Tiểu luận II: Các Ơn gọi Riêng biệt của Đàn ông và Đàn bà Theo Bản nhiên và Ơn thánh

Theo các nhà chú giải, năm 1931, Edith Stein tiến hành một vòng diễn thuyết tại khu kỹ nghệ Westphalian thuộc Rhineland. Vòng diễn thuyết này do Hiệp Hội Các Nhà Học Thuật tổ chức tại phòng họp lớn của trường dòng Ursuline ở Aachen ngày 30 tháng Mười, năm 1931; chủ đề của bà là “Các Ơn gọi Riêng biệt của Đàn ông và Đàn bà Theo Bản nhiên và Ơn thánh”.



Trong cách sử dụng hàng ngày, hạn từ dùng hơi nhàm "ơn gọi [vocation]" giữ được rất ít ý nghĩa ban đầu của nó. Khi các bạn trẻ sắp tốt nghiệp Đại Học, người ta tự hỏi không biết họ nên theo đuổi nghề gì; câu hỏi liệu phụ nữ có nên bước vào cuộc sống chuyên nghiệp hay ở nhà đã gây tranh cãi trong một thời gian. Ở đây, thuật ngữ chỉ nghề nghiệp không có nghĩa nhiều hơn việc làm có lợi nhuận [gain]. Ý nghĩa ban đầu của hạn từ này chỉ tồn tại trong những ám chỉ cụ thể, tức là khi người ta nói rằng một người đã bỏ lỡ ơn gọi của mình hoặc khi người ta nói về ơn gọi tu trì. Những thành ngữ này biểu thị rằng ơn gọi là một điều mà một người phải được kêu gọi gia nhập.

Tuy nhiên, được kêu gọi có nghĩa gì? Lời kêu gọi phải được gửi từ ai đó, đến ai đó, vì một điều gì đó một cách khác biệt. Chúng ta nói rằng một học giả đã được bổ nhiệm vào một ghế giáo sư. Đề nghị bắt đầu tại một định chế qua một trường liên hệ; nó được gửi đến một người xem ra được kêu gọi vì khả năng và trình độ học thức mà họ đáng được gọi, tức là, để làm việc như một học giả và một giáo sư. Đề nghị được thực hiện cho họ bằng một lời mời trong các hình thức ngôn ngữ được quy định hoặc thông thường. Chắc chắn tôi đã sử dụng một cách diễn đạt đặc biệt ở đây: "họ được kêu gọi vào điều họ dường như được gọi vào". Theo đó, việc bổ nhiệm bởi một định chế nhân bản rõ ràng đã giả định một kêu gọi khác mà những người này tin rằng đã được công nhận và do đó tuyên bố "được mời gọi qua khả năng và trình độ học vấn". Bản thân họ và nhiều người khác đã làm việc hướng tới việc đào tạo của họ, một cách tự nguyện và không tự nguyện; nhưng nó phát triển trên cơ sở khả năng của họ theo nghĩa sâu nhất của hạn từ này - tất cả những thiên phú mà họ đã được thừa hưởng. Do đó, lời mời gọi của họ, cũng như ơn gọi của họ - nghĩa là, các công trình và sáng tạo của họ mà họ được định cho – đã được quy định trong bản chất con người; đường đời làm nó sinh hoa kết trái và làm nó có thể được thừa nhận đối với người khác để những người này có thể tuyên bố việc mời gọi trong đó họ có thể sung sướng tìm được vị thế của mình ở trên đời. Nhưng bản chất của người này và đường đời của họ không phải là hồng phúc hay trò may rủi mà —nhìn bằng con mắt đức tin — là công trình của Thiên Chúa. Và do đó, cuối cùng, chính Thiên Chúa là Đấng kêu gọi. Chính Người là người kêu gọi mỗi con người đến với điều mà toàn thể nhân loại được kêu gọi, chính Người kêu gọi mỗi cá nhân đến với điều họ được đích thân kêu gọi, và trên hết, Người kêu gọi người đàn ông và người đàn bà vào một điều chuyên biệt như tựa đề bài diễn từ này đã chỉ rõ. Điều mà người đàn ông và người đàn bà được kêu gọi tới dường như không dễ dàng nhận ra, vì nó vốn là một chủ đề gây tranh cãi trong một thời gian. Tuy nhiên, có nhiều cách qua đó, chúng ta nhận được lời kêu gọi này: Chính Thiên Chúa đã tuyên bố điều đó bằng lời lẽ của Cựu ước và Tân ước; nó được khắc ghi trong bản chất của người nam và người nữ; lịch sử làm sáng tỏ vấn đề này cho chúng ta; cuối cùng, nhu cầu của thời đại chúng ta tuyên bố một thông điệp khẩn cấp. Một kết cấu đa dạng được trình bày, nhưng thiết kế không quá phức tạp đến nỗi chúng ta không thể tách biệt một vài đường hướng rõ ràng ngay bên trong nó bằng cách xem xét nó một cách rõ ràng và khách quan. Vì vậy, chúng ta có thể cố gắng trả lời câu hỏi: người nam và người nữ được kêu gọi tới điều gì?

