III. CÁC ƠN GỌI NỮ GIỚI

Linh hồn người phụ nữ khao khát việc đào tạo nào? Câu hỏi này có liên quan đến một câu hỏi khác: Bản chất phụ nữ kêu gọi họ vào ơn gọi nào? Ở đây, chúng ta không quan tâm đến việc thu thập các dữ kiện thống kê để chứng minh các ơn gọi trong đó người phụ nữ đương thời đang dấn thân vào. (Họ đã tham gia vào gần như mọi ơn gọi này) Thay vào đó, ý hướng của chúng ta là khám phá khuynh hướng chân thực của phụ nữ. Khi làm như vậy, số liệu thống kê giúp ích rất ít. Việc trình bày các con số liên quan đến các ơn gọi đặc thù sẽ phân loại các khuynh hướng và tài năng có liên quan; ngay cả như vậy, nó chỉ có thể thông báo một cách vụng về sự thành công của các hoạt động khác nhau. Nó thậm chí còn ít cho thấy người phụ nữ đã thích nghi ra sao với nghề nghiệp, và mặt khác, có thể biến đổi nó ra sao. Ở đây, chúng ta phải tự giới hạn vào những điều mà bản chất và số phận đòi hỏi trong các ơn gọi nữ giới đích thực. Nhưng cần phải dẫn ra những thí dụ cụ thể. Do đó, chúng ta sẽ cố gắng cho thấy người phụ nữ có thể hoạt động như thế nào trong hôn nhân, trong đời sống tu trì và trong các ngành nghề khác nhau phù hợp với bản chất của họ.



Theo Sách Sáng Thế, phụ nữ được đặt bên cạnh người đàn ông để người đàn ông không cô đơn nhưng có một người trợ giúp tương xứng với họ; nàng chủ yếu sẽ hoàn thành ơn gọi của mình trong tư cách người phối ngẫu bằng việc biến các quan tâm của chàng thành của riêng mình. Thông thường, chúng ta hiểu “các quan tâm của chàng” có nghĩa là nghề nghiệp của chàng. Sự tham gia của người phụ nữ vào nghề nghiệp của chồng có thể được thực hiện nhiều cách khác nhau. Trước nhất, nàng có nhiệm vụ lên khuôn cuộc sống gia đình của họ sao cho nó không cản trở, nhưng thăng tiến công việc chuyên môn của chàng. Nếu công việc của chàng ở trong nhà, nàng phải lo sao để giữ các phiền nhiễu càng xa chàng bao nhiêu càng tốt; nếu công việc của chàng ở bên ngoài tổ ấm, nàng phải bảo đảm để ngôi nhà mang lại sự thư giãn và hồi sức thích đáng khi chàng trở về nhà. Có thể có sự tham gia tức khắc vào việc thực hiện trợ giúp trực tiếp; thực vậy, điều này thường xảy ra trong các cuộc hôn nhân hiện đại giữa những người được đào tạo chuyên môn tương tự hoặc có liên quan, hoặc ít nhất là với những người có sở thích ăn ý nhau. Trước đây, trường hợp này xảy ra ở một phạm vi lớn, nói chung là trong đời sống nông thôn nhưng cũng thường xảy ra trong các doanh nghiệp kinh doanh (nhất là ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ), trong các hộ gia đình bác sĩ, và cũng rất phổ biến ở các gia hộ của các mục sư Tin lành.

Tuy nhiên, “các quan tâm của người đàn ông” không những chỉ có ý nói đến nội dung khách quan của công việc của chàng mà còn liên quan đến việc cung cấp sinh kế của gia đình chàng nữa — “cuộc chiến giành việc sinh tồn”. Về mặt này, người vợ chủ yếu hành động như người giúp đỡ trong việc quản gia một cách khôn ngoan; hơn nữa, đây không những là nhiệm vụ kinh tế tư trong thời buổi này mà còn là một nhiệm vụ kinh tế quốc gia rất quan trọng nữa. Nhưng có lẽ thời nay nhiều hơn thời trước, cả vợ lẫn chồng đều cùng làm việc. Từ đó nảy sinh ra vấn đề khó khăn của ơn gọi kép: có nguy cơ công việc bên ngoài của nàng sẽ chiếm hết thời gian đến nỗi cuối cùng nó có thể khiến nàng không thể trở thành trái tim của gia đình và linh hồn của tổ ấm, điều luôn phải là nhiệm vụ thiết yếu của nàng.

