CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 3,20-25

20Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

22Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”

31Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32Lúc ấy đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” 33Nhưng Người đáp lại : “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”



CHỐNG ĐỐI TỨ BỀ

Khi chưa tốt nghiệp đại học, thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274, tiến sĩ Hội thánh), có cha mẹ là bá tước, đã quyết định xin vào dòng Đô-mi-ni-cô. Lúc ấy dòng vừa mới thành lập. Gia đình người rúng động với ý tưởng một thành viên quý phái như vậy lại trở thành một tu sĩ dòng hành khất. Kể ra họ cũng đã mong mỏi rằng một ngày kia, Tô-ma sẽ làm điều gì đó để phục hồi vận mệnh dòng tộc, chẳng hạn lên làm tu viện trưởng Mon-tê Cas-si-nô (dòng Bê-nê-đíc-tô, rất to lớn và giàu có). Nghe được tin, các anh của người, đang là sĩ quan quân đội, đã hết sức giận dữ. Họ bắt người trên đường đi Rô-ma và giam người trong ngọn tháp của lâu đài gia đình. Nài nỉ, đe dọa và quyến rũ Tô-ma đổi ý cũng vô ích, thân nhân bèn nhờ tới một cô gái làng chơi để hãm hại chàng thanh niên trẻ tuổi. Nhưng Tô-ma, một lòng cương quyết, đã dùng cây củi cháy xua đuổi cô. Được hai năm, cảm động trước tính cương nghị và những khổ cực Tô-ma chịu, mấy chị em đã giúp người trốn đi. Các tu sĩ Đô-mi-ni-cô đưa người về dòng.

Trong môi trường đại học Cô-lô-ni-a, Tô-ma luôn giấu kín các bước tiến khác thường của mình cũng như đã che kín vinh dự dòng tộc. Ngày kia, tưởng người không hiểu, một bạn học đã giảng bài cho người. Dẫu đáng bậc thầy của anh ta, Tô-ma đã tiếp nhận bài học với lòng biết ơn khiêm tốn. Vì bình dị, ít nói, nên người bị coi là đần độn. Bạn bè gọi chàng trai to xác này là “con bò câm”. Nhưng thầy An-béc-tô (sau này cũng là thánh) đã coi người như một thiên tài và tuyên bố : “Con bò này sẽ rống lớn, đến nỗi những tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế gian.” Quả thật nó đã rống 9 thế kỷ rồi !

Đau khổ vì bà con bạn bè, bị cản ngăn bởi gia đình cũng như bị khinh khi tại trường học, thánh Tô-ma quả đã tiếp nối Thầy mình trên bước đường thực thi sứ vụ : “Tôi tớ không lớn hơn chủ. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai phái mình.” (Ga 13,16).

1- Từ phía giới chức tôn giáo.

Đầu sứ vụ rao giảng, Đức Giê-su đã có nhiều thành công. “Đám đông”, nghĩa là hạng dân đen, chen lấn chung quanh Người để nghe Người. Mác-cô, kẻ ghi lại lời giảng của Phê-rô, nhận xét rằng ngày nọ, dân chúng tới nhà đông đến độ Đức Giê-su và môn đệ không thể ăn uống. Căn nhà này, mà Đức Giê-su đã coi như của mình, chắc hẳn là nhà của Si-môn-Phê-rô tại Ca-phác-na-um (x. Mc 1,29; 2,1; 3,20; 9,28.33; 10,10). Trong đống phế tích hiện thời của thành phố Ca-phác-na-um, các nhà khảo cổ đã tìm lại được nền của một ngôi nhà ngư dân khiêm tốn có từ thế kỷ I trước CN trên đó từng xây một thánh điện rất cổ. Các hình vẽ mộ đạo khắc trên thạch cao cho thấy người ta có lẽ đã tìm lại được “căn nhà” nơi Đức Giê-su vẫn thường lưu ngụ.

“Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người”. Họ nghĩ rằng Người đã lâm vào tình trạng cuồng nhiệt, hưng phấn, đến độ hóa điên. Tình trạng này làm cho Người mất cái cảm thức về cuộc sống cụ thể. Rồi có lẽ cũng vì thân nhân quá biết rõ Người bị các giới chức tôn giáo ác cảm, sợ gặp rắc rối lôi thôi vì Người, thành thử đã đến bắt Người về để đưa vào vòng trật tự. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận các ơn gọi hơi “điên khùng”, liều mạng, phi lý xét theo kiểu khôn ngoan phàm trần của chúng ta không? (như Phan-xi-cô A-xi-di-ô lúc khởi sự cuộc đời theo Chúa). Phải chăng có đôi khi, như Đức Giê-su, chúng ta bị coi người một người “tàng tàng”, “mát mát” vì không theo mọi chuẩn mực thông thường của thế gian trong các vụ việc, các vấn đề lương tâm, trong thái độ cá nhân hay tập thể? “Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được” (Đường Hy Vọng số 8).

Một dư luận thứ hai, trầm trọng hơn, được loan truyền quanh Đức Giê-su. Chẳng những Người “đã hóa điên” mà còn “bị quỷ ám”. Những lời bóng gió thâm độc. Chẳng ai phủ nhận tính xác thực của các phép lạ Người làm. Nhưng Người đã lấy “quyền” từ Xa-tan tướng quỷ, mà dân Do-thái thời ấy gọi cách khinh bỉ là “Thần đống phân” (nghĩa của từ Bê-en-dê-bun là vậy). Mà chính các kinh sư, giới trí thức, đã tung ra mối nghi ngờ ấy.

Đức Giê-su đáp lại bằng một dụ ngôn và một tràng lý luận chặt chẽ. Đây là dụ ngôn ngắn đầu tiên được Mác-cô ghi lại : hình ảnh một cuộc chiến xáp lá cà, nhanh chóng và quyết định. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su cho thấy Xa-tan là kẻ mạnh, song Người cũng ý thức mình là “kẻ mạnh hơn” ! Ngày nay cũng vẫn đúng như thế. Cuộc chiến còn tiếp tục. Và Đức Giê-su ở với chúng ta, giúp chúng ta chống lại sự ác, thần dữ. Bi quan hay điềm tĩnh trước sức tấn công ồ ạt của các tà lực trong thế gian? “Với Đấng đã chiến thắng sự chết, thì còn có gì mà ta không thể làm được?” (Chiara Lubich).

Và như để cảnh cáo những cái mồm độc địa, Đức Giê-su nói đến một thứ tội “chẳng bao giờ được tha”, “tội phạm đến Thánh Thần.” Đây không bàn đến sự hạn chế của lòng thương xót Chúa, khiến một tội nào đó khó tha thứ được, nhưng chỉ nói tới thái độ cố chấp trong sự dữ. “Nói phạm đến Thánh Thần” ở đây là cố tình gán cho quỷ những việc chính Đức Giê-su đã làm nhờ quyền năng Thiên Chúa vô cùng thánh thiện đang hoạt động nơi con người và trong lịch sử. Thái độ ngoan cố chấp nệ này đi ngược với thái độ ăn năn sám hối. Vì cố tình không sám hối ăn năn và trở lại, con người không thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Cần phải lặp lại điều này với Đức Giê-su : Thiên Chúa chẳng kết án ai, nhưng tha hết mọi tội cho mọi người. Tuy nhiên, có thể có những kẻ cương quyết khép lòng trước ơn tha thứ đó : “phạm đến Thánh Thần” theo nghĩa rộng là vậy. Thiên Chúa có tha cũng vô ích, một số cự tuyệt ơn huệ này : hỏa ngục hẳn là thế. Đây là tình trạng và kết cục do con người tự chọn.