I.Đoạn Kinh Thánh đầu tiên liên quan đến loài người gán một ơn gọi chung cho cả nam lẫn nữ.

“ 'Chúng ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh của chúng ta, theo họa ảnh của chúng ta, và để họ làm chủ cá biển, chim trời trên khắp mặt đất và tất cả các loài thú bò trên đất' [1] Và Thiên Chúa đã tạo ra Con người theo hình ảnh của chính Người, Người đã dựng nên họ giống như hình ảnh của Thiên Chúa, Người dựng nên họ có nam có nữ (2). Và Thiên Chúa đã chúc phúc cho họ và phán ‘Hay sinh sôi và hóa ra nhiều, hãy tràn đầy mặt đất và chinh phục nó, và hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi tạo vật di chuyển trên mặt đất' ” (3).

Vì vậy, trong câu chuyện đầu tiên về sự sáng tạo ra con người, sự khác biệt giữa nam và nữ ngay lập tức được công bố. Nhưng một cách hỗ tương, họ được ban cho ba ơn gọi: họ phải là hình ảnh của Thiên Chúa, phát sinh ra hậu thế và làm chủ trái đất. Ở đây không nói rằng ba ơn gọi này được thực hiện theo những cách khác nhau giữa người nam và người nữ; tốt nhất, điều này ngụ ý trong trích dẫn đã được trích về sự tách biệt giới tính.

Trình thuật thứ hai của Sách Sáng thế đề cập sâu rộng hơn đến việc tạo dựng con người, làm sáng tỏ vấn đề xa hơn một chút. Nó liên quan đến việc tạo ra Ađam, vị trí của ông trong “thiên đường phúc lạc” để vun xới và bảo tồn nó, và cách trong đó các loài động vật được mang đến cho ông và nhận tên của chúng từ ông (4). “Nhưng không tìm thấy người bạn trợ giúp nào tương ứng với ông cho Ađam” (5).

Cách phát biểu bằng tiếng Do Thái được sử dụng trong đoạn văn này hầu như không thể dịch được (6) — Eser kenegdo — nghĩa đen có nghĩa là “người trợ giúp như thể đối diện với anh ta”. Ở đây người ta có thể nghĩ tới một tấm gương trong đó người đàn ông có thể nhìn thấy bản chất của chính mình. Các dịch giả khi nói tới một “người trợ giúp xứng hợp với anh ta” tri nhận nó theo cách này. Nhưng người ta cũng có thể nghĩ tới một đối tác, một người đối xứng [pendant], đến nỗi, thực sự, họ giống nhau, nhưng không hoàn toàn, mà đúng hơn, chúng bổ túc cho nhau như bàn tay này bổ túc cho bàn tay kia. "Và Thiên Chúa phán ‘Thật không tốt khi con người ở một mình. Ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp xứng hợp nó”. Và Chúa đã làm cho Ađam đắm chìm vào giấc ngủ và lấy của anh ta một trong những xương sườn của anh ta và từ đó, tạo nên một người phụ nữ, và Người dẫn nàng đến với Ađam. “Lúc ấy, Ađam tuyên bố,‘Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì nàng đã được lấy ra từ đàn ông” (7). Đó là lý do tại sao người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình mà theo vợ và cả hai trở nên một thân xác (8). Bây giờ cả hai đều trần truồng, Ađam và vợ anh ta, nhưng họ không cảm thấy xấu hổ" (9) Một tính ưu việt nào đó được xác định nơi người đàn ông được tạo ra đầu tiên ấy. Một lần nữa, chính nhờ lời Thiên Chúa mà chúng ta hiểu tại sao người đàn ông ở một mình không tốt. Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của chính Người. Nhưng Thiên Chúa là ba trong một; và cũng như Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con, thì người phụ nữ cũng phát xuất từ người đàn ông và hậu thế phát xuất từ cả hai người. Và hơn thế nữa, Thiên Chúa là tình yêu. Nhưng phải có ít nhất hai người để tình yêu hiện hữu (như chúng ta được Thánh Grêgôriô kể lại trong bài giảng của ngài về sứ mệnh của các môn đệ được phái đi từng hai người một).