Nhưng người phụ nữ “tương xứng” với người đàn ông trong tư cách người trợ giúp không những tham gia vào công việc của chàng; nàng còn bổ sung cho chàng, chống lại những nguy hiểm của bản chất đặc biệt nam giới của chàng. Công việc của nàng là bảo đảm bằng mọi khả năng của nàng để chàng không hoàn toàn miệt mài với công việc chuyên môn của mình, không để nhân tính của chàng trở nên còi cọc, và chàng không bỏ bê bổn phận gia đình trong tư cách người cha. Nàng sẽ có khả năng càng làm tốt hơn việc đó khi bản thân nàng càng trưởng thành hơn như một nhân cách; và điều quan yếu ở đây là nàng không đánh mất chính mình trong mối liên hệ với chồng mà trái lại, trau dồi các ơn phúc và năng lực của chính mình.

Nhiệm vụ làm mẹ của nàng liên quan mật thiết đến sứ mệnh làm người phối ngẫu của nàng, chỉ có điều ở đây nàng phải chủ yếu chăm sóc những đứa con và đưa chúng tói chỗ phát triển. Nàng phải hướng dẫn rồi dần dần rút lui để đạt được vai trò của một người bạn đồng hành, đối diện với con người trưởng thành. Một mặt, điều này đòi hỏi một năng khiếu biết thiện cảm tinh tế hơn vì cần phải thấu hiểu những thiên hướng và khả năng mà những người trẻ tuổi vẫn chưa ý thức được; nàng phải dò đường hướng tới điều mong muốn trở thành, nhưng chưa hiện hữu. Mặt khác, khả thể ảnh hưởng lại lớn hơn. Linh hồn trẻ vẫn đang trong giai đoạn đào tạo và tự phát biểu một cách dễ dàng và cởi mở hơn vì nó không đưa ra chống đối nào đối với các ảnh hưởng ở bên ngoài. Tuy nhiên, tất cả những điều này gia tăng trách nhiệm của người mẹ.

Để phát triển đến mức cao nhất nhân tính của chồng và con cái, người phụ nữ đòi phải có thái độ phục vụ quên mình. Nàng không thể coi người khác là tài sản của mình cũng như là phương tiện cho mục đích riêng của mình; ngược lại, nàng phải coi những người khác như những hồng ân được giao phó cho nàng, và nàng chỉ có thể làm như vậy khi nàng cũng coi họ như các tạo vật của Thiên Chúa mà nàng có bổn phận thánh thiêng phải chu toàn. Chắc chắn, việc phát triển bản chất do Thiên Chúa ban cho họ là một nhiệm vụ thánh thiện. Ở mức độ cao hơn nữa là sự phát triển tâm linh của họ, và chúng ta đã thấy ơn gọi siêu nhiên của người phụ nữ là khơi dậy trong tâm hồn chồng con những tia lửa tình yêu đối với Thiên Chúa, hoặc một khi đã nhen nhóm, thổi bùng chúng thành những tia sáng rực rỡ hơn. Điều này chỉ xảy ra nếu nàng cân nhắc và chuẩn bị cho mình thành công cụ của Thiên Chúa. Làm điều này thế nào sẽ được xem xét vào một lúc sau.

