Phương pháp Tâm Vận Động

2.3 Tầm quan trọng của VUI THÍCH


Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier coi trọng vai trò của vui thích, nhất là loại vui thích được chia sẻ với nhiều người khác. Những lý do sau đây giải thích tầm quan trọng ấy :

Thứ nhất : Vui thích phát huy ý thức về mình

Một kinh nghiệm tiêu cực, khó chịu sẽ dần dần mất đi những ảnh hưởng tai hại, khi chúng ta có dịp sống lại cũng một kinh nghiệm ấy, trong một trạng thái hoàn toàn vui thích và với một quan hệ hoàn toàn tích cực,hài hòa. Nói khác đi, về phương diện năng động, một kinh nghệm vui thích phát huy nơi chúng ta, cũng như nơi trẻ em, một hình ảnh tích cực về mình. Đồng thời, cũng nhờ những kinh nghiệm vui thích ấy, chúng ta cảm nhận được rằng : cơ thể là một thực thể toàn bích, toàn diện.

Những đứa bé, lúc mới sinh ra, đang còn cảm nghiệm thân thể như một sự kết ráp của nhiều thành phần khác biệt nhau. Lúc bấy giờ, chúng nó chưa biết phân biệt một cách rõ ràng cái gì ở trong, cái gì thuộc về bên ngoài. Nhờ những kinh nghiệm vui thích được kẻ khác nhận biết và đón nhận, được lặp đi lặp lại nhiều lần, và càng ngày càng trở nên phong phú, trẻ em sẽ mở rộng ý thức về cơ thể của mình :

- Tôi chỉ có một cơ thể

Cơ thể ấy bao gồm nhiều thành phần được kết hợp chặt chẽ vào nhau,

Cơ thể của tôi tách rời và khác biệt với cơ thể của mẹ tôi,

Cơ thể của tôi vừa có bên mặt và bên trái, vứa có đằng trước và đằng sau,

Tôi có thể điều khiển cơ thể của tôi,

Tôi có thể hình dung, suy tư về cơ thể của tôi.

Thứ hai : Vui thích phát huy khả năng chấp nhận những giới hạn

Trước đây, trong chương bàn về « Năng động của vui thích », ( xem lại số 2.2.7 ), chúng tôi đã nhấn mạnh rằng : người lớn thuộc môi trường thân nhân, bắt đầu từ người mẹ, là tấm gương soi, phản chiếu cho trẻ em nhận biết về mình. Nhờ có dịp chứng kiến và chia sẻ những vui thích, mà chính người lớn đang cảm nghiệm, trẻ em sẽ từ từ có khả năng cảm nghiệm thế nào là vui thích, trong chính bản thân mình.

Hẳn thực, nhờ sống được những kinh nghiệm vui thích, chúng ta làm cho nội tâm tràn đầy những nội dung « ngon ngọt, tốt lành ». Chúng ta trở nên thoải mái và thư giản, không đóng kín mình trong những tư thế « kín cổng cao tường ». Chúng ta mở rộng lòng, sẵn sàng đón tiếp và chấp nhận trao đổi với người khác có mặt hai bên cạnh.

Một đàng, những vui thích như vậy là chất liệu cần thiết, khả dĩ tạo điều kiện cho trẻ em triển nở một cách tốt đẹp và hài hòa. Đàng khác, cũng nhờ có sẵn những vốn liếng vui thích như thế trong nội tâm, trẻ em sẽ có khả năng chấp nhận những giới hạn bên ngoài, với điều kiện là những hạn chế ấy không vượt quá sức chịu đựng hiện hữu của chúng nó.

Thứ ba : Vui thích thúc đẩy trẻ em kết dệt những quan hệ với người khác

Khi nhớ lại những kinh nghiệm vui thích, mà mình đã trải qua và thừa hưởng, trẻ em sẽ ước mong có dịp sống lại những kinh nghiệm ấy. Và chính lúc sống lại những vui thích ấy, trẻ em sẽ bộc lộ ra bên ngoài lòng hân hoan, vui thỏa và hứng khởi của mình.

  • Ví dụ 1.- Mẹ đang vắng mặt. Trẻ em ước mong mẹ trở về. Khi mẹ trở về, trẻ em bày tỏ nỗi lòng hân hoan.
  • Ví dụ 2.- Trẻ em đang được chúng ta đu đưa qua lại … Sau một hồi, chúng ta ngưng lại. Trẻ em bày tỏ ước muốn được đu đưa như trước đó. Chúng ta thỏa mãn ý muốn của trẻ em. Chúng nó reo mừng vì sung sướng


Để tìm lại những vui thích đã có mặt, tự nhiên trẻ em vận dụng trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và đồng thời thiết lập những quan hệ giao tiếp và thông đạt với những người có mặt.