Ở đây, vấn đề không phải là quyền cao [sovereignty] của đàn ông đối với phụ nữ. Nàng được mệnh danh là người bạn đồng hành và là người bạn trợ giúp, và có lời nói về người đàn ông là họ sẽ bám lấy nàng và cả hai sẽ trở thành một xương thịt. Điều này có nghĩa chúng ta phải coi cuộc sống của cặp đôi nhân bản ban đầu như một cộng đồng tình yêu mật thiết nhất, các khả năng của họ đã hòa hợp hoàn hảo như trong một hữu thể đơn nhất; tương tự như vậy, trước cuộc Sa Ngã, mọi cơ năng trong mỗi cá nhân đều hòa hợp hoàn hảo, các giác quan và tinh thần trong mối liên hệ đúng đắn và không có khả thể xảy ra xung đột. Vì lý do này, họ cũng không có khả năng khao khát nhau một cách vô trật tự. Điều này đã được mạc khải trong câu "Họ đã trần truồng nhưng không xấu hổ".

Kế hoạch của Thiên Chúa dường như đã thay đổi trong yếu tính sau cuộc Sa Ngã đối với loài người và ơn gọi của con người. Bà Evà đã để cho mình bị tên cám dỗ gài bẫy và cũng đã lôi kéo người đàn ông phạm tội. Ađam đầu tiên được gọi để giải thích. Ông đổ lỗi cho người phụ nữ: "Người phụ nữ mà Chúa đã ban cho tôi làm bạn đồng hành - nàng đã cho tôi ăn từ cây và tôi đã ăn" (10). Đồng thời, nghe giống như một lời trách móc đối với Thiên Chúa. Ađam đầu tiên bây giờ buộc phải chịu trách nhiệm: cớ để cáo lỗi của ông không được chấp nhận. “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra (11). Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng (12). Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (13). Sự bất tuân của Ađam bị trừng phạt bởi việc mất chủ quyền không ai tranh cãi của mình đối với trái đất và việc sẵn sàng các sinh vật thấp hơn phục vụ, bởi cuộc đấu tranh gay gắt với chúng vì bánh cơm hàng ngày của mình, bởi khó khăn của việc lao động của mình và phần thưởng thảm hại của nó.

Một phán xét khác đã được đưa ra cho người phụ nữ: “… Ta sẽ nhân thừa các khó khăn trong các lần thai nghén của ngươi; ngươi sẽ sinh con trong đau đớn và ở dưới quyền hành của chồng ngươi và nó sẽ cai trị ngươi” (14). Chúng ta không biết phước lành sinh sản đã được chu toàn ra sao trong nhân loại trước cuộc Sa Ngã. Cơn đau đẻ của phụ nữ khi sinh con và cuộc đấu tranh giành sự sống của đàn ông là kết quả của cuộc Sa Ngã. Người phụ nữ bị trừng phạt thêm bằng cách phải phục tùng người đàn ông. Việc người đàn ông không phải là ông chủ tốt có thể thấy trong mưu toan chuyển trách nhiệm tội lỗi từ bản thân ông sang cho vợ mình. Cộng đồng của tình yêu thanh thản đã kết thúc. Nhưng một điều khác gì đó đã xuất hiện mà trước đây họ không biết; họ nhận ra họ trần truồng và họ xấu hổ. Họ đã cố gắng che giấu sự trần truồng của mình và Thiên Chúa đã cung cấp cho họ: “Và Chúa là Thiên Chúa đã làm áo choàng từ da cho vợ chồng Ađam và mặc cho họ” (15) Tư dục đã thức tỉnh trong họ, và điều trở nên cần thiết là bảo vệ họ khỏi nó.

