Phương pháp Tâm Vận Động

2.2. Những Kinh Nghiệm đầu tiên

Từ những ngày đầu tiên, sau khi sinh ra, trẻ em đã bộc lộ nhu cầu khám phá và tiếp thu, một cách rất tự nhiên :

  • Khi nằm trong nôi, trẻ em dùng miệng, mắt, tay, chân để khám phá, tiếp xúc với tất cả sự vật bao quanh mình.
  • Trẻ em khám phá, khi được người thân tiếp cận, va chạm, bồng ẵm và nhìn ngắm, cũng như khi có mặt ở giữa một môi trường đầy âm thanh và tiếng nói.
  • Vào lúc có khả năng đứng thẳng lên, trẻ em khám phá, khi vận động, vùng vẫy và sinh hoạt, trong một không gian càng lúc càng mở rộng ra.
  • Bao nhiêu kinh nghiệm đầu tiên ấy cho phép trẻ em dần dần khám phá và phát hiện rằng : mình đang cảm nhận những vui thích trong chính cơ thể của mình, khi mình sinh hoạt trong không gian và thời gian.
Nhằm giúp trẻ em thâu đạt những thành quả nầy, môi trường thân nhân cần cung ứng cho trẻ em những điều kiện thiết yếu sau đây :

  • Nhận biết những khả năng đang chớm nở nơi trẻ em, để khuyến khích, cổ vũ. Đồng thời, để diễn tả, bộc lộ ra ngoài nỗi niềm vui thích, sung sướng của mình, khi thấy trẻ em tăng trưởng và tiến bộ.
  • Từ từ mở rộng môi trường khám phá của trẻ em, bằng cách tạo ra những điều kiện an toàn về mặt thể lý và tình cảm. Khi làm những điều ấy, người lớn vừa coi trọng những nhu cầu thực sự của chính bản thân mình, vừa biết tôn trọng những vận tốc hiện tại của trẻ em.
  • Vừa cho phép trẻ em lặp đi lặp lại những khám phá của mình, vừa tìm cách mở rộng dần dần tầm sinh hoạt và khả năng phát triển của trẻ em.
  • Hiểu rõ về thể thức khám phá của trẻ em. Thứ nhất, đối tượng khám phá của trẻ em gồm có 5 thể loại : cơ thể của chính trẻ em, cơ thể của người khác, các đồ vật thông thường, không gian và thời gian. Thứ hai, trong khi khám phá, trẻ em vừa chủ động, vừa bị động. Nói cách khác, trẻ em vừa có quyền đưa ra những sáng kiến, vừa có quyền từ chối, làm sai, làm hư, làm hỏng… Đồng thời, trẻ em có thể đồng ý, chấp nhận người khác làm cho mình, như vuốt ve, thoa bóp…
Một cách đặc biệt, trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, người đảm trách phần vụ nuôi nấng ( thông thường là Bà Mẹ ), cần hội tụ những điều kiện và thái độ sau đây :

  • tạo an toàn, tin tưởng trong cách bồng ẵm và thiết lập quan hệ… ( Holding),
  • tôn trọng trẻ em như một chủ thể, khuyến khích trẻ em chủ động, trong cách cư xử hằng ngày ( Handling ),
  • lắng nghe và cho phép trẻ em phản hồi ( Feedback ), nhất là trong lãnh vực trương lực cơ và xúc động, để sửa sai, bổ túc, kiện toàn cách làm hằng ngày của mình,
  • thái độ liên tục ( thay vì tùy tiện, hay là không trước sau như một, khi thế nầy, khi thế khác ),
  • năng động, sáng tạo, thích ứng với những nhu cầu hiện thực của trẻ em ( thay vì siêu thích nghi, có nghĩa là áp dụng những kiến thức sách vở, lý thuyết, nguyên tắc…),
  • diễn tả nỗi niềm hứng thú và vui thích của mình, khi trao đổi với trẻ em, ( thay vì làm cho xong việc, làm cho hết bổn phận, một cách lạnh lùng, vô cảm ).
Để đào sâu hơn nữa những trọng điểm trên đây, thuộc về Tâm Lý Phát Triển của trẻ em, chúng ta cần khảo sát tác phẩm của tác giả Didier ANZIEU ( 1985 ), mang tựa đề « Da tôi chính là mình tôi ». Hai vấn đề sau đây sẽ được chúng ta học hỏi và nghiên cứu một cách tường tận :

  • Thứ nhất : Da là một loại cơ quan,
  • Thứ hai : Vai trò của Trương Lực Cơ và Xúc Dộng, trong lãnh vực tiếp xúc và trao đổi.
2.2.1 Vai trò và Tầm quan trọng của LÀN DA

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, xét về mặt diện tích. Về mặt trọng lượng, trái lại, da chiếm 20% trong cơ thể của đứa bé sơ sinh, và 14%, nơi người trưởng thành.

Thêm vào đó, da là cơ quan độc nhất trong năm giác quan, không bao giờ đóng kín cửa. Bốn cơ quan khác là miệng, lưỡi, mắt và tai. Làn da tiếp nhận mọi kích thích, và không thể chọn lọc, trừ phi khi bị đánh mê, để hạn chế chất lượng và diện tích hoạt động của cơ quan nầy.