Sẽ không khó khi phải nhắc đến các phụ nữ trong các ngành nghề đa dạng nhất đã đạt được thành tích xuất sắc, nhưng điều này sẽ không chứng tỏ việc nghề nghiệp của họ là những ngành nghề đặc biệt dành cho nữ giới. Không phải mọi phụ nữ đều là hiện thân thuần túy của bản chất nữ giới. Các nét cá thể không đơn giản là các biến thể của bản chất nữ giới mà thường là những sáp gần lại (approximation) bản chất nam giới và do đó, là đặc tính của một nghề nghiệp không được coi là đặc biệt nữ giới. Nếu việc chăm sóc và phát triển sự sống con người và nhân tính là nghĩa vụ chuyên biệt của phụ nữ, thì những ơn gọi đặc biệt của nữ giới sẽ là những ơn gọi trong đó, các nỗ lực như thế cũng có thể thực hiện được ở bên ngoài hôn nhân. Ở đây, tôi không muốn nói đến vấn đề nội trợ vì nó không phải là vấn đề việc làm có tính nữ giới chuyên biệt, và trong nhiều khía cạnh, nó tạo ra những nhiệm vụ khác với những nhiệm vụ mà người phụ nữ của tổ ấm phải chu toàn. Điều quan trọng hơn là phải làm rõ tầm quan trọng của những nghề ở bên ngoài gia hộ, những nghề đã bị từ chối đối với phụ nữ trong một thời gian và dần dần chỉ được dành cho phụ nữ qua các đấu tranh của phong trào duy nữ.

Nghề y học hóa ra là một lĩnh vực phong phú cho hoạt động nữ giới chân chính, đặc biệt là nghề bác sĩ y khoa, bác sĩ phụ khoa và bác sĩ nhi khoa. Đã có nhiều ý kiến phản đối gay gắt việc thu nhận phụ nữ vào nghề này: một phụ nữ trẻ có thể gặp phải nhiều điều trong diễn trình học y khoa mà bình thường sẽ không để họ vướng vào; một phản đối nghiêm trọng là việc học sẽ đòi hỏi nhiều điều phi thường về sức mạnh cơ thể và năng lực thần kinh, và thực hành nghề nghiệp thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Thật vậy, thực hành nghề nghiệp đòi hỏi một thể tạng thể chất và tinh thần đặc thù, cũng như lòng nhiệt thành nghề nghiệp cần thiết cho việc đảm nhiệm những khó khăn chỉ có trong nghề nghiệp đó. Những lo âu như vậy sẽ được xóa tan khi những quy định này được tôn trọng. Tất nhiên, người ta sẽ luôn biết ơn khi bắt gặp vẻ đẹp ngây thơ, không rắc rối làm lay động chúng ta, và hoàn toàn không biết đến mặt tồi tệ của bản chất con người. Ngày nay điều đó khó có thể xảy ra, nhưng trong thời xưa có bao nhiêu phụ nữ, vốn được bảo vệ trong trắng cho tới khi kết hôn, đột nhiên bị cướp hết mọi lý tưởng của họ, một cách tàn nhẫn nhất! Về mặt này, há người ta lại không nói rằng phương thức thực tế và khách quan, khoa học vẫn là một trong những phương pháp được chấp nhận nhiều nhất, nếu không phải là phương pháp tuyệt đối tốt nhất, để làm quen với dữ kiện tự nhiên hay sao? Vì hầu hết phụ nữ buộc phải nắm vững những dữ kiện này, thì há các phụ nữ cá thể có ơn gọi và cơ hội lại không nên làm mọi hy sinh để chu toàn lời kêu gọi này và đứng về phía chị em của họ hay sao?

