1. Linh mục da đen Louisiana nhập viện sau cuộc tấn công bằng dao rựa, phân biệt chủng tộc được coi là động cơ có thể xảy ra
Một linh mục Công Giáo đang trong tình trạng nguy kịch nhưng ổn định sau khi ngài bị tấn công trong khuôn viên Nhà thờ Công Giáo Thánh Gioan ở Melville, Louisiana, vào tối thứ Năm 13 Tháng Bẩy.
Trong cuộc họp báo, cảnh sát trưởng hạt St. Landry Parish cho biết Cha Stephen Ugwu, là cha sở nhà thờ, đã bị Johnny Dwayne Neely, 58 tuổi ở Palmetto, Louisiana, tấn công bằng một con dao rựa.
Các nhân chứng cho biết trong khoảng thời gian từ 6 giờ chiều đến 7 giờ tối, họ thấy Neely đến gần vị linh mục và xin ngài tiền bạc hay một thứ gì đó. Khi vị linh mục từ chối anh ta, anh ta bắt đầu tấn công vị linh mục bằng một con dao rựa.
Cha Ugwu đã được đưa đến một bệnh viện trong khu vực và đang được điều trị những vết rách trên đầu và cơ thể.
Văn phòng Cảnh sát trưởng Giáo xứ St. Landry xác nhận rằng Neely phải đối mặt với cáo buộc cố ý giết người cấp độ hai, tội ác căm thù và xâm phạm gia cư bất hợp pháp.
Các nhà chức trách báo cáo rằng Neely nói rằng anh ta “muốn giết một người da đen hôm nay,” KLFY News đưa tin. Cảnh sát trưởng Melville Phillip Lucas cho biết sở của ông đang nhờ FBI hỗ trợ trong vụ này.
Giáo phận Lafayette đã xác nhận vụ tấn công và yêu cầu tiếp tục cầu nguyện.
“Cha Ugwu đã được chuyển đến một bệnh viện trong khu vực và đang trong tình trạng ổn định. Sở cảnh sát Melville đang giải quyết cuộc điều tra,” Blue Rolfes, giám đốc truyền thông của Giáo phận Lafayette, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho Cha Ugwu và yêu cầu anh chị em tiếp tục làm như vậy.”
Văn phòng Cảnh sát trưởng St. Landry Parish xác nhận rằng Neely phải đối mặt với cáo buộc cố ý giết người cấp độ hai, tội ác căm thù và xâm phạm gia đình.
Cha Ugwu đã được đưa đến một bệnh viện trong khu vực và đang được điều trị những vết rách trên đầu và cơ thể.
2. Tòa Ân Giải Tối Cao ban Ơn Toàn Xá trong hai năm kỷ niệm Thánh Tôma Aquinô, Tiến sĩ Hội Thánh
Vatican đang ban ơn toàn xá cho bất kỳ ai tham gia hai năm mừng lễ Thánh Tôma Aquinô trước lễ kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ngài.
Bắt đầu với lễ kỷ niệm 700 năm ngày phong thánh cho Aquinô vào ngày 18 tháng 7, Dòng Đa Minh sẽ cử hành ba ngày kỷ niệm quan trọng của vị “Tiến sĩ Thiên thần” trong Năm Thánh. Tòa Thánh rộng ban Ơn Toàn Xá trong dịp này bắt đầu từ ngày 18 Tháng Bẩy năm nay cho đến ngày 28 Tháng Giêng năm 2025.
Thánh Tôma Aquinô được Đức Giáo Hoàng Gioan 22 phong thánh vào ngày 18 tháng 7 năm 1323. Giáo hội sẽ đánh dấu kỷ niệm 700 năm ngày này vào thứ Ba 18 Tháng Bẩy bằng một Thánh lễ lúc 6:30 chiều tại Tu viện Fossanova, cách Rôma khoảng 60 dặm về phía nam, nơi Thánh Aquinô qua đời. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, làm đặc phái viên của ngài cho Thánh Lễ này.