Da đảm trách những phần vụ khác nhau như sau :

  • Bảo vệ cơ thể khỏi những loại tấn công từ bên ngoài,
  • Cảm xúc và ghi nhận những nhiệt độ, cơn đau, cũng như những loại vuốt ve. Có người đã chứng minh rằng khả năng nhạy cảm của làn da đạt mức tối đa, nơi đứa bé còn ở trong bào thai. Theo ý kiến của C. DOLTO ( 1989 ), « trẻ em, khi còn ở trong bào thai, nhất là vào giai đoạn đầu, đã nghe với làn da của mình, trước khi sử dụng một cách hữu hiệu, cơ quan thính giác, vào tam cá nguyệt cuối cùng. Da nói được là một lỗ tai thật to lớn, nơi một bào thai ».
  • Da còn là phương tiện điều hợp nhiệt độ của thân thể.
  • Da can thiệp trong vấn đề điều hợp liều lượng của các chất mỡ, nước và muối, bằng cách loại trừ, bài tiết ra ngoài, theo đường toát mồ hôi.
  • Da bảo trì trương lực cơ, bằng cách tham gia vào công việc tạo nên quân bình cho cơ thể. Bàn chân là bộ phận cung cấp tin tức cho toàn thân, khi đứa trẻ học đứng thẳng người lên.
  • Da kích thích những phần vụ của cơ thể, như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài trừ và sinh sản. Trong những trao đổi, gặp gỡ vợ chồng, chẳng hạn, những vuốt ve, xoa bóp bên ngoài có ảnh huởng quan trọng trên đời sống sinh lý.
  • Nhờ có lớp da bao bọc bên ngoài, bộ xương mới giữ vững các bắp cơ đang bám sát, hai bên cạnh.
  • Nhờ kết hợp mật thiết với hệ thần kinh ngoại vi, làn da tham dự vào vấn đề điều hành vận động của các chi thể bên ngoài, cũng như qua trung gian của các đường giây thần kinh vận mạch, làn da tác động trên các nội hạch của cơ thể.
  • Làn da cũng có khả năng ghi nhớ, với những chứng tích rõ ràng khách quan như : những vết sẹo, làn da mịn màng của người trí thức, hay là mặt da sần sùi, chai cứng của giới nông dân.
  • Làn da cũng nói, theo cách của mình, chẳng hạn như khi chúng ta đỏ mặt thẹn thùng, hay là tái nhạt vì tức giận, cũng như khi chúng ta có da thịt hồng hào, hay là mang trên mình những đường nhăn, những đường rạch, những hình vẽ…
  • Trong ngôn ngữ thường ngày, nhiều cách nói bình dân cũng bộc lộ những kiến thức trực giác về các chức năng khác nhau của làn da, như : nổi da gà, mặt mày lì lợm, mặt lạnh như đồng …


Tác giả MONTAGU đưa ra nhiều minh họa, chứng minh tầm quan trọng của làn da, nơi loài vật, cũng như nơi loài người. Chẳng hạn, trong thế giới loài vật, khi con mẹ đưa luỡi liếm con vừa mới sinh ra, đó là một hình thức kích thích rất thiết yếu, nhằm đánh thức cơ thể của con, cũng như phát huy nhiều chức năng cần thiết cho cuộc sống như : hô hấp, tuần hoàn, miễn nhiễm, đề kháng…Ngoài ra, việc « liếm con » cũng có mục đích giáo dục : tạo cho con điều kiện để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phát huy đời sống xã hội, lòng tin tưởng, cảm thức an toàn, khả năng tìm kiếm đối tượng sinh lý, khả năng nuôi con và cho con bú sau này, khi làm mẹ, cũng như sẵn sàng đảm nhiệm vai trò bảo vệ giống nòi.

Trong trường hợp không được mẹ liếm, con vật sơ sinh phải chết, nó không bú, không bài tiết, không thở, không phân biệt các mùi. Và

cuối cùng, nó không thể sống.

Tác giả MONTAGU đã liên kết hai sự kiện với nhau : việc liếm con trong thế giới loài vật, và việc đứa bé trong xã hội loài người phải được xoa bóp, đẩy ép, va chạm, trên con đường đi qua cuống tử cung và cửa mình của mẹ. Có lẽ vì thiếu những loại kích thích quan trọng nầy, trẻ em nào sinh mổ dạ con, thường gặp những khó khăn về hô hấp, tiêu hóa và bài tiết.

Tác giả MONTAGU còn nhấn mạnh thêm rằng : trong những trường hợp đặc biệt này, để bù trừ những thiếu sót, chúng ta cần sử dụng những phương tiện xoa bóp cho trẻ sơ sinh. Trong thế giới loài người, công việc tương đương với vấn đề liếm con, là những thể thức được xoa bóp, khi đứa bé sinh ra. Ngoài ra, sau lúc đã sinh ra, trẻ em còn được bồng bế, bú sữa mẹ và có những cọ xát khác, lúc được chăm nuôi. Thời gian thơ ấu của con người kéo dài lâu hơn, so với thế giới loài vật.

Tại Sénégal, đứa bé sơ sinh thừa hưởng được nhiều đặc lợi, trong địa hạt nầy.Thật đáng tiếc, khi nhiều tập tục cỗ truyền rất có giá trị bị hủy bỏ, để nhường bước cho đời sống văn minh.

Để kết thúc về vai trò và tầm quan trong của làn da, trong cuộc sống làm người, chúng ta hãy lắng nghe lời khẳng định của tác giả ANZIEU ( 1985 ) :

« Sống trung thực với chính mình, trước hết là biết mình có một làn da. Sau đó, chúng ta hãy sử dụng làn da ấy như một không gian hoặc môi trường thuận lợi, để phát huy những cảm xúc của mình ».

Chính vì ý hướng nầy, trong phần sau đây, chúng ta sẽ khảo sát những quan hệ trao đổi trực tiếp giữa cơ thể và cơ thể với nhau.