Kinh nghiệm cho thấy điều này từng xảy ra ở mức độ lớn. Thật là phấn khởi khi biết chắc rằng sau bất cứ sự ngờ vực ban đầu nào, phụ nữ thường thích được điều trị bởi một bác sĩ phụ nữ hơn là một bác sĩ đàn ông. Tôi tin rằng điều này được qui định không những do sự e lệ [modesty] của bệnh nhân mà còn do cách tương cảm [empathy] chuyên biệt của nữ giới vốn có nhiều hiệu quả bổ ích. Con người, đặc biệt những người tàn tật, cần thiện cảm đối với toàn bộ trạng huống của họ. Phương pháp phổ biến chuyên môn hóa hiện đại không đáp ứng được nhu cầu này trong việc điều trị một chi [limb] hoặc cơ quan trong khi không quan tâm đến những phần còn lại của người ta, mặc dù phương pháp điều trị chuyên biệt là điều thích đáng. (Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc chuyên môn hóa không phải là phương pháp tốt nhất vì hầu hết bệnh tật là bệnh tật của toàn bộ con người ngay cả khi chúng chỉ biểu hiện ở một cơ quan nào đó; bệnh nhân cần việc điều trị theo tính đặc thù cá nhân của mình như một cơ thể toàn bộ). Chống lại thủ tục trừu tượng này, thái độ chuyên biệt nữ tính hướng tới con người cụ thể và toàn bộ. Người nữ bác sĩ chỉ phải thực thi lòng can đảm bằng cách theo cảm hứng tự nhiên của mình và tự giải thoát bất cứ khi nào cần thiết khỏi các phương pháp đã học và thực hành theo quy tắc. (Tất nhiên, không nên phủ nhận rằng điều này cũng thường xảy ra với các nam bác sĩ chuyên khoa, mặc dù không phải nói chung - trong những thời kỳ trước đây, bác sĩ gia đình đã là điển hình của phương thức tổng thể này). Vấn đề không phải chỉ là phải vận động kiên nhẫn để lắng nghe nhiều điều tuyệt nhiên không liên quan đến chủ đề. Ý hướng là phải hiểu chính xác toàn bộ hoàn cảnh của con người, nhu cầu thiêng liêng thường lớn hơn nhu cầu thể xác, và can thiệp một cách hữu ích không phải chỉ bằng các phương tiện y khoa mà còn như một bà mẹ hoặc một người chị.

Quan niệm như thế, nghề y quả là một nghề bác ái thực sự và cùng thuộc về các ngành nghề xã hội khác. Những nghề này hầu hết chỉ được phát triển trong những năm gần đây, và chúng đặc biệt là những ơn gọi dành cho nữ giới cũng đúng như ơn gọi của bà nội trợ vậy. Trong tất cả những ơn gọi như vậy, điều quan trọng là những hành động thực sự có tính mẫu thân trong việc chăm sóc một “gia đình” lớn: các giáo dân, người nghèo hoặc bệnh tật của một giáo xứ nông thôn hoặc của một khu vực thị xã, các tù nhân của nhà tù, những người trẻ đang gặp nguy hiểm hoặc bị bỏ rơi. Luôn luôn có tiềm năng, và trong căn bản còn là sự cần thiết nữa, của việc hiểu biết và giúp đỡ toàn bộ con người cho dù thoạt đầu ta có thể gặp những người này để chăm sóc họ trong ốm đau cơ thể hoặc để hỗ trợ họ về mặt tài chính, hoặc cho họ lời khuyên pháp lý. Ở đây, các đòi hỏi được hưởng sức mạnh của tình yêu thậm chí còn lớn hơn trong chính gia đình của họ: vì họ vốn thiếu mối liên kết tự nhiên, số lượng người cần đến nhiều hơn và đặc biệt có những người từ khước thay vì được thu hút do thiên hướng tính cách và não trạng của họ.

Trong loại công việc này hơn là những loại công việc khác, đã có chứng cớ chứng tỏ rằng sức mạnh tâm hồn bình thường không đủ để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Nó phải được nâng đỡ bằng quyền năng và tình yêu của Chúa Kitô. Và nơi nào được nâng đỡ như vậy, nó sẽ không bao giờ chỉ dừng lại ở việc chăm sóc nhân tính tự nhiên; nhưng ngược lại, ta sẽ luôn, cùng một lúc, hướng tới mục tiêu siêu nhiên là giành lấy những con người này cho Thiên Chúa.

