CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc ông Gioan, một trong số các Tông Đồ, kể lại với Chúa Giêsu sự kiện họ đã chứng kiến một người không thuộc nhóm các môn đệ nhưng đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, nên các ông đã ngăn cản không cho người đó làm. Nghe thế, Chúa Giêsu liền bảo:
“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,39-40).
1. Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?
Đây là một chủ đề quan trọng, mang tính thời sự hiện nay. Chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ của những ai ở ngoài Giáo Hội, những người cố gắng làm nhiều việc lành và chứng tỏ một tinh thần cao cả, dẫu họ không tin vào Chúa Kitô và không gia nhập vào Giáo Hội. Họ có được cứu độ không?
Ngày xưa, trong một lá thư gửi những người theo lạc giáo, thánh Ciprianô (+258) có một câu nói nổi tiếng: “Extra ecclesiam nulla salus – ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ.” Khi quả quyết như thế, thánh nhân muốn chống lại những người theo lạc giáo chủ trương không cần phép Rửa của Giáo Hội và ngài cho rằng ai chịu phép Rửa từ những người lạc giáo là không thành sự.
Tuy nhiên, câu nói này đã bị giải thích cách giảm thiểu, nếu không muốn nói là méo mó về dụng ý của ngài. Khi trích lại câu nói này, người ta thường nhấn mạnh việc phải ở trong Giáo Hội Công Giáo hữu hình để được cứu độ. Quan niệm này đã tồn tại trong Giáo Hội rất lâu, hàng chục thế kỷ. Phải đợi đến Công Đồng Vaticanô II, chúng ta mới có một cái nhìn quân bình và mới mẻ về ơn cứu độ của những người ngoài Giáo Hội. Dĩ nhiên, sự thay đổi này là kết quả của một quá trình suy tư thần học, hiểu biết sau những khám phá về những vùng đất mới và nhờ những khả năng liên lạc với các dân tộc khác trên thế giới. Người ta thấy rằng có vô số con người chưa bao giờ được nghe loan báo Tin Mừng, không phải vì lỗi lầm của họ, hoặc đã được truyền giáo theo một cách thế không phù hợp từ những nhà truyền giáo thực dân, nên làm cho họ gặp khó khăn trong việc đón nhận Tin Mừng.
Với sự thay đổi này, thần học quả quyết rằng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Cụ thể, Người cũng muốn cứu độ cả những người ở ngoài Giáo Hội, khi họ chưa tin vào Chúa Kitô, chưa được rửa tội và không phải là thành viên của Giáo Hội.
Cái nhìn này có nền tảng Kinh Thánh và thần học rất vững chắc: “Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ” (x. 1 Tm 2,4). Thiên Chúa có những cách thế riêng để cứu độ họ. Ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến không giới hạn bởi địa lý, chủng tộc, quốc gia, nhưng là phổ quát. Đức Kitô chết cho hết mọi người không loại trừ ai. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 22, Công Đồng Vaticanô còn thêm:
“Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người khả năng để được kết hợp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô theo một cách thức mà chỉ Thiên Chúa mới biết và vì thế, họ được cứu độ.”
2. Họ là ai và làm gì?
Một cách cụ thể, Hiến Chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 16 nói đến những người sau đây dù không thuộc về Giáo Hội một cách hữu hình nhưng vẫn hy vọng được cứu độ: trước hết phải kể đến những người tin nhận Thượng Đế và tôn thờ Người như là Đấng Tạo Hóa của mình, họ là những người Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Kế đến là những người vô tình không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo Hội, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, họ có thể được cứu độ.
Như thế, đức tin Kitô Giáo đã thay đổi chăng? Không. Cũng như xưa, chúng ta tiếp tục tin vào hai điều: Điều thứ nhất là Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian và là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của toàn thể nhân loại. Dù không nhận biết Người, những ai được cứu độ, đều được cứu nhờ Chúa Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần.
Thứ đến, chúng ta tin rằng những ai chưa thuộc về Giáo Hội hữu hình, nhưng họ đang hướng về Giáo Hội một cách thực tế, họ cũng làm thành viên của Giáo Hội rộng lớn hơn, mà chỉ có Thiên Chúa mới biết. Một cách vô hình, họ cũng thuộc về Giáo Hội hay nói theo ngôn ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ là những “Kitô hữu vô danh.”
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xem ra yêu cầu hai điều từ những người ở ngoài Giáo Hội: điều thứ nhất là họ không “chống lại Người,” nghĩa là họ không tích cực làm ngược lại với đức tin và các giá trị Tin Mừng; họ không chống lại Thiên Chúa, nhưng sống lương thiện theo lương tâm tự nhiên. Họ có thể được cứu.
Hơn nữa, nếu họ không thể phụng sự Thiên Chúa, nhưng ít ra họ biết phục vụ và yêu mến tha nhân, đặc biệt những người nghèo. Họ cũng hy vọng được cứu. Bởi lẽ, điều này được Chúa Giêsu nói:
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bỏa thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41; x. Mt 10,42).
3. Chúng ta phải làm gì?
Tuy nhiên, sau khi đã giải thích giáo huấn này, tôi tin rằng cũng cần thiết để chúng ta điều chỉnh điều gì đó về thái độ và tâm lý chúng ta xét như là những người tin. Ngày nay tư tưởng và thái độ Giáo Hội đã thay đổi, nhưng nhiều người Công Giáo không muốn thay đổi; nhiều lúc chúng ta muốn độc quyền chân lý và ơn cứu độ, tỏ ra hơn người, hơn các tôn giáo khác một cách thái quá vì mình biết Chúa Kitô và là thành viên Giáo Hội.
Một cách tích cực, chúng ta phải thực sự vui mừng vì những sự cởi mở mới mẻ này của thần học Công Giáo khi nhìn nhận những anh chị em ở ngoài Giáo Hội cũng có khả năng được cứu độ. Điều này đang giải phóng khỏi sự hạn hẹp của chúng ta và khẳng định sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa cũng như ý định của Người là muốn cho “mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4) đó sao? Chúng ta phải làm cho khát khao của Môsê trở thành khát khao của chúng như bài đọc I diễn tả:
“Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ” (Ds 11,29).
Hiểu như thế, phải chăng chúng ta nên dừng lại việc truyền giáo, cứ để cho mọi người ở trong xác tín riêng của mình, và thôi việc giới thiệu Chúa Kitô, bởi vì người ta cũng có thể được cứu độ theo những cách thế riêng? Dĩ nhiên là không! Chúng ta phải tiếp tục thực thi lệnh truyền của Chúa, là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Nhưng điều mà chúng ta cần làm là nhấn mạnh lý do tích cực hơn tiêu cực. Lý do tiêu cực là: “Bạn hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì ai không tin vào Người thì sẽ bị luận phạt đời đời.” Còn lý do tích cực là: “Bạn hãy tin vào Chúa Kitô, bởi vì thật tuyệt vời khi tin vào Người, biết Người, và có Người bên cạnh như là Đấng Cứu Độ, khi sống cũng như khi chết.” Điều đó tạo nên sự khác biệt và có sức thuyết phục hơn là dọa dẫm. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/