SUY NIỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN – B
(Mc 3, 20-35)
Sa-tan phải diệt vong

Thiên Chúa nhân từ và khôn ngoan, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp, bằng chứng là sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra rất là tốt đẹp” (St 1,31). Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa, với nhau và vũ trụ vạn vật. Khởi đầu công trình tạo dựng của Thiên Chúa thì tốt đẹp, vậy sự dữ từ đâu mà ra? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ, thiên nhiên nổi dậy chống lại con người?

Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Tác giả Sách Thánh đưa ra nhiều hình ảnh văn chương để suy luận về nguồn gốc sự dữ và tội lỗi trong cuộc sống con người. Trình thuật con người sa ngã (x. St 3) giải thích cho trình trạng tội lỗi và nguyên nhân đau khổ của con người. Qua đó ta thấy sự dữ không do Thiên Chúa, nhưng là do hậu quả của tội lỗi.

Sách Sáng Thế cho thấy nguyên nhân ngoại tại của sự dữ, đó là con rắn, biểu tượng cho quyền lực sự dữ, đã cám dỗ con người phạm tội xa rời Thiên Chúa; sau này nó được đồng hóa với thần dữ (x. 1Sm 18), với Sa-tan (x. G 1).

Tương quan tốt lành của con người với Thiên Chúa bị phá vỡ (St 3, 9-11)

“Ngươi đang ở đâu?” là câu Thiên Chúa hỏi Ađam (St 3,9), thay vì mừng rỡ khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa Ađam và người nữ chạy ra nghênh đón như cái thuở ban đầu, vào lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa thường đến dạo chơi trong vườn với hai ông bà và trò chuyện thân mật với hai ông bà, thì nay lại ẩn núp vào giữa lùm cây trong vườn, vì sợ giáp mặt với Thiên Chúa. Hình ảnh hai ông bà trốn diễn tả phản ứng quen thuộc của những kẻ phạm tội; tội lỗi khiến con người tránh xa Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến cho kẻ phạm tội sợ phải diện đối diện với Thiên Chúa, tìm mọi cách xa lánh vị Thiên Chúa tốt lành của mình. Tội lỗi phá vỡ mối tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa là Đấng dựng nên mình.

Nghĩa vợ tình chồng và vạn vật bị rạn nứt (St 3, 12-13)

Thuở ban đầu, khi mới gặp người nữ Thiên Chúa giới thiệu cho mình, Ađam đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23); ấy vậy giờ đây người chồng đổ hết trách nhiệm cho vợ: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn” (St 3, 12). Còn người nữ cũng thoái thác trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho con rắn : “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi ăn” (St 3, 13). Lời của người nữ là thật, nhưng bà quên rằng mình đã để cho Con Rắn xảo trá lừa dối đến mức hiểu sai ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tội đã làm rạn nứt mối tình nghĩa keo sơn bền chặt “nên một xương một thịt” giữa chồng và vợ, mỗi người tìm cách chối quanh co những lỗi lầm của mình, không ai dám nhận phần trách nhiệm của mình.

Con người cũng khiến dã thú trở thành hung dữ, lánh xa họ, không còn hiền như trước (x. St 2,19). Thiên nhiên không còn “quả là rất tốt đẹp” bởi chính con người đã tự chuốc lấy sự tội để xa Ơn Nghĩa Chúa. Thiên Chúa ra hình phạt giáo huấn như sau: “Bởi vì mi đã làm điều đó mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muôn thú địa cầu, mi sẽ bò đi bằng bụng và mi sẽ ăn bù đất mọi ngày trong suốt đời mi”.

Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân : “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).

Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa
(St 3, 14-15)

Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa xử con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa : “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).

Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là “Tiền Tin Mừng” vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).

Sa-tan phải diệt vong

Như vậy, chính Sa-tan đã, đang và sẽ còn nhúng tay vào trật tự tốt lành mà Đấng Tạo Hóa đã thiết lập trong vũ trụ vì nó muốn con người thời nay :
Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ.
Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.
Không còn nhìn nhận tội lổi đã phạm để xin được tha thứ.