Cole S. Aronson, trên First Things ngày 13 tháng 10 năm 2023, có bài nhận định với tựa đề như trên, trình bầy quan điểm của người Do Thái trước cuộc đối kháng Palestine-Do Thái.



Jerusalem đã bị đánh thức vào buổi sáng ngày Shabbat vừa qua bởi tiếng còi báo động tên lửa và tiếng uỳnh uỵch nhỏ của những khẩu súng chặn chúng. Những người bạn của tôi trong Lực lượng Phòng vệ Israel đang chuẩn bị xâm chiếm Gaza, nếu không thì họ đang canh gác Bờ Tây và biên giới Lebanon. 1,300 người Israel đã chết.

Nền học giả chính xác có thể phát hiện ra bất cứ rủi ro nào cho phép những người có vũ trang vượt qua hàng rào biên giới Gaza, chinh phục các căn cứ quân sự và các khu định cư [kibbutzim], giết và hãm hiếp những người tham dự một ngày lễ hội âm nhạc, chặt đầu trẻ sơ sinh trước mặt cha mẹ chúng, đốt nhà có người ở bên trong, và bắt vài chục con tin. Người ta hy vọng Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF) sẽ tìm thấy các chiến binh vẫn còn ở Israel giống như cách họ đã chiếm lại các thị trấn biên giới. Rồi, tiến vào Gaza. Trong khi đó, những người yêu cầu người khác bắn vũ khí và liều chết thay cho họ nên hiểu lý do tại sao họ lại yêu cầu như vậy. Điều đó có nghĩa là, để bắt đầu, người ta phải thiết lập lý do tại sao chúng ta lại ở đây.

Vì đức bác ái, Hamas phải được phép lên tiếng trước. Người đứng đầu quân đội của nhóm chiến binh cai trị Gaza từ năm 2007 biện minh cho việc tấn công những người Israel vì họ đã “xúc phạm [the] al-Aqsa” nhà thờ Hồi giáo trên Gò Đền Thờ ở Jerusalem. Tôi sẽ rất phẫn nộ nếu người Do Thái bị cấm đến thăm các thánh địa của người Do Thái. Các Kitô hữu đã tức giận một cách chính đáng khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Hagia Sophia là nhà thờ Hồi giáo vào năm 2020. Nhưng điều tương tự đã không xảy ra với những người theo đạo Hồi ở Jerusalem. Họ thờ phượng ở al-Aqsa một cách tự do. Khách du lịch được phép tham quan tự do. Chính những người Do Thái là những người mà quyền thờ phượng công cộng bị cảnh sát Israel và Waqf Jordan hạn chế, kẻo những người thờ phượng Hồi giáo và thế giới Hồi giáo sẽ coi là xúc phạm bạo lực.

Cuộc tấn công của Hamas dường như đã đến lúc làm gián đoạn các cuộc đàm phán giữa Israel và Ả Rập Saudi. Hamas sẽ bị bẽ mặt nếu cam kết chiến tranh chống lại Nhà nước Do Thái của nó bị quốc gia Ả Rập hùng mạnh nhất chính thức bác bỏ. Hòa bình giữa Ả Rập Saudi và Israel sẽ chính thức hóa và tăng cường sự chống đối của phe Do Thái-Sunni đối với những người bảo trợ Iran của Hamas, những người dường như đã giúp lên kế hoạch cho cuộc hành quân này. Nhưng ngay cả khi việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Saudi-Israel dẫn đến sự gián đoạn đặc biệt này, thì điều đó cũng không giải thích được tại sao Iran lại coi người Palestine là những kẻ sẵn sàng hành quyết như vậy.

Những người có cảm tình với người Palestine ở phương Tây thường viện dẫn các khu định cư và sự hiện diện quân sự của Israel ở West Bank cũng như việc nước này phong tỏa Dải Gaza là nguyên nhân gây ra bạo lực nơi người Palestine. Có lẽ nếu Israel rút khỏi vùng đất mà họ đã chinh phục trong Cuộc chiến sáu ngày năm 1967, người Palestine sẽ hài lòng và Israel sẽ có hòa bình.

