1. Phản ứng của Cựu Tổng thống Donald Trump trước quyết định lật nhào phán quyết Roe chống Wade
Cựu Tổng thống Donald Trump ca ngợi quyết định của Tòa án Tối cao về việc lật ngược vụ Roe kiện Wade vào hôm thứ Sáu, và nói với Fox News rằng phán quyết “sẽ tốt cho tất cả mọi người”.
Ông Trump nói với Fox News: “Điều này tuân theo Hiến pháp và trao lại các quyền cho các tiểu bang mà đáng lẽ chúng phải được trao lại từ lâu”.
Khi được hỏi liệu ông có thông điệp gì cho những người ủng hộ ông hay không, tổng thống Trump nói với Fox News: “Tôi nghĩ, cuối cùng, đây là điều tốt cho tất cả mọi người.”
“Điều này đưa mọi thứ trở lại trạng thái mà nó luôn thuộc về”.
Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy mình đóng một vai trò nào đó trong sự đảo ngược của Roe kiện Wade hay không, sau khi bổ nhiệm ba thẩm phán bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện, cựu tổng thống nói với Fox News: “Chúa đã đưa ra quyết định.”
Cựu Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã bổ nhiệm các Thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao.
Với những cuộc bổ nhiệm đó, Tối Cao Pháp Viện đã có một đa số bảo thủ, với Chánh án John Roberts, và các Thẩm phán Samuel Alito, Clarence Thomas, Gorsuch, Kavanaugh và Barrett.
Các thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elana Kagan, tất cả đều do đảng Dân chủ bổ nhiệm, đã bất đồng quan điểm với đa số trong quyết định lật ngược phán quyết Roe kiện Wade.
Phán quyết được đưa ra theo quan điểm của tòa án trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, tập trung vào luật Mississippi cấm phá thai sau khi thai được 15 tuần. Tiểu bang Mississippi do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã yêu cầu Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ phán quyết của một tòa án cấp thấp hơn, sau khi tòa án này ngăn chặn lệnh cấm phá thai của tiểu bang.
“Chúng tôi kết thúc ý kiến này từ nơi chúng tôi bắt đầu. Phá thai đưa ra một vấn đề đạo đức sâu sắc. Hiến pháp không cấm công dân của mỗi tiểu bang cho phép hoặc cấm phá thai. Các phán quyết trong các vụ Roe và Casey đã quá kiêu ngạo với thẩm quyền của mình. Giờ đây, chúng tôi đã loại bỏ những quyết định này và trả lại quyền đó cho người dân và những người đại diện được bầu của họ.” Thẩm Phán Samuel Alito viết trong ý kiến của tòa án.
Ý kiến của Alito bắt đầu bằng sự phân tích và chỉ trích đối với phán quyết Roe kiện Wade và khẳng định của phán quyết ấy khi cho rằng mặc dù các tiểu bang có “lợi ích hợp pháp trong việc bảo vệ 'sự sống tiềm tàng'“, nhưng mối quan tâm này không đủ mạnh để cấm phá thai trước thời điểm thai nhi có thể tồn tại, được hiểu là khi thai được khoảng 23 tuần.
“Tòa án đã không thể giải thích cơ sở lý luận cho quan điểm này, và ngay cả những người ủng hộ việc phá thai cũng khó bảo vệ lý luận của phán quyết Roe,” Alito viết.
Breyer, Kagan và Sotomayor là các Thẩm Phán do đảng Dân Chủ bổ nhiệm đã bất đồng quan điểm với nhóm đa số.
2. Lý do cựu Tổng thống Trump nói ‘Chúa đã đưa ra quyết định’ trong vụ lật ngược phán quyết Roe chống Wade
Lý do cựu Tổng thống Trump nói “Chúa đã đưa ra quyết định” trong quyết định lật ngược phán quyết Roe chống Wade được nhiều người hiểu như thế này:
Ngay khi Tổng thống Trump sắp hết nhiệm kỳ, và các cuộc thăm dò cho thấy ông có khả năng thua trong cuộc tranh cử tổng thống, thì Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg đột ngột qua đời ở tuổi 87 vào ngày 18 tháng 9, 2020. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg là người cực kỳ cấp tiến. Tuy nhiên, bà đã cao tuổi. Thấy trước nguy cơ bà có thể qua đời đột ngột và Đảng Cộng Hòa có thể có cơ hội bổ nhiệm một tân Thẩm Phán bảo thủ, Barrack Obama đã hai lần mời bà vào phủ tổng thống để năn nỉ bà ta về hưu, để có cơ hội cho ông ta bổ nhiệm một Thẩm Phán trẻ hơn, nhưng bà Ginsburg không chịu.
Kết quả là bà Ginsburg qua đời vào những giờ sau cùng của nhiệm kỳ tổng thống của Ông Donald Trump, tạo cơ hội cho ông bổ nhiệm ngay một Thẩm Phán phò sinh là Thẩm Phán Amy Coney Barret.
Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu xác nhận Thẩm Phán Barret vào gần 8 giờ tối ngày thứ Hai 26 tháng 10, 2020 theo giờ địa phương Washington DC với tỷ số nghẹt thở 52-48. Các Thượng nghị sĩ phần lớn đã bỏ phiếu theo đường lối của đảng mình. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins đã a dua với các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối việc xác nhận Barrett. Sau cuộc bỏ phiếu, một nghị quyết xác nhận chính thức được gửi tới Tòa Bạch Ốc để xin chữ ký của Tổng thống Trump. Cố nhiên, Tổng thống Trump ký ngay lập tức và tham dự lễ nghi nhậm chức của Thẩm Phán Amy Coney Barrett diễn ra tức khắc.
Thẩm Phán Clarence Thomas đã thực hiện Lễ tuyên thệ chính thức theo hiến pháp cho Barrett tại Tòa Bạch Ốc vào đêm thứ Hai 26 tháng 10, 2020.
Barrett là vị Thẩm Phán Công Giáo thứ 6 trong số 9 Thẩm Phán tại Tối Cao Pháp Viện, cùng với Chánh án John Roberts và các Thẩm phán Thomas, Samuel Alito, Sonia Sotomayor, và Brett Kavanaugh. Ngoài ra, Barrett sẽ cùng Sotomayor trở thành hai nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Công Giáo duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chiến thắng ngày 26 tháng 10, 2020 tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.
Rõ ràng là nếu Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg không đột ngột qua đời, hay tổng thống Trump không nhanh tay bổ nhiệm Thẩm Phán Barrett thì còn lâu mới lật ngược lại được phán quyết Roe chống Wade. Tất cả là sự quan phòng của Chúa.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26/6
Chúa Nhật 26 tháng 6, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Quanh Năm.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.
Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”
Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng cho Phụng vụ Chúa nhật này cho chúng ta biết về một bước ngoặt. Điều này được thể hiện trong câu: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (x. Lc 9:51). Như thế, Chúa Giêsu bắt đầu “cuộc hành trình vĩ đại” của mình tới Thành Thánh, nơi đòi hỏi một quyết định đặc biệt vì đó là quyết định cuối cùng của Người. Các môn đệ, tràn đầy nhiệt huyết vì vẫn còn quá trần tục, mơ rằng Thầy sẽ khải hoàn. Trái lại, Chúa Giêsu biết rằng sự từ chối và cái chết đang chờ đợi Người ở Giêrusalem (x. Lc 9:22, 43b-45); Ngài biết mình sẽ phải chịu đựng rất nhiều. Đây là những gì đòi hỏi một quyết định kiên quyết. Và như vậy, Chúa Giêsu tiến những bước quyết định về phía Giêrusalem. Đây cũng là quyết định mà chúng ta phải thực hiện nếu muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Quyết định này bao gồm những gì? Thưa: Chúng ta phải là những môn đệ nghiêm túc của Chúa Giêsu, thực sự dứt khoát, không phải là “những Kitô hữu nước hoa hồng” như một bà già tôi quen thường nói. Không không không! Kitô hữu phải dứt khoát. Và đoạn Thánh sử Luca thuật lại ngay sau đó giúp chúng ta hiểu rõ điều này.
Chúa Giêsu và các môn đệ bắt đầu cuộc hành trình. Một làng của người Samaritanô, khi biết rằng Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem - thành phố của những người thù nghịch với họ - đã không chào đón Ngài. Cảm thấy bị xúc phạm, hai Tông đồ Giacôbê và Gioan đề nghị với Chúa Giêsu rằng Ngài nên trừng phạt những người đó bằng cách dội lửa từ trời xuống trên họ. Chúa Giêsu không những không chấp nhận đề nghị này mà còn quở trách hai anh em. Họ muốn lôi kéo Chúa Giêsu tham gia vào ước muốn trả thù của họ và Ngài sẽ không làm điều đó (xem câu 52-55). “Lửa” mà Chúa Giêsu đến, để mang xuống trái đất này, là một cái gì đó khác (x. Lc 12:49). Đó là Tình yêu nhân hậu của Chúa Cha. Và cần có sự kiên nhẫn, kiên trì và một tinh thần sám hối để làm cho ngọn lửa này bùng lên.