Do đó, đã có một sự thay đổi trong mối liên hệ của con người với trái đất, với con cháu của họ và với nhau. Nhưng tất cả những điều này là kết quả của một mối liên hệ đã thay đổi với Thiên Chúa. Câu chuyện về tạo dựng và cuộc Sa Ngã của con người chứa đầy những mầu nhiệm không thể giải quyết ở đây. Nhưng quả thực không phải là tự phụ khi thảo luận về một số câu hỏi đặt ra và cố gắng trả lời chúng. Tại sao lại cấm ăn cây nhận thức? Người đàn bà ăn loại trái cây nào và đưa cho chồng cùng ăn? Và tại sao kẻ cám dỗ lại tiếp cận người phụ nữ trước? Tất nhiên, người đàn ông hiển nhiên không phải là không có nhận thức trước cuộc Sa Ngã — vì ông là người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa, là người đặt tên cho tất cả các tạo vật sống động và là người được kêu gọi thống trị trái đất. Đúng hơn, một nhận thức hoàn hảo hơn nhiều có thể dành cho họ trước hơn là sau cuộc Sa Ngã. Vì vậy, một nhận thức chuyên biệt mới là điểm được đề cập. Ma quỷ thực sự nói tới việc điều thiện điều ác. Bây giờ, cũng không nên giả định rằng người đàn ông thiếu nhận thức điều tốt trước cuộc Sa Ngã. Ađam và Evà có nhận thức hoàn hảo hơn về Thiên Chúa, nghĩa là một nhận thức hoàn hảo hơn về điều tốt nhất và từ đó, về mọi điều tốt đặc thù. Nhưng không nghi ngờ gì là họ phải được giữ khỏi sự hiểu biết về điều ác mà người ta có được khi làm điều đó.

Hậu quả trực tiếp của tội nguyên tổ cho ta manh mối về những gì họ có thể phải chịu trách nhiệm: hậu quả là người nam và người nữ đã nhìn nhau bằng con mắt khác với họ trước đây; họ đã đánh mất sự vô tội trong việc trao đổi với nhau. Vì vậy, tội lỗi đầu tiên có thể không những chỉ được coi như một tội lỗi hoàn toàn có hình thức bất tuân Thiên Chúa. Mà đúng hơn, nó ngụ ý một hành động nhất định đã bị cấm và được con rắn trình bầy một cách quyến rũ với người phụ nữ và rồi người phụ nữ trình bầy với người đàn ông. Thật vậy, hành động vi phạm rất có thể là một cách kết hợp khác với trật tự ban đầu. Nhưng việc kẻ cám dỗ trước tiên cám dỗ người phụ nữ có thể cho thấy nó có đường dễ dàng hơn để tiếp cận họ, không hẳn vì người phụ nữ dễ bị lôi kéo vào điều ác hơn (quả thật, cả Ađam và Evà, lúc ấy, vẫn không có khuynh hướng làm điều ác), mà là vì bản chất của chính việc cám dỗ có ý nghĩa lớn hơn đối với họ. Ngay từ đầu, đã có dự định để cuộc sống của người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều hơn bởi việc sinh sản và giáo dục hậu duệ. Sự khác biệt của hình phạt đối với người nam và người nữ cũng cho thấy điều đó.

Theo bản văn Kinh thánh, sự mất sự sống của chính họ dường như gắn liền với việc bị trục xuất khỏi Địa đàng: Chúa tuyên bố một lời với Ađam, lời mà với nó Người đe dọa ông ngay từ đầu như một hình phạt cho sự bất tuân: cái chết. Nhưng trước cuộc trục xuất, Thiên Chúa cũng đã thốt ra một lời hứa trong lời phán xét dành cho con rắn: “Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người đàn bà, con cái ngươi và con cái nàng; con cháu nàng sẽ giẫm lên đầu ngươi, và con cái ngươi sẽ nằm dưới gót chân của họ” (16). Các thuật ngữ “người đàn bà” và “con cái” chỉ Mẹ Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc. Tuy nhiên, điều này không loại bỏ ý nghĩa khác; người phụ nữ đầu tiên mà Ađam đặt cho cái tên “mẹ của tất cả các tạo vật sống”, cũng như tất cả những người đến sau nàng đã được giao một nhiệm vụ đặc thù là đấu tranh chống sự ác và chuẩn bị cho cuộc phục hồi sự sống tâm linh. "Chúa đã cho tôi một đứa con trai," Evà nói như thế khi nàng sinh đứa con đầu lòng. Điều đó nghe như thể nàng nhận thức được một phước lành được ban cho nàng trong con người của con trai. Và sau này, các phụ nữ Do Thái cũng nhìn nhận ơn gọi của họ theo cách này: sinh ra những người con mong thấy ngày cứu độ.