Tôi ước lời giải thích này có giá trị. Khi đó, việc chấm dứt xung đột chủ yếu đòi hỏi Nhà nước Do Thái phải hành động đối với chính công dân của mình và rút lực lượng của chính mình. Nhưng cách giải thích này thất bại cả về mặt chuẩn mực lẫn phân tích. Sự hiện diện của Israel ở West Bank được chứng minh bằng nguyên tắc pháp lý quốc tế uti possidetis juris (*), như các học giả Avi Bell và Eugene Kontorovich đã trình bày trong một bài viết toàn diện trên Tạp chí Luật Arizona. Nguyên tắc nói rằng ranh giới của các nước chủ quyền mới được xác định bởi các ranh giới hành chính được thiết lập bởi quyền lực trước đó trong khu vực. Nguyên tắc này được áp dụng trên toàn thế giới. Gần đây nó được sử dụng để xác định biên giới của các quốc gia tách ra từ Liên Xô và sự tan rã của Nam Tư. Israel xuất hiện từ Ủy trị Palestine [Palestine Mandate] của Anh, bao gồm West Bank, Gaza và toàn bộ Jerusalem. Israel là quốc gia có chủ quyền duy nhất xuất hiện trên lãnh thổ sau khi Anh rút quân vào năm 1947. Cư dân Israel được quyền sống ở West Bank––và Tel Aviv và Haifa––theo cùng một nguyên tắc cho phép người Ukraine sống ở Crimea, vốn là một phần của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine khi Liên Xô sụp đổ.

Về mặt phân tích ––lịch sử các mối quan hệ của Israel ở West Bank và Gaza kể từ Chiến tranh năm 1967 cho thấy người Palestine bạo lực hơn và các nhà lãnh đạo của họ càng cực đoan hơn khi Israel ít can thiệp vào công việc của họ. Những năm sau diễn trình Oslo những năm 1990, vốn chỉ nhượng gần 1/3 West Bank cho Chính quyền dân sự Palestine kiểm soát, đã chứng kiến tỷ lệ tử vong hàng năm của người Israel do chủ trương khủng bố của người Palestine tăng lên chứ không giảm xuống. Năm 2000, người đứng đầu Chính quyền Palestine Yasser Arafat được đề nghị thành lập một nhà nước Palestine ở West Bank –– ông từ chối lời đề nghị đó và phát động Intifada lần thứ hai, giết chết hơn một nghìn người Israel. Việc Israel rút quân khỏi Gaza năm 2005 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ariel Sharon được theo sau bởi chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine năm 2006. Hamas đã trục xuất Chính quyền Palestine (PA) khỏi dải đất này một cách thô bạo vào năm 2007. Hamas kể từ đó đã sử dụng Gaza làm bệ phóng cho hàng nghìn tên lửa và bây giờ là các cuộc xâm lược trên mặt đất.

Vì vậy, chúng ta phải quay trở lại trước Cuộc chiến sáu ngày năm 1967, cuộc chiến mà trong mọi trường hợp không thể xảy ra nếu không có xung đột. Trên thực tế, chúng ta cần quay trở lại ngay cả trước cuộc chiến tranh giành độc lập 1947-1949 của Israel chống lại người Ả Rập Palestine và quân đội Ả Rập xâm lược, khiến 6,000 người Do Thái thiệt mạng.