Vào ngày 7 tháng Ba năm 2024, Giáo hội sẽ kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Aquinô. Nhà thần học qua đời năm 1274 khi đang trên đường đến Công đồng Lyons. Ngài bị ốm trong cuộc hành trình và dừng lại ở tu viện Xitô Nhặt Phép ở Fossanova.
Ba tháng trước khi qua đời, Thánh Tôma Aquinô đã trải qua một thị kiến mãnh liệt trong khi dâng Thánh lễ khi ngài gần hoàn thành tác phẩm quan trọng nhất của mình, “Summa Theologiae” hay “Tổng lược Thần học”. Sau khi trải nghiệm thị kiến này, Thánh Tôma Aquinô nói với người bạn và thư ký của mình là Thầy Reginald: “Công việc của tôi đã đến lúc cuối cùng. Tất cả những gì tôi đã viết dường như chỉ là rơm rác sau những điều đã được tiết lộ cho tôi,” và ngài không bao giờ viết nữa.
Thi thể của Thánh Tôma Aquinô được lưu giữ trong Tu viện Fossanova cho đến cuối thế kỷ 14 khi thánh tích của ngài được chuyển đến Toulouse, bên Pháp, nơi Dòng Anh em Thuyết giáo hay còn được gọi là Dòng Đa Minh được thành lập và là nơi ngày nay mộ của Thánh Tôma Aquinô có thể được tôn kính trong Nhà thờ Jacobins.
Năm thánh kép của Dòng Đa Minh sẽ kết thúc vào ngày lễ Thánh Tôma Aquinô vào ngày 28 Tháng Giêng năm 2025, kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Aquinô.
Thánh Tôma Aquinô sinh năm 1225 tại thị trấn Roccasecca của Ý, cách Rôma khoảng 75 dặm về phía đông nam, vào thời điểm đó là một phần của Vương quốc Sicily.
Đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một lá thư bằng tiếng Latinh ca ngợi thánh Aquinô vì “sự khôn ngoan vĩ đại về đàng thiêng liêng và nhân bản”.
“Ngài tỏa sáng với trí thông minh chính trực và sự rõ ràng, và trong khi cung kính tìm hiểu các bí ẩn thiêng liêng bằng lý trí, ngài đã suy ngẫm về những điều này với niềm tin nhiệt thành,” Đức Giáo Hoàng viết.
Làm thế nào để có được Ơn Toàn Xá trong dịp này?
Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.
Ơn Toàn Xá áp dụng cho những tội lỗi đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.
Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong dịp này cho chính mình hoặc cho một người đã qua đời nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong những cách sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định. Cứ mỗi lần thực hiện một trong những công việc này thì được một Ơn Toàn Xá.
Cách thứ nhất: Có thể nhận được ơn toàn xá bằng cách hành hương đến bất cứ nhà thờ, đền thờ hay nhà nguyện nào hiện đang được ủy thác cho Dòng Đa Minh để tham dự các cử hành trong Năm Thánh kép bắt đầu từ ngày 18 Tháng Bẩy, năm nay cho đến ngày 28 Tháng Giêng năm 2025.
Cách thứ hai: Nếu không thể thực hiện được theo cách thứ nhất vì những trở ngại chính đáng như đau ốm, hay quá xa xôi, thì “ít là dành một thời gian thích hợp để hồi tâm đạo đức,” kết thúc bằng việc đọc Kinh Lạy Cha, đọc Kinh Tin Kính, và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Tôma Aquinô.
Tòa Ân giải Tối Cao minh định rằng những người già cả, bệnh tật và những người không thể đến được các nhà thờ, đền thờ hay nhà nguyện nào hiện đang được ủy thác cho Dòng Đa Minh vì bất kỳ lý do nghiêm trọng nào cũng có thể nhận được ơn toàn xá “nếu, từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi và có ý định thực hiện ba điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha càng sớm càng tốt, đồng thời tham gia một cách thiêng liêng vào các cử hành Năm Thánh trước hình ảnh của Thánh Tôma Aquinô, dâng lên Thiên Chúa nhân từ những lời cầu nguyện của họ cũng như những đau khổ và bệnh tật trong cuộc sống của họ.”