Như thế, một mối ràng buộc đặc biệt được thiết lập giữa cuộc Sa Ngã và việc Cứu chuộc, và đây đó các sự kiện tương ứng một cách đáng kể. Vì phụ nữ là người đầu tiên bị cám dỗ, nên thông điệp ân sủng của Thiên Chúa cũng đến với một người phụ nữ trước tiên và mỗi lần sự đồng ý của người phụ nữ sẽ quyết định số phận của nhân loại nói chung. Trong vương quốc mới của Thiên Chúa, vai trò của cặp đôi nhân bản đã thay đổi; nó đã trở thành mối liên hệ của người mẹ và con trai. Con Thiên Chúa là Con Người qua mẹ mình nhưng không qua cha phàm nhân. Con trai của Thiên Chúa không chọn cách truyền giống thông thường của con người để trở thành Con Người. Há chúng ta không thể thấy ở đây một dấu hiệu cho thấy có một thiếu sót cố hữu trong cách sinh sản này từ tội lỗi đầu tiên, mà chỉ có thể được cứu chuộc bởi vương quốc ơn thánh đó sao? Ngoài ra, há nó không cho thấy sự cao quý của tình mẫu tử như là sự kết hợp tinh khiết nhất và cao cả nhất của con người đó sao? Sự phân biệt về giới tính nữ là sự phân biệt này: phụ nữ là người được phép giúp thiết lập vương quốc mới của Thiên Chúa; Sự phân biệt giới tính nam là sự cứu chuộc đến qua Con Người, tức Ađam mới. Và ở đó, thứ hạng ưu tiên của người đàn ông lại được thể hiện.

Chúa đã tuyên bố rõ ràng rằng vương quốc mới của Thiên Chúa sẽ mang lại một trật tự mới trong mối liên hệ giữa hai giới, nghĩa là nó sẽ chấm dứt các mối liên hệ do cuộc Sa Ngã gây ra và sẽ khôi phục lại trật tự ban đầu (17). Đối với câu hỏi của người Biệt phái là người chồng có được phép ly dị vợ không, Chúa Giêsu trả lời: “Môsê cho phép các ông làm như vậy vì lòng dạ chai đá của các ông. Nhưng ngay từ đầu, không phải như vậy”. Và Người khiển trách họ bằng đoạn văn trình thuật việc tạo dựng: họ sẽ là hai trong một xác thịt. Và Người đặt ra điều răn của Giao Ước Mới: "Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Nhưng, hơn thế nữa, Người thiết lập lý tưởng đồng trinh như một điều hoàn toàn mới mẻ, vì nó được đặt trước chúng ta bởi mẫu gương sống động của Trinh Nữ-Mẹ và chính Chúa.

Các bức thư của Thánh Phaolô chứa đựng những nhận xét chi tiết nhất về mối liên hệ giữa người nam và người nữ. Đoạn Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, được thảo luận nhiều, viết: “Tuy nhiên, điều tôi muốn anh em hiểu là: Chúa Kitô là đầu của mọi người, nhưng người nam là đầu của người nữ, và Thiên Chúa là đầu của Chúa Kitô. Bất cứ người đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri với cái đầu bị che của mình sẽ tỏ sự bất kính với cái đầu của mình (18). Nhưng bất cứ người đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà không che đầu là nhục mạ cái đầu của mính; lúc ấy như thể tóc của họ bị cạo sạch.… (19). Người đàn ông không nên trùm đầu, vì đó là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa, nhưng đàn bà là vinh quang của đàn ông (20). Vì đàn ông không phát xuất từ đàn bà, nhưng đàn bà phát xuất từ đàn ông” (21). Vì đàn ông không được tạo dựng vì đàn bà nhưng đàn bà được tạo dựng vì đàn ông (22). Nhưng trong Chúa, đàn ông không độc lập với đàn bà mà đàn bà cũng không độc lập với đàn ông” (23). Chúng ta không nên bị coi là thiếu tôn trọng đối với Thánh Tông đồ nếu chúng ta gợi ý ở đây rằng trong giáo huấn này dành cho người Côrintô, có sự lẫn lộn đối với các khía cạnh thần linh và nhân bản, tức thời và vĩnh cửu. Khăn trùm đầu và quần áo là những vấn đề thuộc thời trang, khi ngay cả Thánh Phaolô cũng đã nói ở phần cuối của đoạn văn: “Nhưng bất cứ ai vẫn còn xu hướng tranh luận đều biết rằng chúng ta không có phong tục như vậy và các Giáo Hội của Thiên Chúa cũng vậy” (24). Nếu phán quyết này liên quan đến quần áo được phụ nữ Côrintô mặc để thờ phượng nơi công cộng có giá trị ràng buộc đối với cộng đồng mà ngài đã thành lập, điều đó không có nghĩa là nó cũng có tính ràng buộc đối với mọi thời đại.

