Luke Coppen của tờ The Pillar, ngày 19 tháng 7, tóm tắt nội dung các tài liệu căn bản của Con đường Đồng nghị Đức, một con đường hiện đang gây tranh cãi lớn không phải chỉ ở Đức mà ở khắp Giáo Hội hoàn vũ.
Theo Coopen, những người tham gia vào “Con đường Đồng nghị” gây tranh cãi của Đức sẽ tập trung tại Frankfurt vào đầu tháng 9 để dự phiên họp toàn thể tiếp theo của sáng kiến.
Cuộc họp diễn ra sau một cuộc họp vào tháng Hai, là cuộc họp chứng kiến các cuộc bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo bản văn tán thành chức linh mục nữ, các linh mục đã kết hôn, chúc phúc cho các cặp đồng tính và việc sửa đổi Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về tình dục.
“Con đường đồng nghị” là một diễn trình tham vấn - các quyết định của nó không làm thay đổi chính sách ở Đức, nhưng, với sự tham gia của các giám mục trong quá trình này, chúng được coi như định đường tiến lên phía trước cho Giáo hội ở Đức.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ tư, một số bản văn được trình bày để đọc lần đầu, và sau đó được sửa đổi thêm, và những bản văn khác sẽ được đọc lần thứ hai và được thông qua như những nghị quyết của Con đường Đồng nghị.
Sau đây là tóm lược các bản văn trên:
1.'Bản văn định hướng'
“Bản văn định hướng”, được chính thức thông qua như một nghị quyết của Con đường Đồng nghị vào tháng Hai, đặt ra cơ sở thần học cho sáng kiến - một cuộc hội họp nhiều năm giữa các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề: quyền lực, chức tư tế, phụ nữ trong Giáo Hội, và tình dục.
Tài liệu dài 18 trang định nghĩa Con đường Đồng nghị như “một cuộc đối thoại được thực hiện trong thái độ đức tin, dẫn đến việc lắng nghe và nhìn xem, phán đoán và hành động.” Nó giải thích rằng diễn trình này dựa trên các nguồn bao gồm “Thánh kinh và thánh truyền, các dấu chỉ thời đại, và cảm thức đức tin của dân Chúa, cũng như Huấn quyền và thần học.”
* Nó nói rằng “bất cứ cuộc cải tổ nào của Giáo hội xứng với tên gọi của nó đều lấy Kinh thánh làm thước đo.”
* Nó mô tả thánh truyền như “một vật thể sống”, tương phản nó với chủ nghĩa duy truyền thống, là chủ nghĩa, theo nó, chỉ công nhận “giai đoạn áp chót của lịch sử Giáo hội như có tính ràng buộc trong hầu hết các trường hợp, do đó tước mất sự phong phú của truyền thống hoặc buộc nó rút vào chiếc áo nịt ngực của một hệ thống." Nó nhấn mạnh rằng “các cuộc cải cách là một phần không thể thiếu của thánh truyền: Thay đổi việc thờ phượng; phát triển học thuyết; triển nở caritas [đức ái].”
* Bản văn kêu gọi Giáo hội xem xét “các dấu chỉ thời đại để tìm dấu vết của sự hiện diện cứu rỗi và giải thoát của Thiên Chúa”. Những dấu chỉ này bao gồm cuộc khủng hoảng lạm dụng, vốn có tác động tàn phá đối với Giáo hội ở Đức.
* Nó liên kết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục với bốn chủ đề chính của Con đường Đồng nghị, nói rằng lạm dụng “khiến người ta tập chú vào những vấn đề khác của đời sống Giáo hội mà trong một số trường hợp đã bỏ ngỏ từ lâu: vấn đề về quyền lực và ước muốn phân quyền; tính bền vững của lối sống linh mục; mong muốn được tiếp cận bình đẳng với các thừa tác vụ và các chức vụ trong Giáo hội cho mọi phái tính; việc Giáo hội thiếu tiếp nhận nền luân lý tình dục ngày nay.”
Bản văn định hướng nói rằng “cảm thức đức tin của các tín hữu” (sensus fidei fidelium) có thể diễn ra “khi một tín lý của Giáo Hội không được chấp nhận bởi một bộ phận lớn dân Chúa mặc dù đã có nhiều lời giải thích và làm sáng tỏ”. Nhưng nó thừa nhận rằng “sự bất đồng tiếp diễn không có nghĩa là tự động phủ nhận sự thật của một cái nhìn sâu sắc thần học hoặc của một tín lý đã được trình bày.”