Hai Tông đồ Giacôbê và Gioan đã để bản thân bị chế ngự bởi sự tức giận. Điều này cũng xảy ra với chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang làm điều gì đó tốt lành, thậm chí đến độ phải hy sinh, chúng ta vẫn thấy một cánh cửa đóng lại thay vì được chào đón. Vì thế, chúng ta tức giận. Chúng ta thậm chí cố gắng muốn lôi kéo cả chính Thiên Chúa, đe dọa các hình phạt trên trời. Trái lại, Chúa Giêsu đi một con đường khác, không phải con đường của sự tức giận, mà là một con đường kiên quyết tiến về phía trước, mà không thể được hiểu như một sự khắc nghiệt, nhưng hàm ý sự bình tĩnh, kiên nhẫn, kiên trì, không chểnh mảng dù chỉ một chút trong việc làm điều lành. Cách sống này không có nghĩa là yếu đuối, không, nhưng ngược lại, là một sức mạnh nội tâm to lớn. Thật dễ dàng, vì đó là bản năng, khi để cho mình bị chế ngự bởi sự tức giận khi đối mặt với sự chống đối. Trái lại, điều khó khăn là làm chủ chính mình, làm như Chúa Giêsu đã làm, Đấng, như Phúc âm đã nói, “đi đến một làng khác” (câu 56). Điều này có nghĩa là khi gặp sự chống đối, chúng ta phải quay sang làm điều tốt ở nơi khác, mà không oán giận. Bằng cách này, Chúa Giêsu giúp chúng ta trở thành những người thanh thản, hài lòng với những việc tốt đã hoàn thành, và không tìm kiếm sự chấp thuận của con người.
Bây giờ, chúng ta có thể tự hỏi mình: chúng ta đang ở điểm nào? Chúng ta đang ở điểm nào? Trước sự chống đối, hiểu lầm, chúng ta có hướng về Chúa không? Chúng ta có cầu xin Chúa cho chúng ta biết kiên định làm điều thiện không? Hay chúng ta lại tìm kiếm sự tán thưởng thông qua những tiếng vỗ tay, để cuối cùng chúng ta cay đắng và bực bội khi chúng ta không nghe thấy những tiếng vỗ tay ấy? Nhiều khi, dù có ý thức hay vô thức, chúng ta tìm kiếm sự tán thưởng, tán thành từ người khác, và chúng ta làm việc để được vỗ tay. Không, điều đó không hoạt động. Chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ, không tìm kiếm sự tán thưởng. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự nhiệt thành của chúng ta xuất phát từ ý thức công bằng, hay vì một mục đích chính đáng. Nhưng trên thực tế, phần lớn thời gian đó không gì khác ngoài sự kiêu hãnh, kết hợp với sự yếu đuối, nhạy cảm và thiếu kiên nhẫn. Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để được giống như Ngài, kiên quyết theo Ngài trên con đường phục vụ, không báo thù, không cố chấp khi gặp khó khăn, khi chúng ta cống hiến để làm điều thiện và người khác không cảm thông, hoặc thậm chí loại bỏ chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta im lặng và tiếp tục.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đưa ra quyết định kiên quyết mà Chúa Giêsu đã làm để tiếp tục yêu cho đến cùng.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi đang theo dõi với sự lo lắng về những gì đang xảy ra ở Ecuador. Tôi gần gũi với người dân và khuyến khích tất cả các bên từ bỏ bạo lực và các lập trường cực đoan. Chúng ta hãy học hiểu điều này: chỉ thông qua đối thoại, hòa bình trong xã hội mới có thể đạt được - tôi hy vọng sẽ sớm đạt được - với sự quan tâm đặc biệt đến những nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề và những người nghèo nhất, nhưng luôn tôn trọng quyền của mọi người và của các thể chế đất nước.
Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người thân và những người chị em cùng dòng của Sơ Luisa Dell'Orto, một nữ tu của Dòng Truyền bá Phúc Âm do Thánh Charles de Foucauld sáng lập. Sơ Luisa đã bị giết ngày hôm qua tại Port-au-Prince, thủ đô của Haiti. Trong hai mươi năm, Sơ Luisa đã sống ở đó, trên hết là tận tụy phục vụ trẻ em trên đường phố. Tôi giao phó linh hồn của Sơ ấy cho Chúa, và tôi cầu nguyện cho người dân Haiti, đặc biệt là ít nhất, để họ có một tương lai thanh thản hơn, không đau khổ và không bạo lực. Sơ Luisa đã cống hiến cuộc sống của mình cho những người khác đến độ tử vì đạo.
Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác. Tôi nhìn thấy một lá cờ Á Căn Đình, thưa các đồng bào của tôi, tôi chào anh chị em. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Lisbon, các sinh viên từ Học viện Notre-Dame de Sainte-Croix từ Neuilly ở Pháp, và những sinh viên từ Telfs, ở Áo. Tôi chào các thành viên của Polyphonic Chorale từ Riesi, nhóm phụ huynh từ Rovigo và cộng đồng mục vụ Chân phước Serafino Morazzone từ Maggianico. Tôi thấy cờ Ukraine ở đó. Các cuộc ném bom vẫn tiếp tục ở Ukraine, gây ra cái chết, sự tàn phá và đau khổ cho người dân. Làm ơn, chúng ta đừng quên những con người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chúng ta đừng quên điều này trong trái tim và với những lời cầu nguyện của chúng ta.
Tôi hy vọng tất cả các bạn có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.