Những gì ngài nói về mối liên hệ chính giữa nam và nữ phải được lượng giá cách khác nhau, vì nó được đưa ra nhằm giải thích trật tự thần linh trong việc tạo dựng và cứu chuộc.

Đàn ông và đàn bà được định sẵn để sống một cuộc đời với nhau như một hữu thể đơn nhất. Nhưng vai trò lãnh đạo trong cộng đồng sự sống này là thích hợp với người đàn ông trong tư cách là người được tạo ra đầu tiên. Tuy nhiên, theo cách diễn giải của Thánh Phaolô, người ta có ấn tượng trật tự ban đầu và trật tự cứu chuộc không được giải thích một cách xác thực; ngược lại, khi nhấn mạnh đến cao quyền của người đàn ông trong mối liên hệ, và một cách tuyệt đối trong việc ngài thừa nhận vai trò của người đàn ông như người trung gian giữa Chúa Cứu Thế và phụ nữ, cách giải thích này vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi trật tự của bản chất sa ngã. Cả trình thuật về sự tạo dựng lẫn Tin Mừng đều không ám chỉ đến mối liên hệ gián tiếp như vậy với Thiên Chúa. Nhưng nó thực sự được tìm thấy trong luật Môsê và nền công lý Rôma. Tuy nhiên, chính Thánh Tông đồ cũng biết một trật tự khác được ngài nói đến trong cùng một Thư gửi tín hữu Côrintô khi ngài thảo luận về hôn nhân và đức khiết trinh: “Người chồng không tin được thánh hóa bởi người vợ tin…” và “này bà vợ, làm sao bà biết bà sẽ không mang chồng bà đến ơn cứu rỗi…? ” (25). Điều này phù hợp với Tin Mừng, là tin vốn dạy rằng mọi linh hồn đều được Chúa Kitô giành cho sự sống, và mọi người được nên công chính nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô, dù là nam hay nữ, đều được kêu gọi làm trung gian.

Mối liên hệ đàn ông đàn bà thậm chí còn được xử lý đầy đủ hơn trong Thư gửi tín hữu Êphêsô (26) (5:22tt). “Các bà vợ nên phục tùng chồng như phục tùng Chúa, vì người đàn ông là đầu của vợ cũng như Chúa Kitô là đầu của Giáo Hội Người, là Đấng cứu rỗi của thân thể Người (27) (5:22-23). Nhưng cũng như Giáo Hội phục tùng Chúa Kitô thế nào thì phụ nữ cũng nên phục tùng chồng mình trong mọi sự như thế (28) (5:24). Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình Người cho Giáo Hội (29) (5:25) để làm cho Giáo Hội trở nên thánh thiện, thanh tẩy Giáo Hội bằng nước và lời ban sự sống (30) (5:26) để trước mặt Người có một Hội Thánh vinh hiển, không bị tì vết hay vết nhăn hay bất cứ điều gì tương tự, nhưng đúng hơn để Giáo Hội thánh thiện và tinh tuyền (31) (5:27). Nên đàn ông cũng nên yêu vợ như chính thân thể của mình. Ai yêu vợ thì yêu chính mình (32( (5:28) Vì chưa bao giờ có ai ghét chính thân xác mình nhưng giữ gìn và chăm sóc nó như Chúa Kitô làm cho Giáo Hội (33) (5:29). Vì chúng ta là chi thể của thân thể Người, là thịt xương Người (34) (5:30). Vì lý do này, người đàn ông sẽ rời bỏ cha mẹ mình và sẽ bám lấy vợ mình; và cả hai sẽ nên một xương một thị (35) (5:31) Nhưng đây là một mầu nhiệm lớn lao. Tôi muốn nói về Chúa Kitô và Giáo hội (36) (5:32). Tuy nhiên, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ mình như chính mình; nhưng đàn bà phải kính sợ chồng mình” (37). Đoạn này giải thích điều khái niệm Kitô giáo về hôn nhân phải nên như thế nào. Mặc dù chính Chúa từng nhấn mạnh tính bất khả phân ly của hôn nhân và sự hợp nhất của đôi vợ chồng trong một thân xác, sự hiệp nhất này được định nghĩa chặt chẽ hơn ở đây.

