1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk thăm Đức Bênêđíctô
Hôm 09 tháng Mười Một vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, tại Đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican.
Ngài xin Đức Bênêđíctô thứ 16 cầu nguyện cho Ukraine, và Đức Bênêđíctô trả lời rằng “Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine”.
Lần chót, cuộc gặp gỡ giữa hai vị diễn ra hồi tháng Hai năm 2019. Trong cuộc gặp gỡ lần này, Đức Bênêđíctô thứ 16 tỏ ra rất am tường về những biến cố tại Ukraine và nhấn mạnh ngài vẫn luôn nhớ đến và cầu nguyện cho hòa bình tại nước này. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ, cũng có Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trình bày về chiến tranh tại Ukraine và tình hình nhân đạo tại nước này. Ngài tái khẳng định rằng chiến tranh tại Ukraine là một cuộc chiến tranh ý thức hệ và thực dân, đồng thời so sánh với chế độ Đức quốc xã. Đức Tổng Giám Mục cũng cám ơn Đức Biển Đức về lá thư ngài viết hồi đầu chiến tranh.
Đức Biển Đức cho biết ngài rất buồn vì nhân dân Ukraine phải chịu đau khổ dường ấy. Đức Tổng Giám Mục Trưởng trả lời rằng: “Chỉ có sức mạnh của lời cầu nguyện mới giữ cho nhân dân Ukraine sống còn”, vì thế ngài xin Đức Biển Đức tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm cha Sviatoslav Shevchuk làm giám mục ngày 14 tháng Giêng năm 2009 và cử làm Giám Mục Phụ Tá tại Giáo phận Công Giáo Đông phương ở Buenos Aires, thủ đô Argentina. Cũng chính Đức Bênêđíctô thứ 16 đã phê chuẩn việc bầu Đức Cha Shevchuk làm Thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương, ngày 25 Ba năm 2011. Vì thế, giữa hai vị có một liên hệ chặt chẽ.
2. Giáo Hội Công Giáo tại Kyrgyzstan sắp có nhà thờ chính tòa đầu tiên
Miền giám quản Tông tòa Kyrgyzstan ở Trung Á sắp có nhà thờ chính tòa đầu tiên trong lịch sử và sẽ được kiến thiết tại thủ đô Bishkek.
Miền giám quản này chỉ có 533 tín hữu Công Giáo cách đây 40 năm, nhưng hiện nay có hơn 2.000 tín hữu và do cha Anthony James Corcoran, 59 tuổi, dòng Tên, người Mỹ, làm Giám quản Tông tòa, trên một lãnh thổ rộng gần 200.000 cây số vuông, với dân số sáu triệu người, phần lớn theo Hồi giáo. Có ba giáo xứ với một linh mục giáo phận và năm linh mục dòng tại nước này.
Tuyên bố về dự án xây nhà thờ chính tòa, ông Valery Dil, Phó Thủ tướng Kyrgykistan, nói rằng: “Việc kiến thiết này là một biến cố lịch sử, không những đối với các tín hữu Công Giáo, nhưng còn cho toàn dân nước này nữa. Thánh đường này sẽ có tầm quan trọng lớn về mặt quốc tế, vì Cộng hòa chúng tôi theo đuổi các nguyên tắc dân chủ, kể cả nguyên tắc tự do tôn giáo, và việc kiến thiết nhà thờ chính tòa này là một bằng chứng”.
Kiến trúc sư Aleksandr Kliszewicz cho biết các chi phí cho đồ án, và việc mua đất đã được thực hiện và công trình xây cất sẽ bắt đầu vào mùa đông năm nay, kéo dài khoảng hai, ba năm. Họa đồ phản ánh những sắc thái của truyền thống Công Giáo về nghệ thuật thánh và đồng thời để ý đến các kiến trúc khác ở thủ đô. Ngoài thánh đường, còn có nhà xứ và các văn phòng hành chánh.
Cha Corcoran nói với báo chí rằng: “Chúng tôi cầu nguyện khác, nhưng xét cho cùng, chúng ta luôn có cùng mục đích là làm cho thế giới quanh chúng ta được tốt đẹp hơn.” Cha nói thêm rằng: “Giáo Hội Công Giáo vẫn luôn hỗ trợ Kyrgyzstan kể cả trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước này, nhất là trong các biến cố hồi tháng Sáu năm 2010, tại thành phố Osh (lớn thứ hai của nước này) có cuộc đụng độ đẫm máu giữa những người Kyrgyz và Uzbek làm cho ít nhất 2.000 người chết và hơn một triệu người phải bỏ gia cư đi lánh nạn. Tiếp đến là đại dịch Covid-19, v.v.”
3. Các giám mục Nga tái kêu gọi cầu nguyện hòa bình
Các giám mục Nga tái kêu gọi các tín hữu Công Giáo và tín hữu thuộc mọi hệ phái Kitô cầu nguyện cho hòa bình nhân hoại, đặc biệt cho những người ở Ukraine và Nga, kèm theo việc ăn chay và thực hành bác ái.