* Tài liệu mô tả Huấn quyền và thần học là “các biến số sinh động”. Nó nói rằng Huấn Quyền không chỉ tìm cách duy trì sự hiệp nhất mà còn để kích hoạt và bảo vệ “sự đa dạng hợp pháp của đức tin và tín lý vốn luôn thuộc về đời sống của Giáo Hội và hoạt động của Chúa Thánh Thần.”
Bản văn lập luận rằng vào thời Trung Cổ, Huấn Quyền đã “tự chế” trong các tranh chấp thần học. Nhưng trong thế kỷ 19, ngôi vị giáo hoàng đã được củng cố, tạo nên “chủ nghĩa tập quyền mà hậu quả của nó vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay”.
Nó gợi ý rằng, “Hậu quả của Công đồng Vatican I là Huấn quyền Giáo hoàng, vì những lý do hộ giáo, ngày càng tự nhận nhiệm vụ và thẩm quyền đối với chính thần học, và tự hiểu mình như một điển hình định nghĩa đức tin một cách phòng thủ trước mặt một thời hiện đại bị nó coi như mối đe dọa đối với đức tin”.
“Điều này đã cản trở việc tiếp nhận kiến thức từ các khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên, và do đó cũng ngăn cản các nỗ lực của thần học nhằm mở ra những nẻo đường đức tin mới trong cuộc đối thoại với tư duy đương thời, và làm cho người dân thời đó có thể hiểu được niềm tin vào Thiên Chúa”.
Nó lập luận, Công đồng Vatican II đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới và “dẫn đến một sự nở rộ mới cho thần học,”
Bản văn nói, “Con đường Đồng nghị ghi nhận rằng vào thời đại của chúng ta, Huấn quyền Rôma cũng can thiệp vào các diễn trình liên tục làm sáng tỏ và các cuộc thảo luận, và nhấn mạnh vào các lập trường tín lý mà nhiều tín hữu, bao gồm các phó tế, linh mục và giám mục, ngoài nước Đức, không còn thấy có thể hiểu được nữa”.
“Sự tha hóa giữa giáo huấn của Giáo hội và cuộc sống ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết của con người đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý và Thượng hội đồng về gia đình [2014-2015] cũng đang trở thành một vấn đề lớn lao trong việc loan báo Tin Mừng cho các giáo hội địa phương ở Đức."
2. Bản văn về quyền hành
Diễn đàn đầu tiên trong số bốn diễn đàn của Con đường Đồng nghị được dành để suy nghĩ về “Quyền hành và việc phân quyền trong Giáo hội - Sự tham gia và can dự chung vào sứ mệnh”.
* Những lời đầu tiên của bản văn nền tảng dài 23 trang, được chính thức thông qua như một nghị quyết của Con đường Đồng nghị vào tháng Hai, là: “Giáo Hội Công Giáo đang ở trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.” Nó khẳng định rằng “sự thay đổi cơ cấu quyền hành của Giáo hội là cần thiết vì lợi ích của việc hội nhập văn hóa thành công vào một xã hội tự do, dân chủ dựa trên pháp quyền”.
Bản văn xem xét việc quyền hành được thực thi như thế nào trong Giáo hội, kể cả theo quan điểm của giáo luật. Nó kêu gọi những thay đổi đối với luật của Giáo hội để “một hệ thống phân chia quyền hành, tham gia vào việc ra quyết định và giám sát độc lập các quyền hành, được thiết lập phù hợp với Giáo hội và dựa trên phẩm giá độc lập của mỗi người đã được rửa tội.”
* Ngoài ra còn có một bản văn thực thi, một tài liệu dài ba trang có tựa đề “Sự can dự của các tín hữu trong việc bổ nhiệm Giám mục giáo phận.” Nó thảo luận về nhiều cách khác nhau theo đó, các giám mục được lựa chọn ở Đức do sự khác biệt lịch sử của khu vực. Bản văn, được chính thức thông qua như một nghị quyết của Con đường Đồng nghị vào tháng Hai, khuyến nghị rằng đoàn kinh sĩ [chapter] của nhà thờ chính tòa, tức định chế có vai trò giới thiệu các ứng viên, nên làm việc với một bộ phận dân cử đại diện cho “toàn thể dân Chúa trong giáo phận” để xác định danh sách những ứng viên thích đáng được đoàn gửi đến Vatican.