Cũng như trong một sinh vật đơn nhất, tất cả các chi đều do người đứng đầu cai trị, do đó duy trì sự hài hòa của toàn bộ hữu thể thế nào, thì cũng cần phải có một người đứng đầu trong cơ thể mở rộng hơn như vậy; và trong một cơ thể lành mạnh không thể có sự tranh cãi nào liên quan đến phần nào là đầu và phần nào là các chi thể và chức năng của cả hai là gì. Nhưng không được quên rằng đó là một vấn đề của một mối liên hệ tượng trưng. Cả hình ảnh của Chúa Kitô và Giáo hội đều nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ này. Chúa Kitô là đầu của chúng ta và sự sống thần linh của Người tràn ngập qua chúng ta, các chi thể của Người, nếu chúng ta tuân theo Người trong yêu thương và chúng ta phục tùng Người trong vâng lời. Người đứng đầu là Thiên Chúa Nhập thể, Đấng có sự hiện hữu tự lập của Người bên ngoài Nhiệm thể của Người. Các chi thể có hữu thể cá nhân của họ như những tạo vật tự do và hữu lý, và Nhiệm thể phát xuất từ tình yêu của đầu và sự sẵn sàng phục tùng của các chi thể. Các chức năng, tiến hành từ mỗi chi thể của Nhiệm thể, được chỉ định cho chi thể dựa vào các ơn phúc của mỗi người, ơn phúc yêu thương và linh đạo; sự khôn ngoan của đầu là sử dụng các chi thể theo các năng khiếu của họ; nhưng sức mạnh thần linh của đầu là cung cấp cho mỗi chi thể cá nhân những năng khiếu có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ cơ thể. Và mục đích của toàn bộ thân thể này, tức Nhiệm thể Chúa Kitô, là mỗi chi thể cá nhân — thực sự là toàn vẹn hữu thể nhân bản với thân xác và linh hồn — đạt được sự cứu rỗi viên mãn và chức phận con cái Thiên Chúa, và tôn vinh theo cách riêng của mình toàn bộ thân thể, tức hiệp thông các thánh.

Nếu người đàn ông phải là người lãnh đạo, (“là đầu”) của vợ mình - và chúng ta có thể nói thêm một cách thích đáng, tương tự như vậy, là đầu của cả gia đình - theo nghĩa Chúa Kitô là đầu Giáo hội, thì nghĩa vụ của người đàn ông là tiến hành mô hình thu nhỏ này của Nhiệm thể vĩ đại cách nào đó có thể giúp cho mỗi chi thể của nó có thể phát triển các năng khiếu của họ một cách hoàn hảo và góp phần vào ơn cứu rỗi của toàn bộ cơ thể, và mỗi chi thể đạt được sự cứu rỗi của chính họ. Người chồng không phải là Chúa Kitô và không có quyền ban bố tài năng. Nhưng họ có quyền mang các tài năng hiện có đến chỗ phát triển (hoặc triệt tiêu chúng), vì chắc chắn người ta có thể hữu ích trong việc phát triển các năng khiếu của người khác. Và phần họ, khôn ngoan là không để cho những năng khiếu này bị hao mòn đi, nhưng giúp chúng được phát triển vì lợi ích của mọi người. Và vì bản thân họ không hoàn hảo như Chúa Kitô, mà là một tạo vật có nhiều ơn phúc và khiếm khuyết, sự khôn ngoan cao nhất của họ có thể là cho phép những ơn phúc của các chi thể khác bù đắp cho những khiếm khuyết của họ, cũng như có thể là sự khôn ngoan chính trị cao nhất của người có toàn quyền là cho phép một bộ trưởng sáng suốt cai trị. Tuy nhiên, điều cần thiết cho phúc lợi của cơ thể là việc này phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của đầu. Nếu thân xác chống lại đầu, cơ thể sẽ chịu nhiều tổn thương khi đầu phải để cơ thể hao mòn đi.

Mặc dù Thư gửi tín hữu Êphêsô đề cập đến sự kết hợp hôn nhân, nhưng Thánh Tông đồ nói còn tương cảm hơn về vị trí của người phụ nữ trong cộng đồng trong Thư thứ nhất gửi Timôtê. Họ nên ăn mặc giản dị và đoan trang, và thể hiện lòng đạo dức của mình qua những việc làm tốt (38). “Người phụ nữ phải học trong im lặng, trong sự khiêm nhường hoàn toàn” (39). Nhưng tôi không cho phép một người phụ nữ dạy dỗ, cũng không đề cao họ hơn người đàn ông; đúng hơn, họ nên giữ im lặng (40). Vì Ađam được tạo dựng trước, rồi mới tới Evà (41), và Ađam không bị cám dỗ mà là người đàn bà bị cám dỗ và sau đó khởi diễn việc vi phạm (42). Nhưng họ sẽ đạt được ơn cứu rỗi nhờ việc sinh con, miễn là họ kiên vững trong đức tin, tình yêu, dè dặt kín đáo thánh thiện" (43).

