trái đất. Ông nói thêm rằng vẫn chưa có quyết định phóng vũ khí này vào không gian.
Các quan chức nói với Wall Street Journal rằng vệ tinh của Nga, được đặt tên là Cosmos-2553, được phóng vào tháng 2 năm 2022 và đã quay quanh Trái đất kể từ đó, hoạt động như một nền tảng để thử nghiệm “các thành phần phi hạt nhân của hệ thống vũ khí mới”.
Các quan chức Nga đã tuyên bố rằng Cosmos-2553 “được dành cho nghiên cứu khoa học”, điều mà các quan chức Mỹ cho rằng khó có thể xảy ra. Điện Cẩm Linh trước đây phủ nhận việc họ có ý định đưa vũ khí hạt nhân vào không gian.
Nếu Cosmos-2553 hoặc một vệ tinh tương tự được trang bị vũ khí hạt nhân, nó có thể phá hủy hàng trăm vệ tinh ở quỹ đạo thấp bằng một vụ nổ.
Quan chức Ngũ Giác Đài sắp mãn nhiệm John Plumb nói với Quốc hội rằng đây sẽ là một “vũ khí bừa bãi” không có “ranh giới quốc gia, và không xác định giữa vệ tinh quân sự, vệ tinh dân sự hay vệ tinh thương mại”.
Mạc Tư Khoa đã nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng đến vũ khí hạt nhân trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Các nhà phê bình cho rằng những tuyên bố như vậy là bịp bợm chứ không phải là kế hoạch thực sự của Nga và nhằm mục đích khiến phương Tây phải nhượng bộ.
7. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Tuapse của Nga khiến nhà máy phải đóng cửa khẩn cấp
Veniamin Kondratev, Thống đốc khu vực Krasnodar của Nga, cho biết nhà máy lọc dầu Tuapse của Nga ở Krasnodar Krai đã buộc phải đóng cửa sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào ngày 17 Tháng Năm.
Ông cho biết một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy lọc dầu trước đó trong ngày. Các nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, sau đó xác nhận rằng cơ quan này đã thực hiện một hoạt động chung với cơ quan tình báo quân sự Ukraine nhằm vào cơ sở này.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng máy bay không người lái đã tấn công đơn vị khí hóa lỏng, gọi tắt là LPG, tại nhà máy lọc dầu nhưng đơn vị chưng cất dầu thô, gọi tắt là CDU, không bị hư hại.
Nguồn tin khẳng định rằng nhà máy lọc dầu có thể “bỏ qua đơn vị LPG” và tiếp tục hoạt động tại CDU trong thời gian ngắn.
Cơ sở này thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga, vừa khởi động lại hoạt động vào đầu tháng 5 sau ba tháng ngừng hoạt động sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào tháng Giêng.
Nhà máy lọc dầu Tuapse của Rosneft là một trong những nhà máy chế biến dầu lớn nhất miền nam nước Nga.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào ngày 17 Tháng Năm, 102 máy bay không người lái và 6 thuyền không người lái của hải quân đã bị chặn và phá hủy trong đêm ở Nga và bán đảo Crimea bị tạm chiếm.
Ukraine đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga trong những tháng gần đây, làm giảm một cách thành công năng lực lọc dầu của nhiều cơ sở.
Các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu năng lượng của Nga đã khiến các quan chức Mỹ chỉ trích, những người đã nói rõ rằng Washington không ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu, với lý do lo ngại rằng nó có thể đe dọa thị trường năng lượng toàn cầu.
Đáp lại, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho rằng Kyiv có quyền sử dụng vũ khí của mình để tấn công vào sâu bên trong nước Nga.
8. Đồng minh của Putin nhận ra Nga có thể đẩy vùng đệm vào sâu trong các quốc gia NATO
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Đồng minh của Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh của Vladimir Putin, đã nói về khả năng tạo ra một vùng đệm mà ông ta gọi là “khu vực vệ sinh” ở biên giới hoặc bên trong Ba Lan.
Hôm thứ Sáu, Ukraine đã tấn công các kho nhiên liệu, cơ sở dầu mỏ và một nhà máy điện ở phía tây nam nước Nga và Crimea, một bán đảo của Ukraine mà Mạc Tư Khoa đã xâm lược từ năm 2014.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết hôm Thứ Bẩy, 18 Tháng Năm, rằng Mạc Tư Khoa đã chặn hơn 100 máy bay không người lái một ngày trước đó. Trong suốt tuần qua, Ukraine đã bắn hỏa tiễn tấn công một phi trường ở Crimea. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra sau khi lực lượng Nga tiến vào vùng đông bắc Ukraine vào tuần trước.
Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, đã viết như trên được dịch sang tiếng Anh hôm thứ Sáu: “Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Putin nói rằng để có một cuộc sống yên tĩnh, đất nước chúng ta sẽ phải tạo ra một khu vệ sinh, trong mà chế độ phát xít mới sẽ không thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, tất nhiên bao gồm tất cả các vùng đất đã trở lại với quốc gia chúng ta.”
Khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, ông tuyên bố rằng đó là để “phi Quốc Xã” đất nước. Tuy nhiên, Ukraine, Mỹ và nhiều chuyên gia trong khu vực đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng đất nước bị chiến tranh tàn phá này – có tổng thống Volodymyr Zelenskiy, là người Do Thái – đã bị Đức Quốc xã làm tha hóa.
“Nếu điều này tiếp tục, khu vực vệ sinh được bảo đảm sẽ ở đâu đó trên biên giới với Ba Lan. Hoặc đã có ở chính Ba Lan”, Medvedev nói.
Hôm thứ Sáu, Putin nói rằng mục tiêu của Mạc Tư Khoa ở đông bắc Ukraine là tạo ra một vùng đệm để bảo vệ công dân của mình khỏi các cuộc tấn công.
“Đối với những gì đang xảy ra ở hướng Kharkiv, đây là lỗi của Ukraine vì họ đã pháo kích và thật không may, tiếp tục pháo kích vào các khu dân cư ở khu vực biên giới, bao gồm cả Belgorod,” Putin nói với các phóng viên trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
“Thường dân đang chết ở đó. Đó là điều hiển nhiên. Họ bắn thẳng vào trung tâm thành phố, vào các khu dân cư. Và tôi đã nói công khai rằng nếu điều này tiếp tục, chúng ta sẽ buộc phải tạo ra một vùng an ninh, một vùng đệm. Đó là những gì chúng ta đang làm.”
Khi được hỏi liệu Nga có kế hoạch kiểm soát Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine hay không, Putin cho biết “hiện chưa có kế hoạch nào như vậy”.
Nếu Nga xâm chiếm Ba Lan, vốn là thành viên của NATO, nước này sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh với tất cả 32 quốc gia thành viên như một phần của Điều 5 của hiệp ước. Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, Putin cho biết Mạc Tư Khoa “không quan tâm” đến việc chống lại NATO.
9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 18 Tháng Năm
Trong bản tin tình báo ngày 18 Tháng Năm,, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến các cuộc tấn công trong tuần qua của Ukraine vào bán đảo Crimea. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.
Vào ngày 14 tháng 5 năm 2024, Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga trên lãnh thổ Crimea bị chiếm giữ bất hợp pháp. Báo cáo ban đầu cho thấy các bộ phận của dàn hỏa tiễn Phòng không SA-21 tại Sân bay Belbek đã bị phá hủy, bao gồm radar và bệ phóng GRAVE STONE. Ngoài ra, báo cáo chỉ ra rằng ít nhất hai máy bay MiG-31BM FOXHOUND C đã bị phá hủy trên mặt đất.
Đây là lần thứ tư trong tháng qua Phòng không Nga ở Crimea bị tổn thất. Lực lượng vũ trang Ukraine trước đó đã tiến hành các hoạt động thành công nhằm vào địa điểm Radar phòng không Ai-Petri vào ngày 12 tháng 5 năm 2024 và tại phi trường Dzhankoy vào ngày 16 tháng Tư và ngày 29 tháng Tư. Hiệu ứng tích lũy của các cuộc tấn công này đã làm suy giảm tổng thể khả năng của Nga trong việc bảo vệ không phận xung quanh Crimea; đồng thời thể hiện khả năng của Ukraine trong việc tác động đến các hoạt động phòng không của Nga.
Rất có thể điều này sẽ dẫn đến việc Nga phải phân tán tài sản trên không để bảo đảm khả năng sống sót hoặc có nguy cơ mất thêm máy bay, đồng thời phải di dời tài sản Phòng không từ nơi khác đến. Việc giảm phạm vi phủ sóng của máy bay A-50U MAINSTAY và phân tán khỏi các phi trường ở Crimea có thể sẽ làm tăng số giờ bay và tỷ lệ xuất kích của các chiến đấu cơ tuần tra để lấp đầy khoảng trống, điều này sẽ dẫn đến các vấn đề bảo trì gia tăng cho đội bay của họ.
