José Lorenzo, trên tạp chí mạng Crux, ngày 30 tháng 11 năm 2024, nhận định rằng trong những năm gần đây, con đường đồng nghị của Đức nổi lên như một cú sốc đối với người Công Giáo Đức (chủ yếu là giáo dân và đời sống tôn giáo) sau vụ tai tiếng do lạm dụng tình dục trong giáo hội và việc thiếu hành động chống lại những tội ác này của phẩm trật. Đó là một quá trình bắt đầu vào năm 2019, cuối cùng đã được các giám mục tham gia và đề xuất một loạt các biện pháp khiến nhiều mục tử sợ hãi và gây ra đủ mọi cảnh báo ở Vatican.
Gần như song song, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo trợ, Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã được khởi xướng, trong hai giai đoạn và sau các cuộc tham vấn trước đó và chưa từng có ở các giai đoạn giáo phận, quốc gia và lục địa, đã diễn ra trong hai phiên họp lịch sử được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024.
Sự phát triển của cả hai sáng kiến - một ở bình diện quốc gia, một ở bình diện hoàn cầu - đã giao nhau: Con đường đồng nghị Đức đã tổ chức tổng cộng 15 phiên họp từ năm 2020 đến năm 2023, từ đó đưa ra 15 nghị quyết - và đôi khi, chúng dẫn đến các cuộc đụng độ trực diện, đến mức Vatican đã thực hiện các biện pháp và đưa ra cảnh báo, bao gồm cả một lá thư không mấy dễ chịu từ Đức Giáo Hoàng, điều đó có nghĩa là, với các giám mục Đức ở giữa một tảng đá và một nơi cứng cỏi, các khẳng định của Đức đã phần nào được làm dịu đi.
Phiên họp thượng hội đồng Vatican đã kết thúc và Văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng (FSD) đã được công bố, như Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra trong một lá thư được công bố vào thứ Hai tuần trước, "là một phần của Huấn quyền thông thường của Người kế nhiệm Thánh Phêrô và vì vậy tôi yêu cầu chấp nhận văn kiện này". Có những điểm tương đồng và khác biệt nào đối với các nghị quyết của Con đường đồng nghị Đức (GSP)?
Chúng tôi xin đưa ra một bản so sánh do Katholisch chuẩn bị, về các chủ đề rất cụ thể đã gây ra nhiều bất đồng trong các giai đoạn trước và liên quan đến các vấn đề cốt lõi như việc bổ nhiệm giám mục, vai trò của giáo dân và chức phó tế nữ, trong số những vấn đề khác.
Sự tham gia của các tín hữu trong việc bổ nhiệm giám mục giáo phận
Con đường đồng nghị Đức:
Vấn đề này đã được thảo luận trong một trong những văn kiện đầu tiên do GSP thông qua, trong đó kêu gọi các kinh sĩ nhà thờ chính tòa, cùng với một ủy ban được bầu có cùng số lượng, để lập danh sách các ứng viên phù hợp cho chức vụ giám mục giáo phận, mà các kinh sĩ nhà thờ chính tòa tương ứng gửi đến Rome. Tại các giáo phận áp dụng Hiệp ước Phổ hoặc Baden, các kinh sĩ nhà thờ chính tòa cũng phải tham khảo ý kiến của ủy ban tham gia trước khi bầu.
Văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng:
FSD cũng ủng hộ, chỉ một cách vắn tắt, sự tham gia của giáo dân vào việc lựa chọn giám mục. Văn kiện nêu rõ rằng, việc phục vụ của giám mục là phục vụ trong, với và cho cộng đồng. “Do đó, Phiên họp Thượng hội đồng mong muốn rằng dân Chúa sẽ có tiếng nói lớn hơn trong việc bầu chọn giám mục” (Số 70), mặc dù không có thông tin cụ thể nào khác về điểm này.