Tòa Ân Giải Tối Cao nhấn mạnh rằng Ơn Toàn Xá này cũng có thể được áp dụng “cho linh hồn của các tín hữu đã ra đi vẫn còn trong luyện ngục.”
Cha Gerard Francisco Timoner III, Bề Trên Dòng Đa Minh, viết: “Ước gì việc cử hành Năm Thánh kép trong cuộc đời của Thánh Tôma thúc đẩy chúng ta phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội với lòng sùng kính lớn lao và lòng khiêm nhường sâu xa.”
Cha Bề Trên dòng Đa Minh nhắc nhớ lại câu Thánh Tôma Aquinô nói với Thầy Reginald “đừng tìm kiếm phần thưởng nào trên thế giới này ngoại trừ việc được ở với Chúa — Domine, non nisi Te, ‘Lạy Chúa, ngoài Chúa ra, chẳng còn gì.’
3. Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh bênh vực lập trường của Đức Thánh Cha đối với cuộc chiến tại Ukraine
Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher phê bình những xuyên tạc sai trái lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cổ võ chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình cho Ukraine.
Đức Tổng Giám Mục Gallagher, người Anh, đã bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi giới thiệu bản ấn hành mới, số tháng 5 2023, với tựa đề “Các bài học Ukraine” của tạp chí Limes ở Ý, chuyên về các hoạt động ngoại giao.
Đức Tổng Giám Mục đã trình bày những điểm chính trong “lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh tại Ukraine và những giải thích người ta đưa ra về những lời nói và cử chỉ của ngài.”
Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh rằng: “Giải thích những lời nói và cử chỉ của Đức Thánh Cha như những “hành động chủ hòa trống rỗng”, một “ước muốn đạo đức trình diễn”, đó là những điều không phản ánh đúng quan điểm và chủ ý của Đức Thánh Cha, là người không muốn cam chịu chiến tranh, nhưng quyết liệt tin tưởng nơi hòa bình, mời gọi tất cả mọi người hãy trở thành những người có tinh thần sáng tạo và can đảm trong việc tìm kiếm hòa bình. Thực vậy, “Điều thúc đẩy Đức Thánh Cha không là gì khác hơn, là làm cho việc đối thoại và hòa bình trở thành điều có thể, lấy hứng khởi từ nguyên tắc “Giáo hội không được sử dụng ngôn ngữ chính trị, nhưng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Vì thế, thật là điều bất công khi định nghĩa “Những cố gắng, toan tính của Vatican là vô ích cũng như có hại, hoặc coi đó là một nỗ lực “bài Mỹ” bằng mọi giá, giống như lập trường của các đảng khuynh tả của Ý.
Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh nói thêm rằng: “Dĩ nhiên, chủ ý của Tòa Thánh không phải là nhắm mắt trước những tội ác chiến tranh từ phía quân đội và chính quyền Nga, đặt ngang hàng nhau nước gây hấn và nước bị tấn công”, vì chính Đức Thánh Cha đã nói rõ là đã phân biện giữa kẻ tấn công và người bị tấn công, với xác tín chắc chắn rằng cả thế giới đều biết rõ đó là những ai.
Cũng trong bài giới thiệu, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh rằng: “Ngày hôm nay có một số thái độ phải thay đổi để bênh vực hòa bình, trước tiên là đi ngược với xu hướng hiện nay trên thế giới, đó là cần thay đổi tiêu chuẩn coi việc tiếp tục chiến tranh như phương thế để giải quyết xung đột, hoặc dưới chiêu bài là cần thiết để tự vệ. Không thể để cho quan niệm “chẳng có thể làm được gì, không có chỗ cho lời nói, cho sự đối thoại sáng tạo và ngoại giao, cần đành chịu và chấp nhận tiếp tục những cuộc chiến tàn khốc, gieo rắc chết chóc và tàn phá.”
