II. VIỆC ĐÀO TẠO PHỤ NỮ
Thiên hướng tâm linh đặc thù mà chúng ta đã và đang nói tới là bản thể phải được hình thành: những khả năng căn bản, vốn hiện hữu từ ban đầu, rất độc đáo về mức độ và kiểu loại đối với mỗi linh hồn con người. Nó không phải là vật liệu vô tri vô giác cần được phát triển hoặc hình thành hoàn toàn theo cách bên ngoài, như đất sét bởi bàn tay của nghệ nhân hoặc đá bởi các lực mạnh mẽ của thời tiết; đúng hơn nó là một gốc rễ sống để hình thành mang sẵn trong mình năng lực thúc đẩy (mô thức bên trong) (2) hướng tới việc phát triển theo một hướng đặc thù; hạt giống phải mọc lên và chín mùi thành cấu trúc [gestalt] hoàn hảo, một sáng tạo hoàn hảo. Hình dung như thế, việc đào tạo tinh thần là một diễn trình phát triển tương tự như diễn trình phát triển của thực vật. Tuy nhiên, việc mọc lên và phát triển hữu cơ của cây cối không hoàn toàn xuất phát từ bên trong: cũng có những ảnh hưởng bên ngoài phối hợp với nhau để xác định sự hình thành của nó, chẳng hạn như khí hậu, đất đai, v.v.; vì vậy, cả nhân tố bên trong và bên ngoài đều đóng một vai trò trong việc đào tạo linh hồn. Chúng ta đã thấy linh hồn chỉ có thể được phát triển nhờ việc kích hoạt các khả năng của nó; và các khả năng này phụ thuộc vào vật chất phải được kích hoạt (và, quả thực, phụ thuộc vào vật chất thích hợp với chúng): các giác quan, qua các ấn tượng chúng tiếp nhận và xử lý, trí hiểu qua hoạt động của tâm trí, ý chí qua các thành tựu đặc trưng đối với nó, các cảm xúc qua nhiều loại cảm quan, tâm trạng và thái độ. Các động cơ rõ ràng, vốn đưa các khả năng vào hoạt động, là điều cần thiết cho tất cả những điều này.
Tiếp xúc đơn giản với những người khác và với môi trường xung quanh mình thường đủ để kích thích một số đáp ứng nào đó. Cuộc hiện hữu bình thường hàng ngày tạo điều kiện cho việc đào tạo tinh thần. Tuy nhiên, cần có việc giáo huấn và hướng dẫn cho các đáp ứng khác, đặc biệt là những đáp ứng liên quan đến các khả năng cao hơn. Nên dành chỗ cho sự tự phát cũng như việc làm và giáo huấn có kế hoạch. Việc đào tạo đòi phải tạo ra các chủ đề giáo dục, một việc sẽ tạo nhiệm vụ cho trí hiểu và ý chí, khuấy động các cảm xúc và làm linh hồn nên trọn [fulfill]. Nhưng ở đây chúng ta bước vào lĩnh vực các giá trị - điều tốt, điều đẹp, điều cao thượng, điều thánh thiêng - các giá trị chuyên biệt, vốn độc đáo cho từng linh hồn và cho phẩm tính cá thể của nó.
Công việc nhận thức và thành tựu của ý chí là những hành động tự do; cũng thế, việc chiều theo hoặc bác bỏ các kích thích cảm xúc ban đầu, không cố ý, tự điều khiển cũng là một vấn đề của tự do. Như thế, hữu thể nhân bản, nhờ được tự do đánh thức, không đơn giản phó mình cho các ảnh hưởng đào tạo bên ngoài; nhưng ngược lại, họ có thể phó mình cho chúng hoặc bác bỏ chúng khi họ tìm kiếm hoặc xa tránh các ảnh hưởng đào tạo khả hữu. Và như vậy, hoạt động tự do của cá nhân cũng là một nhân tố đào tạo tinh thần.
