TRẢI NGHIỆM BỊ TỪ CHỐI

“Ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”.

Một nhà giáo dục nói, “Điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể giúp trẻ sáng tạo là dạy chúng không sợ thất bại. Để sáng tạo, trẻ cần khám phá và thử thách với những điều mới. Ngoài ra, cần học cách chịu đựng khi bị cười nhạo, sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích và không ngại khác biệt! Đó là một trải nghiệm cần thiết, trải nghiệm bị từ chối!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy không phải lúc nào Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng thành công! Họ còn phải “học cách chịu đựng khi bị cười nhạo, chấp nhận chỉ trích và không ngại khác biệt”. Họ cần học biết thế nào là một ‘trải nghiệm bị từ chối!’.

Chúng ta đang sống trong một nền ‘văn hoá thành công!’. Đôi khi giá trị của một người có thể được đánh giá qua mức độ thành công của người ấy ‘chỉ ở một mặt’ nào đó. Và Chúa Giêsu, một người rất dễ chấp nhận người khác, dường như thường bị người khác chối từ. Tin Mừng kể tên ba thành mà Ngài đã công khai quở trách, Ngài nhắc cho dân của những thành này rằng, họ sẽ lãnh lấy hậu quả nếu từ chối Ngài, “Khốn cho ngươi hỡi Chorazin! Bethsaida!”, và “Khốn cho ngươi hỡi Capharnaum!”.

Trong bối cảnh sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu đề cập sự khước từ này. Phải chăng, Ngài đang chuẩn bị cho họ điều chắc chắn sẽ xảy đến với bất cứ ai trong tư cách sứ giả của ‘một Thiên Chúa bị từ chối!’. Ngài không ngần ngại tuyên bố mạnh mẽ sự thật sâu sắc của nó, “Ai nghe các con là nghe Thầy; và ai khước từ các con là khước từ Thầy!”; chưa hết, “Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”.

Là những người có đức tin, không ít lần, bạn và tôi cũng trải qua sự ê chề này. Đức tin của bạn, việc làm của bạn, Phúc Âm mà bạn cố sức rao giảng bằng cả cuộc sống… không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt. Đối tượng của bạn không chỉ là những người không biết Chúa, nhưng còn là những anh chị em trong cộng đoàn, gia đình; hoặc thậm chí với những người có trách nhiệm nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Vì một lý do nào đó, có thể họ sẽ coi thường hoặc không tiếp nhận những gì mà một số người đã cống hiến, cho dù đó là những gì tốt đẹp nhất, thiết yếu nhất, những công việc mà không phải ai cũng muốn làm, dám làm và có khả năng làm!

Anh Chị em,

“Ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”. Nhân loại đã khước từ Con Thiên Chúa, “Ngài đã đến nhà của Ngài, và người nhà của Ngài đã không tiếp nhận Ngài”. Sự khước từ thê thảm nhất, ‘trải nghiệm bị từ chối’ tột cùng nhất của Chúa Giêsu là cái chết trên thập giá. Vậy mà, sự từ chối Ngài và Tin Mừng của Ngài không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Thiên Chúa có thể tác động một cách mạnh mẽ để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài thông qua những trải nghiệm như vậy theo những cách mà không phải lúc nào con người cũng có thể hiểu một cách đầy đủ. Vì thế, tất cả những gì Thiên Chúa yêu cầu là bạn và tôi cứ trung thành với lời chứng của mình, bất kể nó được đón nhận như thế nào.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con học chịu đựng khi bị cười nhạo, chấp nhận sự chỉ trích và không ngại khác biệt, miễn sao con mải miết làm vui lòng Chúa và những gì Chúa muốn!”.

(Tgp. Huế)