Chúng ta đã đề cập đến chủ đề chức nghiệp của phụ nữ như nhà giáo và nhà giáo dục trong cuộc thảo luận của chúng ta về việc giáo dục phụ nữ. Trước hết, điều này xem ra dễ dàng và dễ chịu hơn so với các chức nghiệp xã hội vì nói chung, nó liên quan đến chất thể đào tạo con người tự nhiên, và nhiệm vụ trực tiếp của nó là đào tạo trí hiểu và tinh thần. Nhưng nay, trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay, công việc của một nhà giáo và nhà giáo dục khó có thể thành công, mà ít thành công nhất là ở trong Volksschule [nền giáo dục bắt buộc](5), nếu nó không cố gắng chống lại cuộc khủng hoảng tinh thần vốn đang đè nặng lên nhiều trẻ em do các điều kiện gia đình không thể chịu đựng được. Thành thử, giáo dục đang đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng khi ảnh hưởng của nó bị cản trở bởi gia đình và các thành phần gây rối khác ở bên ngoài trường học.

Nơi nào có một cuộc sống gia đình lành mạnh và là nơi các bậc cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, thực sự chu toàn ơn gọi của mình, thì nhiệm vụ của nhà trường sẽ dễ dàng trở thành nhiệm vụ kiềm chế khôn ngoan; nhiệm vụ của nó chỉ là củng cố việc giáo dục đứa trẻ ở nhà mà thôi. Nhưng đó không phải là tình hình điển hình ngày nay. Cuộc sống gia đình bị hủy hoại càng đặt lên vai nhà trường một trọng trách lớn hơn. Do đó, đúng là ngày nay việc đào tạo một lần nữa được coi là nhiệm vụ thiết yếu của giáo dục và dạy học là một phương pháp để đạt được mục tiêu đó.

Sự xem xét trên đặt ra thách thức phải khai triển việc dạy học sao cho nó có thể đào tạo người học, đồng thời cho phép họ tự phát càng nhiều càng tốt và là điều đáng mong ước. Chắc chắn khuôn khổ giáo dục đích đáng không phải tìm đâu cũng thấy; tuy nhiên, theo chiều hướng này, việc tổ chức lại các trường học một cách thực tiễn và chương trình giảng dạy hiện tại phải được thiết lập. Hệ thống cũ đã không cổ vũ công việc giáo dục. Người ta có xu hướng biến tài liệu giảng dạy thành một bức tranh toàn cảnh có tính bách khoa gồm mọi kiến thức đương thời; việc này đã dẫn đến tình trạng quá tải thông tin; các cố gắng của cả các nhà giáo lẫn người học đều tập trung vào việc tiếp thu và truyền tải kiến thức về sự kiện.

Yếu tố bản thân trong việc giảng dạy mất dần tầm quan trọng. Các nhà giáo trở thành các chuyên gia và ít chú ý hơn đến việc tiếp xúc nhân bản và bản thân rộng rãi. Tính cách vô ngã như vậy ít thích ứng với mục tiêu giáo dục và bản chất nữ giới. Thành thử, các thay đổi hiện nay có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu của nữ học viên. Hơn nữa, việc nhận phụ nữ vào đại học giúp họ có thể tham gia vào nghề giảng dạy, điều này đã có ảnh hưởng nhất định đến việc đào tạo và giáo dục các thiếu nữ.

Trong nhiều trường hợp ngày nay, chúng ta thấy các mối liên hệ thuận lợi giữa nhà giáo và người học. Các trường nội trú luôn tạo ra những mối liên hệ kéo dài hơn thời kỳ đi học và vẫn có tính quyết định đối với đời sống. Điều này đúng cả trong các tình huống giảng dạy khác và nhiều bà mẹ sẽ rất hài lòng nếu con cái họ sẵn sàng tìm tin tưởng và hướng dẫn nơi họ như họ làm tìm tin tưởng và hướng dẫn nơi các nhà giáo. Tất nhiên, một khả thể ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy đòi hỏi trách nhiệm cao và hàm ẩn nguy cơ nghiêm trọng nếu nó rơi vào tay những nhân cách kém khả năng.