Tất cả các nhân tố giáo dục bên ngoài — cuộc sống hàng ngày, có kế hoạch cũng như tự do, việc làm tự phát triển—về phương diện hữu hiệu của chúng, đều bị ràng buộc vào nhân tố đầu tiên, thiên hướng tự nhiên; chúng không thể đem lại cho người đó các phẩm tính mà do bản chất, vốn không có ở nơi họ. Nền giáo dục của con người chỉ có thể cung cấp chủ đề và làm cho nó trở nên “dễ nuốt”; nó có thể dẫn đường và “chứng minh” để kích thích hoạt động, nhưng nó không thể buộc người ta chấp nhận hoặc mô phỏng. Bản chất đặt ra các giới hạn cho công việc đào tạo bản thân. Bản chất và ý chí tự do của chủ thể đặt ra các giới hạn cho việc đào tạo tinh thần. Nhưng có một Nhà giáo dục mà đối với Người những giới hạn này không hiện hữu: Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng bản chất, có thể biến đổi nó bằng cách làm nó không phát triển theo diễn trình tự nhiên của nó (cũng như Người có thể can thiệp bằng phép lạ của Người trong diễn trình bình thường của các hiện tượng tự nhiên bên ngoài). Và mặc dù Người cũng đã loại trừ một quy luật tất yếu có tính máy móc khỏi ý chí con người bằng cách ban cho nó ơn phúc tự do của Người, nhưng Người có thể mang khuynh hướng bên trong của ý chí đến một quyết định thi hành điều đã được trình bày cho nó.
Như vậy chúng ta đã đạt được một cái nhìn sâu sắc nào đó về bản chất của giáo dục: diễn trình đào tạo thiên hướng tâm linh tự nhiên. Trong cách sử dụng thông thường, hạn từ “giáo dục” cũng biểu thị kết quả của những diễn trình này – dạng [gestalt] mà linh hồn mang lấy, có lẽ cũng là linh hồn đã được đào tạo như thế, và thậm chí cả những vấn đề tâm linh mà nó tiếp nhận.
Trong việc cố gắng khuôn định một chương trình giáo dục phù hợp cho phụ nữ, người ta thường nhấn mạnh đến các vấn đề về phương pháp. Bất cứ ai quan tâm đến việc giáo dục tinh thần của phụ nữ, trước hết, phải nhận thức được chất liệu mà họ đang xử lý, tức là thiên hướng của con người mà họ phải giáo dục. Họ phải đặc biệt hiểu phẩm tính độc đáo của linh đạo nữ giới và bản chất cá nhân của người học trò. Họ cũng phải ý thức được những ảnh hưởng trước đó, chẳng hạn như môi trường gia đình, vốn đã ảnh hưởng và vẫn còn ảnh hưởng đến học trò của họ. Họ phải biết liệu chúng có hòa hợp hay không với mục tiêu và các mục đích riêng của mình hoặc nếu chúng không hòa hợp, thì cần phải cố gắng loại bỏ chúng. Nhà giáo dục phải hoàn toàn ý thức được các mục tiêu mà họ đã đặt ra cho chính mình và cho những người khác, một điều, tất nhiên, lệ thuộc vào viễn kiến tổng thể của họ về thế giới. Và cần phải nỗ lực liên tục để phân biệt giữa các mục tiêu chung cho tất cả hữu thể nhân bản, các mục tiêu giáo dục đặc biệt nữ giới và các mục tiêu cá nhân. Không thể thiết lập những điều này một cách tùy tiện mà phải được chính Thiên Chúa ấn định. Kinh Thánh khuyên chúng ta về số phận của con người nói chung và của người phụ nữ nói riêng. Truyền thống của Giáo hội và các giáo huấn đức tin giúp chúng ta giải thích giáo huấn Kinh thánh này (3). Dụ ngôn các nén bạc đề cập đến ơn phúc độc đáo được ban cho mỗi cá nhân; lời lẽ của Thánh Tông đồ mô tả vô số ơn phúc được ban cho trong Nhiệm thể của Chúa Kitô. Cá nhân phải khám phá ra ơn phúc độc đáo của riêng mình.