Bạo lực quy mô lớn của người Palestine chống lại người Do Thái bắt đầu từ đầu những năm 1920. Sau thất bại của đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất, Hội Quốc Liên đã phê chuẩn nhiệm vụ cho Vương quốc Anh thành lập “ngôi nhà quốc gia cho người Do Thái” ở Palestine. Cụm từ được trích dẫn là nguyên văn tham chiếu đến Tuyên bố Balfour năm 1917, cam kết hỗ trợ của Anh trong thời chiến đối với Chủ nghĩa duy Xion [Zionism]. Người Anh, với sự giúp đỡ từ một đơn vị binh lính Do Thái, đã chinh phục Palestine từ tay người Ottoman. Hàng chục nghìn người Do Thái đã di cư đến Palestine trong nhiều thập niên. Cuối cùng, dưới thời người Anh, Palestine được cai trị bởi một quốc gia chính thức cam kết xây dựng một nhà nước cho người Do Thái. Các đồng minh chiến thắng sẽ kịp thời trao cho người Ả Rập ––những người từng được cai trị bởi và hầu như được hỗ trợ tổng quát bởi người Ottomans–– quyền độc lập ở 99% vùng Cận Đông. Ủy trị của Anh đã mở Palestine cho người Do Thái “định cư ở mức độ cao”, cho phép một dân tộc bị đàn áp lâu đời có chính thể riêng của họ.

Người Ả Rập ở Palestine nổi dậy chống lại sự ủy trị đã được Hội Quốc Liên phê chuẩn. Bị kích động bởi thị trưởng Jerusalem do người Anh bổ nhiệm và bởi người anh họ Haj Amin al-Husseini, vào tháng 4 năm 1920, người Ả Rập đã nổi loạn ở Jerusalem trong lễ hội Nebi Musa của người Hồi giáo. Năm người Do Thái thiệt mạng và vài trăm người bị thương. Hai phụ nữ Do Thái bị cưỡng hiếp. Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Anh có trụ sở tại Cairo đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Anh mô tả các sự kiện này như một “cuộc tàn sát” (pogrom). Mặc dù Haj Amin bị kết tội kích động bạo loạn, nhưng sau đó ông đã được ân xá và được thống đốc người Anh của Palestine bổ nhiệm làm giáo sĩ [mufti] của Jerusalem vào tháng 5 năm 1921. Cùng tháng đó, những kẻ bạo loạn Ả Rập ở Jaffa đã giết chết hàng chục người Do Thái và làm bị thương hơn một trăm người. Một cuộc điều tra của chính phủ Anh ––Ủy ban Haycraft–– đã đổ lỗi cho cuộc bạo loạn năm 1921 là do người Ả Rập phản đối việc nhập cư của người Do Thái và chính sách ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái của Anh. Cao ủy Palestine của Anh đã tạm thời đình chỉ việc nhập cư của người Do Thái vào Palestine để xoa dịu người Ả Rập. Điều này không hữu hiệu. Haj Amin đã giúp kích động và lãnh đạo cuộc bạo loạn năm 1929 ở Jerusalem, Hebron, Jaffa và Safed, trong đó 133 người Do Thái bị sát hại. Ông đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Ả Rập chống lại người Anh từ năm 1936–1939, mà tuyệt đỉnh là việc Anh đình chỉ hầu như toàn bộ người Do Thái nhập cư vào Palestine. Giới lãnh đạo Palestine người Ả Rập đã bác bỏ đề xuất của Ủy ban Peel của Anh vào năm 1937 về việc phân chia Palestine thành nhà nước Do Thái và Ả Rập, đồng thời bác bỏ việc phân chia Palestine do Liên hợp quốc đề xuất một thập niên sau đó. Vào tháng 5 năm 1948, Nhà nước Do Thái tuyên bố độc lập, tự bảo vệ mình sau đó và kể từ đó chống lại những nỗ lực của người Palestin nhằm tiêu diệt nó, đôi khi bị tạm dừng nhưng cuối cùng không bao giờ chấm dứt.