* Bản văn Hành động tựa là “Tham vấn và ra quyết định chung,” dài bốn trang, yêu cầu mỗi giám mục Đức cam kết thiết lập “các cơ cấu có tính ràng buộc để các tín hữu trong giáo phận mà ngài lãnh đạo tham gia và đồng quyết định trên cơ sở trách nhiệm của họ trong mọi vấn đề thiết yếu của đời sống và sứ mệnh của Giáo hội,” cũng như “đưa ra các quyết định trong sự tương tác có tính ràng buộc với các bộ phận đồng nghị của giáo phận.”
Mỗi giám mục được kêu gọi thành lập một “hội đồng đồng nghị” trong giáo phận của họ. Bản văn nói rằng một hội đồng đồng nghị “có thể sửa đổi các dự thảo quyết định của giám mục, hoặc tự quyết định về các vấn đề có ý nghĩa của giáo phận.” Các hội đồng đồng nghị cũng nên được thành lập tại các giáo xứ. Các thành viên sẽ có thể "mâu thuẫn với phiếu bầu của cha xứ với đa số hai phần ba."
* Bản văn Hành động dài ba trang tựa là “Chức vụ Kiểm tra [ombusperson] để ngăn chặn và tái thẩm định việc lạm dụng quyền hành của những người có thẩm quyền trong Giáo hội” kêu gọi thành lập và tài trợ cho “chức vụ kiểm tra liên giáo phận” với nhiệm vụ “ngăn chặn và giải quyết các lạm dụng quyền hành của các cá nhân nắm giữ trách nhiệm trong Giáo hội.”
* Bản văn Hành động dài ba trang tựa là "Quy luật bài giảng" yêu cầu các giám mục Đức cam kết duyệt lại "Qui luật bài giảng" năm 1988 của họ, do "các điều kiện mục vụ đã thay đổi," để dành một vai trò lớn hơn cho giáo dân, nhất là phụ nữ. Các giám mục được yêu cầu “xin phép (indult) Tòa Thánh để sửa đổi quy luật bài giảng có hiệu lực từ ngày hôm nay theo cách mà việc chuẩn bị và trình bầy bài giảng trong các buổi cử hành Thánh Thể vào các Chúa Nhật và các ngày lễ có thể do các tín hữu đảm nhiệm, những người đủ tiêu chuẩn về thần học và linh đạo, và là những người được giám mục ủy nhiệm.”
* Bản văn Hành động tựa là “Quy định khung về tài chính giáo phận,” dài bốn trang, mưu tìm “một quy định khung có tính ràng buộc” về “hiến pháp tài chính của các giáo phận Đức”. Nó nói rằng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh lặp lại những “quyết định kém cỏi” đã “gây ra những vụ tai tiếng” trong những năm gần đây.
* Bản văn Hành động dài ba trang tựa là “Quy định khung về trách nhiệm giải trình” đưa ra các kế hoạch cho “các thủ tục giải trình trách nhiệm thường xuyên” để “cổ vũ sự tin cậy và minh bạch”. Nó viết: “Để theo đuổi trách nhiệm giải trình, một ủy ban do Hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức chỉ định sẽ đưa ra một quy định khung trong 24 tháng sau khi thông qua nghị quyết vốn bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu này.”
* Bản văn Hành động tựa là “Bảo đảm quyền cầu viện luật pháp” là một tài liệu hai trang nhằm hài hòa các “quy tắc khiếu nại” của các giáo phận Đức. Nó phác thảo một “hệ thống quản lý khiếu nại” ba cấp, bao gồm các đơn vị khiếu nại hoạt động độc lập, hội đồng trọng tài giáo phận và các tòa án hành chính của Giáo hội.
* Bản văn Hành động tựa là “Tăng cường một cách lâu dài tính Đồng nghị: Hội đồng Đồng nghị cho Giáo Hội Công Giáo ở Đức” kêu gọi thành lập một “cơ quan tư vấn và ra quyết định” thường trực trên toàn quốc bao gồm cả giám mục lẫn giáo dân. Một phiên bản sửa đổi của bản văn, hiện chỉ có bằng tiếng Đức, mưu tìm một cơ quan trung gian được gọi là "ủy ban đồng nghị" để đặt cơ sở cho việc thành lập hội đồng đồng nghị toàn quốc, đồng thời đưa ra "các quyết định căn bản" về các vấn đề ngân sách.
