Như trên đã nói, trong thời gian chờ để được gia nhập Dòng Cát Minh, Edith Stein được các vị hướng dẫn tâm linh khuyến khích đi giảng thuyết và ngài đã mượn dịp này, nói và viết nhiều về phụ nữ. Sau này, Tiến sĩ Lucy Gelber và Romaeus Leuven, cùng Dòng với ngài, đã hiệu đính các bài nói và viết này và cho xuất bản thành cuốn “Các Tiểu luận về Phụ nữ”, được Freda Oben, Ph.D., dịch sang tiếng Anh, do nhà xuất bản của Viện Nghiên cứu Cátminh, ở Washington D.C. phát hành năm 1996.



Nội dung bao gồm 8 chương phản ảnh 8 bài nói chuyện hay bài viết của Edith Stein về phụ nữ.

Chương I: Các Nét Đặc trưng (ethos) về Nghề nghiệp Phụ nữ
Chương II: Các Ơn gọi Riêng biệt của Đàn ông và Đàn bà theo Bản nhiên và Ơn thánh
Chương III: Linh đạo Phụ nữ Kitô giáo
Chương IV: Các Nguyên tắc Căn bản của Nền Giáo dục Phụ nữ
Chương V: Các Vấn đề Giáo dục Phụ nữ
Chương VI: Giáo hội, Phụ nữ, và Tuổi trẻ
Chương VII: Ý nghĩa Giá trị Nội tại của Phụ nữ trong Đời sống Quốc gia
Chương VIII: Sứ mệnh của Người Phụ nữ Học thuật Công Giáo.

Theo các nhà hiệu đính, Các Tiểu luận về Phụ nữ là cuốn thứ năm trong việc xuất bản có thẩm quyền Các Công trình của Edith Stein. Cuốn này phần lớn đề cập tới việc giáo dục phụ nữ. Do đó, cần phải hiểu vai trò nhà giáo dục của Edith Stein, một vai trò, ngài đã bắt đầu đảm nhiệm lúc mới 17 tuổi. Tuy nhiên, chỉ tới năm 1916 lúc sắp kết thúc chương trình tiến sĩ, ngài mới thực sự bước vào nghề dạy học.

Dĩ nhiên ngài được thúc đẩy bởi các lý do vật chất, nhưng như chính ngài giải thích, niềm vui và ý thích dạy học còn thúc đẩy ngài nhiều hơn thế. Nhân cách ngài cộng với thiên phú dạy học bẩm sinh còn thủ đắc được nhiều nét đặc biệt khác như khả năng trực quan ngoại thường, một khả năng giúp ngài thấu hiểu một linh hồn chưa hề quen biết.

Ngài chuyên tâm vào các hoài bão bản thân của ngài nhưng cũng rất tận tụy đối với những người được trao phó cho ngài hướng dẫn. Sức mạnh ý chí của ngài bác bỏ mọi thứ nguỵ biện. Điều này tạo uy thế cho ngài và che chở ngài khỏi các hành vi tầm thường. Cùng với tất cả những điều này, Edith Stein không biết mệt mỏi, có khả năng liên tục thực hiện các công trình tri thức. Được như thế, ngài cho là nhờ khả năng tập trung nội tâm và đời sống cầu nguyện. Đúng như Thánh Newman từng chủ trương, bản nhiên và ơn thánh đã kết hợp tạo nên nhà giáo dục sáng giá Edith Stein.

Theo Edith Stein, nhà giáo dục tác động trên học trò của họ 3 cách: bằng lời giảng dạy; bằng hành vi sư phạm; và bằng gương sáng bản thân. Nhưng cả ba cách này chỉ là để khuyến khích sự tham dự bên trong của người học. Các tiềm năng của thầy có giới hạn, chỉ gây ảnh hưởng ở bên ngoài. Thầy phải cố gắng rút ra được đáp ứng từ trạng thái tinh thần khác nhau và sâu xa của trò; thầy chỉ cung ứng hướng dẫn và gúp đỡ trò. Vai trò của thầy là vai trò gián tiếp vì mọi phát triển đều là tự phát triển. Mọi huấn luyện đều là tự huấn luyện.

Edith Stein cho rằng có ba ý niệm nền tảng trong bất cứ sinh hoạt sư phạm nào: phải có một nền giáo dục hài hòa; phải có nền tảng tôn giáo cho hành động giáo dục; và phải hiểu bản chất đích thực của việc giáo dục phụ nữ.