10. Hung Gia Lợi phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Âu Châu ủng hộ công thức hòa bình của Ukraine
Hung Gia Lợi đã phủ quyết một nghị quyết tại Hội đồng Âu Châu nhằm chính thức công nhận và ủng hộ công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Bộ trưởng Ngoại giao nước này cho biết hôm 17 Tháng Năm.
Peter Szijjarto nói rằng “các kế hoạch khác” đã được những người khác đề xuất nhưng không được Hội đồng xem xét và Nga không còn trong Hội Đồng Âu Châu đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán hòa bình không thể diễn ra. Bộ trưởng không nói rõ ông đang đề cập đến những kế hoạch nào khác.
Công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine, một kế hoạch được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vạch ra lần đầu tiên vào mùa thu năm 2022, bao gồm một số trụ cột chính, trong đó quan trọng nhất là việc rút hoàn toàn quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm.
Nga đã rút khỏi Hội đồng Âu Châu vào tháng 3 năm 2022 sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và sau đó chính thức bị loại một ngày sau đó.
Szijarto viết: “Thay vì mơ mộng về chiến tranh hạt nhân, cuối cùng chúng ta cần các cuộc đàm phán hòa bình thực sự và nói thêm: “Cuộc đàm phán hòa bình thực sự chỉ có thể diễn ra nếu tất cả các bên tham chiến ngồi quanh bàn”.
“Hôm nay, Hội đồng muốn thông qua một nghị quyết, trong đó Hội đồng muốn công nhận duy nhất và độc quyền kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelenskiy như một công thức hòa bình cần được xem xét và ủng hộ.”
Szijarto cho biết ông đã yêu cầu xem xét những kế hoạch khác này nhưng điều này đã bị đa số thành viên Hội đồng Âu Châu bác bỏ.
Ông nói: “Đó là lý do tại sao tôi phủ quyết nó, nên không có nghị quyết nào của Hội đồng được thông qua”.
Kế hoạch hòa bình thay thế đáng chú ý nhất được đề xuất bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó công bố tuyên bố 12 điểm vào tháng 2 năm 2023 nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh về “giải pháp chính trị” cho cuộc chiến toàn diện của Nga.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây bác bỏ đề xuất này, lưu ý rằng nó có thể chỉ có lợi cho Nga vì không đòi buộc Nga phải rút quân khỏi các khu vực mà nước này đã xâm lược trái phép.
Bản thân Nga cũng có một kế hoạch hòa bình đã được chính Dmitry Medvedev phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, đó là Ukraine đầu hàng vô điều kiện. Tuy khôi hài nhưng cho đến nay đó là đề nghị duy nhất và chính thức của Nga.
Medvedev, từng là Tổng thống Nga một nhiệm kỳ, thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.
11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 17 Tháng Năm
Trong bản tin tình báo ngày 17 Tháng Năm,, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến cuộc cải tổ Bộ Quốc Phòng Nga của Putin. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.
Trong một cuộc cải tổ bất ngờ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã được thay thế bởi Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov, Shoigu thay thế Nikolai Patrushev làm Thư ký Hội đồng An ninh Nga. Patrushev đã được bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng thống.
Shoigu và Patrushev là những đồng minh có ảnh hưởng và lâu dài của Putin.
Belousov là một nhà kinh tế chuyên nghiệp không có nền tảng quân sự. Ông là Phó Thủ tướng thứ nhất từ Tháng Giêng năm 2020 và trước đó giữ chức vụ Trợ lý Tổng thống về các vấn đề kinh tế. Có khả năng ông được bổ nhiệm để bảo đảm hiệu quả cao hơn trong chi tiêu quốc phòng và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành công nghiệp quốc phòng và nhu cầu của Lực lượng Vũ trang.
Điều này có thể tỏ ra vô cùng thách thức đối với Belousov do mức độ tham nhũng cao trong Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov bị bắt vào tháng 4 năm 2024 vì tội tham nhũng, và nhà lãnh đạo nhân sự, Trung tướng Yury Kuznetsov bị bắt vào ngày 14 tháng 5 năm 2024 vì nghi ngờ liên quan đến một kế hoạch hối lộ.
Sự thay đổi Bộ trưởng Quốc phòng rất khó có tác động lớn ngay lập tức đến việc tiến hành cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Putin cũng tuyên bố rằng sẽ không có thay đổi nào đối với các vị trí cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga, thành ra, đường lối hiện tại của Nga đối với cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục.