Sau cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine với Đài phát thanh Télévision Suisse, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin thảo luận vấn đề này với tờ báo Ý ‘Corriere della Sera’, đồng thời cho biết có nguy cơ leo thang hạt nhân.

Vatican News đã công bố toàn văn cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin của Gian Guido Vecchi, được đăng hôm thứ Ba trên tờ báo Corriere della Sera của Ý.



Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đang kêu gọi đàm phán hơn là đầu hàng. Nhưng tại sao chỉ đề cập đến một trong hai bên, Ukraine mà không phải Nga? Và há không có nguy cơ lấy sự “thất bại” của bên bị gây hấn làm động lực đàm phán sẽ phản tác dụng hay sao?

Như giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã nói, khi trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha vào ngày 25 tháng 2 năm vừa qua, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha là “các điều kiện phải được tạo ra cho một giải pháp ngoại giao nhằm theo đuổi một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Rõ ràng là trách nhiệm tạo ra những điều kiện như vậy không chỉ thuộc về một bên mà thuộc về cả hai bên, và đối với tôi, điều kiện đầu tiên chính xác là chấm dứt hành vi gây hấn.

Người ta không bao giờ được quên bối cảnh (của cuộc phỏng vấn), trong trường hợp này là một câu hỏi ngỏ với Đức Thánh Cha. Đáp lời, ngài nói về đàm phán và đặc biệt là lòng can đảm đàm phán, điều không bao giờ có nghĩa là đầu hàng.

Tòa Thánh theo đuổi đường lối này và tiếp tục kêu gọi ngừng bắn - và những kẻ xâm lược phải ngừng bắn trước - rồi mới bắt đầu đàm phán. Đức Thánh Cha giải thích rằng đàm phán không phải là điểm yếu mà là sức mạnh. Đó không phải là sự đầu hàng mà là lòng dũng cảm.

Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến mạng sống con người, đến hàng trăm nghìn sinh mạng con người đã hy sinh trong cuộc chiến ở trung tâm châu Âu này. Đây là những lời áp dụng cho Ukraine cũng như Thánh Địa và các cuộc xung đột khác đang làm khổ thế giới.

Hỏi: Giải pháp ngoại giao có còn khả thi không?

Vì đây là những quyết định tùy thuộc vào ý chí con người nên luôn có khả năng đạt được giải pháp ngoại giao.

Cuộc chiến chống lại Ukraine không phải là kết quả của một thảm họa thiên nhiên không thể kiểm soát được mà chỉ là kết quả của sự tự do của con người. Ý chí tự do của con người đã gây ra thảm kịch này cũng có khả năng và trách nhiệm thực hiện các bước để chấm dứt nó và mở đường cho một giải pháp ngoại giao.

Hỏi: Tòa Thánh có quan ngại về sự leo thang không? Đây là điều mà chính ngài đã đề cập, cho rằng “giả thuyết về sự can thiệp của các nước phương Tây” là một điều đáng sợ.

Tòa Thánh lo ngại về nguy cơ chiến tranh mở rộng. Sự leo thang của cuộc xung đột, sự bùng nổ của các cuộc đụng độ vũ trang mới và cuộc chạy đua vũ trang là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo ngại về mặt này.

Chiến tranh mở rộng sẽ đồng nghĩa với những đau khổ mới, tang tóc mới, nạn nhân mới và sự hủy diệt mới, thêm vào đó là những gì mà người dân Ukraine, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người già và dân thường, hiện đang trực tiếp trải qua, phải trả giá quá cao cho cuộc chiến tranh bất công này.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, gợi lên “trách nhiệm” của cả hai bên. Hai tình huống này có điểm gì chung?

Hai tình huống này chắc chắn có điểm chung là chúng đã mở rộng một cách nguy hiểm vượt quá mọi giới hạn có thể chấp nhận được, chúng không thể giải quyết được, chúng gây ra hậu quả ở các quốc gia khác nhau và không thể tìm ra giải pháp nào nếu không có đàm phán nghiêm túc.

Tôi lo ngại về sự thù hận mà họ đang tạo ra. Vết thương sâu thế này bao giờ mới lành được?

Hỏi: Về chủ đề leo thang, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói về mối nguy hiểm của một cuộc xung đột hạt nhân, khi nói rằng, “Tất cả chỉ cần một sự cố.” Đây có phải là nỗi sợ hãi tiềm ẩn của Tòa thánh?Một “sự cố” như ở Sarajevo năm 1914?

Nguy cơ 'trôi dạt' chết người hướng tới chiến tranh hạt nhân là có thật. Chỉ cần nhìn vào mức độ thường xuyên mà một số đại diện chính phủ sử dụng loại đe dọa này. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đây là một tuyên truyền mang tính chiến lược hơn là một lời 'cảnh báo' về một điều gì đó thực sự có thể xảy ra.

Đối với “nỗi sợ hãi tiềm ẩn” của Tòa Thánh, tôi tin rằng nhiều tác nhân khác nhau trong tình huống bi thảm này có thể càng cố thủ hơn vì lợi ích riêng của họ, không làm những gì có thể để đạt được một nền hòa bình công bằng và ổn định.