XIN VÂNG VÀ NHỮNG DIỆU KỲ
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG 2013

Không ai có thể nói chính xác, Tổng lãnh Gabriel đến gặp Đức Mẹ để truyền tin cho Đức Mẹ về việc Đức Mẹ mang thai Con Thiên Chúa, được diễn ra trong thời gian bao lâu.

Qua cuộc đối thoại mà thánh Luca ghi nhận, cuộc truyền tin không dài, không vòng vo: Tổng lãnh chào; Đức Mẹ bối rối; Tổng lãnh trấn an cùng lúc báo tin Đức Mẹ sẽ mang thai “Con Đấng Tối Cao” và hãy đặt tên Người Con ấy là Giêsu; Đức Mẹ thắc mắc về việc mang thai và được giải đáp, bào thai trong lòng Đức Mẹ là do ơn Chúa Thánh Thần; Đức Mẹ xin vâng để đón nhận bào thai Giêsu trong lòng dạ; tổng lãnh chào ra đi.

I. NHỮNG LẠ THƯỜNG TRONG CUỘC TRUYỀN TIN.

Tuy rất ngắn, nhưng trong những mẫu đối thoại lại chứa đầy những điều lạ thường, chưa từng có bao giờ:

- Trước hết tập trung vào chính đấng truyền tin: Một thụ tạo bậc cao lại cúi mình trước, không chỉ thụ tạo bậc thấp, mà còn là thiếu nữ nhà quê: Tổng lãnh Gabriel cúi mình trước một thôn nữ tầm thường, yếu đuối, không tiếng tăm, không chút địa vì, không bao giờ là loại chức sắc nào dù trong đạo ngoài đời.

- Lạ thường trong lời chào của vị truyền tin: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Từ xưa tới nay chắc chưa có lời chào nào vừa trịnh trọng, vừa thân thương như thế. Ngay trong lời chào, Tổng lãnh Gabriel đã bộc lột sự kính trọng lớn hết sức đối với Đấng mà chính Tổng lãnh biết là đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Thế.

- Ngay sau lời chào cao quý, Tổng lãnh thông báo: "BÀ SẼ THỤ THAI, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu". Một trinh nữ, giờ đây bỗng dưng được biết, mình sẽ thụ thai. Đúng là lạ thường quá sức tưởng tượng.

- Việc mang thai của Đức Maria càng lạ thường hơn: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà". Như vậy, Đức Mẹ mang thai hoàn toàn do ơn Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, chứ không phải ai khác, trực tiếp tác tạo bào thai, lấy từ chính thân xác của Đức Mẹ.

- Mang thai một cách nhiệm lạ, vì thế Người Con trong lòng Đức Mẹ cũng hết sức lạ thường. Người Con ấy được cho biết trước, là "Đấng Thánh", là "Con Thiên Chúa", và là "Đức Chúa". Sự cao cả của Người Con ấy, tương xứng với vương quyền mà sau này Người Con sẽ lãnh nhận: "Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận".

Tất cả những điều lạ thường ấy, kết thúc bằng sự kết thúc câu chuyện truyền tin bởi lời thưa "Xin Vâng" của Đức Mẹ: "VÂNG, TÔI ĐÂY LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA, XIN CHÚA CỨ LÀM CHO TÔI NHƯ LỜI SỨ THẦN NÓI".

Tiếng "Xin Vâng" của Đức Mẹ thật nhẹ nhàng, thật êm ái, thật nhanh và cũng thật đẹp.

II. CHÍNH THIÊN CHÚA, TÁC GIẢ CỦA NHỮNG KỲ DIỆU.

Thiên Chúa đã thành công trong việc mời gọi Đức Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi. Từ đó, Người cũng sẽ thành công trong việc trao ban Chúa Giêsu, Con Một của mình cho thế giới, để cứu chuộc thế giới.

Có ai ngờ, một nữ tỳ bé nhỏ là thế, yếu đuối là thế, nghèo hèn là thế, chỉ với vài lời "Xin vâng", lập tức trở nên Bà Hoàng cao cả: MẸ THIÊN CHÚA.