Thiên Chúa đã ban cho mỗi con người một số phận ba chiều: phát triển nên giống như Thiên Chúa qua việc phát triển các khả năng của mình, sinh sản ra hậu duệ và làm chủ trái đất. Ngoài ra, có lời hứa rằng một đời sống đức tin và sự kết hợp bản thân với Đấng Cứu Chuộc sẽ được ban thưởng bằng việc được chiêm ngưỡng Thiên Chúa vĩnh viễn. Những số phận này, tự nhiên và siêu nhiên, giống hệt nhau đối với cả nam lẫn nữ. Nhưng trong lĩnh vực nghĩa vụ, các dị biệt được xác định bởi giới tính. Quyền thống trị trái đất là nghề nghiệp chính của đàn ông: vì việc này, người phụ nữ được đặt bên cạnh họ như một người giúp đỡ. Ơn gọi chính của người phụ nữ là sinh sản và nuôi dạy con cái; vì điều này, người đàn ông được ban cho nàng như một người bảo vệ. Vì vậy, thật là thích hợp khi những ơn phúc giống nhau diễn ra ở cả hai, nhưng với tỷ lệ và mối liên hệ khác nhau. Trong trường hợp người đàn ông, các ơn phúc đấu tranh, chinh phục và thống trị là đặc biệt cần thiết: sức mạnh thể xác để chiếm hữu điều ở bên ngoài họ, trí hiểu để dùng nhận thức hiểu thấu thế giới, sức mạnh của ý chí và hành động để làm các công việc có bản chất sáng tạo. Với người phụ nữ, có các khả năng chăm sóc, bảo vệ và thúc đẩy điều đang trở thành và lớn lên. Do đó, nàng có ơn phúc sống trong một la bàn ràng buộc thân thiết về thể lý và thu thập lực lượng của mình trong im lặng; mặt khác, nàng được tạo ra để chịu đựng đau đớn, để thích nghi và từ bỏ mình. Về mặt tâm hồn, nàng hướng về điều cụ thể, điều cá thể và bản vị: nàng có khả năng nắm bắt điều cụ thể trong tính cá thể của nó và tự thích nghi với nó, và nàng khao khát được giúp tính đặc thù này phát triển. Một thiết bị tương đương với thiết bị của người đàn ông được bao gồm trong khả năng thích ứng này, cũng như khả năng thực hiện cùng một công việc giống như chàng, chung với chàng hoặc thay thế chàng.
Trong Cựu ước, những chứng từ từ cuộc Sa ngã trở đi, tức là những chứng từ cho rằng với bản chất sa ngã, hôn nhân và chức phận làm mẹ được trình bày phần nào như số phận chuyên nhất của người phụ nữ. Những điều này thậm chí còn là những phương tiện để hoàn thành mục tiêu siêu nhiên của họ: Họ phải sinh con cái và nuôi dạy chúng trong đức tin vào Đấng Cứu Chuộc để một ngày kia, họ sẽ được nhìn thấy ơn cứu rỗi của mình trong chúng. (Thỉnh thoảng, cách giải thích này cũng được nói đến trong các thư của Thánh Phaolô).
