NGƯỠNG MỘ
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”.

“Bạn không thể trải qua một ngày cách thành kính trừ khi bạn coi đó là ngày cuối đời của mình! Thật đáng ngưỡng mộ với một người luôn nghĩ về cái chết mỗi ngày. Ai cống hiến hết mình cho nó hàng giờ chắc chắn sẽ là một vị thánh! Một người từng nghe bản án tử hình của mình sẽ không lo lắng về cách vận hành của các rạp hát!” - John Climacus.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay chỉ ra vị thánh mà John Climacus phác hoạ, Chúa Giêsu! Bởi lẽ, đang khi mọi người tỏ ra ‘ngưỡng mộ’ Ngài thì một lần nữa, Chúa Giêsu lạnh lùng tuyên bố cuộc khổ nạn của mình, “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”.

Bối cảnh Phúc Âm xảy ra sau cuộc Biến Hình trên núi; và vừa xuống núi, Chúa Giêsu chữa lành một em bé động kinh. Luca ghi nhận, “Mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Ngài làm”; tuy nhiên, Chúa Giêsu biết, sự ‘ngưỡng mộ’ đó sẽ không kéo dài, vì Ngài sắp lên Giêrusalem, nơi Ngài chịu khổ hình. Vì thế, Ngài nói, “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”. Và “Các môn đệ không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn”.

Nếu Chúa Giêsu nói, ‘Ngày mai Thầy sẽ đăng quang làm vua’; họ sẽ hiểu ngay! Vậy tại sao họ không hiểu? Trước hết, vì lòng trí họ đang bận tâm về lợi lộc trần thế; điều Ngài nói quá nghịch thường với những gì họ kỳ vọng. Thứ đến, họ quá ‘ngưỡng mộ’ Ngài về mặt tình cảm - dẫu là tốt - và sự ‘ngưỡng mộ’ này đã lấn át lý trí, khiến họ không hiểu kế hoạch tiềm ẩn của Chúa Cha trên Thầy mình. Tình cảm phải được hướng dẫn bởi Thánh Thần. Họ không hiểu, cũng ‘không dám hỏi’ vì sự ‘ngưỡng mộ’ đã nên vật cản, ngăn họ thấu hiểu ý nhiệm lớn lao của Chúa Cha, Ngài dâng mạng sống cho công trình cứu độ!

Rõ ràng, Chúa Giêsu không bị thúc đẩy bởi nhu cầu được ‘ngưỡng mộ’ từ phía con người. Ngài được thúc đẩy bởi sự ‘ngưỡng mộ’ của Cha. Và Ngài chỉ ước muốn làm theo ý Cha, hoàn thành công việc của Cha. Đó là lý do tại sao Ngài phải lên Giêrusalem, dù nơi đó không hứa hẹn một điều gì khác ngoài cái chết và cuộc khổ nạn.

Bài đọc Zacharia hôm nay cho thấy điều tương tự. Niềm tự hào thực sự về Giêrusalem không phải vì nó “Rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu”, nhưng vì nó “Được Thiên Chúa ở cùng!”. Qua miệng Zacharia, Thiên Chúa phán, “Ta sẽ cư ngụ ở giữa chúng!”. Thánh Vịnh đáp ca lặp lại một lý do, “Chúa canh giữ chúng ta, như mục tử canh giữ đàn chiên!”.

Anh Chị em,

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời!”. Số phận cuối cùng của Chúa Giêsu mời gọi bạn và tôi tự hỏi, “Điều gì thúc đẩy tôi làm điều này, điều kia?”. Đó là nhu cầu được con người chấp nhận hay là một điều gì đó sâu sắc hơn? Chúng ta được kêu gọi biến ước muốn và ưu tiên của Chúa Giêsu thành của riêng mình! Làm công việc Cha trao, tiếp tục làm theo ý muốn của Cha sao cho phù hợp với ân sủng trong đấng bậc mình ‘ở đây, lúc này’. Chính lúc đó, bạn và tôi cảm nhận không chỉ niềm vui bên ngoài khi được con người chấp nhận mà còn cả niềm vui bên trong khi chúng ta “cống hiến hết mình hàng giờ” mà động cơ đến từ việc sống phù hợp với mục đích Chúa Cha dành cho cuộc đời mỗi người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lang thang rày đây mai đó ăn mày sự ‘ngưỡng mộ’ của thế gian. Cho con một chỉ tìm sự ‘ngưỡng mộ’ của Chúa, ‘ngưỡng mộ’ của thiên đàng!”, Amen.

(Tgp. Huế)