3. Các bản văn về chức linh mục
Diễn đàn thứ hai của Con đường Đồng nghị tập chú vào “Sự hiện hữu của linh mục ngày nay”.
* Bản văn Căn bản, dài đến 11 trang, suy nghĩ về cuộc khủng hoảng lạm dụng của giáo sĩ Đức. Nó viết: “Có một sự đồng thuận cho rằng việc suy tôn và thánh thiêng hóa chức linh mục đã giúp làm cho việc lạm dụng có thể xảy ra, dẫn đến việc làm ngơ tiếng nói của nạn nhân, thuyên chuyển thủ phạm đến các giáo xứ khác và bạo lực tình dục được tích cực che đậy để bảo vệ định chế.” Nó nói thêm rằng "sự đồng thuận này thúc đẩy các thay đổi có hệ thống đáng kể khiến một số người lo sợ và lo lắng."
Nó tiếp tục viết: “Đây đơn giản chỉ là vấn đề quay lưng khỏi chế độ tổ phụ với những cơ cấu qui hướng về nam giới của nó, và chỉ là vấn đề phải có cách tiếp cận mới đối với chức linh mục thừa tác bên trong chức linh mục chung của mọi tín hữu; là vấn đề quay lưng khỏi các vai trò linh mục được cường điệu hóa và thánh thiêng hóa, và là vấn đề suy tư về sự tham gia của phụ nữ ở các bình diện khác nhau của Giáo hội; về vấn đề quay lưng khỏi cách tiếp cận thuần túy nam giới, độc thân đối với chức linh mục."
Sau đó, bản văn đưa ra một suy nghĩ mở rộng về vai trò của các linh mục trong một Giáo hội đồng nghị.
* Bản văn Thực thi dài bốn trang tựa là “Phòng ngừa và đối phó với các thủ phạm” đưa ra 10 đề xuất cụ thể để ngăn chặn hành vi giáo sĩ lạm dụng và bảo đảm việc xử lý thủ phạm một cách thống nhất. Chúng bao gồm việc chỉ định cho mỗi thủ phạm một “quản trị viên trường hợp” [case manager].
* Bản văn Thực thi tựa là “Phát triển nhân cách và chuyên nghiệp hóa” là một tài liệu dài 9 trang kêu gọi các giám mục Đức và Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức thành lập một nhóm làm việc để đưa ra “một quy định khung siêu giáo phận để phát triển nhân cách của các linh mục và nhân viên mục vụ”. Các giám mục được yêu cầu bắt buộc “việc tham dự các khóa đào tạo để có thể học tập suốt đời và truyền đạt rằng đức tin cần một chiều kích lịch sử để nó không trở thành một ý thức hệ”.
* Bản văn Thực thi dài bảy trang tựa là “Lời thề độc thân trong chức vụ linh mục” khẳng định rằng đời sống độc thân của linh mục là “có giá trị” nhưng thúc giục Đức Giáo Hoàng cho phép truyền chức cho những người đàn ông đã có gia đình trong Giáo hội Nghi lễ Latinh, theo thông lệ Công Giáo Đông phương. Nó viết, “Nếu vì lý do khôn ngoan cẩn trọng, cuộc bỏ phiếu trước đó được coi là tiến quá xa, thì phiên họp toàn thể của thượng hội đồng yêu cầu Đức Thánh Cha xem xét các phần mở rộng riêng lẻ của thực hành hiện có”.
4. Các bản văn về phụ nữ trong Giáo hội
Diễn đàn thứ ba của Con đường Đồng nghị liên quan đến “Phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ trong Giáo hội.”
♀️ Bản văn Căn bản dài 32 trang, hiện chỉ có bằng tiếng Đức, lập luận rằng “công bằng phái tính trong Giáo hội là đá thử vàng thiết yếu của một công bố Tin Mừng đáng tin cậy và hữu hiệu cho mọi người.”
Tài liệu “Phụ nữ trong các chức vụ và văn phòng trong Giáo hội” viết, “Về mặt lịch sử, có thể chứng minh được sự phân biệt giữa chức phó tế và các hình thức khác của thừa tác vụ bí tích. Nhìn vào Giáo hội hoàn vũ ta thấy rằng đại đa số phụ nữ dấn thân vào mục vụ và sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo”.