Thái độ khăng khăng từ chối đến cùng đó thường xảy ra chăng? Không ai có thể xét đoán anh em mình từ bên ngoài cả. Nhưng mỗi người hãy xem xét trường hợp của mình : trong lúc này, chớ nên tự đặt câu hỏi : “Phải chăng tôi là tội nhân?” Vì tất cả đều phạm tội (x. Rm 3,23; 1Ga 1,8.10). Nhưng chỉ nên hỏi : “Phải chăng tôi đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa? Phải chăng tôi phạm tới Thánh Thần? Phải chăng tôi chế nhạo tình yêu của Người, tình yêu công chính hóa các tội nhân cách nhưng không?” (x. Rm 3,24).

2- Từ phía thân thuộc bà con.

“Lúc đó, mẹ và anh em Đức Giê-su đến…” Mác-cô lồng vào nhau câu chuyện “các kinh sư từ khước” với câu chuyện “thân nhân Đức Giê-su toan tính bắt Người”. Phương pháp văn chương này rất quen thuộc với ông, để mời gọi chúng ta đi tìm các mối liên hệ giữa hai hoàn cảnh. Đức Giê-su bị từ chối, vô thừa nhận… trong chính gia đình mình. Từ “anh em” trong tiếng Hip-ri chỉ anh em ruột và họ hàng không phân biệt. Những kẻ này đã lôi dì của họ, mẹ Đức Giê-su, vào mưu toan thộp cổ Người về. Hãy ghi nhận sự táo bạo của thánh sử. Đây là lần đầu tiên ông nói với chúng ta về Ma-ri-a ! Mà để đề cập việc đó. Quả thật Tin Mừng chẳng tìm cách tô điểm. Đây là những chuyện không thể bịa đặt.

“Họ đứng ở ngoài, cho gọi Người ra”. Trong nhà, “đám đông ngồi chung quanh Người”. Một quang cảnh cần tưởng tượng : lắm kẻ ngồi dưới đất, chung quanh một diễn giả. Trong Tân Ước, đó là tư thế thường thấy của “các môn đệ” nghe “thầy” (x. Lc 10,39; Cv 22,3). Mác-cô hai lần ghi nhận : gia đình Đức Giê-su “ở ngoài”, tương phản với những kẻ “ở trong”. Thành ngữ “những kẻ ở ngoài” rất thường thấy trong Giáo hội sơ khai để chỉ hạng “phi-kitô hữu” (x. 1Tx 4,12; 1Cr 5,12-13; Cl 4,5; 1Tm 3,7). Mác-cô sẽ tái sử dụng ngôn ngữ này để tách loài người thành hai hạng, tùy như họ tin nghe Đức Giê-su hay vẫn cứ “ở ngoài” : “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn cả” (Mc 4,11).

Quang cảnh “Ma-ri-a và anh em họ Đức Giê-su đến tìm cách ngăn chận sứ mệnh của Người” khiến chúng ta phải suy niệm lâu dài về bản chất đức tin. Giống như đức tin chúng ta, đức tin của Ma-ri-a đâu “có sẵn”, xong xuôi một lần. Đức tin là một cái gì tiến triển. Không phải Ma-ri-a đã hiểu tường tận con mình là ai và sứ mệnh con mình là gì tự giây phút đầu của cuộc Truyền tin, cho dẫu bà đã có nhiều ánh sáng đặc biệt. Luca cũng đã ghi chú rằng Ma-ri-a, trong một vài hoàn cảnh, “đã không hiểu” Đức Giê-su (x. Lc 2,50).

“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Kẻ thi hành ý muốn của Thiên Chúa !” Ý muốn Chúa Cha, đó là nỗi ám ảnh của Đức Giê-su. Đức Giê-su là người si mê Thiên Chúa rất mực ! Những ai yêu mến Thiên Chúa, Người nói, đều thuộc gia đình Người, gia đình duy nhất đích thực của Người. Với danh nghĩa này, Đức Ma-ri-a hai lần là mẹ Người. Vì sự cao cả đích thực của Ma-ri-a chính là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa.”