Nếu thời cuộc không thay đổi thì không ai nhờ đến thằng Mạc. Mạc là nạn nhân của chính cha nó. Lúc bình thường, cha Mạc rất đàng hoàng, ăn nói nhỏ nhẹ, đối xử đàng hoàng với hàng xóm. Do nghiện rượu mà từ một gia đình đủ ăn, đủ mặc biến sang gia đình túng thiếu. Cha mạc vay mượn khắp nơi, không nhiều, mỗi gia đình chỉ dăm ba đồng đủ cho một cút rượu. Vì không trả được và món nợ mới chồng lên món nợ cũ để rồi cuối cùng ông cũng không nhớ nợ những ai và bao nhiêu. Ông túng quẫn đến độ dối trá, lường gạt cả người ăn mày trong xóm. Ai không may đến đòi nợ gặp lúc lên cơn ghiền, ông trở thành người tục tằn, sảo trá, lớn tiếng đuổi chủ nợ. Cha mẹ khác trong xóm dặn con đừng làm bạn với thằng Mạc say. Mạc ghét cay, ghét đắng cái phong tục dùng tên con gọi thay tên bố; Mạc dù không uống rượu vẫn bị gọi là Mạc say. Mạc không có bạn, cô đơn, thui thủi một mình. Bởi không bạn bè, nên Mạc dành nhiều thời giờ cho việc học và trở thành học sinh suất sắc trong lớp.

Cuối tuần Mạc theo ghe chài lưới kiếm tiền trả học phí trong năm. Con thuyền đó theo đoàn người vượt biên. Mạc trở thành người đầu tiên trong xóm đi vượt biên. Sang đến nước thứ ba, vẫn tính chăm chỉ, học ngày học đêm, Mạc trở thành một cai nhỏ trong xưởng làm. Khi chương trình bảo trợ ra đời, Mạc nhận bảo trợ người cùng xóm không thân nhân. Dân đi sau, đến trại tị nạn, không thân nhân, muốn mau đi định cư, nhờ Mạc bảo trợ. Họ là người cùng làng. Có người trước đây mong được như họ, với Mạc là một giấc mơ; bây giờ họ gọi Mạc là cậu và đối xử như bạn, dù tuổi tác khác biệt. Mạc giúp họ tìm nhà, thuê nhà, giới thiệu vào sở làm. Nếu thời cuộc không thay đổi có lẽ những người này không bao giờ nhìn đến Mạc say, bởi hoàn cảnh lúc đó họ khá hơn. Thời cuộc đổi thay. Người ta chôn vùi quá khứ.
Dụ ngôn hạt cải cho biết tất cả những gì Chúa dựng lên đều có giá trị. Ví dụ như hạt cải tí teo cũng có giá trị riêng của nó. Hạt cải mà lúc chưa thành cây ngay cả đàn chim sẻ cũng chê vì hạt nó nhỏ, nhặt mỏi cổ vẫn đói meo; hơn nữa đôi khi khó phân biệt đâu là hạt cải, đâu là hạt bụi. Hơn nữa, ăn vào chất cay hạt cải làm xót cái diều. Trừ khi ăn chống đói, còn bình thường đàn sẻ không ưa hạt cải. Thế nhưng khi hạt cải lớn, nó lại trở thành bóng mát trú nắng trưa hè. Trốn dưới gốc cải, cái mát êm dịu từ lá cải toả ra, mang theo cái mùi cay nồng, nhè nhẹ, thoang thoảng the the, hít vào thấy toàn thân êm ái, dễ đi vào cảnh thần tiên, đàn sẽ gật gù, đắc í.

Thuở nhỏ, mọi người gọi thằng Mạc say, buồn tê tái, không ai thèm dòm ngó, và cũng không ai muốn làm bạn, bởi sợ cha Mạc đến làm phiền. Khi lớn Mạc trở thành nơi nương tựa cho một số người làng. Chàng tự hứa với lòng, quyết không bao giờ đi vào con đường cha chàng chọn. Với bản tính chăm chỉ, siêng học, Mạc quyết tâm theo đuổi con đường đó. Vùng đất mới, ngày làm, tối học thêm; ít năm sau chàng có cái bằng kĩ sư và trở thành người công ti tin tưởng. Chính vì thế mà chàng có thể giúp tìm việc cho người cùng làng.

Nhớ lần đầu tiên cầm tuần lương trong tay, lòng hớn hở, mừng vui, thấy giá trị đồng bạc sao mà nó to thế; gấp gần hai ngàn lần đồng bạc lúc trước, vất vả, rét mướt, ướt át kiếm được của thời đi làm biển, chèo thuê, chài mướn. Mạc nhớ đến mẹ cha và biếu một phần tiền đó, dù biết cha sẽ tự nguyện biếu nó cho hũ hèm, nhưng chàng vẫn gởi. Sau khi nộp bằng, chàng được tăng lương, lại gởi lần nữa và lần này hối xuất thấp hơn rất nhiều. Chàng nhận ra, đồng bạc tự nó không có giá trị. Giá trị của nó là do con người đặt cho. Bởi thế giá trị đó thay đổi; nay thế này, mai thế nọ, không cố định. Giá trị Chúa tạo dựng sự vật muôn ngàn đời không thay đổi, luôn cố định, chắc chắn, vững vàng. Giá trị của li nước không thay đổi, dù bạn uống lúc khát hay uống vì ngoại giao.

