DÂNG HIẾN CHO THIÊN CHÚA
Ngày 02 tháng 02: Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh: Lc 2, 22-40
Suy niệm

Trung tín với lề luật, đúng 40 ngày sau khi sinh hạ Đức Giêsu, Đức Maria đã lên Đền thờ để được thanh tẩy, và cùng với thánh Giuse dâng hiến con mình cho Thiên Chúa. Lạ thay! Đức Maria mà phải chịu thanh tẩy; Ngôi Lời nhập thể mà phải được dâng hiến cho Thiên Chúa! Cuộc đời vẫn có những điều trái ngược, chẳng mấy ai hiểu được, vì không thấy được sự thật thẳm sâu, nhưng thánh gia muốn vui nhận tất cả. Đó là điều mà Con Thiên Chúa ngay từ đầu đã thể hiện qua mầu nhiệm “tự hủy”, xuống thế làm người để cứu chuộc loài người.

Thật ra, thánh sử Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ Maria cần tẩy uế, vì Mẹ không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Đấng Chí Thánh. Cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, được gọi là “Đấng Đầy Ân Phúc”, nên lễ thanh tẩy ở đây, thánh sử Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất vào năm 587 trước Công nguyên, thì Đền thờ đã trở nên trống rỗng, xem như Thiên Chúa không còn hiện diện. Nay Đức Giêsu Cứu Thế xuất hiện, Thiên Chúa lại đến trong Đền thờ Người, và như thế, Đền thờ được tẩy uế. Tuy nhiên, dù giải thích thế nào, thì việc cha mẹ Đức Giêsu đem dâng Ngài trong Đền thờ, cũng nhằm trước hết là chu toàn lề luật.

Việc dâng hiến này còn cho thấy đã ứng nghiệm lời Thánh vịnh đã tiên báo về Đức Giêsu:“Này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 40). Lương thực của Ngài chính là chu toàn thánh ý Cha, và hoàn tất công trình của Người (x.Ga 4, 34). Ngài cũng đã tha thiết cầu nguyện trong giờ phút cuối cùng:“Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42), và Ngài đã tự nộp mình và chịu sát tế để dâng lên Chúa Cha để làm của lễ giao hòa cho nhân thế. Việc hiến dâng các trẻ em Do thái theo luật Môsê chỉ là hình bóng việc tự hiến của Chúa Giêsu.

Việc dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ diễn ra âm thầm lặng lẽ, chẳng ai để ý tới. Thiên Chúa vẫn hành động như thế, nhẹ nhàng, tinh tế, khiêm hạ. Có biết bao tư tế và luật sĩ thông thái, giỏi giang, am tường Kinh Thánh, nhưng họ đã không nhận ra Chúa. Chỉ những người đơn sơ bé mọn, biết khát mong tìm kiếm Chúa mới có thể gặp Ngài. Đúng thế, cụ già Simêon và cụ bà Anna là những người bé mọn, nên họ đã nhận ra việc Thiên Chúa tỏ mình trong biến cố này. Được Thánh Thần thúc đẩy, họ vào Đền thờ đúng lúc Đức Maria và thánh Giuse đưa con trẻ vào, và họ biết ngay là Hài Nhi Giêsu, Đấng mà Israel mong đợi.

Simêon ẵm lấy Hài Nhi với lòng hoan hỉ, vì ông nay đã “được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”. Qua cuộc gặp gỡ giữa cụ già Simeon và Đức Maria người mẹ trẻ, Cựu Ước và Tân Ước nối kết với nhau một cách tuyệt vời trong việc tạ ơn Thiên Chúa, vì đã ban Đức Giêsu Kitô - Hài Nhi Cứu Thế “là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài”.

Ngày lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh đã khiến cho Đức Gioan Phaolô II trực giác được ý nghĩa của đời dâng hiến. Và năm 1997, ngài đã cử hành ngày dành riêng cho đời sống thánh hiến lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Tuy nhiên, ý nghĩa của lễ Dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa cũng liên hệ trực tiếp tới mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội, linh mục đã xức dầu thánh hiến chúng ta cho Thiên Chúa, để trở thành phần tử của Giáo Hội, là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Cùng với áo trắng biểu tượng cho linh hồn trong sạch, đã thoát khỏi tội tổ tông xưa, và cuộc sống mới trong ơn thánh. Linh mục cũng trao cho chúng ta nến sáng thắp từ Cây Nến Phục Sinh, biểu tượng cho Đức Kitô – Ánh Sáng cứu độ, mà chúng ta có sứ mạng làm lan tỏa đến cho mọi người.

Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Linh mục làm phép những cây nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường, mọi người lặp lại Thánh Ca mà cụ già Siméon đã hân hoan cất lên ca tụng Thiên Chúa. Những “cây nến phép” này sẽ được cất giữ trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi hài người quá cố trong gia đình.

Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, bản thân chúng ta đã được dâng hiến cho Thiên Chúa, nghĩa là hoàn toàn thuộc về Ngài. Những gì thuộc về Thiên Chúa được gọi là thánh; tuy sống giữa thế gian nhưng chúng ta không thuộc về thế gian. Ý thức sâu xa điều này, ta cần dâng mình lại cho Chúa mỗi ngày, nhằm nhắc nhớ ta nỗ lực vượt qua chính mình để sống trọn vẹn cho Chúa hơn trong mọi hoàn cảnh.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Vì trung tín với lề luật Mô-sê,
mà Mẹ đã lên Đền thờ thanh tẩy,
dù biết mình sinh Chúa vẫn đồng trinh,
nhưng Mẹ vẫn không mong được trọng kính,
mà chỉ mong được sống trọn nghĩa tình,
vui lòng dâng con mình cho Thiên Chúa.
Con nhìn ngắm Thánh Gia lên Đền thờ,
đôi vợ chồng bồng ẵm đứa con thơ,
ai đâu ngờ chính người con thơ đó,
lại là Đức Ki-tô Đấng cứu độ.
Sự việc diễn ra trong âm thầm lặng lẽ,
chẳng ai hay hoặc biết đến làm gì,
dù có nhiều tư tế và luật sĩ,
rất am tường nghiên cứu kỹ Thánh Kinh.
Nhưng lạ thay có những người bé mọn,
khám phá ra qua dấu chỉ bình thường,
là Hài Nhi Con Thiên Chúa tình thương,
mà thế nhân đã bao đời mong đợi.
Đó là điều Thánh Thần luôn soi sáng,
hướng dẫn cho những ai lòng đạo hạnh,
chuyên chăm cầu nguyện sống ngay lành,
giữa cuộc đời đầy những nỗi bơn nhơ,
vẫn giữ tâm hồn mình luôn thanh sạch,
để nghe điều mách bảo của Thánh Linh.
Cuộc đời con cũng đã dâng cho Chúa,
xin cho con luôn sống thuộc về Ngài,
biết chuyên chăm thờ phượng Chúa hôm mai,
luôn thực thi Thánh Ý Ngài luôn mãi,
và trọn tình yêu mến chẳng nhạt phai. Amen.