Tân Ước đặt lý tưởng đồng trinh bên cạnh điều trên. Thay cho sợi dây hôn phối, sự hiệp thông bản thân mật thiết nhất với Đấng Cứu Rỗi, sự phát triển mọi khả năng để phục vụ Người, và chức phận làm mẹ thiêng liêng - tức là việc chiếm các linh hồn và đào tạo họ cho Thiên Chúa - đã được đề nghị. Người ta không nên giải thích sự khác biệt về ơn gọi này như thể trong trường hợp này, đó chỉ là mục tiêu tự nhiên được xem xét, còn trong trường hợp kia, đó chỉ là mục tiêu siêu nhiên. Người phụ nữ hoàn thành số phận làm vợ và làm mẹ cũng có nhiệm vụ đối với vương quốc Thiên Chúa — khởi đầu, việc truyền sinh các hữu thể nhân bản được định cho vương quốc này, nhưng sau đó cũng hoạt động để cứu rỗi các linh hồn; chỉ có điều đối với họ, điều này trước hết nằm trong vòng gia đình. Mặt khác, ngay trong đời sống hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa, cũng cần có sự phát triển các sức mạnh tự nhiên, ngoại trừ việc lúc này chúng có thể được dành một cách chuyên nhất hơn vào các vấn đề liên quan đến vương quốc Thiên Chúa và do đó thậm chí có thể mang lại lợi ích cho nhóm người rộng lớn hơn. Những công việc cho vương quốc Thiên Chúa này không xa lạ với bản chất nữ giới mà trái lại, là sự hoàn tất cao cả nhất của nó và cũng là sự thăng tiến cao nhất có thể quan niệm được của con người. Điều này đúng bao lâu hành động của mối liên hệ bản thân được phát sinh từ tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận, hoạt động qua tình yêu thương Thiên Chúa và người lân cận, và dẫn đến tình yêu Thiên Chúa và người lân cận.
Do đó, việc giáo dục người phụ nữ Kitô giáo có một mục tiêu kép: dẫn họ đến điều khiến họ có thể làm tròn bổn phận làm vợ và làm mẹ theo nghĩa tự nhiên và siêu nhiên hoặc hiến dâng mọi năng lực của họ cho vương quốc Thiên Chúa trong đức khiết trinh dành cho Người. (Không nên đặt hôn nhân và đời sống tu trì như những lựa chọn thay thế. Các dấu chỉ cho thấy thời đại của chúng ta cần những người biết sống cuộc sống hiến mình cho Thiên Chúa “trong thế gian”; tuy nhiên, điều này chắc chắn không có nghĩa là cuộc sống tu trì đã “lỗi thời”).
Chúng ta có thể làm gì để nhắm tới mục tiêu này? Chúng ta đã chỉ ra rằng người phụ nữ được tạo nên cho mục đích này; Tuy nhiên, trong bản chất sa ngã, có những động lực hoạt động cùng một lúc đối lập với nó. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cung cấp các chủ đề giáo dục cần thiết và có lợi cho sự phát triển trong sáng của linh hồn và đủ sức để ngăn chặn những động cơ không lành mạnh. Và những vấn đề này phải được trình bày một cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận chúng phù hợp với tính tiềm năng.
Các cảm xúc vốn được coi như trung tâm của linh hồn phụ nữ. Vì lý do này, việc đào tạo cảm xúc phải được đặt ở vị trí trung tâm trong việc đào tạo người phụ nữ. Cảm xúc hiện hữu trong các tình cảm như vui và buồn, các tâm trạng như hân hoan và u sầu, các thái độ như nhiệt tình và phẫn nộ, và các thái độ như yêu và ghét. Những phản ứng cảm xúc như vậy chứng tỏ sự xung đột của cá nhân với thế giới và cả với bản thân họ. Chỉ người nào gắn bó sâu sắc với cuộc sống mới có cảm xúc sôi nổi. Bất cứ ai muốn khơi dậy cảm xúc phải đưa nó tiếp xúc với điều gì đó có thể thúc đẩy việc tham gia này. Trên hết, đây là số phận con người và hành động của con người như lịch sử và văn học từng trình bầy chúng với giới trẻ - dĩ nhiên, đây cũng sẽ là những biến cố đương thời. Nó là vẻ đẹp trong mọi hệ quả của nó và mọi phạm trù thẩm mỹ khác. Đó là sự thật thúc đẩy tinh thần của con người theo đuổi việc tìm kiếm không ngừng. Đó là mọi điều hoạt động trong thế giới này bằng sức mạnh mầu nhiệm và sự lôi kéo của một thế giới khác. Các môn đặc biệt có tính cảm giới trong việc đào tạo cảm xúc là tôn giáo, lịch sử, tiếng Đức, và có thể các ngôn ngữ khác nếu người học thành công trong việc vượt qua các khó khăn về ngữ học nước ngoài và có khả năng đào sâu nội dung tâm linh.