Việc thuyết giảng của giáo dân và vai trò của phụ nữ
Con đường đồng nghị Đức:
Sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ đã được đề cập trong hầu hết các báo cáo từ các giáo hội địa phương, bao gồm cả sự tham gia của họ vào các quá trình ra quyết định, mvà cả trong các buổi phụng vụ, chẳng hạn như phụ nữ thuyết giảng.
Các nghị quyết GSP thúc giục các giám mục xây dựng một chuẩn mực chuyên biệt và xin phép Tòa thánh để những người làm công tác mục vụ cũng có thể thuyết giảng vào các Chúa Nhật và các ngày lễ.
Văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng:
Việc thuyết giảng của giáo dân chỉ được đề cập theo cách rất gián tiếp trong FSD, ở đoạn 27, trong đó có những song hành giữa việc cử hành Thánh Thể và hội đồng phiên họp thượng hội đồng. Họ kêu gọi thành lập một nhóm nghiên cứu cụ thể để giải quyết vấn đề về cách thức các nghi lễ phụng vụ có thể trở thành biểu hiện lớn hơn của tính đồng nghị.
Đồng thời, văn kiện nhấn mạnh mối liên hệ giữa tính đồng nghị và sứ mệnh và kêu gọi nữ giới và nam giới sử dụng các ân sủng và đặc sủng của mình và "rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng một cách chân thực và hiệu quả ở mọi nơi và mọi lúc" (Số 32), cũng như bày tỏ một mong muốn khác về cách thức các bài giảng có thể trở nên có nữ tính hơn: "Phiên họp cũng yêu cầu chú ý nhiều hơn đến ngôn ngữ và hình ảnh được sử dụng trong việc rao giảng, giảng dạy, giáo lý và soạn thảo các văn kiện chính thức của Giáo hội, dành nhiều không gian hơn cho sự đóng góp của những người phụ nữ thánh thiện, các nhà thần học và nhà huyền bí" (Số 60).
Ủy ban đồng nghị và các phiên họp đồng nghị
Con đường đồng nghị Đức:
Ủy ban đồng nghị do GSP đề xuất, đã trở thành nguồn gây tranh cãi lớn vì Rome tin rằng quyền lực của nó sẽ cao hơn quyền lực của các giám mục, là đối tượng bị Vatican chất vấn gay gắt, đến mức họ cấm thành lập thực thể này cho đến khi, sau một cuộc họp giữa Hội đồng Giám mục Đức và Tòa thánh, một số điểm đã được sửa đổi và người ta đã nhất trí rằng "nó không cao hơn hội đồng giám mục cũng như không ngang hàng với hội đồng giám mục".
"Thẩm quyền của hội đồng giám mục và của mỗi giám mục giáo phận trong việc ban hành các chuẩn mực luật lệ và thi hành quyền giảng dạy của họ trong khuôn khổ các năng quyền tương ứng của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các nghị quyết,” theo các điều lệ do Con đường đồng nghị đưa ra.
Văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng:
FSD ủng hộ rõ ràng việc thành lập các hội đồng mục vụ trong các giáo đoàn, giáo xứ, khu vực mục vụ và giáo phận và khuyến nghị tổ chức thường xuyên “các phiên họp giáo hội ở mọi bình diện”, và nêu rõ rằng mặc dù giáo dân tham gia vào việc ra quyết định, nhưng lời cuối cùng không phải là của họ:
“Trong một giáo hội đồng nghị, thẩm quyền của giám mục, của Hội đồng Giám mục và của Giám mục Rôma trong việc ra quyết định là không thể tránh khỏi, vì nó dựa trên cấu trúc phẩm trật của Giáo hội do Chúa Kitô tạo ra và phục vụ cho cả sự hiệp nhất và sự đa dạng hợp pháp” (Số 92). Do đó, các nhà chức trách giáo hội không được bỏ qua lời khuyên của các tín hữu và chỉ đi chệch hướng khỏi lời khuyên này trong những trường hợp quan trọng; đồng thời các tín hữu phải tôn trọng và áp dụng các quyết định, ngay cả khi chúng không phù hợp với ý kiến của riêng họ (Số 93).