Người phụ nữ nào trông đợi vào ơn gọi của mình để hoàn thành toàn bộ cuộc sống mình sẽ gặp nguy hiểm nếu nàng trói buộc người trẻ vào chính mình một cách sai lầm. (Điều này tương tự với việc người phối ngẫu và bà mẹ cố gắng kềm kẹp gia đình của họ một cách thảm hại y hệt như thế).

Quả là tốt đẹp khi tình âu yếm tự nhiên phát triển một cách tự nhiên giữa thầy và trò. Tuy nhiên, tác động lành mạnh sẽ bị đe dọa nếu một trong hai người không lưu tâm tới tự do tri thức và tinh thần hoặc mục tiêu giáo dục trong chính nó, tức là nhân tính được phát triển hoàn hảo nhất theo chiều hướng tự nhiên và siêu nhiên. Điều này cũng chỉ có thể có được khi chức nghiệp giảng dạy được hiểu là Thiên Chúa giao phó, và nhân cách của người học được xem xét dưới ánh sáng sứ mệnh giáo dục.

Chúng ta quen thuộc với các dịch vụ của phụ nữ trong công tác thanh niên và giáo dục, cũng như phúc lợi cho người nghèo, người bệnh và những người gặp nguy hiểm. Chúng ta cũng hãy đề cập đến các phụ nữ làm việc trong cơ quan hành chính cấp cộng đồng hoặc quốc gia và trong Nghị viện như là “các bà mẹ của nhân dân”. Tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác, đều quan sát thấy hàng ngày có nhiều người tiếp xúc những người phụ nữ như vậy với những yêu cầu đa dạng nhất, hoặc trực tiếp hoặc qua thư từ; họ đang tìm kiếm các lĩnh vực đầy hứa hẹn cho công việc chân chính của phụ nữ ngoài các nhiệm vụ chính thức có sẵn ngay lập tức. Chắc chắn, có nguy cơ là người ta tìm thoả mãn cho một cái tôi tự phụ, ham muốn quyền lực hoặc tham vọng bản thân. Nhưng người ta có thể hưởng phúc nơi tay của người phụ nữ đúng đắn: nàng có thể sẵn sàng giúp người ta ngăn chặn nhiều khó khăn khác nhau và hướng dẫn đạt đến những khả thể chính đáng.

Nhưng các chức năng lập pháp và hành chính cũng đòi hỏi sự hợp tác trực tiếp của phụ nữ. Phụ nữ được cần đến để bàn luận, giải quyết và khởi xướng các luật lệ trong những vấn đề mà họ quan tâm nhất (như bảo vệ pháp lý cho phụ nữ, phúc lợi thanh niên, v.v.). Ngoài ra, quan điểm lý thuyết không phải lúc nào cũng trùng hợp với nhu cầu của con người, nhưng người phụ nữ đúng đắn biết cách nhận diện tình trạng cụ thể của con người hơn là tiến hành một cách trừu tượng và hình thức. Tất nhiên, cũng không thể bỏ qua các quan điểm chung và quan điểm chính thức, và do đó, sự hợp tác của nam giới và nữ giới có thể đặc biệt hữu hiệu ở đây.



Một nhiệm vụ to lớn, không dễ gì thực hiện được, là mô tả các thành tựu có giá trị của phụ nữ trong nghệ thuật và khoa học, cũng như cho thấy cách tiếp cận đặc biệt nữ giới có thể mang lại kết quả ra sao. Điều này không khả thi trong khuôn khổ của chúng ta. Tuy nhiên, điều tương đối đơn giản là trình bày các môn khoa học và các hình thức nghệ thuật đặc biệt phù hợp với bản chất phụ nữ. Hơn nữa, cuộc nghiên cứu đáng giá nên khảo sát xem việc xử lý hoàn toàn theo kỹ thuật các môn học đã được chấp nhận như là tiêu chuẩn sâu rộng ra sao bên trong phương pháp truyền thống. Có lẽ cuộc điều tra như vậy nên đo lường tác động của sự đóng góp của nam giới đối với việc phát triển này; ngoài ra, cả việc liệu phương thức phụ nữ có thể hoạt động, và hoạt động đầy đủ ra sao, như một sự bổ sung hữu hiệu.

