CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

Quan niệm đức ái theo thánh Phaolô

Thánh Phaolô nổi bật như một ngôi sao sáng trong lịch sử Giáo Hội. Rất thích hợp để chúng ta nói về giáo huấn của ngài trong thánh lễ hôm nay. Sự nghiệp và giáo huấn của ngài rất phong phú và sâu sắc, chúng ta chỉ dừng lại ở đây quan niệm về tình yêu hay đức ái theo thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay.

Danh từ tình yêu (love, amore, caritas) được dùng rất nhiều từ môi miệng chúng ta, từ báo chí, phim ảnh. Nhưng ngày hôm nay khái niệm về tình yêu đã bị nhiều người hiểu sai và lạm dụng.

Tôi đọc trên báo điện tử của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tác giả Nguyễn Lan Hải đã tóm tắt những ngộ nhận đáng tiếc về tình yêu nơi nhiều bạn trẻ hôm nay: - Tình yêu là sự cuốn hút. - Tình yêu là chiếm hữu. - Tình yêu là tiền tài. - Tình yêu là sự thương hại. - Tình yêu là tình dục…

Chính vì quan niệm méo mó này, nên nhiều người suốt cả đời đi tìm tình yêu mà không gặp tình yêu. Nhiều bạn trẻ thay người yêu như thay áo. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tháng trước tổ chức đám cưới linh đình, vui vẻ, anh nói em nghe, em nói anh nghe, nhưng tháng sau thì “anh em nói, cả làng cùng nghe. Tuần đầu là trăng mật, tuần sau là giập mật!” Nhiều gia đình đang êm ấm, nhưng chỉ một cú điện thoại, một lá thư của người thứ ba, thế là mọi sự đổ vỡ, mọi sự được giải quyết bằng tờ giấy ly dị và chia tài sản.

Vậy theo thánh Phaolô, tình yêu là gì? Phải yêu người khác như thế nào?

Bài đọc II mà chúng ta vừa nghe là những lời thật tuyệt vời:

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8a).



Nghĩa là chúng ta đừng mắc nợ nhau về tiền bạc, vật chất, ai mắc nợ thì phải trả. Nhưng hãy mắc nợ nhau về tình thương, về đức ái. Chúng ta hãy yêu thương nhau. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. Chính Phaolô nói: “Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (x. Rm 13,8b).

Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù chúng ta có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và cho thấy điều đó: 12% dân Mỹ bị stress và bị tâm thần, không phải vì họ nghèo đói về vật chất nhưng họ bị cô đơn và không được yêu thương, chia sẻ.

Đối với thánh Phaolô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thể hiện trên thập giá.

Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác: “Đó là chớ có ngoại tình.” Hậu quả của nó là phá hoại hạnh phúc người khác và mang bệnh tật cho mình. Quan hệ tình dục bừa bãi dễ sinh ra tội phá thai, tức là tội giết người. Đó là trọng tội và còn có vạ kèm theo cho ai làm điều đó. Nên thánh Phaolô nói tiếp:

“Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,9-10).



Những lời này chúng ta phải suy gẫm nhiều lần. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của người Kitô hữu là ở đó.

Đối với Phaolô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Kitô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phaolô quả quyết:

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).

Tất cả chúng ta đều được mời gọi để sống đức ái đó theo gương thánh Phaolô, như ngài đã theo Đức Kitô, Đấng đã yêu chúng ta đến cùng và đã hiến mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá. Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa để chúng ta có sức mạnh mà thực hành những giáo huấn này trong đời sống chúng ta. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/