Bài Tin Mừng Luca 9:1-6: Đức Giêsu sai mười hai Tông Đồ đi giảng

1Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 6Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ



Chú thích

Tập họp Nhóm Mười Hai. Tức các môn đệ đã để riêng ra ở 6:13 khác với nhóm Bẩy Mươi (Hai) ở 10:1.

Ban cho các ông năng lực và quyền phép. Cha Fitzmyer dịch là “quyền năng và thẩm quyền” (power and authority). Chữ Hylạp dynamisexousia đã được Luca dùng để mô tả tư cách của Chúa Giêsu, quyền năng của Người (4:14, 36; 5:17; 6:19; 8:46), thẩm quyền của Người (4:32, 36; 5:24). Chỉ có điều sau đã được Máccô nói tới ở 6:7. Như thế, Chúa Giêsu cho các tông đồ chia sẻ quyền thống trị mà Người vốn được Chúa Cha ban cho như sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa. Trong Luca, quyền năng và thẩm quyền được ban trước khi sai đi, ngược với Máccô.

Trừ mọi thứ quỷ. Giống như ở 8:26-39, Luca lại dùng chữ “qủy” thay vì “thần ô uế” như Máccô.

Người sai các ông. Luca dùng động từ apesteilen theo Máccô 6:7. Ở đây nó nhắc lại tên “apostles” (Tông đồ) mà Luca 6:13 cho rằng chính Chúa Giêsu đã gọi Nhóm Mười Hai. Luca bỏ cụm từ “từng hai người một”.

Rao giảng Nước Thiên Chúa. Luca thêm điều này. Vì trong Tin Mừng của ngài, Chúa Giêsu là giảng thuyết viên tuyệt vời về Nước Trời, nên việc ủy nhiệm của Người nay liên kết mật thiết Nhóm Mười Hai với vai trò chính của Người.

Và chữa lành bệnh nhân. Cũng là cụm từ được Luca thêm vào. Như thế, 3 quan tâm được đặt ra trước Nhóm Mười Hai: họ phải rao giảng Nước Thiên Chúa, giải thoát người ta khỏi ma qủy và chữa họ lành bệnh.

Đừng mang gì đi đường. Lệnh cấm này giống lệnh cấm của phái Essenes như được Josephus diễn tả trong Jewish War 2.8, 4 §125. Các món cấm có thể so sánh với các đồ dùng của các triết gia ăn mày đi khắp đó đây của phái khuyển nho (cynics).

Đừng mang gậy. Máccô cho phép đem gậy (6:8), Luca thì không. Điều này phù hợp với quan điểm của Luca về việc không nên dính bén với việc sở hữu của cải trần gian.

Tiền bạc. Luca nhấn mạnh đến “tiền bạc [silver]” khác với Máccô nói tới “tiền đồng để giắt lưng” (6:8). Ngài thay thế tiền đồng của Hy Lạp, bằng tiền bạc của Rôma. Vì tiền này được xử dụng tại Palestine vào thời ấy.

Khi anh em vào bất cứ nhà nào. Ở đây, ý Chúa Giêsu muốn nói tới sự ổn định (stability) khi được mời vào bất cứ nhà nào, nên ở ngay đó, đừng tìm chỗ tốt hơn chẳng hạn.

Khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân. Nghĩa là bỏ mọi sự thuộc thành này mà rất có thể trở thành dính bén đối với các ngài, một hành vi biểu tượng cho việc xa lánh tuyệt đối tất cả những gì thuộc thành này, xem 10:11. Luca mô tả Thánh Phaolô và Banaba đã làm y hệt điều này tại Antiôkia thuộc Pisidia (Cv 13:50).

Để tỏ ý phản đối họ. Từng chữ có nghĩa là “như một chứng từ chống lại họ” nghĩa là như một hành vi dùng để làm bằng chứng cho việc họ bác bỏ lời giảng dậy của Nhóm Mười Hai.

Các ông ra đi. Cũng như Mc 6:12-13, Luca kết thúc tình tiết với một nhận định ngắn tóm tắt sứ mệnh. Trong khi Máccô biến các tông đồ thành những nhà rao giảng hoán cải, trừ qủy, xức dâu ôliu, và chữa bệnh, Luca chỉ mô tả các ngài như những người rao giảng và chữa bệnh. Một cách có ý nghĩa, ngài tránh dùng cụm từ “ăn năn hối cải” của Máccô, mà dùng thuật ngữ “rao giảng Tin Mừng” thay thế.

Nhận định

Cha Fitzmyer cho hay các câu truyện về phép lạ đã kết thúc với câu 8:56 và tiếp liền theo là tình tiết sai nhóm Mười Hai đi rao giảng. Cha coi việc đặt tình tiết này liền sau các tình tiết phép lạ hành động như một loại kết luận cho các tình tiết phép lạ ấy. Các chứng nhân từ Galilê mà Chúa Giêsu đang trong diễn trình huấn luyện nay sai họ đi tham dự vào sứ mệnh của Người.

Ý nghĩa của tình tiết này rất rõ: các tông đồ được tham dự sứ mệnh của Chúa Giêsu là rao giảng Nước Thiên Chúa. Người đã nói cho các ông hay các ông được ban ơn biết các bí mật của Nước Trời (8:10) và điều gì bí mật cũng sẽ được biết đến (8:17). Bây giờ, Người ban cho họ “quyền lực và thẩm quyền” (“năng lực và quyền phép”), tuy nhiên không chỉ giới hạn trong việc rao giảng, mà còn bao gồm việc chăm sóc sức khỏe thể lý và tinh thần của con người nữa. Trong đoạn này, Luca cẩn thận hơn Máccô đã phân biệt việc chữa bệnh với việc trừ qủy, nhưng cả hai đều nằm trong năng quyền của các ngài.

Các điều kiện bên ngoài trong sứ mệnh của các ngài đã được Chúa Giêsu nêu bật trong nhiều mệnh lệnh. Các ngài lên đường không vướng vít đồ đoàn để khỏi phân tâm khỏi mục tiêu của sứ mệnh. Có thể đây là một hình thức sống nghèo, nhưng quan trọng hơn phải trông cậy phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Các ngài phải chấp nhận lòng hiếu khách của những ai tiếp đón các ngài và bằng lòng với sự hiếu khách ấy. Nhưng các ngài cũng phải tự chuẩn bị để bị từ khước và phản ứng của các ngài phải là phản ứng hoàn toàn tách biệt khỏi những người đã từ khước các ngài. Một số mệnh lệnh này sẽ được sửa đổi sau này (xem 22:35-38).