Nhưng nói chung, chỉ khuấy động cảm xúc thôi là không đủ. Có một nhân tố đánh giá trong mọi phản ứng xúc cảm. Những gì cảm xúc nắm bắt được đều được coi là có ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, một là đối với cá nhân liên hệ hai là, được xem xét theo ý nghĩa đối tượng trong chính nó, độc lập với họ. Do đó, các phản ứng cảm xúc có thể được đánh giá là “đúng” hoặc “sai”, “thích hợp” hoặc “không thích hợp”. Đó là vấn đề đánh thức cảm xúc tươi vui đối với vẻ đẹp và điều tốt chân chính và ghê tởm đối với những gì thấp hèn và thô tục. Điều quan trọng là hướng dẫn giới trẻ tri nhận điều đẹp và điều tốt, nhưng như thế vẫn không đủ. Thông thường, đứa trẻ đầu tiên được đánh thức trước giá trị của mọi sự bằng việc nó ý thức được phản ứng của người lớn — trên hết là phản ứng của thầy cô — sự nhiệt tình truyền cảm hứng cho sự nhiệt tình. Việc hướng dẫn các thái độ cùng một lúc là phương pháp rèn luyện khả năng biện phân. Người ta không thể chỉ giới thiệu cho em điều tốt và điều đẹp: cuộc sống cũng sẽ đưa em tiếp xúc với điều xấu, và lúc đó đứa trẻ đã phải học được cách phân biệt giữa tích cực và tiêu cực, cao quý và đê tiện, và học cách thích ứng bản thân theo những cách thích hợp. Phương pháp hữu hiệu nhất là trải nghiệm các thái độ đối với môi trường. Thái độ của một cá nhân đang phát triển đối với thế giới phụ thuộc rất nhiều vào những ảnh hưởng của môi trường, vốn có tính tùy hứng và theo bản năng. Và do đó, điều có ý nghĩa hết sức ngoại thường là việc giáo dục trẻ em phải được đặt trong tay những người từng nhận được sự đào tạo cảm xúc thích đáng.
Tuy nhiên, song hành với phương pháp đào tạo tình cảm chủ yếu nhất, thậm chí không thể thiếu này qua các phán đoán về giá trị luôn có một nguy cơ nào đó: các cảm quan và các thái độ xúc cảm có tính “lây lan”; chúng dễ dàng được lãnh hội bởi người này từ người khác. Những thái độ này, thực sự, chỉ là các thiên hướng thuần túy trong linh hồn bị ảnh hưởng. Đầu tiên, tâm trí không cởi mở đối với các giá trị được trình bày; và những tình cảm này, hơn nữa, không phải là nhất thời hay chung chung. Do đó, một nền giáo dục thực sự không đạt được vì ảo tưởng đã được cho là thực tại. Do đó, cần có sự giáo dục liên quan đến tính chân chính của tình cảm, sự phân biệt vẻ ngoài với thực tại cả trong môi trường lẫn linh hồn riêng của người ta. Điều này bất khả nếu không được đào tạo đầy đủ về tri thức. Trí hiểu và cảm xúc phải hợp tác một cách đặc thù để chuyển hóa các thái độ thuần túy xúc cảm thành việc nhận thức được các giá trị. (Ở đây, chúng ta không quan tâm đến việc chứng minh phương pháp hợp tác này). Bất cứ ai biết chính xác lý do tại sao một điều gì đó tốt hay đẹp sẽ không chỉ theo các thái độ của người khác. Và sau đó, việc thi hành khả năng phê bình trí thức này sẽ phát triển khả năng phân biệt giữa sự thật và sự giả tâm linh. Các phản ứng cảm xúc dẫn đến hành động. Người yêu nghệ thuật chân chính sẽ vui lòng hy sinh sự thoải mái vì mục đích thưởng thức nghệ thuật. Những ai thực sự yêu thương người lân cận sẽ không vô cảm và thờ ơ với nhu cầu của người lân cận. Lời nói nên truyền cảm hứng cho hành động; nếu không, lời nói chỉ là những lời hoa mỹ ngụy trang cho hư vô, che giấu những cảm xúc và ý kiến trống rỗng hoặc ảo tưởng.