Các giám mục Nga đưa ra lời mời gọi trên đây, trong thông cáo công bố sau khóa họp tại thành phố San Pietroburgo, từ ngày 08 đến ngày 11 tháng Mười Một vừa qua, với sự tham dự của các giám mục thuộc bốn giáo phận toàn quốc. Các vị cũng đặc biệt cám ơn các nhân viên thuộc tổ chức Caritas Nam Nga và tất cả những người cứu trợ người tị nạn, bất luận họ từ đâu tới và theo chính kiến nào.
Hội đồng Giám mục Nga cũng bày tỏ ước muốn cộng tác với mọi người thiện chí trong lãnh vực cứu trợ tị nạn cũng như chăm sóc những người túng thiếu nói chung.
Ngoài ra, trong bầu không khí căng thẳng hiện nay, Hội đồng Giám mục Nga mời gọi hàng giáo sĩ hãy dấn thân bảo vệ các quyền của Giáo hội, nhất là quyền của các tín hữu được tự do tôn giáo, cách riêng trong các nhà thương, nhà tù và các tổ chức khác. Các giám mục cũng cầu mong có sự cộng tác chặt chẽ và phúc lợi giữa các cộng đoàn dòng tu tại Nga.
Trong bốn ngày nhóm họp, các giám mục Nga cũng bàn về việc đào tạo linh mục và giáo dân cũng có thể theo học tại Học viện thần học thánh Gioan Kim Khẩu, cạnh Đại chủng viện San Pietroburgo. Các giám mục đã bàn về tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục về sự đồng hành trong Giáo hội, tinh thần cởi mở và đối thoại giữa lòng Giáo hội địa phương, các cuộc thảo luận cấp đại lục và đại kết.
Nạn lạm dụng cũng được các giám mục bàn tới và các vị tái bày tỏ quyết tâm làm tất cả những gì có thể để Giáo hội ngày càng trở thành một môi trường không có nạn bạo hành, nạn lạm dụng các trẻ em và người lớn. Vì thế, các giám mục tiến hành các lớp huấn luyện cho các linh mục, đan sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ về việc phòng ngừa lạm dụng.
Sau cùng, Hội đồng Giám mục Nga bày tỏ mong muốn phát triển những tiếp xúc với các Giáo hội địa phương tại các nước khác, đặc biệt mở lại truyền thống gặp gỡ các giám mục Trung Á, phát triển đối thoại với các hệ phái Kitô và tôn giáo khác. Các vị nhận định rằng: “Thật là điều khích lệ vì chúng ta có nhiều tiếp xúc tốt với các tín hữu Tin lành Luther, và các cộng đoàn Tin lành cải cách khác, và cả các tín hữu Chính thống ở địa phương. Ngoài ra, nhờ những cố gắng của Đức Sứ thần Tòa Thánh, đang có sự củng cố các tiếp xúc với người Hồi giáo. Sau cùng, có dự án chăm sóc kỹ hơn đời sống phụng vụ, với một chương trình huấn luyện mới cho các nhạc sĩ và những người đánh đàn ở nhà thờ.
4. Các sinh hoạt cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI tại Vatican
Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ Sáu năm nay tại Vatican cũng có những sinh hoạt giúp đỡ người nghèo giống như những lần trước đây.
Sau thánh lễ Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật 13 tháng Mười Một, sẽ có bữa ăn nóng dành cho 1.300 người nghèo tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Trong tuần lễ này, một bệnh xá lưu động được bố trí tại Quảng trường thánh Phêrô, từ thứ Hai, ngày 07 tháng Mười Một để khám bệnh miễn phí và săn sóc cho các bệnh nhân không có cơ hội đến các dịch vụ y tế bình thường. Người nghèo có thể được khám tổng quát, đo tim, thử máu, chích ngừa cảm cúm, xét nghiệm Covid-19 và Aids, viêm gan C, và lao phổi.
Bệnh xá được Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, thuộc Bộ loan báo Tin mừng, khai mạc. Đảm trách các dịch vụ khám bệnh này là các bác sĩ cộng tác với tổ chức “Phi châu Cuammm”, chuyên giúp thăng tiến và bảo vệ sức khỏe dân Phi châu, đảm trách. Họ thay phiên nay hoạt động cho đến ngày 13 tháng Mười Một.
Ngoài ra, Tòa Thánh cung cấp 5.000 gói thực phẩm cho các giáo xứ quanh Roma để trao cho các gia đình nghèo cần được giúp đỡ. Sáng kiến này bao gồm cả 10 tấn mì khô, 5 tấn gạo, bột, đường, muối, và cà phê, hơn 5.200 lít dầu ăn và sữa dành cho những gia đình thiếu thốn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục gây khó khăn cho dân chúng tại Âu châu. Một số tổ chức bác ái ở Roma đã hỗ trợ tài chánh để trả tiền khí đốt và điện cho những người thiếu khả năng trả các hóa đơn về phương diện này.
Cũng nên nói thêm rằng rất nhiều giáo phận ở Ý đều có những sáng kiến bác ái nhân Ngày Thế giới Người nghèo.