Ý niệm hài hòa hàm nghĩa một phát triển toàn diện và cân bằng bao trùm mọi khả năng thể lý và tinh thần. Ý niệm này vốn phát xuất từ nền giáo dục Hy Lạp cổ xưa nhấn mạnh đến tỷ lệ hài hòa về thể lý và tri thức. Kitô giáo thêm vào chiều kích tâm linh khi coi con người là hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh này, trong học lý analogia entis (loại suy hữu thể) của Thánh Tôma được Edith Stein đưa vào giáo dục, coi nó như hạt giống được gieo vào linh hồn con người. Muốn cho hạt giống này phát triển, con người cần hai trợ cụ: ơn thánh và diễn trình giáo dục nhân bản.

Edith Stein coi nghề dạy học như một ơn gọi tôn giáo. Thầy cô là người trung gian giữa Thiên Chúa và người học trò. Người ta mong đợi thầy cô dẫn nhập học trò vào giáo huấn của Thiên Chúa, luật tự nhiên và sau cùng là Nước Thiên Chúa.

Tuy nhiên, lý tưởng giáo dục hài hòa phải dựa vào bản chất học trò, hay nhân cách của họ. Chính vì thế, trong lãnh vực giáo dục phụ nữ, Edith lưu tâm đến việc, trước nhất, phân tích bản chất và ơn gọi của phụ nữ.

Ngài cho rằng ơn gọi tự nhiên của phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Nhưng không phải chỉ là vợ và mẹ. Nói cho cùng làm vợ là làm người đồng hành và làm mẹ dưỡng nuôi, trông nom, và phát triển nhân tính đích thực. Như thế, vẫn có tình đồng hành và tình mẹ thiêng liêng, những thứ tình không giới hạn vào vợ hay mẹ thể lý, nhưng mở rộng tới mọi người được người đàn bà tiếp xúc với.

Thành thử, người đàn bà có thể chu toàn sứ mệnh của mình bằng 3 cách được ban cho họ do bản chất và ơn thánh và thích hợp với thiên hướng cá thể của nàng: trong hôn nhân; trong việc thực hành một chuyên nghiệp biết trân qúy việc phát triển nhân bản như sinh hoạt chuyên nghiệp cao qúy nhất của họ; và như Nàng Dâu của Chúa Kitô.

Nói về các công trình của Edith Stein về phụ nữ, các nhà hiệu đính cho rằng chúng bắt nguồn từ sinh hoạt nhà giáo của tác giả: tại trường nội trú Dòng Đaminh ở Speyer; tại Học Viện Đức về Sư Phạm Khoa Học ở Münster; trong khuôn khổ các hiệp hội Giáo viên và nhà học thuật Công Giáo.

Các trước tác này là thành quả của một kinh nghiệm lâu năm trong nghề dạy học, của một quan tâm suốt đời về thân phận phụ nữ. Hậu cảnh của chúng được tạo lập bởi các giảng khóa của Stein về hữu thể hữu hạn và vô hạn, về cơ cấu nhân vị, và về các nguyên tắc căn bản của công trình văn hóa và giáo dục.

Chúng tạo thành một nhóm gắn bó các giảng khóa và tiểu luận mà việc chuẩn bị đã giúp Stein cơ hội áp dụng các thiên phú hiếm hoi và linh hoạt cùng một lúc với tài chuyên môn của ngài. Trong các trước tác này, Edith Stein lên tiếng như một triết gia, tâm lý gia, nhà giáo dục và như người đàn bà tìm kiếm Thiên Chúa và mãn nguyện trong Người.

Các trước tác được xếp theo chủ đề, chứ không theo thứ tự thời gian; và cùng với nhau, trình bầy một tổng hợp các giảng dậy của Edith Stein về phụ nữ, quan điểm của ngài về vấn đề phụ nữ, và cả lý tưởng nữ mà chính Edith Stein mong đạt được.

Các bản chép tay được làm bởi những tờ rời thu lại được từ các đổ nát của Đan viện Cátminh ở Herkenbosch, Hoàlan. Tất cả đều không được lên mục lục. Sau một cuộc nghiên cứu các trang này theo đề mục và nhờ cuộc khảo sát có tính so sánh bài viết và chữ viết tay, thứ tự nguyên thủy của các bản chép tay đã được bảo đảm.

Chúng tôi sẽ dựa vào bản dịch tiếng Anh của Freda Oben, Ph.D. để chuyển sang Việt ngữ 4 chương đầu của tuyển tập này.

Kỳ tới: Chương Một, Các Nét Đặc Trưng (Ethos) của Nghề nghiệp Phụ nữ