Trong những thập niên trước, các môn học rèn luyện cảm xúc đã trở thành mục tiêu chính của việc giáo dục các phụ nữ trẻ. Việc đào tạo như thế tương ứng với bản chất nữ giới. Nhưng đã có sự bỏ quên một bổ sung không thể thiếu, đó là việc rèn luyện thực tế và kích hoạt trí hiểu. Kiểu giáo dục này đã tạo ra một kiểu phụ nữ sống ảo tưởng, một người phụ nữ hoặc từ chối các nhiệm vụ thực tế hoặc buông xuôi bản thân một cách bất lực trước những cảm xúc và tâm trạng dao động, không ngừng tìm kiếm sự phấn khích. Một người phụ nữ như vậy chỉ là người được đào tạo yếu ớt cho cuộc sống và không tạo được việc làm hữu hiệu nào. Trường học hiện đại tìm cách khắc phục những khiếm khuyết đó. Nó đã đưa vào nhiều môn học hơn được thiết kế để rèn luyện tâm trí — toán học, khoa học tự nhiên và các môn cổ điển. Để trí hiểu nắm được nội dung có chủ đề, việc chỉ học thuộc lòng không được nhấn mạnh và người ta khuyến khích tính tự phát. Nhờ cách này, cả trí hiểu và ý chí đều được rèn luyện và chuẩn bị cho những nhiệm vụ thích hợp của họ. Giáo dục hiện đại cũng nhấn mạnh đến đời sống cộng đồng và sự tham gia thực tế vào đó qua các phương tiện như câu lạc bộ trường học, các chuyến đi bộ, các cuộc cử hành và các sinh hoạt nhóm. Những sinh hoạt như vậy chắc chắn chứa đựng những hạt giống hữu hiệu, bất chấp nhiều “căn bệnh trẻ con” luôn gây nguy hiểm cho những đổi mới cấp tiến. Điều nguy hiểm lớn là việc cải cách có thể không xét đầy đủ đến bản chất độc đáo của phụ nữ và kiểu giáo dục mà họ cần, trong khi chỉ giới hạn hẹp hòi trong mô hình các định chế giáo dục dành cho nam giới. Những đòi hỏi thay đổi của cuộc sống thực tiễn làm cho mối nguy này trở nên hiển nhiên.
Trước đây, điều được coi như tất nhiên là việc giáo dục của một cô gái sẽ giúp cô trở thành một người vợ, một người mẹ hoặc một nữ tu. Trong nhiều thế kỷ, hầu như người ta không biết đến bất cứ ơn gọi phụ nữ nào khác. Người ta mong các cô gái được khai tâm vào các sinh hoạt nội trợ và các thực hành tu trì hoặc trong cuộc sống gia đình hoặc tu viện, và do đó được chuẩn bị cho ơn gọi sau này của họ. Cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19 đã cách mạng hóa cuộc sống gia đình trung bình để nó không còn là một lĩnh vực đủ để thu hút mọi tiềm năng của phụ nữ. Đồng thời, đời sống đức tin ngày càng giảm sút đã loại bỏ đời sống tu viện như một sự cân nhắc nghiêm túc đối với hầu hết người ta. Nơi những người có bản tính thụ động, bầu khí này đã dẫn đến việc dìm mình vào một cuộc sống quá nhục dục hoặc những giấc mơ và những lời tán tỉnh trống rỗng. Nơi những người có bản tính hoạt động mạnh mẽ, nó đã dẫn đến việc quay lưng lại với tổ ấm để hướng về sinh hoạt nghề nghiệp. Do đó, phong trào duy nữ đã ra đời.
