CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA VÀ LÝ DO
Dụ ngôn Tiệc cưới của hoàng tử cho biết, Do thái là dân được Thiên Chúa ưu tiên ban hạnh phúc Nước Trời. Nhưng họ không xứng lãnh nhận, vì họ chọn và xem trọng những giá trị thuộc về trần thế.
Thiên Chúa cũng ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, người được mời gọi vào hưởng hạnh phúc của Chúa phải có lối sống phù hợp, phải luôn nhìn lại bản thân để sửa đổi mình sao cho ngày càng trưởng thành và nên xứng hợp với đường lối thánh thiện mà Chúa đã vạch ra.
Vì thế, dựa trên giáo huấn mà Chúa, chúng ta cần suy xét lại bản thân về lối nghĩ, lối sống, lối hành xử, lối tương quan... của mình với Chúa, với anh chị em, với tình yêu của Chúa và tình yêu mà mình dành cho anh chị em.
Đừng như những người được mời trong dụ ngôn, họ "không đếm xỉa gì" đến ông chủ. Đó là sự phản bội tận cùng đối với lòng xót thương, sự quan tâm của ông chủ. Họ viện mọi lý do để chối từ ông: "Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán". Thậm chí, tệ hơn, tàn nhẫn và đáng lên án, có kẻ dám "bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi".
Thiên Chúa yêu thương tìm ngỏ lời và kết ước với loài người, trong khi loài người lại phản bội lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng không phải loài người chung chung, mà là từng người trong chúng ta.
Chúa cho ta tham dự hạnh phúc Nước Trời (diễn tả bằng tiệc cưới hoàng tử), nhưng biết bao nhiêu lần, ta có đủ lý do để đẩy Chúa ra khỏi tâm trí, đời sống và mọi ảnh hưởng của mình. Vì thiếu lòng yêu Chúa, hoặc không thực tâm yêu Chúa như Chúa muốn, ta thờ ơ, lãnh đạm, coi thường, bất cần Chúa.
Ta nại vào công việc, hoàn cảnh, sức khỏe, đáp lễ với người thân quen, đối đầu với những sinh tồn, với đủ thứ ưu tư của đời sống... để không tham dự giây phúc cầu nguyện, bỏ tôn vinh Thánh Thể, bỏ sinh hoạt đạo đức, bỏ thánh lễ...
Ta cho rằng mình nhiều bận rộn, nhiều hiện diện khác để tránh tối đa việc gặp gỡ Chúa. Chúng ta chối từ tình yêu của Chúa vì mải mê trần thế, không mảy may đếm xỉa đến việc Chúa đợi chờ mình.
Người thất nghiệp cho rằng mình phải đôn đáo tìm việc làm, phải "làm thuê độ nhật" đầy vất vả, đầy nặng nề..., thế là tránh xa Chúa.
Người nghèo cho rằng mình còn thiếu thốn, phải lo kiếm tiền, lo bươn chải để bù đắp cho bản thân, cho gia đình, và mọi sinh hoạt, mọi chi phí của gia đình..., thế là không có giờ ở bên Chúa.
Người có việc làm cho rằng mình phải đi làm, phải "đầu tắt mặt tối", phải chịu đựng sự mệt mỏi, chịu đựng sự hao kiệt sức khỏe, thế là càng ngày càng xa Chúa, xa đến vời vợi.
Người giàu cho rằng mình phải lo toan đủ điều khi vừa đối nội, đối ngoại, vừa sắp xếp cuộc sống bản thân, gia đình, những tương quan xã hội, vừa phải cân bằng những tương quan, những giao hảo... để có được sự ổn trên thỏa dưới, đẹp nhất có thể, bằng lòng nhất có thể. Chỉ có Chúa là đứng ngoài mọi chương trình, mọi sắp xếp. Chúa đành xa vắng tự lúc nào.
Điều tệ hại là, dù ta nói mình thờ Chúa, nhưng ta lại có quá nhiều lý do, ai cũng có lý do, lý do nào cũng chính đáng, lý do nào cũng gắn chặt từng mắt xích, từng nút thắt đến nỗi lý do nào cũng trọng, cũng cần, cũng thiết yếu.
Dù nói mình thờ Chúa, nhưng thật mỉa mai, mỉa mai đến chua xót, đến cồn cào, đến quặn thắt, ta có thể bỏ Chúa, nhưng không thể bỏ bất cứ lý do nào!
Đối tượng nào cũng có thể gạt bỏ Thiên Chúa, nếu muốn. Lý do mà người có việc làm hay không có việc làm, người nghèo hay người giàu đưa ra chỉ là cái cớ biện minh cho việc loại trừ Thiên Chúa mà thôi.
Nhưng dù loài người có rắp tâm phản bội đến đâu, Thiên Chúa vẫn thủy chung trong tình yêu của mình. Chính trong tình yêu bền bỉ, Thiên Chúa sai Con Một đến trần gian, đưa loài người vào dự tiệc tình yêu hạnh phúc với Người.
Sách Thủ lãnh của Cựu ước ghi lại câu chuyện về ông Ghípon. Ông chính là tấm gương dạy chúng ta về việc biết ăn năn tội, sửa đổ đời sống.
Trước đây, khi ở nhà cha mình, ông là khách làng chơi nổi tiếng. Đến khi cha qua đời, bị anh em loại trừ, ông mới ăn năn tội, quay về với sự công chính.
Khi người Do thái bị quân Ammon đàn áp, ông Ghípon nhận lời lãnh đạo kháng chiến. Với đức tin mạnh, điều ông cầu xin duy nhất là "được Chúa ở cùng". Ông tin lời cầu nguyện được Chúa chấp nhận. Ông tin Chúa ở cùng ông và đoàn viễn chinh do ông lãnh đạo. Quả thật, Ghípon đã thắng trận.
Từ một người tội lỗi, Ghípon không chỉ trở thành người lãnh đạo, mà còn là người nêu gương cho dân vì lòng trung tín giữ lời Chúa, lề luật và giao ước của Chúa. Ông Ghípon hoàn toàn thay đổi để Chúa tùy nghi sử dụng ông cho vinh hiển và sáng danh Chúa như ý Chúa muốn.
Vậy, mỗi người trong chúng ta cần ghi nhớ: Con người biết nỗ lực trung thành với Chúa là con người có trái tim rung động trước tình yêu của Chúa, chứ không chai đá chỉ biết chạy theo những gian dối của trần gian.
Đó cũng là trái tim trong sạch vì được tẩy rửa trong lòng mến mà chính bản thân dành cho Thiên Chúa.
Con người nỗ lực trung thành với Chúa còn là người biết dẹp bỏ mọi tham lam, ô uế và gian tà để xứng đáng đón tiếp tình yêu của Chúa.
Con người nỗ lực trung thành với Chúa biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và tẩy rửa linh hồn bằng thường xuyên lãnh bí tích giải tội, quyết tâm xa tránh những cám dỗ, những điều kiện dễ dẫn đến phạm tội.
Con người nỗ lực trung thành với Chúa biết chống lại tư tưởng gian tà, quyết thực hành lề luật của Chúa và của Hội Thánh, chứ không sống theo xác thịt với những đam mê dục vọng của nó.