Ghé thăm Nhà thờ Rọc Lá Gp. Long Xuyên

Xem Hình

Giữa mùa hè 2023, chúng tôi có chuyến đi về miền tây để thăm học sinh có hoàn cảnh đáng chú ý và thăm vùng quê ngoại; một chuyến đi hoàn toàn theo ý Chúa vì chúng tôi đã “thiết kế” chuyến đi vùng Đồng Nai, một nơi có sông nước, thuyền bè, cá hồ... thế nhưng phải rẽ ngược về miền tây, theo ý Ngài.

Đến vùng Tân Hiệp, giáo phận Long Xuyên, lưu trú nhà người thân lúc trời đã tối hẳn, thế mà sáng sớm hôm sau, chúng tôi phải dậy sớm để đến vùng U Minh Thượng, dự lễ bổn mạng xứ đạo mang tên hai thánh tử đạo Quý - Phụng, dân địa phương gọi là nhà thờ Rọc Lá, theo lời mời của cha sở giáo họ Kênh 1B.

Trong cơn mưa nhỏ lất phất, tín hữu họ đạo Quý Phụng đã có những bước chân rộn rã để chuẩn bị cuộc rước và dự nghi thức xông hương trước đài kính hai thánh tử đạo. Chúng tôi cũng đứng vào hàng giáo dân, hôn xương để tỏ lòng ngưỡng mộ hai thánh. Khi đoàn rước từ từ tiến vào thánh đường, tiểu sử hai thánh Phêrô Quý và Emmanuel Phụng được đọc lên; chúng tôi xúc động trước sự can đảm của một linh mục và một ông trùm đã tử vì đạo.

Sau thánh lễ, chúng tôi cũng dự tiệc mừng, một bữa tiệc rặt phong cách miền tây. Chúng tôi chụp hình khi quí cha đi “chào bàn” một cách thân thiện, vui vẻ.


Cả ngày hôm sau, chúng tôi gặp gỡ học sinh ở vùng này do cha và quí ông bà trùm xứ đạo giới thiệu. Các cháu tập trung bên hông nhà thờ và trước sân nhà người quen. Đáng nhớ nhất là giữa cái nắng chói chang, một ông trùm khu chở tôi và hai thùng tập vở chạy dọc theo con kênh ngang, khu kinh tế mới để phát tập và tiền cho các cháu. Nhờ có sự giới thiệu, chúng tôi mới hiểu hoàn cảnh từng em. Có vài trường hợp bố mẹ phải ra nhận dùm vì các cháu vắng nhà.

Ở vùng này, người ta vừa xạ lúa (cấy lúa) xong thì mưa dầm, mưa trút cả tuần lễ, thế là phải cấy lại, có nhà lỗ cả chục triệu đồng. Khi giúp các em học cấp 3, bố mẹ các cháu vui ra mặt.

Một buổi chiều, giáo họ Kênh 1B vui rộn ràng hẳn lên khi Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, giáo phận Long Xuyên, đến dự buổi Hội Ca giữa các ca đoàn thiếu nhi trong giáo hạt Tân Hiệp. Giữa trưa nắng, sau khi mục vụ từ nơi khác về mà Đức Cha vẫn tỏ ra thân thiện với các cháu. Còn cha quản hạt và cha chánh xứ lại cười tươi giữa hàng ghế. Lời huấn từ của Đức Cha ngắn gọn mà ý nghĩa. Vui nhất là khi thiếu nhi ăn buffet, cả hội trường rộn ràng. Đức Cha cũng lại “cửa hàng” trái cây của cháu chúng tôi và còn gõ nhẹ vàu đầu cháu trai tôi mà nói: “Tóc đẹp!” làm nó vui ngây ngất cả buổi tối.

Thánh lễ tại giáo họ thật trang nghiêm như một Giáo Hội thu nhỏ trên cánh đồng có con sông chạy dài “gọi là kênh”. Trước mặt 12 ca đoàn và cộng đoàn dân Chúa, Đức Cha nhấn mạnh đến những yếu tố của một bài ca tròn đầy: “.... sử dụng chỉ có bảy nốt nhạc mà làm nên rất nhiều bài hát; đó là cái tài của người nhạc sĩ, mà cái tài đó cũng được thể hiện nơi ca sĩ. Chúng con là những ca sĩ trong các ca đoàn nhỏ. Nếu có bản nhạc mà không có người hát thì bản nhạc đó cũng chỉ trên giấy tờ mà thôi. Và, những người ca sĩ thể hiện bản nhạc của nhạc sĩ lại cũng cần những người thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của bài hát thì một bài ca mới được tròn đầy.....”

Chúng tôi nhiều cảm xúc khi thăm mộ ông bà, gặp gỡ họ hàng trong gia tộc. Hương vị cuộc sống ở làng quê vẫn thấm đậm cho dù có điện thoại thông minh hay những chiếc xe phân khối lớn chạy vù vù trên con đường hai bên cỏ cây xanh mượt.

Ngày thứ bảy trong tuần, chúng tôi được quan sát cảnh Thiếu Nhi Thánh Thể trong khu vực cắm trại tại họ đạo Kênh 1B. Sau những nghi thức trân trọng mở đầu ngày trại là những hoạt động vui tươi, hoạt náo, thân tình... có thể nói đó là cả một ngày vui cho các thanh thiếu niên Công Giáo mà từ niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mới qui tụ được.

Ngày sau cùng ở làng quê trước khi về Sài Gòn, chúng tôi tham dự thánh lễ chiều Chúa nhật. Tham dự thánh lễ có nhiều quí bà quí cô hơn quí ông. Thanh niên rất ít, đa phần người trẻ dự lễ buổi sáng để thuận tiện công việc trong ngày. Chúng tôi chụp hình và có lời chào cha xứ để hôm sau về Sài Gòn, kết thúc một chuyến đi với một số sự kiện đáng nhớ.