Ví dụ.- Trẻ em ngồi trên một tấm nệm và được chúng ta kéo đi một vài vòng quanh phòng… Sau một hồi, chúng ta dừng lại. Nếu trẻ em muốn được kéo thêm, nó sẽ tìm cách bày tỏ ý thích của mình. Nếu người lớn không còn có mặt trong phòng, trẻ em sẽ sáng tạo những cách làm khác, để tìm lại niềm vui thích đã qua. Chẳng hạn, nó sẽ kéo con búp bê đi quanh phòng. Hay là nó sẽ yêu cầu một người bạn lớn hơn kéo mình, như cô giáo đã làm trước đây.

Nói tóm lại, để có thể sống lại một niềm vui thích đã được cảm nghiệm, trong quá khứ, trẻ em vận dụng khả năng học tập, phát huy những tương quan xã hội, bằng cách tiếp xúc với người lớn hay là trẻ em đang có mặt với mình.

Thứ bốn : Vui thích giúp trẻ em phát huy đời sống nội tâm

Khi trẻ em vui thích, chúng nó làm cho người lớn cùng vui thích với mình. Cũng vậy, khi người lớn có một cuộc sống tràn đầy vui thích và hứng khởi, họ sẽ dễ dàng tạo nên những quan hệ tích cực và tốt đẹp với trẻ em. Vui thích được so sánh như một vết dầu, có xu thế lan tràn từ người nầy qua người khác. Tiếng cười cũng có một phần vụ kích thích và lôi cuốn như vậy. Nó tạo nên một bầu khí cởi mở, với nhiều cảm giác linh động và hân hoan. Nó giảm hạ tình trạng căng thẳng của nội tâm.

Hẳn thực, sau khi sống được những hoàn cảnh vui thích, chúng ta cũng như trẻ em sẽ ước mong có dịp trở lại với những hoàn cảnh ấy. Và càng ước mong, chúng ta càng vận dụng khả năng hình dung và dự phóng, nghĩa là tìm cách làm cho những điều « vắng mặt » trở nên « có mặt ». Thể thức tạo hình ảnh như vậy còn được gọi là « vai trò tổ chức và xây dựng » ( rôle structurant ) của vui thích, trong tiến trình tăng trưởng và phát triển của trẻ em.

Theo quan điểm của BERGÈS ( 1985 ), « Vui thích, khi có mặt cũng như khi vắng mặt, đều có khả năng tạo ra hình ảnh. Những kinh nghiệm khó chịu và đau buồn, trái lại, không thể nào có một vai trò tổ chức và xây dựng như thế ».

Hẳn thực, vui thích thúc giục chúng ta tìm kiếm,sáng tạo, hoạt động. Bất mãn và khổ đau, trái lại, làm cho chúng ta trở nên tê liệt, bị động, hay là chạy trốn, khép kín mình, lặp đi lặp lại một cách máy móc, tự động một vài cử chỉ tạo an toàn.

Khi vui thích, con người diễn tả, phát biểu, sử dụng lời nói, để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ với người khác. Ngôn ngữ là phương tiện được con người sử dụng, để thiết lập quan hệ, và khẳng định sự có mặt của mình. Trái lại, khi không có vui thích, con người trở nên câm nín, buồn phiền hay là khóc lóc, đóng kín mọi cửa lòng.

Khi một trẻ em thiếu vui thích, nó trở nên phân vân, lo ngại, sống xa cách và có thái độ xua đuổi những trẻ em khác. Chúng nó từ chối, không chấp nhận vui đùa với kẻ khác.

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, chúng tôi thường cung ứng cho trẻ em nhiều loại kinh nghiệm vui thích, thuộc địa hạt giác quan và vận động. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi trình bày những cặp sinh hoạt vừa tiếp nối nhau, vừa đối kháng với nhau, như :

  • Căng thẳng - Thư giản,
  • Vui thích - Gián đọan - Trở lại Vui thích,
  • Quân bình - Mất quân bình.
Những trò chơi ấy mang tên là « Tạo lại niềm tin và an toàn cơ bản », nhằm mục tiêu giúp trẻ em vượt qua những cơn lo hãi xa xưa, đã có mặt từ những ngày đầu tiên, lúc trẻ em vừa mới sinh ra.