Tương ứng với các lĩnh vực của môn học, cần có sự phân biệt giữa việc nghiên cứu độc đáo, công trình phụ thuộc và giảng dạy học thuật. Các thành tựu tạo thời đại của phụ nữ tương đối khan hiếm và ta có thể giải thích điều này theo bản chất của phụ nữ. Tuy nhiên, các năng khiếu nữ tính như tương cảm và thích ứng cho phép họ tham gia, hiểu và kích thích; họ hành động rất xuất sắc với vai trò phụ tá, thông dịch viên và nhà giáo.

Chắc chắn, có một loạt các chức nghiệp mà phụ nữ có thể thực hành một cách hữu hiệu, nhưng đây không phải là những hoạt động đặc biệt có tính nữ giới mà bản chất đích thực của họ đòi hỏi hoặc cho phép. Trong những chức nghiệp này— trong nhà máy, văn phòng, v.v. — điều luôn tốt cho phụ nữ là họ sẵn sàng tạm thời đứng về phía người khác: qua sự chia sẻ, giúp đỡ và cổ vũ, họ có thể duy trì được bản lĩnh phụ nữ thực sự của mình. Họ luôn có cơ hội để làm như vậy quá bên kia công việc chuyên môn — tại nơi làm việc, trong gia đình hoặc cộng đồng của họ.

Điều này đòi hỏi một sức chịu đựng [stamina] tinh thần mãnh liệt so với trạng thái thụ động của công việc máy móc hàng ngày; nhưng sức chịu đựng này, về lâu về dài sẽ mất đi nếu không được suối nguồn vĩnh cửu làm tươi mát lại. Như vậy, chúng ta có thể hiểu được việc sinh lực của phụ nữ cần bén rễ vào những cơ sở đời đời. Điều này không những đúng đối với việc thánh hiến cho Thiên Chúa bằng cách tuân giữ nghĩa vụ long trọng tham dự Thánh lễ, mà còn đúng đối với tất cả các lĩnh vực thuộc việc làm của những người phụ nữ chân chính.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét liệu đời sống tu trì có phải là một hoạt động đích thực nữ giới hay không và như thế nào. Ở đây, chúng ta không quan tâm đến hoạt động bên ngoài mà hầu hết các hội dòng trong thời gian gần đây đều lấy làm mục tiêu đặc biệt: chăm sóc người bệnh, giáo dục, v.v. Dù trong hay ngoài một dòng tu, đây không phải là những loại công việc mới của phụ nữ. Đúng hơn, chúng ta sẽ đặt câu hỏi hoạt động của các tu sĩ khác ra sao so với hoạt động của người đồng nghiệp thế tục trong chuyên nghiệp. Cũng cần được xem xét điều này là đời sống tu trì có chức năng chuyên biệt không gì sánh được trong hoạt động nữ giới: cầu nguyện và hy sinh.

Ở đây, chúng ta thấy như chân lý mọi điều đã được lời tác giả Thánh vịnh đúc kết: opera Mea regi — tất cả những gì tôi làm là làm cho Đức vua. Nữ tu đã hiến dâng bản thân và cả cuộc đời của mình cho Chúa Kitô Vua. Bằng lời thề khiết trinh của mình, trái tim và toàn bộ cuộc sống của Sơ được dâng hiến cho Người và mọi dây ràng buộc con người đều được tháo bỏ. Bởi lời thề vâng lời của mình, ý chí của Sơ bị từ bỏ: bây giờ Sơ không thể làm gì khác ngoài những gì Chúa truyền cho Sơ; Sơ phải sẵn sàng đảm nhiệm mọi công việc mà Người yêu cầu nơi Sơ, thi hành mọi điều để phụng sự Người.