Trong nhiều thế kỷ, các nghề nghiệp khác với công việc nội trợ hầu như chỉ được thực hiện bởi nam giới. Do đó, lẽ tự nhiên, những nghề nghiệp này mang một dấu ấn nam tính và việc đào tạo dành cho họ đã được điều chỉnh cho phù hợp với bản chất nam giới. Phong trào duy nữ cấp tiến đòi mọi chuyên nghề và ngành giáo dục phải mở cửa cho phụ nữ. Trước sự chống đối gay gắt, phong trào chỉ có thể tiến rất từ từ cho đến khi, gần như đột ngột, nó đạt được gần như mọi đòi hỏi của họ sau một cuộc cách mạng. Lúc khởi đầu phong trào, các phụ nữ bước vào đời sống chuyên nghiệp chủ yếu là những người có năng khiếu và thiên hướng cá nhân đi theo hướng này; và có thể nói một cách tương đối, họ dễ dàng thích nghi. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây đã buộc nhiều phụ nữ phải bước vào đời sống chuyên nghiệp, ngược với ý muốn của họ (4). Do đó đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhưng cũng đã có những kinh nghiệm quý báu. Và chúng ta đã tới điểm có thể đặt ra những câu hỏi mà, theo đúng lý lẽ, lẽ ra phải được giải đáp trước khi phong trào bắt đầu. Có những ngành nghề đặc biệt của nữ giới không? Chúng là những nghề nào? Phụ nữ có yêu cầu nền giáo dục khác với nền giáo dục dành cho nam giới không? Nếu có thì việc giáo dục như vậy phải được tổ chức như thế nào?
Bây giờ chúng ta hãy tóm tắt ngắn gọn những phương thức khác nhau về giáo dục phụ nữ mà chúng ta đã thảo luận. Bản chất và số phận của người phụ nữ đòi hỏi một nền giáo dục có thể truyền cảm hứng cho những công việc thuộc tình yêu hữu hiệu. Như vậy, việc huấn luyện xúc cảm là yếu tố quan trọng nhất cần có trong việc đào tạo người phụ nữ; tuy nhiên, sự đào tạo đích thực đó có liên hệ tới sự minh mẫn của trí hiểu và năng lực cũng như khả năng thực hành. Nền giáo dục này đào tạo một thiên hướng đúng đắn cho linh hồn phù hợp với các giá trị khách quan, và nó giúp thực hiện một cách thực tế thiên hướng này. Việc đặt các giá trị siêu nhiên lên trên mọi giá trị trần thế, tuân theo một phẩm trật giá trị khách quan. Việc khai tâm thái độ này cũng cho thấy một sự tương tự so với ơn gọi tương lai của việc đào tạo con người cho vương quốc Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao yếu tính của mọi nền giáo dục nữ giới (cũng như giáo dục nói chung) phải là giáo dục tôn giáo, một nền giáo dục có thể truyền đạt các chân lý đức tin một cách có thể khêu gợi cảm xúc và gây hứng cho hành động. Việc đào tạo như vậy được thiết kế để thực hiện cùng một lúc các hoạt động thực tiễn bằng đời sống đức tin. Cá nhân sẽ quan tâm đến những hoạt động này trong suốt cuộc đời của họ: phát triển đời sống đức tin và cầu nguyện với Giáo hội qua phụng vụ, cũng như tạo ra một mối liên hệ bản thân mới với Chúa, nhất là qua sự hiểu biết về Thánh Thể và một đời sống Thánh Thể thực sự. Tất nhiên, giáo dục tôn giáo như vậy chỉ có thể được truyền đạt bởi những nhân cách mà bản thân họ tràn đầy tinh thần đức tin và cuộc sống của họ được nó tạo hình.