Vladimir (Ze'ev) Jabotinsky, một người theo chủ nghĩa duy Xion hàng đầu từ những năm 1900 cho đến khi ông qua đời vào năm 1940, hiểu rằng bao lâu người Ả Rập Palestine không tuyệt vọng trong việc trục xuất người Do Thái khỏi Palestine thì họ sẽ tiếp tục thực hiện việc này. Hai năm sau cuộc bạo loạn năm 1921, Jabotinsky viết rằng “Bao lâu người Ả Rập còn cảm thấy chút hy vọng nhỏ nhất loại bỏ được chúng ta, họ sẽ không bỏ cuộc để đổi lấy những lời nói tử tế hoặc để có bánh mì và bơ, bởi vì họ không phải là tiện dân mà là một dân tộc sống động.” Jabotinsky đề xuất một “Bức tường sắt” một quân đội Do Thái nhằm thực thi quyền của người Do Thái được di cư đến Palestine, được sống ở đó trong hòa bình và xây dựng một nhà nước với đa số người Do Thái.

Bức tường sắt ngày nay là Lực lượng Phòng vệ Israel. Nó có nhiệm vụ, giống như bất cứ đội quân nào đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa, là thiết lập các điều kiện cho một nền hòa bình chính đáng. Hamas đã cố gắng tiêu diệt Nhà nước Do Thái kể từ hiệp ước năm 1988. Nhóm này phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều người Israel. Nó đã sử dụng dân thường Gaza làm lá chắn sống cho các bệ phóng tên lửa, vật tư và chiến binh. Chừng nào Hamas còn cai trị Gaza thì cả người Israel lẫn người Palestine đều không thể sống tử tế.

Nhưng việc chấm dứt sự cai trị của Hamas cũng phục vụ một mục đích khác ––quá nhiều người Palestine, vào thời của Jabotinsky và thời của chúng ta, vẫn hy vọng rằng chủ nghĩa khủng bố địa phương và áp lực quốc tế cuối cùng có thể xua đuổi người Do Thái. Tước đoạt các công cụ khủng bố của người Palestine là cách duy nhất để thuyết phục họ rằng mục tiêu hàng thế kỷ này là không thể thực hiện được. Những người Palestine ở Gaza vào cuối tuần này đã hoan hô khi thi thể của những người Do Thái chết được diễu hành cần phải được chứng minh rằng việc tiếp tục theo cách này là hoàn toàn vô ích. Sau đó, họ có thể thay thế những kẻ côn đồ cầm quyền bằng những thủ lĩnh đối xử nhân đạo với cả họ và người Do Thái.

Nếu họ làm vậy, có thể sẽ có hòa bình ở Thánh địa.

________________________________________________

(*) Uti possidetis juris: Nguyên tắc uti possidetis juris có thể được dịch là nguyên tắc đường biên giới lịch sử. Nguyên tắc này là một quy định tập quán khu vực (local/regional custom) Mỹ Latin, được hình thành dựa trên thực tiễn các quốc gia Mỹ Latin trong quá trình giành độc lập vào thế kỷ 19 đã sử dụng các đường ranh giới hành chính do Tây Ban Nha vạch ra trong thời thuộc địa để làm đường biên giới quốc gia. Nguyên tắc trên sau đó được sử dụng rộng rãi tại châu Phi. Năm 1964 Tổ chức Liên minh châu Phi ra nghị quyết về các đường biên giới giữa các quốc gia châu Phi, ghi nhận: “các đường biên giới của các Quốc gia châu Phi hiện hữu vào ngày giành độc lập của họ là một tồn tại thực tế”, và “tất cả các Quốc gia thành viên cam kết tôn trọng các đường biên giới hiện hữu khi các nước giành độc lập quốc gia.

Nguyên tắc này nhằm giảm thiểu tranh chấp giữa các quốc gia mới giành độc lập từ các nước thực dân – đế quốc thông qua việc giữ nguyên hiện trạng phân chia quản lý về mặt lãnh thổ do chính quyền thực dân – đế quốc để lại, chuyển các ranh giới hành chính thuộc địa thành đường biên giới quốc gia. (trích từ https://iuscogens-vie.org/2018/04/15/71/)