“Không có một đường đứt đoạn nào trong truyền thống để loại trừ phụ nữ khỏi việc loan báo Tin Mừng chính thức. Ngoài những tuyên bố được cho là rõ ràng trong chính dòng truyền thống thần học về sự thiệt thòi của phụ nữ, luôn có những phát triển trái ngược. Chúng đã mang đến những quan điểm và câu trả lời mới cho những đòi hỏi của thời đại và nền văn hóa tương ứng. Phụ nữ đã tham gia đáng kể vào việc này."
“Cái nhìn mới vào các chức vụ trong các bản văn Kinh thánh và cách tiếp cận đối với sự bình đẳng căn bản của mọi tín hữu có nghĩa là đặt vấn đề phụ nữ được quyền nắm giữ chức vụ bí tích trong bối cảnh đổi mới của nền thần học về các chức vụ.”
♀️ Bản văn Thực thi tựa là “Phụ nữ trong thừa tác vụ bí tích” xem xét vai trò của phụ nữ từ Giáo hội sơ khai cho đến ngày nay. Nó nói rằng "do việc đánh giá lại sự tinh trong của việc phụng tự, việc ức chế và loại bỏ các thành viên nữ khỏi phạm vi công cộng của Giáo hội bắt đầu muộn nhất là từ thế kỷ thứ 2 trở đi."
Nó nói: “Do đó, Giáo hội đã đi theo một nẻo đường trong đó các đặc sủng và ơn gọi của phụ nữ ngày càng bị bỏ qua và không thể được sử dụng để xây dựng cộng đồng Kitô giáo. Điều này cũng được liên kết với một lịch sử đau đớn đã dẫn đến các trải nghiệm kỳ thị, luận chiến đầy thiên kiến bài phụ nữ và thiếu sự công nhận đối với phụ nữ có ơn gọi trong những thế kỷ trước và cho đến ngày nay”.
Tài liệu dài bốn trang nói rằng các việc biện minh cho việc “loại trừ phụ nữ khỏi thừa tác vụ bí tích” cần được xem xét kỹ lưỡng bởi một ủy ban mới với “khuôn mạo quốc tế cao” để “trình bày định kỳ những phát hiện của mình cho công chúng.”
Nó kêu gọi hội đồng giám mục Đức “bảo đảm rằng các hoạt động của ủy ban được Giáo hội hoàn vũ tiếp nhận”.
♀️ Bản văn Thực thi dài sáu trang tựa là “Chức phó tế phụ nữ” kêu gọi thành lập “chức vụ nữ phó tế”, khi nhận định rằng đã có cả một phong trào lâu đời ở Đức ủng hộ các nữ phó tế.
♀️ Bản văn Hành động tựa là “Quản lý các giáo xứ, cộng đoàn và không gian mục vụ”, một tài liệu dài sáu trang khác, cho là “gây thương tích và bất công” việc “loại trừ phụ nữ khỏi thừa tác vụ thụ phong”. Nó nói rằng “sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các chức vụ và thừa tác vụ của Giáo hội hiện chỉ có thể làm cho khả hữu bằng cách mở rộng năng quyền của những phụ nữ giáo dân đủ tiêu chuẩn.” Nó kêu gọi tất cả các giáo phận của Đức “cổ vũ các mô hình lãnh đạo khác nhau trong trách nhiệm chung nơi các giáo đoàn, giáo xứ và giáo hạt, giúp cho các năng lực và đặc sủng của phụ nữ và nam giới cùng có hiệu quả với nhau.”
♀️ Bản văn Hành động dài ba trang tựa là “Phụ nữ tại các Phân khoa Thần học, Học viện và Đại học Giáo hội” tìm cách thành lập một ủy ban của hội đồng giám mục, do Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức hỗ trợ, để báo cáo hàng năm “về các biện pháp bình đẳng phái tính và việc đại diện của phụ nữ” trong các phân khoa thần học và các học viện của Giáo hội.
Nó yêu cầu cả hội đồng giám mục lẫn Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức “tạo ra sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nữ học giả trong các cơ quan và ủy ban tư vấn của họ”. Nó cũng thúc giục các giáo phận “bao gồm một cách có ý thức các nghiên cứu về phụ nữ và thần học duy nữ vào việc nghiên cứu và các chương trình tu nghiệp nhân viên mục vụ (bao gồm việc huấn luyện dành cho các linh mục và việc huấn luyện trong các cộng đồng tu trì).”