Cùng với việc giáo dục tôn giáo này, cần phải ý thức và phản ứng đối với nhân tính. Các môn học có thể đóng góp vào ý thức này là lịch sử, văn học, sinh học, tâm lý học và sư phạm; tất nhiên, các môn học này nên được trình bày dưới dạng đơn giản hóa để đáp ứng tiềm năng của người học. Nhưng sự dạy dỗ này chỉ có hiệu quả khi có sự hướng dẫn thích đáng và nếu có cơ hội để áp dụng nó vào đời sống thực tiễn. Cần thiết cho sự phát triển trí hiểu là các môn học chủ yếu có tính giáo dục chính thức - toán học, khoa học tự nhiên, ngữ học và văn phạm. Nhưng không nên quá nhấn mạnh tới chúng đến gây hại cho năng lực của người học hoặc các yếu tố chủ yếu hơn của nền giáo dục nữ giới.
Phương pháp giảng dạy phải tự do và uyển chuyển để không những chỉ tính đến những người có năng khiếu đặc biệt mà còn tạo cơ hội cho mọi người học các môn lý thuyết và trau dồi năng khiếu kỹ thuật và nghệ thuật. Sự lựa chọn nghề nghiệp sau này của mỗi cá nhân phải được lưu ý. Hiển nhiên, khi làm tất cả những điều này, bản thân các nhà giáo phải được đào tạo kỹ lưỡng về lĩnh vực liên hệ của họ. Và, tất nhiên, để phụ nữ được lên khuôn phù hợp với bản chất và số phận đích thực của họ, họ phải được giáo dục bởi những người phụ nữ chân chính.
Nhưng ngay cả những giáo viên giỏi nhất và những phương pháp tốt nhất cũng không thể bảo đảm thành công vì sức người có hạn. Tuy nhiên, nền giáo dục chính thức chỉ là một phần của diễn trình giáo dục toàn diện. Giáo dục chính thức phải tính đến các năng lực của người học và đến những tác động bên ngoài mà người học phải chịu; nhưng nó không có khả năng nhận diện được tất cả các nhân tố này cũng như đối phó hữu hiệu với chúng. Hơn nữa, giáo dục chính thức kết thúc rất lâu trước khi toàn bộ diễn trình giáo dục được hoàn tất. Người giảng dậy thậm chí có thể coi việc học là thành công nếu người học đã được chuẩn bị để tiếp tục việc giáo dục của họ một cách độc lập theo hướng đã được khai tâm. Nhưng các hoàn cảnh của đời sống hàng ngày thường can thiệp và tạo điều kiện cho những động lực hoàn toàn tự nhiên chiếm ưu thế.
Sự không chắc chắn bao trùm toàn bộ diễn trình giáo dục con người, và nhà giáo dục có xu hướng luôn khiêm tốn trong việc tính toán phần đóng góp của mình vào thành quả. Tuy nhiên, họ không nên để mình rơi vào hoài nghi hoặc tuyệt vọng. Nhà giáo dục nên xác tín rằng nỗ lực của họ là điều quan trọng, mặc dù họ không luôn đo lường được kết quả của các nỗ lực của mình, mặc dù đôi khi họ không bao giờ ý thức được chúng. Họ đừng bao giờ quên rằng, trên hết, Nhà giáo dục đệ nhất đẳng và thiết yếu nhất không phải là con người mà là chính Thiên Chúa. Người ban bản chất cũng như các hoàn cảnh sống trong đó nó phát triển; Người cũng có quyền năng biến đổi bản chất từ bên trong và bằng các công trình của Người, Người can thiệp vào các công việc trong đó sức lực của con người không thành công. Nếu việc giáo dục tôn giáo thành công trong việc phá vỡ sự phản kháng đối với giáo huấn thần linh, thì người ta có thể chắc chắn về mọi điều khác. Chúng ta cũng nên xác tín rằng, trong nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa, không có nỗ lực chân thành nào là không có kết quả dù mắt người không tri nhận được gì ngoài những thất bại.
Còn tiếp