Hình ảnh nối lửa đức tin cho đời

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo vào Chúa Nhật cuối tháng 10. nhắc nhớ đến bổn phận nếp sống truyền giáo, mà Chúa Giêsu Kitô đã trao cho Giáo hội, cho mọi người tín hữu Chúa Kitô ở trần gian.

Năm nay chủ đề ngày Thế giới truyền giáo “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35), mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn công bố làm chủ đề truyền giáo năm 2023.

Vậy hình ảnh “lòng bừng cháy, chân tiến bước” diễn tả điều gì?



Chúa Giêsu trước khi trở về trời đã căn dặn các Thánh Tông đồ, Giáo Hội của Chúa: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Đức Chúa Thánh Thần xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.“ (CV 1,8)

Trải qua dòng thời gian hơn hai ngàn năm, Giáo hội Chúa Giêsu vẫn hằng luôn trung thành với sứ vụ Chúa đã trao phó cho. Và đời sống đức tin vào Chúa, vào ơn cứu độ của Chúa cho nhân loại, đã cùng đang luôn được loan truyền rộng rãi khắp mọi nơi, cho mọi dân tộc tới mọi vùng biên giới trên khắp địa cầu.

Nhưng những thách đố đặt ra cho bước chân việc truyền giáo không phải là không có, cũng không phải là ít. Trái lại nhiều cùng tế nhị khó khăn nữa. Trong dòng lịch sử Giáo hội đã cùng đang luôn có những Vị Thừa sai phải hy sinh dâng híến chính mạng sống mình làm chứng cho Tin Mừng đức tin vào Chúa xưa nay khắp mọi nơi trên bước chân truyền giáo. Xưa nay vẫn hằng có những nghi kỵ cấm cách gây khó dễ cho việc loan truyền tin mừng của Chúa.

Một trong những thách đố tế nhị khó khăn cho việc rao truyền ngọn lửa đức tin vào Chúa là công việc làm sao hòa hợp lồng khung tin mừng của Chúa vào trong nếp sống văn hóa của mỗi dân tộc đất nước.

Nói đến văn hóa là nói đến nếp sống đặc thù riêng của mỗi địa phương đất nước, của mỗi dân tộc. Văn hoá không là tất cả đời sống con người. Nhưng con người sinh ra, lớn lên cùng làm ăn sinh sống trong dòng sông cội nguồn quê hương đất nước của họ. Vì thế, văn hóa như gia sản tinh thần gắn liền với đời sống con người.

Nói đến văn hóa là nói đến mức độ phát triển đời sống xã hội nơi đất nước xã hội con người đang sinh sống. Chính sự phát triển đó củng cố xây dựng đời sống con người nơi đất nước đó thêm giầu mạnh về của cải vật chất cũng như tinh thần. Đây là kho tàng về các gía trị cho các thế hệ dân tộc con người nơi quê hương đất nước đó.

Nói đến văn hóa là nói đến tình tự tôn giáo tín ngưỡng. Đây là nhu cầu cùng là điểm tựa tinh thần cho tâm hồn đời sống con người có được bình an, cùng tìm nhận được sự quân bình cho đời sống.

Nói đến văn hóa là nói đến tiếng nói ngôn ngữ riêng của mỗi dân tộc. Đây là nhu cầu căn bản về thông thương giao hảo cho đời sống của mỗi dân tộc.

„ Hôm nay việc truyền giáo của Giáo Hội đang phải đối mặt với thách đố trong việc đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người để quay lại với cội nguồn của họ và để bảo vệ các giá trị nơi nền văn hóa của họ.

Điều này có nghĩa là phải biết tôn trọng các truyền thống khác nhau và các nền triết lý khác nhau và nhận ra rằng nơi tất cả các dân tộc và các nền văn hóa đều có quyền được trợ giúp từ bên trong truyền thống của chính mình để đi vào mầu nhiệm khôn ngoan của Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng và là sức mạnh biến đổi tất cả các nền văn hóa.“ (Đức Thánh Cha Phanxico, Thông điệp Ngày khánh nhật truyền giáo).

Ngày xưa, cách đây gần bốn thế kỷ các vị Thừa Sai từ Âu châu sang truyền giáo ở vùng trời đất nước Á Đông bên Việt Nam. Các Vị đã rao truyền tin mừng đức tin Công Giáo vào Chúa cho con người trong xã hội với cách sống hội nhập văn hóa Việt Nam.

Các Vị đã ưu tiên việc học hỏi ngôn ngữ tiếng nói của người dân địa phương cho nhu cầu gặp gỡ giao hảo thông thương trong đời sống xã hội. Và từ đó các Vị đã tìm ra con đường cung cách sống văn hóa truyền giáo. Cung cách các Vị cùng với những người dân bản xứ trong dòng thời gian làm quen gặp gỡ đã sáng tác thành lập ra chữ Quốc Ngữ thành chữ viết.

Chữ Quốc Ngữ mà các vị đã phát triển xây dựng làm ra dựa trên nền tảng tinh thần tâm hồn văn hóa dân tộc lúc đó là một công trình góp phần vào việc tôn trọng cùng duy trì phổ biến nếp sống văn hóa cho dễ dàng rộng rãi ra.

Những kinh sách các Vị viết đặt ra để giúp cầu nguyện thực hành đức tin vào Chúa không phải chỉ là những bản dịch từ tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Y pha nho, tiếng Tây ban nha sang tiếng Việt Nam, nhưng là những bản kinh tiếng Việt Nam chất chứa nội dung nề nếp văn hóa có vần điệu, cô đọng tâm tình người Việt Nam.

Việc hội nhập văn hóa của các Vị Thừa Sai lúc sang sinh sống truyền giáo ở Việt Nam, cùng những đóng góp của các ngài như đem kiểu xây dựng những thánh đường, những kiến thức kiểu mô thức văn hóa bên Âu Châu vào xã hội Việt Nam, không là những mảnh miếng xa lạ thừa thãi, hay ốc đảo giữa lòng xã hội đất nước Việt Nam. Trái lại, nó góp phần vào làm cho gia sản văn hóa Việt Nam thêm giầu có phong phú.

Đến tận cùng biên giới về không gian hình thể địa lý cây cối núi rừng, về thời gian dòng sông lịch sử, về hoàn cảnh sinh sống con người, về tâm tình nếp sống phong tục y phục, thực phẩm ăn uống, về hình ảnh âm nhạc mầu sắc biểu tượng văn hóa nơi mỗi dân tộc đất nước, về chữ viết ngôn ngữ âm thanh tiếng nói của mỗi dân tộc đất nước, về những lo âu trông mong chờ đợi của con người.

Đó là bước chân cùng tinh thần của các vị Thừa Sai hôm qua, hôm nay và ngày mai cho việc rao giảng làm chứng cho ngọn lửa tin mừng vào Chúa.

Ngọn lửa tình yêu mến Thiên Chúa đã khơi bừng cháy trong tâm hồn trí não các Vị Thừa sai thúc đẩy họ bước chân ra đi đến với nếp sống văn hóa ở một phương trời xa lạ. Và ngọn lửa đó đã soi dẫn chỉ đường cho các ngài sống hội nhập vào nền văn hóa xứ sở của con người địa phương nơi họ đến cùng sinh sống.

Qua đó các vị Thừa sai đã làm công việc góp phần nối lửa đức tin cho đời. Và đó là công việc truyền giáo hôm qua cũng như cho hôm nay và ngày mai.