Người đàn ông cũng làm tất cả những điều ấy một cách tự do với tư cách là thành viên của một dòng tu. Đây có phải là trường hợp trong đó sự khác biệt giới tính không đóng vai trò gì hay không? Hay đây là bậc sống mà người nam hoặc người nữ thích hợp hơn? Liệu ta có thể thấy sự dị biệt hóa trong việc thủ diễn thực tế? Sự phó thác hoàn toàn trọn cả con người nhất thiết phải như nhau đối với cả hai giới tính vì nó là bản chất độc nhất của đời sống tu trì. Con đường tiến tới việc hoàn thiện bản chất cá nhân là sùng kính yêu thương và phó mình cho Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu. Sự phó mình này cũng thể hiện sự thành toàn cao nhất mọi khát vọng của phụ nữ liên quan đến ơn gọi của họ. Nói một cách chính xác, đó là sự thành toàn cao nhất của ơn gọi làm người của chúng ta; nhưng điều này được người phụ nữ cảm nhận một cách sống động hơn và trực tiếp hơn vì nó phù hợp với bản chất chuyên biệt của họ.

Về phương diện này, có thể nói cùng một thái độ căn bản của người đàn ông quyết định phó mình cho Thiên Chúa và mưu tìm sự hoàn thiện làm đường đi và ý nghĩa cho cuộc sống giống như thái độ của người phụ nữ. Bản chất nam giới không nhất thiết phải bộc lộ bởi điều này ngoại trừ một số kiểu nam tính nào đó giống với phụ nữ. Đúng hơn, điều này dường như cho thấy một sự mở rộng hướng tới nhân tính trọn vẹn vượt quá các giới hạn của nam tính.

Điều nhất thiết phát xuất từ tình yêu phu thê (bridal) dành cho Chúa Kitô cũng tương tự đối với cả hai giới: biến công việc của Người thành công việc của riêng mình; trước hết, điều này có nghĩa người ta bị lôi cuốn vào tình yêu thần linh. Được thúc đẩy bởi tình yêu của Người và thực hiện thiên chức mẹ thiêng liêng, người ta cố gắng thu phục con người cho Thiên Chúa, mang Người vào các linh hồn, sinh sản và bảo quản con cái của Người. Điều này đôi khi có thể xảy ra qua lời giảng dạy, cử hành các bí tích, linh hướng trực tiếp— phương cách độc đáo của linh mục — hoặc qua lời cầu nguyện và dâng hiến.

Nhưng cùng với những khía cạnh chủ yếu có tính nữ giới trong tinh thần người tu sĩ, có những khía cạnh khác có thể được coi là đặc biệt thuộc nam tính. Phó mình cho Thiên Chúa đồng thời là một việc từ bỏ mình đầy yêu thương và một sự vâng lời ngoan ngoãn. Nó có nghĩa là bước đi trong việc phục vụ Chúa. Đây có thể là hành động như người ủy nhiệm của Người, ra lệnh, dạy dỗ, hướng dẫn nhân danh Người. Muốn biến các giáo huấn của Thiên Chúa thành của riêng mình không những chỉ là giành được phần nào tình yêu thương của Người; nó còn có nghĩa: phải chiến đấu chống lại kẻ thù của Người cho vương quốc của Người. Tất cả những điều này tương ứng với bản chất nam giới; và, bao lâu điều này cũng được thể hiện trong cuộc đời của người phụ nữ được thánh hiến cho Thiên Chúa, cũng có thể nói về họ rằng họ xem ra giống hình thái nam hoặc vượt quá giới hạn của chính họ. Thông thường, người ta có thể giải quyết vấn đề một cách tốt nhất theo cách sau: với đan sĩ hay tu sĩ, loại hình “Chúa Kitô khác” chiếm ưu thế; với nữ tu, loại hình đó là “Người phối ngẫu của Chúa Kitô”.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu xem liệu đây có phải là việc chưa đạt được lý tưởng hay không hay liệu có sự phân giới chính yếu nào hay không. Để bắt đầu, đây chỉ là vấn đề chứng minh rằng chúng ta có thể coi đặc điểm đặc thù của đời sống tu trì như là phù hợp với việc làm của người phụ nữ chân chính.

Còn tiếp