ĐƯỢC LẠI CẢ ĐỒNG LÚA
“Ai yêu sự sống mình, sẽ mất; ai ghét sự sống mình đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời!”.

Thánh Laurensô Giáo Hội kính nhớ hôm nay, tử đạo vào thế kỷ thứ 3. Vị thánh vĩ đại này đã từ bỏ mọi sự theo đúng nghĩa đen, kể cả mạng sống mình. Là phó tế nhà thờ Chính toà Rôma, ngài lo việc bác ái. Tháng 8 năm 258, hoàng đế ra sắc chỉ xử tử tất cả các giáo sĩ. Sau khi giết Giáo hoàng Sixtô II, họ bắt Laurensô; trước khi giết, họ buộc ngài giao mọi tài sản của Giáo Hội trong ba ngày. Thế nhưng, Laurensô đã phân phát tất cả cho người nghèo. Ngày thứ ba, trình diện tổng trấn, Laurensô mang theo không phải của cải vật chất mà là của cải thật; đó là những kẻ nghèo, khổ đau, tàn tật và đui mù. Ngài tuyên bố, Giáo Hội thực sự giàu có và người nghèo là ‘kho báu’ đích thực của Giáo Hội. Tức giận, quan tuyên án tử hình bằng lửa, Laurensô vui lòng lãnh phúc tử đạo.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai yêu sự sống mình, sẽ mất; ai ghét sự sống mình ở đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời!”. Đây là một trong những tuyên bố mạnh mẽ và gây sốc của Chúa Giêsu mà cả bốn Tin Mừng đều ghi nhận. Gioan sử dụng cụm từ “yêu” và “ghét”; Chúa Giêsu là hạt lúa đã “ghét” mạng sống mình, để về sau, Ngài ‘được lại cả đồng lúa’.

Bằng cách yêu cuộc sống mình, chúng ta đánh mất chúng; nhưng bằng cách ghét cuộc sống mình, chúng ta bảo tồn chúng. Thoạt đầu, người ta có thể nghĩ, “yêu” và “ghét” ở đây đã vô tình bị đảo ngược; họ có thể kết luận, điều Chúa Giêsu muốn nói là, “Ai ghét sự sống mình, sẽ mất nó”; và “Ai yêu sự sống mình, sẽ giữ được nó!”. Nhưng đó không phải là những gì Chúa Giêsu nói; thực tế, Ngài đã nói điều ngược lại! “Yêu” và “ghét” ở đây không được hiểu theo cách bình thường. Ngài sử dụng từ “yêu” để chỉ sự ích kỷ hoặc tự cho mình là trung tâm; “ghét” để chỉ lòng vị tha hay quên mình. Nói cách khác, ai ích kỷ, cuối cùng, sẽ mất tất cả; nhưng ai thực sự vị tha và xả thân cho tha nhân, cuối cùng, sẽ đạt được tất cả. Như hạt lúa chịu mục nát để ‘được lại cả đồng lúa’ vậy!

Giáo huấn sâu sắc này của Chúa Giêsu sẽ thật khó hiểu nếu chúng ta không được dạy dỗ bởi ân sủng của Thánh Thần. Đành rằng, sống vị tha là tốt, nhưng lý trí lại cho biết, trước hết và tốt hơn hết là phải nâng cao bản thân; lý trí có thể kết luận, hạnh phúc được tìm thấy khi được giàu có, địa vị, quyền lực và sự tôn trọng. Thế nhưng, hình thức sống ích kỷ, lấy mình làm trung tâm này, dẫu hấp dẫn ở mức độ thuần tuý của con người, thực ra lại là ‘con đường phá sản’ tất cả những gì thực sự tốt đẹp.

Ngược lại, khi chúng ta cho phép ân sủng Thánh Thần mách bảo cho lý trí biết rằng, sống vị tha mới là điều tốt nhất, thì bao điều tốt lành sẽ đến. Sống vị tha có nghĩa là đôi mắt chúng ta luôn hướng về điều lành cho người khác; là hoàn toàn cam kết phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân bất kể giá nào. Cho đi mọi sự trong phục vụ và yêu thương, đó là cách duy nhất để Ngài ban lại cho chúng ta nhiều hơn những gì có thể hy vọng. Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Ngài có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các việc lành phúc đức”. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình reo lên, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”. Hãy làm như Chúa Giêsu, trở thành hạt lúa mục nát, gieo vào lòng đời, để ‘được lại cả đồng lúa!’.

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta không yêu bản thân mình. Thế nhưng, yêu cách nào, đó là điều Tin Mừng hôm nay muốn nói. Là con người, Chúa Giêsu cũng yêu mình; thế nhưng, Ngài đã chọn “ghét” mạng sống, trở nên hạt lúa mục nát trong không gian, thời gian và luật lệ thế trần. Nhờ đó, Ngài ‘được lại cả đồng lúa’ Nước Trời. Noi gương Thầy Chí Thánh, Laurensô đã “ghét” bản thân, trở nên bánh hiến tế trên lò lửa yêu mến hầu mang lại một mùa gặt bội thu cho Giáo Hội. Bước theo Chúa Giêsu như thánh Laurensô, chúng ta được mời gọi trở nên hạt giống mục nát, mang các linh hồn về cho Chúa, bằng cách ghét những gì mà thân xác dung dưỡng, bản thân ky cóp. Khi nghĩ đến người khác, biết cho cách vui lòng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa yêu thương và ban thưởng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con không chỉ mở lòng đón nhận bao quà tặng nhưng không của Chúa, mà còn bắt chước cuộc sống vị tha của Ngài, bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và anh em. Lạy thánh Laurensô, ngài đã ‘được lại cả đồng lúa’, xin cầu bàu cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)