Có ai ngờ, chỉ với những lời thưa "Xin vâng" quá đơn giản của một thụ tạo, Thiên Chúa đã biến đổi cả một dòng lịch sử, làm mới tất cả những gì mà loài người xưa đã phá hỏng.

Có ai ngờ, chỉ với những tiếng "Xin vâng" xem ra tầm thường, lại có thể làm cho cả thế giới, qua mọi thời, đón nhận món quà vô giá: THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI. Người là chính con người sống giữa con người. Nhờ Người, bỗng dưng con người trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa.

Riêng cá nhân Đức Mẹ, có ai ngờ, chỉ với những lời "Xin vâng" ngắn gọn, đã làm cho Đức Mẹ không chỉ là Mẹ của Thiên Chúa, mà từ nay trở nên Mẹ của cả gia đình nhân loại, có Thiên Chúa ở giữa gia đình ấy.

Có ai ngờ, chỉ với những lời "Xin vâng" đơn sơ ấy, Thiên Chúa đã dẫn dắt Đức Mẹ hoàn toàn đi vào nhiệm cuộc cứu độ của Người. Nhờ đó Đức Mẹ trở nên Đấng hiệp công hoàn hảo trong ơn cứu độ mà chính Người Con của Mẹ thực hiện.

III. "XIN VÂNG" NHƯ Đức Mẹ.

Khi tạo dựng, Chúa đã có chương trình cho mỗi chúng ta. Nếu ta không cộng tác, chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng "Xin vâng" với Chúa:

Đó là: Bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa; bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa.

Đó là: Xin vâng khi vui cũng như lúc buồn; khi hạnh phúc cũng như lúc khổ đau.

Đó là: Noi gương Đức Mẹ, chúng ta xin vâng thánh Chúa, dù phải đối diện cùng bất cứ hoàn cảnh nào trong đời. Xin vâng từng giây phút để chương trình của Chúa được thực hiện. Xin vâng để tâm hồn ta hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh.

Hãy nhớ: "Xin vâng" là lời đáp trong khoảnh khắc nhưng sẽ phải sống một đời. Đó là lời cho một lần nhưng ảnh hưởng trên trọn kiếp sống. Đó là tiếng nói chỉ cần thốt ra không cần nhiều thời gian nhưng vĩnh viễn không bao giờ rút lại.

Hãy luôn ý thức: "Xin vâng" là lời đoan hứa nhưng cũng xác quyết đặt trọn niềm tín thác cho thánh ý quan phòng của Chúa, để tùy nghi Chúa sử dụng cuộc đời và sự hào phóng hiến dâng của người dám thưa "Xin vâng".

Hãy luôn khắc ghi: "Xin vâng" là lời dù chỉ một lần cúi đầu đáp sẽ là tất cả những lần cúi đầu chấp nhận, cho dẫu đó là những lo âu của ngày Giáng Sinh hay lưỡi gươm đâm nát tâm hồn của ngày ôm xác Con đớn đau, tê buốt.

Và không thể khác được cho những ai dám phiêu lưu sống trọn niềm "Xin vâng": Đó là tiến tới vinh quang bất diệt của Đấng đã từng đoan hứa: "Này, Ta đến mau chóng, mang theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm" (Kh 22, 12)

Và như Đức Mẹ, vượt qua tất cả những gì được xem là cái giá phải trả cho trọn kiếp làm người anh dũng "Xin vâng", sẽ được Chúa đỡ nâng, như chính Người đã hứa: "Phúc cho ai khóc lóc, họ sẽ được ủi an" (Mt 5,5).

Ngày chiến thắng của những ai can đảm và trung thành hiến dâng trọn đời cho lý tưởng "Xin vâng", chắc chắn họ sẽ chiếm lĩnh Thiên Chúa đời đời. Chắc chắn trong ngày chiến thắng ấy, họ sẽ được "Thiên Chúa lau sạch nước mắt". Họ sẽ không còn nhìn thấy sự chết. Muôn đời những "tang tóc, kêu than hay đau khổ" sẽ không còn đeo bám lấy họ (x.Kh 21,4).