♀️ Bản văn Hành động dài năm trang tựa là “Trao đổi lập luận thần học trong các bối cảnh giáo hội phổ quát” kêu gọi các giám mục Đức vận động cho “các khía cạnh chuyên đề của tính bình đẳng phái tính, các quan điểm phái tính, sự tham gia của phụ nữ trong các thừa tác vụ lãnh đạo của Giáo hội, và dưới ba hình thức của chức vụ bí tích” trong suốt diễn trình hai năm của Thượng hội đồng hoàn cầu, kết thúc bằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị tại Rôma.
♀️ Bản văn Hành động dài bảy trang tựa là “Hiện diện và Lãnh đạo - Phụ nữ trong Giáo hội và Thần học,” hiện chỉ có bằng tiếng Đức, nói rằng “mục tiêu trở thành một Giáo hội bình đẳng phái tính đòi hỏi sự hiện diện ngày càng nhiều của phụ nữ trong các chức vụ lãnh đạo, trong thần học, nghiên cứu và giảng dạy, và trong các cơ quan ra quyết định và cố vấn." Nó đề xuất các cách để đạt được các mục tiêu này.
5. Các bản văn về đạo đức tình dục
Diễn đàn thứ tư của Con đường Đồng nghị được dành cho "Cuộc sống trong các mối liên hệ nối tiếp nhau - Sống tình yêu trong tình dục và cặp đôi"
* Bản văn Căn bản dài 28 trang nói rằng mặc dù giáo huấn của Giáo hội về vấn đề tình dục không phải là “nguyên nhân trực tiếp” của sự lạm dụng, nhưng nó “tạo thành một hậu cảnh chuẩn mực hiển nhiên có thể tạo điều kiện cho những hành vi phạm tội như vậy”.
Bản văn viết, “Phiên họp toàn thể của thượng hội đồng tin chắc rằng sẽ không thể định hướng lại việc chăm sóc mục vụ nếu không định nghĩa lại sự nhấn mạnh trong giáo huấn tình dục của Giáo hội ở một mức độ đáng kể. Do đó, phiên họp toàn thể của thượng hội đồng đề nghị phải có sự tái nhấn mạnh lớn lao trong tín lý của Giáo hội và xem xét nhu cầu cấp thiết cần hiện hữu để vượt qua một số hạn chế trong các câu hỏi về tình dục, vì các lý do khoa học tình dục cũng như thần học.”
“Đặc biệt, giáo huấn dạy rằng quan hệ tình dục chỉ hợp pháp về mặt đạo đức trong bối cảnh hôn nhân hợp pháp, và chỉ với sự cởi mở thường trực đón nhận việc truyền sinh, đã gây ra rạn nứt rộng rãi giữa Huấn quyền và các tín hữu. Điều này có nguy cơ che khuất hoàn toàn các lời lẽ quan trọng khác của Tin mừng Thiên Chúa, vốn có tác dụng giải phóng trong việc định hình tình dục có phẩm cách”.
Tài liệu lưu ý rằng đạo đức tình dục nằm “trong năng quyền tín lý của Giám mục Rôma” và nói rằng các đề xuất của nó do đó được ngỏ cùng Đức Giáo Hoàng “như lời phát biểu của giáo hội địa phương, do trách nhiệm chung của tất cả những người đã được rửa tội và thêm sức vì lợi ích của Giáo Hội Chúa Kitô. "
Nó đưa ra 10 đề nghị, trong đó có một đề nghị khẳng định rằng “các nguyên tắc và tiêu chuẩn của tình dục từng được sống thực trong Kitô giáo - tôn trọng quyền tự quyết và tình dục có trách nhiệm, cũng như sự chung thủy, vĩnh viễn, độc quyền và có trách nhiệm với nhau trong các mối liên hệ - cũng áp dụng cho người đồng tính luyến ái” và phản đối “điều gọi là phương pháp điều trị chuyển đổi”.
Một đề nghị khác nói rằng “nhiệm vụ giáo dục tình dục, cũng như giáo dục Kitô giáo và giáo dục nói chung, là cổ vũ việc đào tạo có tính phục vụ sự sống và do đó, một cách cố ý và xứng đáng về ham muốn tình dục trong suốt cuộc đời con người, để nhậy cảm hóa nó cho những khoảnh khắc khoan khoái của nó, và do đó để bảo vệ nó khỏi sự thoái hóa tầm thường."