“Cần có những thay đổi nhỏ để có thể vượt thắng một số khuôn mẫu và mở tâm trí đối với người khác. Vì thế, xu hướng biện minh sự bất tín nhiệm đối với người khác cần phải được vượt thắng bằng một sự dấn thân mạnh mẽ hơn để kiến tạo sự tín nhiệm đối với nhau. Theo nghĩa đó, có thể là một sự trợ giúp thực sự nếu củng cố các sáng kiến nhân đạo đã có, như việc trao đổi các tù binh chiến tranh, hoặc xuất khẩu ngũ cốc, hồi hương các trẻ em, như Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã theo đuổi, theo sau sứ vụ tại Kyiv /ki-díp/ và Mạc Tư Khoa. Và Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh kết luận rằng: “Cuộc chiến tranh hiện nay phải được chấm dứt càng sớm càng tốt”.
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Chúa Nhật 16 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Quanh Năm.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”
Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13,1-23). “Gieo” là một hình ảnh rất đẹp và Chúa Giêsu dùng nó để diễn tả món quà Lời của Ngài. Chúng ta hãy tưởng tượng một hạt giống: nó nhỏ bé, hầu như không nhìn thấy được, nhưng nó làm cho cây lớn lên và đơm hoa kết trái. Lời Chúa cũng thế: hãy nghĩ đến Tin Mừng, một cuốn sách nhỏ, đơn giản và trong tầm với của tất cả mọi người, nhưng mang lại sức sống mới cho những ai đón nhận. Vì vậy, nếu Lời là hạt giống, thì chúng ta là đất: chúng ta có thể nhận được Tin Mừng hoặc không. Nhưng Chúa Giêsu, “người gieo giống tốt lành”, không mệt mỏi gieo một cách quảng đại. Ngài biết địa hình của chúng ta, Ngài biết rằng những hòn đá của sự bất nhất của chúng ta và những gai gốc trong những tật xấu của chúng ta (x. c. 21-22) có thể bóp nghẹt Lời Chúa, nhưng Ngài hy vọng, Ngài luôn hy vọng rằng chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái (x. c.. số 8).
Đây là điều Chúa làm, và đây là điều chúng ta cũng phải làm: đó là gieo không mệt mỏi. Nhưng làm thế nào để có thể làm được điều này, gieo liên tục mà không mệt mỏi sao? Chúng ta hãy đưa ra một vài ví dụ.
Trước hết là cha mẹ: họ gieo lòng tốt và niềm tin vào con cái, và họ được kêu gọi làm như vậy mà không nản lòng ngay cả khi đôi khi họ dường như không hiểu hoặc không đánh giá cao những lời dạy của họ, hoặc nếu não trạng của thế giới chống lại họ. Hạt giống tốt vẫn còn, đây mới là điều quan trọng, và nó sẽ bén rễ vào đúng thời điểm. Nhưng nếu vì mất lòng tin, họ từ bỏ việc gieo hạt và bỏ mặc con cái của mình cho thời trang và điện thoại di động, không dành thời gian cho chúng, không giáo dục chúng, thì mảnh đất màu mỡ sẽ đầy cỏ dại. Hỡi các bậc cha mẹ, đừng bao giờ mệt mỏi để gieo vào con cái của anh chị em!
