SỰ THẬT BẼ BÀNG
“Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình!”.
Triết gia, thần học gia Jan Hus tin rằng, Lời Chúa là quyền lực tối cao, không thể sai lầm. Ông đã chết vì niềm tin đó vào ngày sinh nhật thứ 40 của mình tại ở Constance, Đức. Khi từ chối đề nghị phủ nhận đức tin, những lời cuối cùng của Jan Hus là, “Những gì tôi đã dạy bằng môi của tôi, tôi sẽ đóng dấu nó bằng máu của mình!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay không nói đến việc từ chối Lời Chúa của các quan toà thời Jan Hus, nhưng nói đến việc từ chối Ngôi Lời Thiên Chúa, khi lần đầu tiên, Ngài về lại cố hương. Tin Mừng tường thuật một ‘sự thật bẽ bàng’ của Con Thiên Chúa khi người đồng hương không nhận ra Ngài và sứ vụ của Ngài. Thật dễ hiểu, trước mắt, một anh hàng xóm con nhà nghèo, mới ra khỏi làng một thời gian, nay trở về giảng dạy! Con Thiên Chúa được nhìn theo cách loài người như thế, làm sao họ có thể đón nhận. Vì thế, họ đã tẩy chay Ngài; tệ hơn, họ muốn giết Ngài! Vậy mà việc Ngài trở lại chốn xưa, đích thực là một cuộc ‘tỏ mình’, ‘epiphany’; đúng hơn, một cuộc viếng thăm đầy uy nghi của Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Chúa ngự tới cai quản địa cầu!”.
‘Sự thật bẽ bàng’ này nhiều lúc cũng là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cảm thấy việc nói về Chúa với một người lạ, lại dễ dàng hơn là nói về Ngài với những người thân; và ngược lại, sẽ còn khó hơn nhiều, khi bản thân chúng ta để cho ai đó có thể truyền cảm hứng bởi niềm tin và lòng đạo đức của họ, khi người ấy lại là người thân của mình. Nếu Con Thiên Chúa đã gặp khó khăn để được họ hàng chấp nhận, thì chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn trong việc chia sẻ Phúc Âm với những người khác, cách riêng với những người thân yêu. Thế nhưng, một điều quan trọng hơn nhiều là, xét xem cách thức chúng ta chuẩn bị, hành động và cả cách thức đón nhận những phản ứng từ những người khác, dẫu đó là một ‘sự thật bẽ bàng’. Ở đây, chúng ta muốn nói đến việc cầu nguyện, cân nhắc kỹ lưỡng; khiêm tốn đón nhận và cả việc biết “rẽ qua giữa họ mà đi”.
Mặt khác, về phía người đón nhận, phải chăng chúng ta đã không nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong những người gần gũi nhất. Kìa, họ là sứ giả Ngài gửi đến! Chúng ta có nằm trong số những người từ chối nhìn thấy Chúa Kitô hiện diện trong những ai chúng ta gần gũi; hoặc thay vào đó, chúng ta có xu hướng mặc những định kiến, thành kiến và đoán xét họ? Sự thật là chúng ta dễ nhìn thấy những lỗi lầm của họ, hơn là nhận ra những nhân đức và ý tốt nơi họ; chúng ta dễ nhận ra tội lỗi của họ, hơn là sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ. Vậy mà, việc của chúng ta không phải là tập trung vào những lỗi lầm của anh chị em, nhưng là nhìn thấy Đấng Toàn Năng trong họ. Không nghi ngờ gì nữa, mỗi người thân yêu của chúng ta đều có những ý hướng tốt lành, và dẫu họ thế nào, thì Chúa cũng đang sai họ đến với chúng ta! Họ sẽ phản ánh sự hiện diện của Ngài nếu chúng ta sẵn lòng nhìn thấy điều đó; và như thế, mục tiêu của chúng ta, là không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa trong họ mà còn phải tìm kiếm sự hiện diện của Ngài. Càng gần gũi những người thân, chúng ta càng phải tập trung vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống họ.
Con Thiên Chúa làm người, đón nhận bao ‘sự thật bẽ bàng’ từ người thân. Thế nhưng, Ngài khiêm tốn “rẽ qua giữa họ mà đi”; mục đích của Ngài là đến để cứu vớt, không phải để hơn thua. Thiên Chúa đến một cách quá đỗi bình thường, nếu không nói là tầm thường; nhưng chính trong sự tầm thường đó, Ngài đã làm những điều phi thường! Như vậy, việc đón nhận sứ điệp của Ngài thật không dễ, nếu chỉ nhìn Ngài, nhìn các biến cố, nhìn tha nhân theo lẽ tự nhiên và suy luận theo cách con người. Chúa mời chúng ta đi xa hơn bằng đức tin để thấy Ngài và bàn tay Ngài trong đó!
Anh Chị em,
Tạ ơn Thiên Chúa, Ngài đang đến, đang tỏ mình; Chúa Giêsu đang viếng thăm chúng ta mỗi ngày, và sẽ đến đón chúng ta vào ngày sau hết như thư Thessalônica hôm nay nhắc nhở. Ngài đến không chỉ trong Thánh Thể, trong Lời Ngài, nhưng còn đến trong những ‘nhà tạm di động’ là anh chị em chúng ta. Vấn đề là chúng ta có nhận ra Ngài không; và quan trọng hơn, có nghe được tiếng nói của Ngài không. Việc còn lại là sự ‘biến đổi’, một công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể biến đổi mọi sự, ngay cả những ‘sự thật bẽ bàng’ nhất có thể đến từ bất cứ phía nào!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những người thân yêu. Cho con không ngừng tìm kiếm Chúa trong họ; và khi con khám phá ra Chúa, cho con có thể yêu mến và lắng nghe Ngài”. Amen.
(Tgp. Huế)