MỐI NGUY CỦA SỰ QUÁ CẨN TRỌNG
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”.

Mark Twain nói, “Chúng ta hãy cố gắng sống làm sao cho đến khi chết, ngay cả người gánh đám cũng phải tiếc thương!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu nói dung dị của Mark Twain xem ra nghịch với những gì xảy ra qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay; các biệt phái dường như đã quá khắt khe với những người khác! Băng qua đồng lúa chín, các môn đệ bứt vài bông lúa, xát trong tay mà ăn vì đói, chuyện thật nhỏ! Vậy mà những người biệt phái lại bắt bẻ, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”.

Bằng cách trưng dẫn việc Đavít và đoàn tuỳ tùng khi đói, đã vào đền thờ ăn bánh tiến, Chúa Giêsu trả lời, khiến cho các biệt phái cảm thấy lúng túng nhưng các môn đệ thì an lòng vì biết mình vô tội. Trình thuật này là cơ hội giúp chúng ta suy gẫm về một mối nguy thiêng liêng mà đôi khi, một số trong chúng ta mắc phải. Đó là ‘mối nguy của sự quá cẩn trọng!’.

Nếu là một người có khuynh hướng quá cẩn trọng, tôi có thể đã bắt đầu cẩn trọng ngay giờ này về việc ‘phải cẩn trọng!’. Vì thế, tôi sẽ bị cám dỗ rời bàn phím, đứng dậy, và sẽ không viết thêm một chữ nào… Tâm trạng này có thể tiếp tục, tiếp tục, và tôi lại phải đấu tranh mãi với điều này. Với các môn đệ, cũng thế! Nếu một hoặc nhiều người trong họ phải vật lộn với việc thiếu cẩn trọng vì đã đưa tay hái bông lúa, dẫn đến việc bị lên án, thì họ có thể cảm thấy bối rối, hối hận và tội lỗi tức khắc về hành động của mình; họ sẽ bắt đầu lo lắng vì đã phạm thánh ngày Sabbat. Thế nhưng, sự cẩn trọng của họ cần được xem xét, nó như thế nào; và đâu là nguyên nhân thúc đẩy họ đến chỗ bất an vì sự thiếu cẩn trọng đó!

Phải chăng ‘yếu tố kích hoạt’ đã cám dỗ họ quá cẩn trọng là cách nhìn sai lầm và cực đoan về luật của Thiên Chúa như quan điểm của người biệt phái? Đúng, luật Thiên Chúa là hoàn hảo và luôn phải được tuân giữ đến chữ cuối cùng; nhưng đối với những người đấu tranh với ‘mối nguy của sự quá cẩn trọng’, luật Thiên Chúa có thể dễ dàng bị bóp méo và phóng đại. Lý do là vì con người đã trình bày sai lạc luật Ngài, họ thêm thắt luật của con người vào, và điều này dẫn đến lầm lạc. Với những gì xảy ra trong trình thuật này, nguyên nhân chính là sự kiêu ngạo, thiếu yêu thương và qua khắc nghiệt trong trái tim của những người biệt phái. Thiên Chúa không hề bị xúc phạm bởi việc các môn đệ hái bông lúa ngày Sabbat; vì thế, “điều không được phép”, gánh nặng mà các biệt phái tạo ra cho các môn đệ nhất định không đến từ Thiên Chúa!

Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ khi nhìn vào lề luật và ý muốn của Thiên Chúa một cách quá cẩn trọng như thế. Mặc dù không ít người làm điều ngược lại, nghĩa là quá lỏng lẻo, thì một số người vẫn phải vật lộn với lo lắng về việc xúc phạm đến Ngài, đang khi Ngài chẳng hề bị xúc phạm. Nếu là những người đang đấu tranh với ‘mối nguy của sự quá cẩn trọng’, hãy biết rằng, “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi!”, như lời Thánh Vịnh đáp ca xác tín; Ngài luôn muốn giải thoát chúng ta khỏi những gánh nặng không đáng có này. Ngài muốn giải thoát chúng ta bất cứ giá nào!

Anh Chị em,

Khi sai Con Một xuống trần gian, sống dưới chế độ lề luật, hầu như Thiên Chúa không hề có một chút cẩn trọng nào! Phải chăng Thiên Chúa không hề biết giá của luật con người mà Con Một Ngài phải trả? Đúng! Giá của Con Ngài phải trả là, “Nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho chúng ta được hoà giải với Ngài” như Phaolô nói trong thư Côlôssê hôm nay. Chúa Giêsu thừa biết điều đó, nhưng Ngài đi xa hơn; Ngài vượt trên lề luật để mặc cho nó một giá trị mới. Con Thiên Chúa sống dưới chế độ luật để cứu những ai sống dưới lề luật; và Ngài chấp nhận chết vì lề luật hầu chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Luật bên ngoài của con người không mang lại sự sống, bởi nó không thay đổi được tâm hồn; luật yêu thương bên trong của Thiên Chúa mới làm cho sống. Vì thế, điểm mới mẻ triệt để của đời sống Kitô hữu là sống theo luật của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi luật của con người; và cùng lúc, hoàn thiện giới răn yêu thương. Thánh Phaolô thật chí lý khi nói, “Yêu thương là chu toàn cả lề luật!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi những ‘mối nguy của sự quá cẩn trọng’ đối với luật Chúa; vì lúc ấy, lề luật con giữ đã trở nên vụ hình thức, vô hồn vì chẳng đoái hoài gì đến yêu thương”, Amen.

(Tgp. Huế)