CẦN MỘT TẤM LÒNG
(Chúa Nhật XXVIII TN A)
Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách...”.
Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì gì chăng? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không hơn cũng chẳng kém. Tìm được lý do hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới là kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng chí ít cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hoặc bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.
Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Được đức vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì được nhà vua sủng ái mà người được mời còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x.Is 25,6; 55,1). Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do không chút gì tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Đây là chuyện như không tưởng vì là loại trọng tội đáng bị tru di cửu tộc.
Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài (x.Lc 13,28-29. Người ta bị loại ra chỉ vì thiếu một tấm lòng.
Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào…không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc…Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.
Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.
Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gẫu vỉa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi? Hiện nay khỏi lữa chiến tranh vẫn còn phủ đầy nhiều quốc gia trên thế giới như ở Nga và Ukraina, Israel và Palestin. Sóng gió vẫn còn bủa vây con thuyền Giáo hội ngay khi Thượng Hội Đồng “hiệp hành” đang diễn ra. Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay “an phận”của bản thân hay các cánh cửa của mái nhà riêng mình.
Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và bình an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ giúp định hướng cuộc đời chúng ta, hành vi của chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sau mỗi lần cầu nguyện thì Chúa Giêsu không “khoanh tay ngồi chờ” nhưng Người “săn tay áo” lên để nỗ lực thực thi thánh ý Cha trên trời. Sau khi hiểu được cái giá phải trả để thực thi công trình cứu độ thì Chúa Giêsu đã “cương quyết lên Giêrusalem (x.Lc 9,51).
Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.
(Ban Mê Thuột)
(Chúa Nhật XXVIII TN A)
Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách...”.
Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì gì chăng? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không hơn cũng chẳng kém. Tìm được lý do hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới là kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng chí ít cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hoặc bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.
Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Được đức vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì được nhà vua sủng ái mà người được mời còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x.Is 25,6; 55,1). Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do không chút gì tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Đây là chuyện như không tưởng vì là loại trọng tội đáng bị tru di cửu tộc.
Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài (x.Lc 13,28-29. Người ta bị loại ra chỉ vì thiếu một tấm lòng.
Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào…không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc…Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.
Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.
Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gẫu vỉa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi? Hiện nay khỏi lữa chiến tranh vẫn còn phủ đầy nhiều quốc gia trên thế giới như ở Nga và Ukraina, Israel và Palestin. Sóng gió vẫn còn bủa vây con thuyền Giáo hội ngay khi Thượng Hội Đồng “hiệp hành” đang diễn ra. Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay “an phận”của bản thân hay các cánh cửa của mái nhà riêng mình.
Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và bình an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ giúp định hướng cuộc đời chúng ta, hành vi của chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sau mỗi lần cầu nguyện thì Chúa Giêsu không “khoanh tay ngồi chờ” nhưng Người “săn tay áo” lên để nỗ lực thực thi thánh ý Cha trên trời. Sau khi hiểu được cái giá phải trả để thực thi công trình cứu độ thì Chúa Giêsu đã “cương quyết lên Giêrusalem (x.Lc 9,51).
Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.
(Ban Mê Thuột)