Vậy chúng ta hãy nhìn vào những người trẻ: họ cũng có thể gieo Tin Mừng vào những luống cày của cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, với lời cầu nguyện: đó là một hạt giống nhỏ mà anh chị em không thể nhìn thấy, nhưng anh chị em phó thác tất cả cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu, và nhờ đó, Người có thể làm cho nó chín muồi. Nhưng tôi cũng đang nghĩ đến thời gian để cống hiến cho người khác, cho những người cần nhất: nó có vẻ lãng phí; nhưng trái lại, đó là thời gian thiêng liêng, trong khi sự thỏa mãn rõ ràng của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa khoái lạc khiến người ta trắng tay. Và tôi nghĩ đến việc học: đúng là nó mệt mỏi và không thỏa mãn ngay lập tức, giống như việc gieo hạt, nhưng là điều cần thiết để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Chúng ta đã đề cập đến cha mẹ, và giới trẻ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào những người gieo giống Tin Mừng, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân tốt dấn thân vào việc loan báo, những người sống và rao giảng Lời Chúa thường không thành công ngay lập tức. Chúng ta đừng bao giờ quên, khi chúng ta công bố Lời Chúa, ngay cả khi dường như không có gì xảy ra, thì trong thực tế, Chúa Thánh Thần đang hoạt động và vương quốc của Thiên Chúa đã phát triển nhờ và ngoài những nỗ lực của chúng ta. Vì vậy, hãy vui vẻ tiến lên, anh chị em thân mến! Chúng ta hãy nhớ đến những người đã gieo hạt giống Lời Chúa vào cuộc đời chúng ta: mỗi người chúng ta hãy nghĩ lại “đức tin của tôi đã bắt đầu như thế nào”. Có lẽ nó đã nảy mầm nhiều năm sau khi chúng ta gặp những gương sáng của họ, nhưng nó đã xảy ra nhờ có họ!
Dưới ánh sáng của tất cả những điều này, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có gieo rắc điều thiện không? Tôi chỉ quan tâm đến việc gặt hái cho mình, hay tôi cũng gieo cho người khác? Tôi có gieo hạt giống Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày: học hành, làm việc, rảnh rỗi không? Tôi có nản lòng hay giống như Chúa Giêsu, tôi tiếp tục gieo, ngay cả khi tôi không thấy kết quả ngay lập tức? Xin Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta tôn kính hôm nay là Đức Trinh Nữ Núi Cát Minh, giúp chúng ta trở thành những người gieo Tin Mừng quảng đại và vui tươi.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau.
Tôi chào các Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Tông Đồ, đang quy tụ tại Rôma để tham dự Tổng Tu Nghị.
Tôi gửi lời chào chân thành đến Cộng đồng Cenacolo, nơi đã là một chốn hiếu khách và thăng tiến con người trong bốn mươi năm qua; Tôi chúc lành cho Mẹ Elvira, giám mục của Saluzzo, và tất cả các huynh đệ đoàn và bạn bè. Những gì anh chị em làm là tốt, và thật tốt khi anh chị em tồn tại! Cảm ơn!
Tôi muốn nhắc lại rằng, tám mươi năm trước, vào ngày 19 tháng 7 năm 1943, một số khu vực của Rôma, đặc biệt là San Lorenzo, đã bị ném bom, và Đức Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Đức Piô 12, muốn đi giữa những người bị tàn phá. Thật không may, ngày nay những bi kịch này cũng được lặp lại. Sao có thể như thế được? Có phải chúng ta đã mất trí nhớ không? Xin Chúa thương xót chúng ta và giải thoát gia đình nhân loại khỏi tai họa chiến tranh. Đặc biệt, chúng ta cầu nguyện cho người dân Ukraine thân yêu, những người đang chịu nhiều đau khổ.
Tôi muốn chào và cảm ơn tất cả các giáo xứ đang thực hiện các hoạt động mùa hè với trẻ em và thanh thiếu niên – có một hoạt động rất nổi tiếng ở Vatican. Xin cám ơn các linh mục, các sơ, các hoạt náo viên và các gia đình! Trong bối cảnh này, tôi gửi đến những lời chúc tốt đẹp nhất cho lần tổ chức tiếp theo của Liên hoan phim Giffoni, nơi các nhân vật chính là thanh niên và trẻ em.
Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi: Tôi cũng sẽ cầu nguyện cho anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.