* Bản văn Thực thi tựa là “Trật tự Căn bản của việc Phục vụ Giáo hội,” dài bốn trang, đề cập đến luật nhân dụng của Giáo Hội Công Giáo Đức, nhà tuyển dụng lớn thứ hai của quốc gia sau nhà nước. Nó lập luận rằng luật lao động của Giáo hội, được đặt ra trong một bản văn được gọi là “Trật tự Căn bản của việc Phục vụ Giáo hội trong Khuôn khổ Các mối liên hệ nhân dụng của Giáo hội,” hiện đang “kỳ thị đối với những nhân viên sống trái với đạo đức tình dục truyền thống của Giáo hội.”
Nó kêu gọi một sự thay đổi về luật lệ để “trong tương lai không còn cho phép các quyết định để một hình thức cặp đôi [partnership] được quy định hợp pháp hoặc không bị cấm bị coi là vi phạm nghĩa vụ trung thành và do đó ngăn cản việc làm trong việc phục vụ Giáo Hội hoặc gây ra việc chấm dứt liên hệ việc làm hiện có.”
Nó nói thêm: "Tình trạng hôn nhân bản thân sẽ không liên quan đến việc làm hoặc tiếp tục việc làm để phục vụ Giáo hội."
* Bản văn Thực thi dài bốn trang tựa là “Các nghi thức chúc lành cho các cặp đôi yêu nhau” yêu cầu các giám mục của Đức “chính thức cho phép tổ chức các nghi thức chúc lành trong giáo phận của họ cho các cặp đôi yêu nhau và muốn cam kết với nhau, nhưng với họ, hôn nhân bí tích không thể tiếp cận được hoặc họ là những người không muốn kết hôn.” Nó nhấn mạnh rằng “điều này cũng áp dụng cho các cặp đồng tính trên cơ sở đánh giá lại đồng tính luyến ái như một dị bản bình thường của tính dục con người”.
* Bản văn Thực thi dài ba trang tựa là “Các tuyên bố của huấn quyền về tình yêu vợ chồng” kêu gọi Đức Giáo Hoàng cung cấp “một minh xác và tái lượng giá tình yêu vợ chồng có tính huấn quyền”. Tài liệu này yêu cầu các thay đổi đối với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về khả năng sinh sản của vợ chồng (các số 2366 và 2367, 2396) và quy định về việc sinh sản (2368-2370, 2399).
Nó viết: “Khuyến nghị của Giáo hội về việc làm cha mẹ có trách nhiệm không mâu thuẫn một cách căn bản với sự cởi mở của một cặp vợ chồng sẵn sàng đón nhận con cái. Sự lựa chọn tự do và có trách nhiệm các phương pháp kế hoạch hóa gia đình cũng không cần phải dẫn đến việc từ chối diễn trình sinh sản và thụ thai về căn bản”.
Nó lập luận rằng sự chú ý của Giáo hội đối với các phương pháp ngừa thai “đã tạo ra hình ảnh Giáo hội quá bị ám ảnh một chiều về tính sinh dục [genitality]”.
Nó kết luận rằng “việc tiêu chuẩn hóa chi tiết các hành vi tình dục bởi Huấn quyền của Giáo hội mâu thuẫn với quyền tự do của con cái Thiên Chúa, những người trong tư cách kết hôn phải định hình cuộc sống và mối liên hệ của họ trong trách nhiệm hỗ tương.”
* Bản văn bốn trang tựa là “Huấn quyền đánh giá lại đồng tính luyến ái,” hiện chỉ có bằng tiếng Đức, nói rằng “các đoạn 2357-2359 và 2396 (đồng tính luyến ái và trinh khiết) của Sách Giáo lý nên được sửa đổi” như một phần của việc “đánh giá lại đồng tính luyến ái.”
Nó khẳng định: “Từ sự đánh giá lại này, Giáo hội nên thừa nhận rằng ở nhiều nơi, mình đã gây ra đau khổ và vi phạm phẩm giá của con người qua việc giảng dạy và thực hành liên quan đến đồng tính luyến ái".
Nó nói rằng cũng vì thế “không ai bị từ chối việc đảm nhiệm các chức vụ trong Giáo Hội và việc tiếp nhận thụ phong linh mục, và không một người nào đang phục vụ Giáo hội có thể phải chịu những bất lợi về nghề nghiệp, vì họ có khuynh hướng đồng tính luyến ái.”