Phòng ngừa lạm dụng, can thiệp và xử lý những kẻ lạm dụng
Con đường đồng nghị Đức:
GSP kêu gọi cho có các chuẩn mực trong việc phòng ngừa, các tiêu chuẩn bảo vệ phải được thực hiện và việc áp dụng chúng phải được giám sát. Trong quá trình đào tạo các chuyên nghiệp mục vụ, những người chịu trách nhiệm đào tạo và các bên liên quan cũng phải ký một bộ quy tắc ứng xử và các hướng dẫn sẽ được công bố cho những người có vấn đề về hành vi lạm dụng. Ngoài ra, các biện pháp kỷ luật được kêu gọi chống lại các linh mục có hành vi lạm dụng, ngay cả khi chính tác phong đó không thể biện minh được.
Văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng:
Một số vấn đề được nêu ra liên quan đến vấn đề này: “Cuộc khủng hoảng lạm dụng, với những biểu hiện khác nhau và bi thảm, đã mang đến nỗi đau không thể kể xiết và thường kéo dài cho các nạn nhân, người sống sót và cộng đồng của họ” (Số 55). Điều đã được nhấn mạnh là giáo hội phải “nhận ra những thiếu sót của chính mình”, cầu xin sự tha thứ, chăm sóc những người bị ảnh hưởng, đưa ra các biện pháp phòng ngừa và “nỗ lực trong Chúa để khôi phục lòng tin lẫn nhau”.
Các đại biểu của Thượng hội đồng cũng đề cập trong văn bản các biện pháp phòng ngừa ít nhiều cụ thể: “Mặc dù các biện pháp đã được thực hiện để ngăn ngừa lạm dụng, nhưng cần phải tăng cường cam kết này thông qua giáo dục và đào tạo cụ thể và liên tục cho những người làm việc với trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương” (Số 150).
Chức phó tế nữ
Con đường đồng nghị Đức:
Đã bỏ phiếu cho việc các giám mục Đức nên vận động các hội đồng giám mục có tiếng nói trong việc thành lập các ủy ban tư vấn về các vấn đề liên quan đến chức phó tế. Ngoài ra, các giám mục cũng nên cổ vũ việc chấp nhận phụ nữ vào chức phó tế bí tích cho tất cả các giáo hội đặc thù trong bối cảnh của toàn thể giáo hội và trong Thượng hội đồng hoàn cầu. Chủ tịch Hội đồng Giám mục [Đức], Giám mục Georg Bätzing, đã lên tiếng rõ ràng ủng hộ chức phó tế nữ trong bài phát biểu của mình trong giai đoạn thứ hai của phiên họp thượng hội đồng hoàn cầu tại Vatican.
Văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng:
“Không có lý do gì ngăn cản phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội: những gì phát xuất từ Chúa Thánh Thần không thể bị ngăn cản”, đoạn 60 của văn kiện cuối cùng viết. Khi văn kiện cuối cùng được bỏ phiếu, phần này của văn bản nhận được sự chấp thuận thấp nhất, nhưng vẫn đủ để phần này được chấp thuận. Các thành viên Thượng hội đồng tuyên bố trong chương này rằng mặc dù có phẩm giá bình đẳng thông qua phép rửa, phụ nữ vẫn phải đối diện với những trở ngại khi nói đến việc nhìn nhận đầy đủ hơn các đặc sủng, ơn gọi và vai trò của riêng họ trong các lĩnh vực khác nhau của Giáo hội.
Do đó, Phiên họp Thượng hội đồng kêu gọi “áp dụng đầy đủ tất cả các khả năng đã được quy định trong giáo luật liên quan đến vai trò của phụ nữ”. Tuy nhiên, văn kiện khá thận trọng về khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ: “Câu hỏi về việc phụ nữ có được tiếp cận với chức phó tế hay không vẫn còn bỏ ngỏ và cần phải có sự phân định sâu hơn về vấn đề này” (Số 60).