Ở đây, một cách thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong Thư gửi tín hữu Côrintô, người ta có ấn tượng là trật tự nguyên thủy và trật tự cứu chuộc bị phụ thuộc vào trật tự của bản chất sa ngã, và Thánh Tông đồ vẫn nói về mình rõ ràng như một người Do Thái theo tinh thần lề luật. Khái niệm của Tin Mừng về đức đồng trinh dường như bị lãng quên hoàn toàn. Những gì được nói ở đây và những gì khả thi liên quan đến một số sự việc không thích đáng trong cộng đồng Hy Lạp không được coi có tính ràng buộc đối với giáo huấn chính về mối liên hệ giới tính. Nó mâu thuẫn quá mạnh mẽ đối với những lời nói và toàn bộ phong tục của Chúa, Đấng có các phụ nữ trong số những người bạn đồng hành thân cận nhất của Người, và là những người chứng minh rằng trong công trình cứu chuộc của Người, Người quan tâm đến linh hồn của đàn bà cũng như đến linh hồn của đàn ông. Nó thậm chí còn mâu thuẫn cả với chính đoạn văn đó của Thánh Phaolô, một đoạn văn có thể phát biểu một cách tinh ròng nhất tinh thần của Tin Mừng. “Lề luật là quản giáo cho đến khi Chúa Giêsu Kitô đến dạy rằng chúng ta có thể được công chính hóa nhờ đức tin. Nhưng bây giờ đức tin đó đã đến, chúng ta không còn chịu sự giám hộ của Lề luật nữa... Không còn người Do Thái hay người Hy Lạp, nô lệ hay người tự do; không còn nam hay nữ. Vì anh em đều là một trong Chúa Giêsu Kitô” (44)

Trước khi chúng ta tiếp tục thảo luận về những gì Lời Chúa ngỏ với chúng ta về bản chất của người nam và người nữ, theo khả năng hiểu biết của chúng ta, chúng ta muốn tóm tắt những gì đã được nói cho đến nay.

Ơn gọi của người nam và người nữ không hoàn toàn giống nhau trong trật tự ban đầu, trật tự của bản chất sa ngã, và trật tự cứu chuộc. Ban đầu, đàn ông và đàn bà đều phải chịu trách nhiệm duy trì sự giống như Thiên Chúa của họ, quyền chúa tể của họ trên trái đất, và việc sinh sản của loài người. Vị trí ưu việt của người đàn ông, điều dường như được ngụ ý bởi sự kiện họ được tạo ra trước, không được giải thích sâu sắc nhiều hơn. Sau cuộc Sa ngã của họ, mối liên hệ giữa họ bị biến đổi từ mối liên hệ tình yêu tinh ròng trở thành mối liên hệ tối quyền và tùng phục và bị bóp méo bởi tư dục. Cuộc đấu tranh khó khăn để hiện hữu được phân bổ chủ yếu cho đàn ông và khó khăn khi sinh con được phân bổ chủ yếu cho phụ nữ. Nhưng lời hứa cứu chuộc vẫn hiện diện bao lâu người phụ nữ được giao cho trọng trách chiến đấu chống lại cái ác; giới tính nam sẽ được đề cao bởi việc xuất hiện của Con Thiên Chúa. Việc cứu chuộc sẽ khôi phục lại trật tự lúc ban đầu. Tính ưu việt của người đàn ông được tiết lộ qua việc Đấng Cứu Rỗi đến thế gian dưới hình thức người đàn ông. Giới tính nữ được đánh giá cao nhờ sự kiện Đấng Cứu Rỗi được sinh ra từ một người mẹ phàm nhân; người phụ nữ là cửa ngõ qua đó Thiên Chúa tìm được lối vào với loài người. Ađam như một nguyên mẫu nhân bản cho thấy vị vua thần-nhân trong tương lai của sáng thế; chỉ như thế, mọi người đàn ông trong vương quốc Thiên Chúa nên noi gương Chúa Kitô, và trong kết liên (partnership) hôn nhân, họ phải noi gương sự chăm sóc yêu thương của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Người phụ nữ nên tôn vinh hình ảnh của Chúa Kitô nơi chồng mình bằng cách phục tùng tự do và yêu thương; chính họ là hình ảnh của mẹ Thiên Chúa; nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ phải là hình ảnh của Chúa Kitô.

Còn tiếp