Hạt cải khi gieo vào lòng đất thành cây, giá trị của nó tăng bội phần; trở thành nơi trú ẩn cho chim trời. Giá trị Chúa ban cho sự vật không lệ thuộc vào hình thái bề ngoài, to lớn, đồ sộ. Hạt cải tí teo có giá trị gấp trăm ngàn lần hình hài nhỏ bé của nó. Giá trị Chúa ban cho sự vật đã không mất giá trị so với thời gian; trái lại giá trị tiềm ẩn đó một khi gieo vào 'đất tốt' còn tăng giá trị gấp triệu lần hình hài của sự vật. Hạt cải dù bé nhỏ vẫn còn nhìn thấy, đức tin Chúa ban không thể nhìn thấy mà có thể cảm nhận. Ai thành tâm đón nhận đức tin nhỏ bé, yếu ớt kia, người đó nhận được một nguồn vui khôn tả, một trái tim an lành, một tâm hồn thanh thản, một cuộc sống tràn đầy hy vọng và một tương lai tín thác trong tình yêu Chúa. Như thế đức tin nhỏ như 'hạt cải' lại trở thành nguồn sống, nguồn hy vọng, chốn cậy trông của tâm hồn có lòng thiện tâm.

Không phải ai cũng quí mến, đón nhận đức tin; nhưng những ai thành tâm đón nhận được hưởng hoa trái đức tin ngoài sức tưởng của tâm hồn. Hạt giống Lời Chúa đi vào tâm hồn con người; con người đó có thể ngủ mê. Hạt giống Lời Chúa không ngừng mọc, âm thầm lớn lên, sinh hoa trái trong tâm hồn con người. Thánh Giacôbê và Phaolô tông đồ là hai vị, tại Antioch, tiên khởi dùng từ 'Kitô Hữu'. (Cv. 11:25).
Kitô hữu có thể không nhận rõ hoa trái đức tin, nhưng tha nhân hưởng thành quả của Lời Chúa, khi Kitô hữu đó tỏ bày tình thương, lòng mến, lòng từ tâm, bác ái, tha thứ. Cuộc sống tâm linh người đó được ví như cây cổ thụ, cành lá xum xoe, hoa trái dồi dào, bóng mát lan toả thể hiện qua lời nói, cử chỉ, thái độ mến thương tha nhân trong cuộc sống. Tất cả đều do tác động của 'hạt giống đức tin Lời Chúa' trong cuộc đời Kitô hữu. Nói theo tinh thần của thánh Phaolô tông đồ thì cuộc sống người Kitô hữu được hướng dẫn không phải bởi nhìn thấy mà do lòng tin. Hành động của Kitô hữu được thúc đẩy do Lời Chúa âm thầm mọc, sinh hoa trái trong tâm hồn. Vì thế Kitô hữu sống đức tin là sống trong tâm tình tạ ơn Chúa mỗi ngày bởi nhờ ơn Chúa mà họ trở thành con người dễ thương, dễ mến, rộng lượng.

Mạc là người thành công khá sớm trong xã hội mới. Cái thành công trong đời mang lại cho chàng nhiều tiện nghi, thoải mái trong cuộc sống. Chàng có thế đứng, tiếng nói trong xa hội. Ai đoán được kinh tế thế giới chao đảo. Thị trường chứng khoán giá trị trồi sụt. Dân làm thương mại sống trong cơn sốt kinh tế; ăn không ngon, ngủ không yên, lo lắng, bồn chồn sợ mất tài sản, bao công sức bỏ ra, gầy dựng, tạo lập, có thể bị cơn bão kinh tế cuốn hút sạch. Chàng được lệnh sa thải công nhân. Gặp chàng, ai cũng hỏi liệu tôi còn việc làm không cậu Mạc. Không biết phải trả lời thật hay dối trá. Không biết nên giữ ai, bỏ ai. Chàng cứ lưỡng lự mãi, không quyết định dứt khoát được. Không thể chờ lâu hơn nữa, công ti quyết định cử một nhân viên khác thay Mạc. Buồn vì mất việc nhưng an tâm bởi lối sống đơn giản, không thuộc vào vật chất. Chàng tự tin một khi kinh tế hồi phục chàng sẽ có việc khác. Cả một hệ thống kinh tế đồ sộ, chặt chẽ, vững chắc, tưởng không gì phá nổi. Ai ngờ, nó sụp đổ trước mắt; không một lãnh tụ tài ba nào có khả năng ngăn chặn việc kinh tế tụt dốc. Một lần nữa Mạc nhận biết mọi giá trị con người tạo dựng đều có ngày tàn lụi. Giá trị thực sự trong đời không lệ thuộc vào thành công, thất bại xã hội. Giá trị xã hội ảo nhiều hơn thật. Thật bởi nó mang lại thoải mái, tiện nghi vật chất, và danh giá xã hội. Ảo bởi giá trị đó không gốc rễ, thường lung lay, suy xụp bất ngờ. Ảo bởi giá trị xã hội không mang lại bình an cho tâm hồn. Chỉ có đức tin Lời Chúa mới mang lại giá trị thật, giá trị vĩnh cửu bởi nó xuất phát từ tình yêu Chúa dành cho Kitô hữu. Tình yêu Chúa không bao giờ phai, không tàn lụi, nhưng luôn âm thầm lớn lên trong tâm hồn Kitô hữu chân chính. Đó là niềm tin của Kitô hữu. Xin cho hạt cải đức tin luôn triển nở trong con.

TiengChuong.org